Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Báo Nga chê phòng không Trung Quốc

http://dantri.com.vn/the-gioi/bao-nga-che-phong-khong-trung-quoc-747312.htm
Thứ Tư, 26/06/2013 - 10:32   

Báo Nga "chê" phòng không Trung Quốc

Mặc dù có nhiều tiến bộ song khả năng phòng không Trung Quốc trong cuộc chiến đấu với phần lớn các loại mục tiêu trên không hiện nay, cũng như trước đây vẫn còn rất hạn chế.

Tính từ giai đoạn chiến tranh biên giới 1979, Trung Quốc đã quyết tâm đầu tư phát triển lực lượng phòng không của mình và cũng đã có được những kết quả đáng kể.
 


Trong trang bị của bộ đội tên lửa phòng không Trung Quốc có 110-120 tổ hợp (tiểu đoàn) tên lửa phòng không HQ-2, HQ-61, HQ-7, HQ-9, HQ-12, HQ-16, S-300PMU, S-300PMU-1 và 2, tổng cộng khoảng gần 700 bệ phóng. Theo chỉ số này Trung Quốc chỉ kém Nga (gần 1.500 bệ phóng). Nhưng không dưới 1/3 số vũ khí này của của bộ đội tên lửa phòng không Trung Quốc là loại HQ-2 đã cổ lỗ (phiên bản tương tự tổ hợp tên lửa phòng không S-75), đang được tích cực thay thế.

Những hệ thống tên lửa phòng không đầu tiên đã được cung cấp cho Trung Quốc từ Liên Xô vào cuối thập niên 1950 thế kỷ trước. Chính khi đó đã tạo ra những cơ sở cho việc phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Liên Xô và CHND Trung Hoa, mà mục đích chính của nó là xây dựng tại Trung Quốc với sự giúp đỡ của Liên Xô một cơ sở khoa học kỹ thuật hiện đại, có khả năng sản xuất và hoàn thiện các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự khác nhau.

Vào tháng 10.1957 tại Matxcơva đã diễn ra hội nghị Xô-Trung về những vấn đề hợp tác kỹ thuật quân sự, mà kết quả của nó là đã ký kết được một hiệp định về việc chuyển giao cho CHND Trung Hoa quyền sản xuất các loại vũ khí tên lửa hồ sơ kỹ thuật khác nhau, và đồng thời là hàng loạt công nghệ quốc phòng mới nhất. Ngoài ra, đã bắt đầu chuyển giao cho Trung Quốc một vài loại vũ khí tên lửa, trong đó có các tên lửa bắn từ máy bay, tên lửa chiến thuật và tên lửa phòng không. Vai trò của tên lửa phòng không đặc biệt tăng lên do diễn biến của cuộc khủng hoảng Đài Loan vào cuối tháng 8.1958. Trong những năm đó việc chuyển giao vũ khí của Mỹ cho Đài Loan với quy mô lớn đã làm cho quân đội nước này mạnh lên. Không quân Đài Loan tiếp nhận một số máy bay trinh sát tầm cao RB-57D (không lâu sau thì cả Lockheed U-2) mà những tính năng của chúng vượt xa các khả năng mà các phương tiện phòng không Trung Quốc có được.

Vũ trang cho Đài Loan người Mỹ chẳng phải vị tha gì - mục đích chính của những chuyến bay trinh sát mà các phi công Đài Loan có nghĩa vụ thực hiện là thu được thông tin mà Mỹ cần thiết về việc chế tạo vũ khí hạt nhân tại CHND Trung Hoa.

Chỉ ngay trong 3 tháng đầu năm 1959, RB-57D đã thực hiện 10 chuyến bay nhiều giờ trên không phận CHND Trung Hoa, và vào tháng 6 năm đó các máy bay trinh sát đã bay qua không phận Bắc Kinh. Kỷ niệm 10 năm thành lập nước CHND Trung Hoa đang đến gần và có vẻ như những dự báo về việc ngày lễ trọng thể bị phá hoại sẽ trở thành hiện thực.

Trong tình hình như thế lãnh đạo Trung Quốc đã đề nghị với Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc trong điều kiện bí mật cao một số tổ hợp tên lửa phòng không "Dvina" SA-75 mới nhất. Mùa Xuân năm 1959, 5 tiểu đoàn hỏa lực và 1 tiểu đoàn kỹ thuật SA-75, gồm cả 62 tên lửa phòng không 11D đã được đưa tới Trung Quốc. Những khẩu đội đầu tiên bao gồm các quân nhân Trung Quốc đã được huấn luyện sẵn sàng thực hành chiến đấu. Đồng thời để bảo dưỡng những tổ hợp tên lửa này, một nhóm chuyên gia Liên Xô đã được cử đến Trung Quốc. Với sự tham gia của họ, ngày 7.10.1959 lần đầu tiên tại ngoại ô Bắc Kinh một máy bay trinh sát RB-57D của Đài Loan đã bị bắn hạ.

 

Việc nghiên cứu những mảnh vỡ của máy bay rơi cho thấy, chiếc máy bay trinh sát tầm cao RB-57D bị nổ tung ngay trên không trung và các mảnh vỡ của nó văng xa mấy cây số, còn phi công của máy bay trinh sát bị tử thương.

Cần nhớ rằng, đây là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi bằng tên lửa phòng không trong tình huống chiến đấu. Trong khi đó để giữ được hiệu quả bất ngờ và giấu kín việc Trung Quốc có kỹ thuật tên lửa mới nhất, lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc đã thống nhất không công bố về máy bay bị bắn rơi. Nhưng ngay hôm sau các tờ báo của Đài Loan đã phát đi thông tin rằng, một trong số những chiếc RB-57D trong thời gian bay tập đã gặp tai nạn, bị rơi và chìm xuống biển Đông Hải. Để đáp lại điều này hãng tin Tân Hoa của Trung Quốc đã ra tuyên bố như sau: "Vào buổi sáng ngày 7.10, một máy bay trinh sát do Mỹ chế tạo kiểu RB-57D của Tưởng Giới Thạch với mục đích khiêu khích đã xâm phạm không phận các vùng Bắc Trung Quốc, đã bị các lực lượng không quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa bắn hạ". Tuy nhiên khi phân tích tổn thất một máy bay trinh sát tầm cao của mình trên không phận Trung Quốc người Mỹ cũng không loại bỏ kết quả liên quan tới tên lửa của Liên Xô này. Làm họ sửng sốt hơn là sự kiện xảy ra ngày 1.5.1960 tại vùng Xverđlôvxk, khi một máy bay U-2 mà trước đó không thể nào với tới đã bị một tên lửa Xô viết tiêu diệt.

Tất cả trên không phận Trung Quốc còn có 5 máy bay trinh sát tầm cao U-2 do các phi công Đài Loan điều khiển bị bắn rơi, một phần trong số họ thoát chết và bị bắt làm tù binh.

Những phẩm chất chiến đấu cao của vũ khí tên lửa Liên Xô đã thôi thúc lãnh đạo Trung Quốc xin giấy phép sản xuất SA-75, (tên Trung Quốc là HQ-1 tức là "Hồng Kỳ-1"), và ít lâu sau đã đạt được các thỏa thuận về việc này. Nhưng các bất đồng Xô-Trung bắt đầu tăng lên vào cuối thập niên 1950 đã trở thành nguyên nhân dẫn tới việc, ngày 16.7.1960 Liên Xô đã tuyên bố triệu hồi tất cả các cố vấn quân sự từ Trung Quốc về nước, điều này trên thực tế là khởi đầu việc tạm ngừng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Liên Xô và Trung Quốc mấy thập niên sau đó.

Trong những điều kiện biến chuyển, sự hoàn thiện sau đó vũ khí tên lửa phòng không tại CHND Trung Hoa bắt đầu được thực hiện trên cơ sở chính sách "dựa vào nội lực" được tuyên bố trong nước vào đầu thập niên 1960. Tuy nhiên chính sách đã trở thành một trong những định đề của cách mạng văn hóa này, áp dụng cho việc chế tạo các loại vũ khí tên lửa hiện đại đã tỏ ra ít hiệu quả, ngay cả sau khi CHND Trung Hoa bắt đầu tích cực lôi kéo các chuyên gia gốc Trung Quốc có chuyên môn phù hợp từ nước ngoài, trước hết là từ Mỹ. Trong những năm đó hơn 100 nhà khoa học lớn gốc Trung Quốc đã trở về. Song song với việc này hoạt động nhằm nắm bắt những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự cũng được đẩy mạnh, và những chuyên gia từ Cộng hòa liên bang Đức, Thụy Điển và hàng loạt quốc gia khác cũng được mời tới Trung Quốc làm việc.

Với sự tham gia của họ vào năm 1965 trong quá trình làm chủ ngành sản xuất HQ-1, việc nghiên cứu phiên bản hoàn thiện hơn của nó dưới ký hiệu HQ-2 đã được bắt đầu. Tên lửa phòng không mới của Trung Quốc có tầm hoạt động tăng lên, và cũng có những tính năng cao hơn khi hoạt động trong những điều kiện sử dụng các phương tiện đối phó vô tuyến điện tử. Phiên bản đầu tiên của HQ-2 được đưa vào trang bị tháng 7.1967.

Nhìn chung, trong thập kỷ 1960, dựa trên cơ sở SA-75 của Liên Xô, Trung Quốc đã thực hiện 3 chương trình sáng chế và sản xuất tên lửa phòng không để chiến đấu với những mục tiêu tầm cao. Trong số những loại tên lửa đó cùng với HQ-1, HQ-2 đã nêu trên còn có cả HQ-3 được chế tạo riêng cho nhiệm vụ đối phó với các chuyến bay trinh sát trên bầu trời CHND Trung Hoa của máy bay trinh sát tầm cao siêu âm SR-71 của Mỹ. Nhưng chỉ có HQ-2 là tiếp tục được phát triển, và vào những thập niên 1970-80 đã nhiều lần được nâng cấp nhằm duy trì các tính năng của nó ở mức tương đương với sự phát triển của các phương tiện tiến công đường không.

Chẳng hạn như, việc tiến hành những hoạt động nhằm hiện đại hóa HQ-2 lần thứ nhất đã được bắt đầu vào năm 1973, và lấy căn cứ là kết quả phân tích các hoạt động chiến đấu ở Việt Nam. Tổ hợp tên lửa phòng không HQ-2A được chế tạo sau đó có hàng loạt điểm mới về chất và được đưa vào trang bị năm 1978.

Các chuyên gia Liên Xô đã nhiều lần ghi nhận được những trường hợp bị mất một số mẫu trang bị kỹ thuật không quân và tên lửa khi vận chuyển bằng đường sắt sang Việt Nam quá cảnh lãnh thổ Trung Quốc. Như vậy, người Trung Quốc đã không từ thủ đoạn tầm thường nào để có được khả năng khả năng tiếp cận với những thành quả nghiên cứu hiện đại của Liên Xô.

 

Sự phát triển kế tiếp của HQ-2 là phiên bản di động HQ-2B, mà việc nghiên cứu, chế tạo nó được bắt đầu vào năm 1979. Việc sử dụng bệ phóng đặt trên satxi xe bánh xích và cả tên lửa biến thể, được trang bị kíp nổ vô tuyến, mà việc kích hoạt nó có thể được hiệu chỉnh tùy thuộc vào vị trí của tên lửa so với mục tiêu, được coi như những hợp phần của HQ-2B. Đồng thời cũng đã chế tạo được cho tên lửa bộ phận chiến đấu mới với số lượng lớn các phần tử sát thương và động cơ hành trình với lực kéo tăng lên. Phiên bản này của tổ hợp tên lửa phòng không được đưa vào trang bị năm 1986.

 

Phiên bản tổ hợp tên lửa phòng không HQ-2J trên thực tế được chế tạo đồng thời với HQ-2B chỉ khác ở việc sử dụng bệ cố định để phóng tên lửa.

Tốc độ sản xuất các phiên bản khác nhau của HQ-2 trong thập niên 1980 đạt gần 100 tên lửa/năm, điều này cho phép trang bị chúng cho gần 100 tiểu đoàn tên lửa phòng không là nền tảng của hệ thống phòng không Trung Quốc trong những năm đó. Ngoài ra, vài trăm tên lửa đã được cung cấp cho Anbania, Iran, CHDCND Triều Tiên và Pakistan.

Tổ hợp này cho tới bây giờ vẫn đang còn trong trang bị ở Trung Quốc và một loạt quốc gia khác.

 

Trên cơ sở tên lửa AIM-7 "Sparrow" loại không đối không của Mỹ bị chiếm tại Việt Nam, tổ hợp TLPK HQ-61 đã được chế tạo.

Việc sản xuất tổ hợp vừa nêu đã rất khó khăn vì vào thời gian đó nổ ra cuộc Cách mạng văn hóa những thập niên 1960/70. Về thực chất tổ hợp chiến đấu với các lực lượng trên không HQ-61 đã trở thành dự án chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật loại đó đầu tiên của Trung Quốc. Trong thời gian thiết kế và chế tạo hệ thống đã thể hiện rất rõ sự thiếu kinh nghiệm và tiềm lực khoa học.

Bản thân tổ hợp cũng không phải là thành quả mỹ mãn lắm, chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế và sau đó bắt đầu được thay thế bằng HQ-7 (phiên bản Trung Quốc của Crotale Pháp). Nhưng sau khi nâng cấp hệ thống, phiên bản mới được cải tiến có tên gọi là HQ-61A. Tới bây giờ tổ hợp nói trên vẫn đang phục vụ trong thành phần biên chế của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Nhiệm vụ chính của tổ hợp là bảo vệ hệ thống phòng không bán kính hoạt động xa.

Việc chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không Hồng Kỳ-7 được bắt đầu vào năm 1979. Tổ hợp này là bản sao một phần tổ hợp tên lửa phòng không Crotale của Pháp, đã được nghiên cứu tại Học viện hàng không-vũ trụ số 2 của Trung Quốc (ngày nay là Học viện công nghệ quốc phòng Trung Quốc).

 

Việc thử nghiệm tổ hợp được tiến hành từ tháng 7.1986 đến tháng 6.1988. Hiện nay HQ-7 đang có trong trang bị của các đơn vị lục quân, không quân và hải quân PLA. Phiên bản tự hành trên satxi ô tô của tổ hợp được chế tạo dành cho các binh đội của PLA, dành cho không quân là phiên bản xe kéo, được sử dụng để phòng không các sân bay và những mục tiêu hạ tầng.

 

Phiên bản nâng cấp của tổ hợp HQ-7B (FM-90) được bố trí trên satxi ô tô bọc thép ASV có khả năng việt dã cao với công thức sắp xếp trục bánh 6x6 do Trung Quốc sản xuất.

 

Theo so sánh với nguyên mẫu, ở tổ hợp HQ-7B có sử dụng ra đa dẫn hướng dải tần kép mới thay thế cho Kiểu-345 đơn xung. Khối xử lý thông tin được thực hiện trên các sơ đồ tích hợp siêu lớn (do Viện 706 thiết kế). Việc chuyển sang việc xử lý thông tin kỹ thuật số hoàn toàn thay cho thông tin analog đã cho phép nâng cao đáng kể khả năng bảo vệ chống nhiễu của tổ hợp trong những điều kiện có nhiễu chủ động và thụ động.

Để bảo đảm bắn ban đêm thiết bị tầm nhiệt được tích hợp vào hệ thống quang-điện tử, còn tổ hợp được trang bị hệ thống thông tin VTĐ tương tự như tổ hợp Crotale của Pháp "seri 4.000", để bảo đảm trao đổi thông tin giữa sở chỉ huy chiến đấu và các bệ phóng.

Liều phóng nhiên liệu rắn đã được hoàn thiện, đảm bảo cho việc tăng tầm bay một cách đáng kể, ngòi nổ và thiết bị điều khiển hệ thống đã hiện đại hóa, nhiên liệu rắn được sử dụng ở động cơ tên lửa.

Việc nghiên cứu, chế tạo một phiên bản tên lửa nữa-"nhân bản vô tính" dành cho tổ hợp tên lửa phòng không HQ-64 (tên gọi xuất khẩu là LY-60) lần này là trên cơ sở tên lửa "Aspeed" của Ý đã được bắt đầu vào cuối thập niên 80. Vào thời gian đó giữa Trung Quốc và Ý đang diễn ra những cuộc hội đàm về việc bắt đầu sản xuất loại tên lửa này tại Trung Quốc trên cơ sở giấy phép. Nhưng sau sự kiện Thiên An Môn Xuân-Hè 1989, người Ý đã từ chối hợp tác với Trung Quốc, nhưng có lẽ, những tư liệu đã nhận được trước đó tỏ ra cũng đủ để bắt đầu và tiến tới hoàn thiện công trình nghiên cứu này.

 

Trong những năm gần đây việc nâng cao các tính năng của phương tiện phòng không Trung Quốc liên quan đáng kể tới một thực tế là Trung Quốc sở hữu một lượng hạn chế tổ hợp tên lửa phòng không Nga S-300PMU và tổ hợp TLPK tự hành "Top". Chẳng hạn, trong thập niên 1990 Trung Quốc đã mua 4 tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU và 100 quả tên lửa phòng không kèm theo, và cũng mua vài chục tổ hợp tên lửa phòng không "Top", chủ yếu để bổ sung cho những thiếu hụt trong việc tổ chức hệ thống phòng không của nước này.

Việc khai thác một cách thành công S-300 trong quân đội Trung Quốc và sự hài lòng của ban lãnh đạo nước này trước chất lượng chiến đấu và khai thác sử dụng của hệ thống này là động lực chính thôi thúc họ mua thêm của Nga phiên bản hiện đại hơn của nó là tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-1 trong các năm 2002-2003.
 

Ảnh vệ tinh Google Earth: Tổ hợp TLPK S-300PMU ở ngoại ô Bắc Kinh
 

Nghiên cứu xong các Tổ hợp TLPK nhận được từ Nga, những hoạt động về việc xây dựng hệ thống sản xuất riêng đã được bắt đầu. Trên cơ sở những giải pháp kỹ thuật của tổ hợp TLPK Nga S-300, vào cuối thập niên 90 tổ hợp TLPK tầm xa HQ-9 ("Hồng Kỳ-9", tên gọi xuất khẩu là FD-2000) của Trung Quốc đã được chế tạo. Có khả năng tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và trực thăng đối phương ở mọi độ cao mà chúng được sử dụng trong chiến đấu, ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết, HQ-9 là mẫu hoàn thiện nhất của các hệ thống phòng không thế hệ thứ 3 của Trung Quốc và được đặc trưng bởi hiệu quả chiến đấu cao trong tình huống nhiễu phức hợp, kể cả khi đối phương sử dụng tập trung các phương tiện tiến công đường không khác nhau.

 

Hiện nay phiên bản nâng cấp của tổ hợp, có tên gọi HQ-9A đang trong quá trình sản xuất. HQ-9A có năng suất và hiệu quả chiến đấu được nâng cao, đặc biệt là về các khả năng chống tên lửa, có được nhờ việc hoàn thiện thiết bị điện tử và bảo đảm chương trình.

Công tác nghiên cứu tổ hợp TLPK có bán kính hoạt động tầm trung đã dẫn tới việc chế tạo được HQ-12.

 

Tổ hợp HQ-12 do Công ty công nghiệp hàng không Giang Nam, còn được biết tới với tên gọi cơ sở 061 chế tạo. Việc nghiên cứu nguyên mẫu của tổ hợp này được bắt đầu ngay từ thập niên 80 thế kỷ trước, với vai trò thay thế cho tổ hợp TLPK HQ-2 đã lạc hậu (bản sao Trung Quốc của TLPK Xô Viết S-75). Phiên bản được chuyên chở của tổ hợp dưới tên gọi KS-1 bước vào giai đoạn thử nghiệm năm 1989 và lần đầu tiên được trưng bày tại Triển lãm hàng không Paris năm 1991. Công tác nghiên cứu chế tạo tổ hợp TLPK KS-1 kết thúc vào năm 1994.

Những thất bại trong việc thử nghiệm tổ hợp mới KS-1A đã làm chậm kế hoạch dự kiến đưa nó vào trang bị. Vào tháng 7-tháng 8.2007, khi Trung Quốc kỷ niệm lần thứ 80 ngày thành lập PLA, tổ hợp TLPK mới trong đội hình gồm bệ phóng di động và đài ra đa H-2000 đã được trưng bày công khai tại Bảo tàng Chiến tranh Cách mạng Trung Quốc, dưới ký hiệu HQ-12, điều đó nói về khả năng nó đã được đưa vào trang bị của PLA. Một vài khẩu đội HQ-12 năm 2009 đã tham gia vào cuộc duyệt binh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa.

Dường như tổ hợp TLPK mới tầm trung HQ-16 tỏ ra thành công hơn. Nó là một "sự kết hợp" những giải pháp kỹ thuật sao chép từ S-300P và "Buk-M2" của Nga. Khác với "Buk" ở tổ hợp TLPK của Trung Quốc sử dụng phương pháp xuất phát "thẳng đứng-nóng".

 

HQ-16 được trang bị các tên lửa có trọng lượng 328 kg, tầm bắn đạt khoảng 40 km. Bệ phóng tự hành được trang bị 4-6 tên lửa trong container phóng-chuyên chở. Đài ra đa của tổ hợp có thể phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách 150 km. Các bộ phận cấu thành của tổ hợp được bố trí trên xe ô tô 6 trục có khả năng việt dã cao.

Tổ hợp có thể tiêu diệt các máy bay của không quân tiền phương, chiến thuật, chiến lược, trực thăng chi viện hỏa lực, tên lửa hành trình và các khí tài bay điều khiển từ xa. Bảo đảm đánh trả một cách có hiệu quả các đợt oanh kích tập trung của những phương tiện tiến công đường không hiện đại trong những điều kiện chế áp điện tử cường độ cao. Nó có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong các điều kiện thời tiết khác nhau. LY-80 là tổ hợp tên lửa đa kênh. Các phương tiện hỏa lực của nó có thể bắn đồng thời tới 6 mục tiêu với việc dẫn tới mỗi mục tiêu trong số đó đến 4 tên lửa từ một bệ phóng.

Rõ ràng Trung Quốc dành một sự quan tâm to lớn cho việc chế tạo và hoàn thiện các tổ hợp TLPK hiện đại. Trong khi đó, theo ý kiến của phần lớn các chuyên gia, những khả năng của các phương tiện phòng không Trung Quốc trong cuộc chiến đấu với phần lớn các loại mục tiêu trên không hiện nay, kể cả tên lửa hành trình, cũng như trước đây vẫn còn rất hạn chế. Theo các tư liệu của những báo cáo chuyên ngành về tiềm lực quân sự của Trung Quốc hàng năm được Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo, Trung Quốc hiện nay vẫn chưa có một hệ thống phòng không quốc gia thống nhất, và những phương tiện phòng không bố trí trên bộ chỉ đủ sức bảo đảm việc giải quyết những nhiệm vụ phòng không mục tiêu. Đồng thời nước này chỉ có hệ thống phòng không chiến thuật thống nhất đơn giản. Một hệ thống phòng không hiệu quả chỉ tới năm 2020 có lẽ mới có thể được triển khai tại Trung Quốc.

Theo Đỗ Ngọc Inh
Tiền phong

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Bộ sưu tập phim của Lý Tiểu Long

http://www.hdvietnam.com/diendan/33-fshare-vn/186600-1-link-bo-suu-tap-phim.html
Trọn Bộ Các Phim Về Lý Tiểu Long             

"Chỉ với tay không, đôi chân và những động tác kỳ ảo, Lý Tiểu Long đã biến con người nhỏ bé của anh trở nên vĩ đại" (Tạp chí Time).

Sang Mỹ lập nghiệp từ năm 15 tuổi, Lý Tiểu Long sớm nổi tiếng với tư cách là một bậc thầy về võ thuật. Anh được mời đóng vai Kato trong loạt phim truyền hình Mỹ The Green Hornet (Thanh Phong Hiệp). Song danh tiếng nhỏ nhoi ấy vẫn chưa đủ mang lại ấm no cho anh, Lý Tiểu Long và gia đình vẫn luôn phải sống trong chật vật thiếu thốn.

Ở Hollywood, một diễn viên gốc Hoa như Lý Tiểu Long không thể nổi tiếng và có thể mãi mãi sẽ là như vậy, cho đến một ngày đầu năm 1971, ông Trâu Văn Hoài - tổng giám đốc của hãng phim Gia Hòa (Golden Harvest) ở Hong Kong - cử đại diện sang Mỹ mời Lý Tiểu Long về để đảm nhận vai chính trong một phim của hãng. Lý do mời anh là loạt phim The Green Hornet rất được yêu thích ở Hongkong.

Đường Sơn Đại Huynh (The Big Boss) - 1971

Bộ phim này do đạo diễn nổi tiếng La Duy (Lo Wei) thực hiện tại Thái Lan chỉ với kinh phí ít ỏi là 400 ngàn đô la Hong Kong, trong đó thù lao của Lý Tiểu Long là 15 ngàn USD. Trong phim này anh thủ vai Trương Triều Anh, một chàng trai Hong Kong giỏi võ, sang Thái Lan để tìm việc làm. Tại một xưởng sản xuất nước đá. Anh và các công nhân đã phát hiện ông chủ buôn lậu và vận chuyển ma túy.



Hong Kong lúc ấy đã là một cường quốc về phim võ thuật, nhưng chính họ cũng kinh ngạc trước những gì được thấy trong Đường Sơn đại huynh. Những cảnh đấm đá thật sự bằng hàng loạt những động tác liên hoàn mạnh mẽ dứt khoát, kèm theo những tiếng thét áp đảo đối thủ của một thần tượng võ thuật mới. Đặc biệt lần đầu tiên khán giả được chứng kiến thật sự trên màn ảnh những cú "tam cước" trứ danh của Lý Tiểu Long, mà trước nay chỉ được nói đến trên sách báo. Cũng từ Đường Sơn đại huynh, các fan yêu mến đã đặt cho anh biệt hiệu Lý Tam Cước!

Đường Sơn đại huynh đã phá kỷ lục doanh thu tại Hong Kong với 3,2 triệu đô la Hongkong, thổi bùng một "cơn bão vé" trên khắp châu Á. Chỉ sau một đêm, Lý Tiểu Long trở thành cái tên có giá trị nhất, đẩy các ngôi sao võ thuật hàng đầu của điện ảnh Hong Kong lúc ấy như Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần Quang Thái… xuống hàng thứ hai!

Tinh Võ Môn (Fist Of Fury) - 1972

Thành công quá sức tưởng tượng của Đường Sơn đại huynh với ngôi sao mới Lý Tiểu Long, năm 1972, ông Trâu Văn Hoài thực hiện cấp tốc một bộ phim nữa với anh đóng vai chính, có tựa đề Tinh võ môn, cũng do đạo diễn La Duy thực hiện.

Tinh Võ Môn dựa theo câu chuyện có thật về một võ đường tại Trung Quốc, trong thời kỳ bị Nhật chiếm đóng. Lý Tiểu Long thủ vai Trần Chân, đệ tử ưu tú nhất của võ đường, quyết định tự mình đột nhập vào sào huyệt của các võ sư Nhật, để rửa thù cho sư phụ và rửa nhục cho Tinh võ môn.

Cuối phim người xem được chứng kiến một bữa tiệc võ thuật đã mắt, mà đỉnh cao là trận tử chiến giữa Trần Chân với Petrov - một võ sư nước ngoài do người Nhật thuê. Thủ vai này là võ sư Robert Baker - ngoài đời là đệ tử của Lý Tiểu Long.

Theo ý kiến của nhiều fan hâm mộ thì Tinh võ môn là bộ phim hay nhất trong sự nghiệp của Lý Tiểu Long. Đây cũng là bộ phim thúc đẩy lòng tự hào dân tộc của Hoa kiều trên thế giới, qua lời thoại bất hủ của Trần Chân: "Người Trung Quốc chúng tao không hề yếu đuối!" (Người Nhật trong phim này gọi người Trung Quốc là Đông Á bệnh phu). Với Tinh võ môn, Lý Tiểu Long đã được tôn vinh là "Người hùng Trung Hoa".

Tinh võ môn đã đẩy sự hưng phấn của khán giả lên đến cực điểm, với món vũ khí lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh: Chiếc côn nhị khúc. Có thể nói Lý Tiểu Long là người đã thổi hồn và đưa thứ vũ khí rất khó sử dụng này lên ngôi. Cho đến bây giờ, dù đã xuất hiện đủ loại vũ khí lạ mắt trên màn ảnh, nhưng chiếc côn nhị khúc trong tay Lý Tiểu Long vẫn là ấn tượng hấp dẫn và đẹp mắt nhất. Sau phim này, các hãng đồ chơi vớ bở khi mặt hàng bán chạy nhất lúc đó là những chiếc côn nhị khúc… bằng nhựa!

Tuy không được tuyên truyền quảng cáo rầm rộ, nhưng chỉ với cái tên Lý Tiểu Long, doanh thu của bộ phim vẫn lên tới 4,4 triệu đô la Hong Kong, được khán giả và giới phê bình khen ngợi hết lời. Tinh võ môn đã đoạt giải Kim Mã năm đó, và mới đây đã được bình chọn vào danh sách "10 tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hong Kong".

Mãnh Long Quá Giang (The Way Of The Dragon ) - 1972

Thành công của Tinh Võ Môn đã giúp Lý Tiểu Long thực hiện một quyết định quan trọng: Bỏ vốn cùng với nhà sản xuất Trâu Văn Hoài để thành lập hãng phim Hiệp Hòa. Và bộ phim trình làng của hãng mang tên Mãnh Long Quá Giang.

Ngoài việc thủ vai chính, lần đầu tiên Lý Tiểu Long thử sức trong vai trò đạo diễn với kịch bản do chính anh viết. Với mong muốn tiến vào thị trường Hollywood, anh mời 2 võ sư tên tuổi của Mỹ là Chuck Norris và Robert Wall cùng tham gia trong phim. Không chỉ có thế, để tạo sức hấp dẫn và mới lạ, Lý Tiểu Long đã không ngại tốn kém, kéo cả đoàn phim sang Roma để quay ngoại cảnh.

Trong phim anh đóng vai Trung Long, đến tận nước Ý xa xôi để giúp đỡ một người bạn đang mở quán ăn. Tại đây anh đã chặn đứng âm mưu muốn thôn tính tất cả các quán ăn của một ông trùm. Cảnh quyết đấu cuối cùng giữa 2 cao thủ Lý Tiểu Long với Chuck Norris - 7 lần vô địch Karate thế giới, lần đầu tiên đóng phim - tại đấu trường La Mã cổ đại Colosseum gây ấn tượng nhất đối với người xem. Khán giả chưa bao giờ được xem một cặp đấu võ thuật đỉnh cao như vậy trước đây. Cảnh này giờ đã trở thành một khoảnh khắc kinh điển trong lịch sử phim hành động võ thuật.

Với kinh phí 1,3 triệu đô-la Hong Kong, Mãnh Long Quá Giang đại thắng ở quê nhà với hơn 5,3 triệu đô la Hong Kong, doanh thu toàn cầu là 85 triệu USD, khiến cả thế giới biết tên anh. Kinh đô điện ảnh Hollywood rúng động, ngay lập tức hãng Warner Bros đã tìm đến và mời Lý Tiểu Long cộng tác. Anh rất phấn khích trước lời mời này nên đã tạm gác lại bộ phim đang thực hiện là Tử vong du hí để bay sang Mỹ bàn bạc kế hoạch.

Long Tranh Hổ Đấu (Enter The Dragon) - 1973

Đầu năm 1973, Lý Tiểu Long thực hiện được mơ ước của mình là đảm nhận vai chính trong một bộ phim kinh phí lớn của Hollywood. Long tranh hổ đấu là sự hợp tác giữa Mỹ và Hong Kong, lấy bối cảnh ở châu Á, do Robert Clouse đạo diễn. Trong phim Lý là một gián điệp Anh quốc nhận nhiệm vụ sang Trung Quốc tham dự cuộc thi võ thuật quốc tế thường niên, để truy tìm Hàn - một tên trùm tội phạm khát máu.

Đây là bộ phim pha trộn võ thuật và những tình tiết hấp dẫn kiểu phim hành động 007. Bộ phim được đầu tư 800.000 USD với sự tham gia của rất nhiều ngôi sao võ thuật quốc tế. Đặc biệt trong phim này, Lý Tiểu Long đảm nhiệm thêm phần chỉ đạo võ thuật. Với khả năng làm việc không mệt mỏi trong nhiều vai trò, có thể nói Long tranh hổ đấu chính là bộ phim anh đã bộc lộ trọn vẹn tài năng của mình.

Ấn tượng nhất trong phim này là cảnh tử chiến một chọi một giữa Lý và Hàn trong căn phòng treo đầy gương. Lý không vũ khí, trong khi Hàn có một bàn tay thép đầy móng vuốt sắc bén. Cảnh này cũng được xem là kinh điển trong lịch sử phim võ thuật.

Trong lúc khán giả hâm mộ trên khắp thế giới đang háo hức chờ xem cuộc "hôn nhân" đầu tiên của Lý Tiểu Long với Hollywood như thế nào, thì 3 tuần trước khi bộ phim chiếu ra mắt – ngày 20/07/1973, cả thế giới bàng hoàng trước hung tin: Lý Tiểu Long đột ngột qua đời!

Khi Long tranh hổ đấu công chiếu, sự thương tiếc của khán giả với ngôi sao yểu mệnh đã khiến bộ phim ăn khách cực kỳ trên thế giới. Với 3,3 triệu đô-la Hong Kong ở Hong Kong, 25 triệu ở Mỹ, và tổng cộng 90 triệu USD trên toàn thế giới, Long tranh hổ đấu trở thành bộ phim "hot" nhất trong các bộ phim của Lý Tiểu Long.

Tử Vong Du Hí (Game Of Death) - 1978

Sau khi Lý Tiểu Long đột ngột qua đời, anh để lại bộ phim dang dở Tử vong du hí chỉ mới quay được 40 phút. Năm 1978, trước cơn sốt Lý Tiểu Long vẫn chưa hạ nhiệt trên khắp châu Á và thế giới, các nhà sản xuất quyết định quay tiếp bộ phim này. Họ kết hợp những cảnh Lý Tiểu Long đã quay, rồi chọn cao thủ taekwondo Hàn Quốc Kim Tai Chung, tên tiếng Hoa là Đường Long - có nhân dạng khá giống Lý Tiểu Long - để đóng thế anh trong những cảnh còn lại. Với chiêu bài quảng cáo "Bộ phim cuối cùng của Lý Tiểu Long", khán giả ào ào mua vé vào xem những hình ảnh cuối cùng của thần tượng!

Tuy chỉ góp mặt có 40 phút trong Tử vong du hí, nhưng Lý Tiểu Long đã kịp để lại cho đời trọn vẹn một trường đoạn bất hủ. Đó là cuộc tỷ thí giữa Lý Tiểu Long với Kareem Abdul-Jabbar - một ngôi sao bóng rổ cao trên 2m - lừng lững như một ngọn tháp (ngoài đời Kareem chính là học trò của anh).

Lý Tiểu Long là một trong số ít ngôi sao hiếm hoi có sự nghiệp rất ngắn ngủi nhưng để lại ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của điện ảnh. Chỉ đóng 4 phim "rưỡi" trong vòng 3 năm trước khi đột ngột qua đời, tên tuổi của Lý Tiểu Long đã kịp sánh ngang với những huyền thoại bạc mệnh vĩ đại nhất của điện ảnh thế giới như James Dean và Marilyn Monroe.

Theo TTVH

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Việt Nam có 4 thành phố du lịch được yêu thích nhất Châu Á

http://dantri.com.vn/van-hoa/viet-nam-co-4-thanh-pho-du-lich-duoc-yeu-thich-nhat-chau-a-744495.htm
Thứ Tư, 19/06/2013 - 12:01   

Việt Nam có 4 thành phố du lịch được yêu thích nhất Châu Á

(Dân trí) - Dựa trên kết quả bình chọn của độc giả, trang web du lịch nổi tiếng Trip Advisor vừa đưa ra danh sách 25 thành phố du lịch tại Châu Á được yêu thích nhất trong năm 2013. Việt Nam có tới 4 thành phố lọt vào danh sách này.

Trip Advisor là một website du lịch có trụ sở chính đặt tại bang Massachusetts, Mỹ. Đây là một trong những website nổi tiếng nhất và có lượng độc giả đông nhất trong các chuyên trang về du lịch hiện nay.

Trong danh sách 25 thành phố hấp dẫn du lịch nhất Châu Á, Việt Nam có 4 đại diện, bao gồm thành phố Hà Nội, Hạ Long, Hội An và Tp. Hồ Chí Minh.

Hà Nội đứng thứ 14 (ngắm các ngôi đền, chùa, Quốc tử giám cổ kính đặc trưng của văn hoá Việt)

Vẻ đẹp cổ kính của thủ đô ngàn năm văn hiến với khu phố cổ, những đền đài xưa cũ cùng các công trình kiến trúc mang dấu ấn của Pháp khiến du khách vô cùng ấn tượng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang "trẻ hóa" với tốc độ phát triển, hiện đại hóa nhanh chóng mặt, ẩn chứa trong mình một sức sống, một sự vận động không ngừng.



Du khách đến Hà Nội ấn tượng bởi sự hòa trộn giữa cổ điển và hiện đại cùng tồn tại hòa bình trong lòng Thăng Long – Hà Nội. Dù hiện đại hóa cỡ nào, người dân nơi đây vẫn không quên quá khứ.



Đến với Hà Nội, du khách được khuyên nên tới thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hà Nội cũng là thành phố của những chiếc hồ, công viên và những con đường rợp xanh bóng mát cổ thụ với hơn 600 đền chùa lớn nhỏ khiến thành phố có một nét quyến rũ rất riêng.







Tp. Hồ Chí Minh đứng thứ 15 (ngắm các công trình cổ kính thời Pháp thuộc)

Tp. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất và đông đúc nhất của Việt Nam. Những nét mới trong nền văn hóa hay những bước chuyển mình trong nền kinh tế nước nhà thường bắt đầu từ đây.



Nơi đây đặc biệt có những công trình mang đậm dấu ấn của Pháp với những đại lộ thênh thang, người xe đi lại như mắc cửi. Bảo tàng chứng tích chiến tranh, chùa Ngọc Hoàng, chợ Bến Thành… là những địa điểm tham quan không thể bỏ qua tại Tp. Hồ Chí Minh.



Sau đó, du khách có thể xuôi dòng, xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long để ngắm vựa lúa lớn nhất Việt Nam, những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những chợ nổi trên sông và những gia đình sinh sống trên những con thuyền nhỏ.





Hội An đứng thứ 17 (ngắm nhà cổ)

Nơi đây được đánh giá là một thành phố cảng cổ kính được bảo tồn rất tốt, giữ được hồn cốt của một vùng đất từng là nơi giao thương buôn bán náo nhiệt của khu vực Đông Nam Á hồi thế kỷ 15-19.



Đối với khách du lịch tới Việt Nam, không ai có thể bỏ qua Hội An. Cứ vào ngày 14 lịch âm hàng tháng, vào buổi tối, người dân thành phố lại tắt bớt những bóng đèn điện để thắp lên những chiếc đèn lồng. Ngoài ra, khách du lịch còn rất ấn tượng với tài nghệ của những thợ may nơi đây, đã tới Hội An, ai cũng muốn may một món đồ để làm kỷ niệm.







Hạ Long đứng thứ 25 (ngắm vẻ đẹp thiên nhiên)

Những độc giả bỏ phiếu cho Hạ Long đều đánh giá cao vẻ đẹp của những hòn đảo đá vôi hình thù đa dạng cùng những hang động trong lòng núi vô cùng kỳ vĩ.



Một chuyến du ngoạn trên thuyền để tới thăm những hang động đầy măng đá, nhũ đá được gió và nước đẽo tạc suốt hàng nghìn năm khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp non nước hữu tình của Hạ Long.





Ngoài ra, 21 thành phố hấp dẫn du lịch nhất Châu Á còn có:


Bangkok, Thái Lan


Tokyo, Nhật Bản


Bắc Kinh, Trung Quốc


Thượng Hải, Trung Quốc


Siem Reap, Campuchia


Chiang Mai, Thái Lan


Hong Kong, Trung Quốc


Singapore, Singapore


Kyoto, Nhật Bản


Male, Maldives


Ubud, Indonesia


Seoul, Hàn Quốc


Đài Bắc, Đài Loan


New Delhi, Ấn Độ


Kathmandu, Nepal


Luang Prabang, Lào


Jaipur, Ấn Độ


Tây An, Trung Quốc


Goa, Ấn Độ


Phnom Penh, Campuchia


Mumbai (Bombay), Ấn Độ

 
Pi Uy
Theo Trip Advisor

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...