Kiếm bộn tiền nhờ buôn quần áo trên Facebook
(Dân trí) - Từ chỗ chỉ muốn thanh lý vài bộ quần áo tự may cho con còn thừa trên Facebook, bà Brandi Temple đã không thể ngờ rằng mình nhanh chóng kiếm bộn tiền. Nay doanh nghiệp của bà có 160 công nhân và vừa được một nhà đầu tư rót 20 triệu USD.
Brandi Temple, 39 tuổi và đã có 4 con, không thể ngờ rằng một ngày mình có thể biến thú vui may vá trong phòng ngủ thành một doanh nghiệp bán lẻ mỗi tháng cung cấp 30.000 – 50.000 sản phẩm may mặc cho trẻ em. Tất cả những gì chị làm đó là sử dụng các công cụ của mạng xã hội, một thứ mà những đối thủ khổng lồ chưa biết cách tận dụng.
Theo Bloomberg, Lolly Wolly Doodle Inc., công ty bán lẻ do Temple thành lập năm 2010, thực hiện hầu hết các giao dịch thông qua Facebook. Họ dùng mạng xã hội này để định ra các mức giá, nhận đơn hàng và dự báo tình hình sản xuất, thậm chí là tiếp thị và thiết kế quần áo.
"Khi đó tôi chỉ chụp một bức ảnh và đăng nó lên Facebook", Temple, nay đã là CEO của công ty Lolly Wolly Doodle có trụ sở tại Lexington, Bắc Carolina, tâm sự. "Tôi viết rằng "tôi có 25 bộ váy như thế này, đây là mức giá tôi muốn". Và trong vòng 30 giây chúng đã được mua hết".
Hiện doanh nghiệp của chị đang tuyển dụng tới 160 nhân công, đạt doanh thu mỗi năm hơn 10 triệu USD. Đáng chú ý hơn nữa đây chính là một trong những công ty tuyển dụng nhiều lao động nhất Lexington. Mới đây quỹ đầu tư mạo hiểm Revolution Growth của tỷ phú Steve Case đã chấp nhận góp vốn tới 20 triệu USD vào Lolly Wolly Doodle Inc.
Hai yếu tố chính đằng sau thành công của Temple đó là: một cách tiếp cận mới mẻ với ngành sản xuất được biết đến dưới tên gọi "vừa kịp lúc", và sự cam kết về một hoạt động kinh doanh thực sự có tính xã hội. Temple cho biết 60% doanh số của họ đến từ bán hàng qua Facebook, số còn lại thông qua website của công ty.
Ở những ngày đầu, Temple tập trung nhiều vào việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng trên mạng xã hội, hơn là vào việc bán hàng. Chị liên tục tương tác với họ trên Facebook của mình, chia sẻ những câu chuyện kinh doanh của bản thân và thiết kế quần áo dựa vào thông tin của khách hàng.
"Nếu họ tình cờ thấy một chiếc váy xanh và nói rằng họ thích kiểu dáng đó nhưng phải là màu đỏ, ngày hôm sau họ sẽ được thấy nó", Temple cho biết.
Và sau đó khách hàng sẽ tự đăng tải hình ảnh con mình mặc quần áo do Temple thiết kế lên Facebook của mình, giúp thương hiệu của chị được quảng bá một cách miễn phí. Những lời lẽ truyền miệng lan nhanh, và ngày nay Lolly Wolly Doodle đã có hơn 600.000 người hâm mộ trên Facebook của công ty.
"Với hầu hết các nhãn hiệu thời trang, internet và mạng xã hội là một ý nghĩ xa vời", tỷ phú Case nhận xét. Lolly Wolly Doodle thì trái lại, là "một thương hiệu lan tỏa đẳng cấp đã tạo ra sự cộng hưởng với khán giả của mình".
Có một điều thú vị đó là do tăng trưởng quá nhanh đã khiến công ty suýt phải đóng cửa mùa Hè năm 2010. Do không có kiến thức gì về kinh doanh, công nghệ hay sản xuất, và cũng không có vốn để mở rộng kinh doanh, Temple đã gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu khi chỉ dựa vào bạn bè và gia đình.
"Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ bán hoạt động kinh doanh để thu về ngay một số tiền bởi tôi không thể tự điều hành", vị nữ CEO nói. Nhưng sau đó Shana Fisher, nhà sáng lập của công ty High Line Venture Partners tại thành phố New York đã tìm đến với Lolly Wolly Doodle và khuyên Temple tiếp tục kinh doanh.
"Ngay ở cuộc gọi đầu tiên tôi đã nói với cô ấy rằng "chị đừng bán nó; chúng ta sẽ làm việc cùng nhau", Fisher nói. Vị chuyên gia này cũng bị ấn tượng bởi bản năng kinh doanh của Temple, cũng như khả năng thiết kế và tiếp xúc với khách hàng. Cuối cùng Fisher đã cấp cho Temple một số vốn.
Tháng 9/2010, nhờ khoản đầu tư đó, Lolly Wolly Doodle thực sự bắt đầu sản xuất, tại một nhà xưởng có diện tích hơn 740 m vuông, và thuê những nhân viên cắt và may đầu tiên.
Dù quảng cáo về các mẫu trên mạng xã hội và website công ty, Temple không hề có một sản phẩm hoàn chỉnh nào trong kho. Bởi Lolly Wolly Doodle sử dụng chiến thuật sản xuất "vừa kịp lúc", nghĩa là công ty chỉ may vừa đủ số bán.
Khi một sản phẩm được đặt, người mua có 72 giờ để thanh toán. Khi nhận được tiền, các thợ may mới bắt đầu cắt vải và may. Người mua nhận được thành phẩm trong vòng 2-4 tuần sau đó. Việc bán lẻ trực tuyến giúp công ty tiết kiệm được đáng kể chi phi bởi họ không cần phải lo lắng việc tồn kho cao hay một mẫu nào đó ế ẩm.
Case khẳng định phương pháp sản xuất này giúp các công ty sản xuất tại Mỹ có thể cạnh tranh với các thương hiệu dựa vào các xưởng ở nước ngoài. Lexington, nơi từng có một ngành công nghiệp may mặc lớn mạnh, cũng được hưởng lợi khi giành lại được một phần của hoạt động kinh doanh may mặc toàn cầu.
Temple đang có kế hoạch rời nhà máy trên diện tích gần 1900 m vuông hiện tại sang một tòa nhà lớn hơn, có diện tích tới gần 9300 m vuông, vốn đã bỏ không nhiều năm. Khoản đầu tư mới 20 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ giúp chị thực hiện việc này.
Ngoài ra công ty còn muốn tuyển thêm 100 nhân công tại Lexington trong vòng 2 năm tới. Không chỉ mở rộng trên thực địa, công ty của chị cũng đã có phần mềm dành cho thiết bị di động và bán hàng cả trên các mạng Pinterest và Instagram.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét