Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Lịch sử quyền sử dụng súng ở Mỹ - VnExpress

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/tu-lieu/2012/12/lich-su-quyen-su-dung-sung-o-my/

Lịch sử quyền sử dụng súng ở Mỹ

Không phải đợi tới khi vụ xả súng hôm 14/12 xảy ra, thì người ta mới nghĩ về việc thắt chặt luật sử dụng vũ khí ở Mỹ. Nhưng quốc gia này có một lịch sử, một nền văn hóa, và một huyền thoại liên quan tới những khẩu súng.
> Chân dung nghi phạm thảm sát trường học Mỹ

Một cô bé đang cầu nguyện cho những người bạn xấu số trong vụ thảm sát tại trường tiểu học ở bang Connecticut hôm 14/12. Ảnh: AFP

"Tôi không nghĩ còn một quốc gia phát triển nào trên thế giới lại phải chịu đựng những vấn đề giống như chúng ta", một quốc gia phát triển nào khác trên thế giới có những vấn đề như chúng ta", Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg nói sau khi những tin tức về vụ thảm sát tại một rạp chiếu phim ở bang Colorado hồi tháng 7 được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vết thương cũ chưa lành thì một lần nữa, người dân Mỹ lại phải hứng chịu một cú sốc lớn khi hôm 14/12, Adam Lanza, một thanh niên 20 tuổi, đã xả súng giết chết 27 người, trong đó có 20 trẻ em, tại một trường tiểu học ở bang Connecticut. Trước đó, hai dân thường đã tử nạn trong một vụ xả súng tại Oregon hôm 12/12.

Ước tính với khoảng 270 triệu khẩu súng đang được sở hữu trong dân, Mỹ đã trở thành quốc gia có tỷ lệ vũ khí trên đầu người cao nhất thế giới. Đứng thứ hai là Yemen, một đất nước của các bộ lạc và những vụ tranh chấp nội bộ.

Từ thủ đô Washington tới những cửa hàng tạp hóa mang biển hiệu Walmart trên khắp nước Mỹ, súng đạn, cũng giống như bánh mỳ, sữa tươi hay quần áo, là mặt hàng tiêu dùng phổ biến cho giới thợ săn, các nhà sưu tập và những người muốn đảm bảo cho sự an toàn của chính họ. Và tất nhiên, nó cũng có mặt trong những ngăn kéo tủ hay dưới gậm giường của hàng nghìn kẻ sát nhân. Theo thống kê của nhóm những nhà hoạt động chống phổ biến vũ khí có trụ sở tại Washington, những khẩu súng này đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng hoặc bị thương mỗi năm. Năm 2010, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 30.000 ca tử vong do trúng đạn.

Ký ức về một miền tây hoang dã hồi những năm 1800, vụ ám sát cựu tổng thống John F. Kennedy và nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King nửa thế kỷ trước hay các vụ thảm sát Columbine hồi năm 1999 và Virginia Tech hồi năm 2007, luôn đi liền với hình ảnh của những khẩu súng.

"Đó là sự thật không thể chối cãi", Clayton Cramer, tác giả của cuốn sách "Armed America: the Remarkable Story of How and Why Guns Became as American as Apple Pie" (tạm dịch: "Nước Mỹ vũ trang: Câu chuyện đáng nhớ về việc vì sao và bằng cách nào mà những khẩu súng đã trở thành chiếc bánh táo của người Mỹ"), viết. "Súng là phần cốt lõi trong lịch sử, trong những huyền thoại và trong nỗi kinh hoàng của nước Mỹ."

Những khẩu súng thậm chí đã xuất hiện tại nước Mỹ trước khi quốc gia này được khai sinh. Người da trắng tại một số khu vực của nước này từng được luật pháp cho phép sở hữu và đem theo vũ khí như một phần của chính sách an ninh.

Sau khi nước Mỹ ra đời, các công dân của nó lại tiếp tục được sử dụng vũ khí, không chỉ vì mục đích chống lại các thổ dân da đỏ bản địa, mà còn để chiến đấu với chính đức vua ở mẫu quốc. Những khẩu súng còn được ưu ái xuất hiện trong bản Tuyên ngôn về Nhân quyền, với nội dung: "Vì một đội dân quân được tổ chức nghiêm chỉnh là điều rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, nên quyền lợi của dân chúng phải được đảm bảo và việc sử dụng vũ khí sẽ không bị phương hại".

Hơn hai thế kỷ trôi qua, luật kiểm soát súng dường như vẫn bị bỏ ngỏ và chìm dần vào quên lãng, cho tới khi Tòa án Tối cao đưa ra quyết định cần phải siết chặt hiến pháp để làm giảm quyền lực của chính quyền các bang và địa phương nhằm hạn chế quyền sở hữu súng vào các năm 2008 và 2010.

Hiện tại, khoảng một nửa trong số 50 bang của Mỹ đã thông qua luật cho phép những người sử dụng súng đem theo vũ khí tới hầu hết các địa điểm công cộng một cách công khai. Thậm chí, nhiều bang còn đồng ý để công dân của họ giết người nếu bị đẩy đến tình thế nguy hiểm tới tính mạng. Nhưng thực tế, nhiều vụ nổ súng vẫn xảy ra trong khi nạn nhân của nó hoàn toàn có thể được giải thoát một cách an toàn.

Luật pháp được lập ra để phục vụ chính sách, và chính sách thì được đề xuất bởi những tổ chức như Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA). Từng là một tổ chức không mấy nổi bật của các thợ săn và những người đam mê súng trường, NRA hiện đã trở thành một trong những tổ chức chính trị quyền lực nhất của nước Mỹ. Theo tiết lộ của tờ Washington Post, NRA từng thành công trong việc giúp các ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội hồi năm 2010.

Bên cạnh sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở nghị viện, NRA còn đủ sức ngăn chặn việc ban hành luật kiểm soát súng ở các tòa án.

NRA và những tổ chức ủng hộ việc vũ trang khác đã liên minh với Đảng Cộng hòa, cũng như một bộ phận người dân Mỹ luôn nghi ngờ sức mạnh của chính phủ đương nhiệm, để bày tỏ sự chống đối công khai đối với Washington.

"Khi họ nói rằng một lệnh cấm sở hữu vũ khí sẽ khiến người dân an toàn hơn, thì đừng vội tin vào điều đó, dù chỉ là một giây, vì đó là một sự dối trá, giống như mọi lời nói dối họ từng nói với bạn trước đây", Wayne LaPierre, CEO của NRA, nói trong một cuộc họp với các thành viên của hiệp hội vào năm 2011, sau vụ việc một tay súng đã giết chết 6 người và làm bị thương 13 người khác, trong đó có nữ nghị sĩ Gabrielle Giffords.

"Luật của họ không có tác dụng", ông cho hay.

Kết quả thăm dò cho thấy phần lớn người Mỹ không đồng ý với những nhận định trên. Theo khảo sát của CNN và Gallup, phần đông người Mỹ đang mắc kẹt giữa việc chấp nhận luật kiểm soát súng lỏng lẻo hiện tại và thắt chặt chúng nhiều hơn nữa. Những người ủng hộ việc sử dụng vũ khí tự do chỉ chiếm một lượng rất nhỏ.

Dù vậy, thì dường như vụ xả súng đã khiến nữ nghị sĩ Giffords mất mạng vẫn không thể khiến những đồng nghiệp của bà ở chính quyền liên bang thiết lập thêm một biện pháp kiểm soát súng.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đang chứa đựng những tay súng giết người. Nhưng khi nhắc tới những hành vi bạo lực liên quan tới súng đạn trong dân chúng, thì người ta lập tức nghĩ tới Mỹ. Đất nước này có một lịch sử và nền văn hóa ngắn liền với những khẩu súng.

Quỳnh Hoa (Theo CNN)

Làm hầm trú ẩn cho ngày tận thế - VnExpress

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/anh/2012/12/lam-ham-tru-an-cho-ngay-tan-the/

Làm hầm trú ẩn cho ngày tận thế

Nắm bắt nhu cầu muốn được an toàn trong ngày tận thế, một người đàn ông Mỹ chế tạo ra những boongke chống bom để bán cho những người đồng hương biết lo xa.
> Nạn lừa đảo nở rộ ở Trung Quốc trước 'tận thế'

Chiếc hầm trú ẩn chống được bom này có thể là cách tiện lợi nhất để sống sót trong ngày tận thế, nếu như người Maya thực sự tiên đoán đúng về ngày này. Ron Hubbard, một công dân Mỹ, chế tạo ra những hầm trú ẩn ngầm công nghệ cao và ăn nên làm ra nhờ việc này. Từ chỗ chỉ bán được một cái mỗi tháng như trước đây, giờ ông có thể bán một cái mỗi ngày.

Trong ảnh là khoang chống nhiễm xạ bên trong chiếc hầm trú ẩn. Nó ở ngay cạnh khu sinh hoạt.

Những chiếc hầm trú ấn hình trụ tròn, được sản xuất tại cơ sở của Ron tại bang California, có đường kính 3,048 m và dài 15,24 m. Các hầm trú ẩn này có những ống thoát hiểm với các cửa sập chỉ có thể được mở từ bên trong, cũng như những khoảng không chống nhiễm xạ được bịt kín giữa lối vào và khu sinh hoạt.

Chiếc hầm trú ẩn thứ 50 được hạ xuống vị trí lắp đặt dưới mặt đất.

Những chiếc boongke chống được vũ khí hóa học, hạt nhân và bom được thiết kế có giường, bếp, khu vệ sinh, thậm chí cả các lò sưởi. Ông Ron mô tả chúng như những "hầm tránh bom giải trí" và bán chúng với giá trung bình là 75.000 USD, tùy theo các nhu cầu sử dụng khác nhau.

"Tôi sẽ vào hầm trú ẩn của mình trong ngày 21/12. Tôi đã bán nhiều hầm trú ẩn cho những người tin rằng chúng ta có thể phải chịu ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời mạnh hoặc lượng phóng xạ lớn. Tôi sẽ dành ba ngày để ở dưới lòng đất vì sự an toàn. Nếu bạn có một chiếc hầm trú ẩn, bạn cũng có thể vào bên trong nó. Tôi không nghĩ về bất cứ điều gì sẽ xảy ra, nhưng bạn cũng chẳng bao giờ biết được", Ron nói.

Trong ảnh là 8 người tụ tập trong khu sinh hoạt và ăn uống của một chiếc hầm trú ẩn để cho thấy không gian ở đây rộng rãi như thế nào.

Theo Ron, ông bắt đầu nghĩ về những chiếc hầm trú ẩn vì muốn một cái cho chính mình. "Nhưng tôi không muốn trả 1 tới 2 triệu USD cho nó. Chúng ta có nhiều người muốn mua những chiếc hầm trú ẩn như một dạng bảo hiểm cho kịch bản tồi tệ nhất. Cũng giống như một ai đó mua bảo hiểm hỏa hoạn để phòng khi căn nhà của họ bị cháy", Ron nói.

Trong ảnh là một trong những phòng ngủ với giường đôi ở bên trong chiếc hầm trú ẩn.

Kể từ khi Tổng thống Barack Obama tái đắc cử, Ron đã bán được một chiếc hầm trú ẩn mỗi ngày. Nhiều người lo sợ trước sự sụp đổ của nền kinh tế, trong khi những người khác chỉ đơn giản muốn có một chiếc đề phòng khi một điều gì đó thảm khốc xảy ra.

Trong ảnh là một người đàn ông đang nói về cách mà hệ thống máy tính cho phép con người theo dõi những gì đang xảy ra trên mặt đất.

Khu vực ăn uống bên trong một chiếc hầm trú ẩn.

Một bé gái quay máy bơm nước trong chiếc hầm trú ẩn.

Chiếc hầm trú ẩn được đặt trưng bày cạnh một con đường tại Montebello, bang California.

Hà Giang (Ảnh: Barcroft Media)

Những 'nơi trú ẩn' qua ngày tận thế - VnExpress

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/cuoc-song-do-day/2012/12/nhung-noi-tru-an-qua-ngay-tan-the/

Những 'nơi trú ẩn' qua ngày tận thế

Nếu muốn sống sót trước động đất hay sóng thần có thể xảy ra trong ngày tận thế, bạn nên đến cao nguyên ở châu Phi, nơi có khoảng đất rộng mênh mông, lại không giáp biển và cũng không có vũ khí hạt nhân.

Ngôi làng Bugarach nhỏ bé với dân số 176 người, nằm ở chân dãy Pyrenees của Pháp, những ngày này đông đúc hẳn lên vì tin đồn lan truyền trên mạng rằng đây là nơi duy nhất trên trái đất có thể sống sót qua tận thế. Lý do rất "ngớ ngẩn" bao gồm việc coi đây là "nhà để xe của người ngoài hành tinh", những người này sẽ rời khỏi trái đất và đem theo một vài người may mắn đi cùng. Nhà chức trách Pháp đang phải ngăn chặn những hỗn loạn tại đây và kêu gọi mọi người đừng đến Bugarach nữa.

Người dân ở làng Sirince ở Thổ Nhĩ Kỳ tự tuyên bố ngôi làng của mình có thể cứu rỗi mọi người sống sống qua ngày tận thế 21/12/2012 vì sự linh thiêng, là nơi ra đời của nữ thần Artemis và là nơi đức mẹ đồng trinh Mary lên trời. Dù không có bằng chứng của việc này nhưng cũng đủ để chủ các khách sạn ở địa phương tăng giá lên gấp 20 lần.

Căn hầm trú ẩn Kelvedon Hatch ở Essex, Anh, có từ thời chiến tranh lạnh, sâu 38 m dưới mặt đất, có cửa chống đạn, chứa được 600 người, cũng được cho là là nơi trú ẩn tốt khi thế giới thực sự lâm nguy.

Với độ sâu 2.191 m, hang Krubera ở bang Georgia, Mỹ, hang động sâu nhất thế giới được tin là nơi trú ẩn lý tưởng. Tuy nhiên, nếu không phải là dân thám hiểm chuyên nghiệp, bạn khó có thể xuống trú trong hang đó.
Những nỗi lo sợ rằng có thể xảy ra động đất, sóng thần hay nổ hạt nhân đều khó có thể xảy ra ở châu Phi với những khoảng đất mênh mông, lại không giáp biển, cũng không có nhà máy hạt nhân hay vũ khí nguyên tử nào hướng đến đây. Nếu bạn muốn sống sót, có thể chọn lựa các cao nguyên ở Ethiopia hoặc Lesotho.

Trong những năm 1950, chính phủ Mỹ đã xây dựng cơ sở ngầm dưới dưới khách sạn Greenbrier ở bang West Virginia, để trú ẩn nếu xảy ra vụ nổ hạt nhân. Hầm trú ẩn trong trạng thái sẵn sàng suốt 30 năm nhưng chưa bao giờ được dùng tới, nay được nhớ ra nhân dịp tin đồn "ngày tận thế" lan rộng.

Boongke hạt nhân ở núi Cheyenne, bang Colorado, Mỹ, được mở cửa từ năm 1966, từng là căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Không gian Bắc Mỹ. Cơ sở này có hai chiếc cửa bảo vệ nặng 25 tấn và nhiều đường hầm, hồ chứa nước, nhà máy phát điện. Ngày nay cơ sở này vẫn còn hoạt động như một trung tâm đào tạo.

Với rất nhiều vùng đất cao, Trung Quốc có nhiều nơi để trú ẩn qua "ngày tận thế", trong đó Vạn lý Trường Thành được nhiều kẻ tung tin đồn dùng làm địa điểm thuyết phục những người cả tin chuyển đến trú ẩn.

Khu lăng mộ ở Paris với đường hầm và hành lang dài 280 km ở dưới lòng thành phố, từng được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Đường hầm này có chứa khoảng 6 triệu bộ hài cốt và được mở cửa cho những người ưa thích sự rùng rợn.

Địa đạo Drakelow ở Worcestershire, Anh, dài hơn 5 km, từng có nhà nghỉ, cửa hàng, công xưởng, thiết bị điện, văn phòng, đài phát thanh. Tuy đã ngừng hoạt động nhưng được coi là có thể khôi phục lại và trở thành xã hội thu nhỏ trong tương lai nếu có "bất trắc xảy ra với trái đất".

Một hầm mỏ ở ngoại ô Sala, Thụy Điển, sâu 150 m , chuẩn bị sẵn chiếc giường ấm áp và nhiều nến để sưởi ấm cho những khách quyết định trú ẩn dưới lòng đất trong ngày 21/12. Tuy nhiên, nhiệt độ vẫn khá lạnh, chỉ có 2 độ C và khách hàng được khuyên nên chuẩn bị quần áo thật dày.

Vũ Hà (Ảnh: Alamy)

Các phi cơ Mỹ bị tiêu diệt trong 'Điện Biên Phủ trên không' - VnExpress

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/anh/2012/12/cac-phi-co-my-bi-tieu-diet-trong-dien-bien-phu-tren-khong/

Các phi cơ Mỹ bị tiêu diệt trong 'Điện Biên Phủ trên không'

Không chỉ các pháo đài bay B-52, nhiều mẫu phi cơ khác của quân đội Mỹ lần lượt bốc cháy trên bầu trời Hà Nội, trong 12 ngày đêm không thể quên của trận Điện Biên Phủ trên không.
> Át chủ bài của lưới lửa phòng không Hà Nội

Người Mỹ tự hào gọi máy bay ném bom B-52 Stratofortress là những pháo đài bay. Loại phi cơ oanh kích chiến lược này bắt đầu được sử dụng từ năm 1955. Trong 12 ngày đêm không quân Mỹ leo thang đánh phá Hà Nội và một số thành phố khác vào tháng 12/1972, B-52 được coi là lá bài chủ lực, nhằm đạt hiệu quả đánh phá cao nhất. Ảnh: USAF

Trong đợt đánh phá ác liệt từ 18 tới 29/12/1972, quân đội Mỹ sử dụng hai mẫu B-52G và B-52D. Trong hình là một chiếc B-52D. Ảnh minh họa: Wikipedia

Người Mỹ gọi chiến dịch đánh phá này là Linebacker II. Họ huy động 197 trên tổng số 400 chiếc B-52, gần một phần hai số máy bay chiến thuật và một phần tư số tàu sân bay.

Nhưng điều người Mỹ có được sau 12 ngày đêm năm 1972 không phải là chiến thắng. 34 pháo đài bay B-52 đã bị Việt Nam bắn rơi. Nhiều phi cơ chiến lược khác của Mỹ cũng chịu chung số phận. Ảnh: USAF

Xem thêm: Xác máy bay B52 'phơi' giữa thủ đô

Ít nhất hai chiếc chiến đấu cơ F-111A của không quân Mỹ bị tiêu diệt trong chiến dịch Linebacker II. Ảnh minh họa: Oocities

Máy bay trinh sát RA-5C cũng được hải quân Mỹ sử dụng trong chiến dịch Linebacker II. Ít nhất một chiếc RA-5C bị không quân Việt Nam tiêu diệt. Trong hình là một chiếc RA-5C trong nhiệm vụ trinh sát trên bầu trời Việt Nam vào năm 1967. Ảnh minh họa: US Navy

Hải quân Mỹ cũng triển khai chiến đấu cơ F-4J Phantom II tham gia chiến dịch và ít nhất một chiếc bị tên lửa SA-2 của Việt Nam tiêu diệt. Ảnh: US Navy

Một chiếc trực thăng HH-53 của không quân Mỹ bị Việt Nam tiêu diệt vào ngày 27/12/1972, tức là chỉ một ngày trước khi chiến dịch Linebacker II kết thúc. Trong hình là một chiếc HH-53 hoạt động trên bầu trời Việt Nam vào tháng 10/1972. Ảnh minh họa: USAF

Một máy bay ném bom hạng nhẹ EB-66 của quân đội Mỹ hôm 23/12. Trong hình là một chiếc EB-66 đang bay ra miền bắc của Việt Nam. Ảnh minh họa: Earthlink

Cũng trong ngày 23/12, một máy bay ném bom hạng nhẹ A-7E của hải quân Mỹ bị bắn rơi bởi tên lửa SA-2 của Việt Nam. Trong hình là một chiếc A-7E trong một nhiệm vụ trên bầu trời miền bắc Việt Nam vào năm 1973. Ảnh: US Navy

Ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch (18/12), một phi cơ ném bom hạng nhẹ A-7C đã bị bắn rơi bởi tên lửa SA-2 của pháo binh Việt Nam. Các máy bay A-7C được hải quân Mỹ triển khai tới Việt Nam từ tháng 6/1972 tới 24/3/1973. Trong hình là một chiếc A-7C bay trên bầu trời Việt Nam. Ảnh minh họa: Wikipedia

Tên lửa SA-2 của Việt Nam tiếp tục là khắc tinh của phi cơ Mỹ, khi tiêu diệt một máy bay A-6A vào ngày 20/12. Trong hình là một chiếc A-6A cất cánh từ tàu sân bay USS Saratoga, một trong 6 tàu sân bay được quân đội Mỹ huy động cho chiến dịch Linebacker II. Ảnh: US Navy

Át chủ bài của lưới lửa phòng không Hà Nội - VnExpress

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/tu-lieu/2012/12/at-chu-bai-cua-luoi-lua-phong-khong-ha-noi/
hứ tư, 19/12/2012, 06:11 GMT+7

Át chủ bài của lưới lửa phòng không Hà Nội

Hàng chục máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị bắn rơi trong chiến dịch bảo vệ bầu trời Hà Nội cuối năm 1972. Sát thủ của các "pháo đài bay" này là hệ thống phòng không, được tạo bởi các tên lửa tầm cao SA-2 do Liên Xô sản xuất.

Tên lửa S-75 Dvina do Liên Xô chế tạo, thường được gọi là tên lửa dẫn dường SA-2, tiêu diệt mục tiêu ở tầm cao, có dẫn hướng, thuộc loại đất đối không (SAM). Kể từ khi lần đầu được triển khai vào năm 1957, đây là loại tên lửa phổ biến nhất trong lịch sử nhân loại. SA-2 hạ máy bay lần đầu tiên vào tháng 10/1959 tại Trung Quốc, bằng ba phát tên lửa ở độ cao 20 km.

Hệ thống SA-2 nổi danh lừng lẫy kể từ khi một khẩu đội tên lửa với phiên bản nâng cao về tầm xa bắn hạ một chiếc máy bay trinh thám U-2 tối tân của Mỹ trên bầu trời Liên Xô tháng 5/1960. SA-2 cũng được triển khai tới Cuba trong cuộc khủng hoảng hạt nhân năm 1962, tại đó nó bắn hạ một chiếc U-2 khác của Mỹ, sự kiện suýt nữa châm ngòi chiến tranh hạt nhân Xô - Mỹ.

Trong giai đoạn 1958-1964, người Mỹ phát hiện có tới hơn 600 trận địa tên lửa trên đất Liên Xô, bao quanh các khu trung tâm dân cư, công nghiệp và trụ sở cơ quan chính phủ. Đến giữa những năm 1960, có khoảng 1.000 trận địa tên lửa như vậy ở Liên Xô. Cuối thập niên 60, các hệ thống tên lửa SA-2 được triển khai tới Đông Đức, cũng như các nước trong khối hiệp ước Vacsava, Trung Quốc, Triều Tiên, và cuối cùng là miền bắc Việt Nam.

Năm 1965, Việt Nam được cho là yêu cầu Liên Xô hỗ trợ trong việc đối phó với không lực của Mỹ, bởi hệ thống phòng không Việt Nam khi đó không tiêu diệt được các mục tiêu ở tầm cao. Sau những cuộc thương thảo, SA-2 được lựa chọn để đưa đến Việt Nam. Việc chuẩn bị xây dựng các trận địa này được tiến hành, và vào tháng 4/1965, Mỹ bắt đầu phát hiện. Theo các tài liệu được công nhận rộng rãi trên wikipedia, một số nhà hoạch định chính sách chiến tranh Mỹ yêu cầu đánh bom các trận địa này, nhưng bị phản đối bởi nếu làm như vây có thể gây thương vong cho các công dân Liên Xô.

Pháo cao xạ (ảnh trên) và tên lửa phòng không tạo nên hệ thống lưới lửa dày đặc trên bầu trời Hà Nội, chống các báy bay ném bom và máy bay chiến thuật của Mỹ. Ảnh: wikipedia

Tháng 7/1965, Mỹ mở chiến dịch tấn công các trận địa tên lửa của Việt Nam, với việc tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố sẽ ném bom các trận địa. Bộ đội Việt Nam liền đem giấu các hệ thống tên lửa phòng không và xây dựng các mục tiêu giả. Chiến thuật này khiến không lực Mỹ bị lừa và phải chịu nhiều thiệt hại.

Trong thời gian giữa 1965 và 1966, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam thực hiện các bước cải tiến cho hệ thống SA-2, như nâng cấp hệ thống radar và chống nhiễu điện tử. Các chuyên gia còn phát triển hệ thống dẫn đường bị động, theo đó tên lửa sẽ bám chặt lấy chính thiết bị gây nhiễu. Ngoài ra họ còn có biện pháp "phóng giả", trong đó radar theo dõi được kích hoạt nhưng tên lửa không được phóng đi. Điều này cho phép khẩu đội vô hiệu hóa vũ khí của mục tiêu mà không cần tốn tên lửa SA-2.

Mỗi khẩu đội điển hình thường có 6 tên lửa bán cố định, các ống phóng đơn. Các quả tên lửa được bố trí cách nhau từ 60 đến 100 mét, theo hình hoa 6 cánh, trong khi hệ thống radar và dẫn hướng bố trí ở giữa. Cách bố trí này cũng khiến các trận địa rất dễ bị nhận ra trên các ảnh mà máy bay trinh thám chụp. Thông thường, bên cạnh mỗi khẩu đội có các xe tải mang khẩu đội dự phòng ở gần đó.

Tên lửa SA-2 là loại hai tầng, gồm tầng đẩy hoạt động bằng nhiên liệu rắn và tầng cao dùng nhiên liệu lỏng gồm nitric acid và dầu hỏa. Sau khi bắn ra, tên lửa bay với tốc độ Mach 3. Tầng đẩy có bốn cánh, tầng trên có các cánh điều khiển ở trên thân, và một bộ cánh điều khiển ở gần đuôi, một bộ cánh rất nhỏ nữa ở mũi.

Trên một trận địa tên lửa phòng không ở miền bắc Việt Nam với các khẩu đội SA-2. Ảnh: wikipedia

Tên lửa được điều khiển bằng tín hiệu radio, trên một hoặc ba tần số phát đi từ các máy tính dẫn hướng tại trận địa. SA-2 nhận tín hiệu điều khiển nhờ các antenna lắp trên cánh. Mỗi hệ thống dẫn hướng chỉ theo được một mục tiêu, nhưng có thể điều khiển cùng lúc ba tên lửa. Sau mỗi loạt tên lửa bắn đi, hệ thống tiếp tục điều khiển các loạt bổ sung ngay khi tần số của nó rảnh rỗi.

Phiên bản chuẩn của tên lửa SA-2 mang đầu đạn 195 kg, tính cả vật liệu nổ, tiếp xúc và dây cháy. Đầu đạn có bán kính sát thương 65 mét ở độ cao thấp, và bán kính này tăng lên khi nó hoạt động ở tầm cao hơn, do áp suất không khí giảm. Bán kính này có thể lên đến 250 mét. Độ chính xác của tên lửa là 75 mét, điều đó giải thích vì sao các khẩu đội thường bắn hai tên lửa trong một loạt. Đặc biệt, phiên bản SA-2E có thể mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá 15 kiloton.

Tầm hoạt động chuẩn của SA-2 là 45 km, trần 20.000 mét. Trong cuộc chiến ở miền bắc Việt Nam, các radar và hệ thống dẫn hướng thường cho SA-2 săn mục tiêu tầm cao. Mục tiêu tầm thấp thường được dành cho pháo phòng không, tạo thành một "lưới lửa" trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, các "pháo đài bay" B-52 của Mỹ bay đội hình thường là tốp ba chiếc gồm máy bay chiến thuật kèm B-52 ở tầm cao. Chúng phải đối mặt với lưới lửa phòng không của quân đội Việt Nam, gồm các tên lửa, pháo phòng không và chiến đấu cơ MiG-21, và loại máy bay được mệnh danh là pháo đài bay đã "chết" nhiều nhất bởi các tên lửa SA-2.

Máy bay ném bom B-52 của Mỹ rải bom ở miền bắc Việt Nam năm 1972. Ảnh: Wikipedia

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...