Thứ Sáu, 21/02/2014 - 09:12
Hành trình "từ khố rách đến giàu sụ" của cha đẻ WhatsApp
Trong bài viết độc quyền có tên "Từ khố rách đến giàu sụ", Forbes tin rằng Jan Koum đang nắm trong tay khoảng 45% cổ phiếu của WhatsApp, và do vậy, bất ngờ sở hữu tới 6,8 tỷ USD.
>> Facebook mất giá sau khi chi 19 tỷ USD mua WhatsApp
>> Facebook mua lại WhatsApp với giá lên tới 19 tỷ USD
Tuổi thơ dữ dội
Koum, đồng sáng lập ra WhatsApp, sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ngoại ô Kiev, Ukrania, là con duy nhất trong một gia đình có bố là quản đốc xây dựng còn mẹ làm nội trợ. Căn nhà ông ở không có điện, cũng chẳng có nước nóng.
Năm 16 tuổi, Koum và mẹ di cư đến Mountain View sau những khủng hoảng chính trị và sự sụp đổ của Liên xô cũ. Họ được bố trí ở một căn hộ nhỏ, 2 phòng ngủ nhờ sự giúp đỡ từ chính phủ. Bố của Koum bị kẹt lại Ukraina và mãi mãi không có cơ hội đi theo hai mẹ con. Mẹ của Koum bắt ông phải dùng bút và chồng vở do chính phủ Xô viết cấp cho để không phải nộp phí văn phòng phẩm tại trường Mỹ. Bà cũng nhận trông trẻ trong khi Koum lau sàn cho một cửa hàng thực phẩm gần nhà để có tiền trang trải cuộc sống. Khi mẹ ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, họ đành sống qua ngày từ tiền trợ cấp tàn tật của bà. Koum nói tiếng Anh đủ tốt nhưng không thích cách kết bạn ở trường phổ thông của Mỹ. "Ở Nga, bạn chỉ chơi với cùng một nhóm bạn suốt 10 năm học. Ở Mỹ, họ dễ dàng thân nhưng cũng dễ dàng quên nhau".
Với tính cách khép kín của mình, Koum là học sinh cá biệt ở trường. Rất may là đến năm 18 tuổi, ông đã tự học về mạng và máy tính nhờ những tài liệu hướng dẫn mua được từ một tiệm sách cũ. Để tiết kiệm tiền, mỗi khi đọc xong, Koum lại mang sách trả cho tiệm và chuyển sang quyển khác. Ông cũng gia nhập nhóm hacker có tên w00w00 trên mạng RCN Efnet, xâm nhập vào máy chủ của Silicon Graphics và chat với đồng sáng lập Sean Fanning của Napster.
Ông nộp đơn vào Đại học San Jose nhưng đi làm thêm với tư cách chuyên gia test bảo mật cho Ernst & Young. Năm 1997, ông ngồi đối diện với Brian Acton, một nhân viên Yahoo 44 tuổi phụ trách hệ thống quảng cáo.
Cả Koum và Acton đều là tuýp người không màu mè, không thích làm những điều vô nghĩa mà chỉ chăm chăm nhảy thẳng vào vấn đề, khác hẳn với phong thái "nhẹ nhàng, lịch sự bề mặt" của E&Y. 6 tháng sau, Koum đến phỏng vấn xin việc tại Yahoo và nhận được công việc là một kỹ sư hệ thống.
Ông vẫn song song theo học tại Đại học San Jose và đi làm tại Yahoo, nhưng được 2 tuần thì một máy chủ bị đơ. Đồng sáng lập David Filo của Yahoo gọi vào di động cho Koum, yêu cầu đến hỗ trợ. "Em vẫn đang trong lớp", Koum trả lời. "Cậu làm cái quái gì trong lớp vậy?". Filo gắt lại. "Nhấc mông đến văn phòng ngay". Filo chỉ có một nhóm nhỏ kỹ sư phụ trách máy chủ nên cần huy động mọi sự trợ giúp có thể.
"Đằng nào thì em cũng ghét trường học", Koum nhún vai. Và rồi ông bỏ học.
Hành trình khó tin
Khi mẹ của ông qua đời năm 2000 vì bệnh ung thư, đột nhiên Koum nhận ra mình cô độc. Cha ông cũng mất trước đó vào năm 1997. Ông coi Acton là người bạn duy nhất, là điểm tựa còn lại lúc này. "Ông ấy mời tôi tới nhà chơi", Koum nhớ lại. Hai người đi trượt tuyết, chơi bóng đá với nhau.
Trong suốt 9 năm, bộ đôi đã chứng kiến Yahoo trải qua nhiều thăng trầm. Acton đầu tư vào cơn sốt dotcom và mất hàng triệu đô khi cơn sốt này xì hơi năm 2000.
Tháng 9/2007, Koum và Acton quyết định rời Yahoo và dành một năm sau đó để xả stress khi đi du lịch vòng quanh Nam Mỹ. Cả hai đều nộp đơn vào Facebook nhưng cùng bị từ chối. Koum bắt đầu phải tiêu đến số tiền 400.000 USD tiết kiệm được khi còn làm ở Yahoo và trở nên mất phương hướng. Tháng 1/2009, ông mua một chiếc iPhone và nhận ra quầy ứng dụng App Store 7 tháng tuổi có thể mở ra cả một ngành công nghiệp mới mang tên ứng dụng. Koum đã ghé thăm nhà của Alex Fishman, một người bạn Nga hào phóng và rộng rãi. Fishman có thể mời cả cộng đồng người Nga ở West San Jose (đôi khi lên tới 40 người) tới nhà mình hàng tuần để ăn pizza và xem phim. Hai người họ cứ thế đứng nói chuyện hàng giờ về ý tưởng của Koum.
"Jan cho tôi xem sổ địa chỉ của cậu ta", Fishman nhớ lại. "Cậu ta nghĩ sẽ rất tuyệt nếu ta có thể chèn thêm trạng thái bên cạnh từng cái tên đó". Trạng thái này sẽ hiển thị bạn đang gọi điện, pin đang yếu hay bạn đang ở phòng tập. Koum có thể làm hết công việc backend, nhưng vẫn cần một lập trình viên iPhone, vì thế Fishman đã giới thiệu Koum với Igor Solomennikov, một lập trình viên tại Nga.
Koum gần như chọn ngay tức khắc cái tên WhatsApp bởi nó nghe giống với "Chuyện gì thế?". Một tuần sau, đúng ngày sinh nhật của mình, 24/2/20109, ông lập ra WhatsApp Inc tại California. Khi ấy, ứng dụng này thậm chí còn chưa được viết. Koum dành nhiều ngày sau đó để viết mã backend, đồng bộ hóa ứng dụng của mình với các số điện thoại trên thế giới.
WhatsApp thời kỳ đầu thường xuyên treo hoặc bị nghẽn, và khi Fisherman cài đặt nó lên điện thoại của mình, chỉ có vài người trong số hàng trăm bạn bè của ông chịu download WhatsApp.
Vài tháng sau, Koum bế tắc thừa nhận anh nên bỏ cuộc và tìm việc mới. Acton phản bác. "Chỉ có ngu mới từ bỏ lúc này. Hãy thử thêm vài tháng nữa".
Koum nhận được sự trợ giúp từ Apple khi tính năng báo nhắc (push notifications) được cung cấp vào tháng 6/2009. Jan bèn cập nhật WhatsApp để mỗi khi bạn thay đổi trạng thái của mình, ứng dụng này sẽ báo với mọi người trong danh bạ của bạn. Bạn bè của Fishman bắt đầu sử dụng WhatsApp để trêu đùa nhau bằng những trạng thái như "Tôi dậy muộn" hay "Tôi đang trên đường".
Có những thời điểm nó gần như đã trở thành tin nhắn nhanh IM. Chúng tôi bắt đầu sử dụng nó thay cho câu "Bạn có khỏe không?". Jan nhận ra mình đã vô tình tạo ra một dịch vụ nhắn tin.
Dịch vụ nhắn tin miễn phí duy nhất cạnh tranh lúc đó với WhatsApp là BBM của BlackBerry, nhưng dịch vụ này tất nhiên chỉ phục vụ cho điện thoại BlackBerry. Rồi G-Talk của Google và Skype nhập cuộc, nhưng WhatsApp vẫn là độc nhất khi cho phép người dùng đăng nhập bằng chính số điện thoại của họ, thay vì username và mật khẩu phiền phức. Koum phát hành WhatsApp 2.0 với tính năng nhắn tin và chứng kiến số người dùng thường xuyên đột ngột tăng lên 250.000. Koum bèn đến gặp Acton, người lúc này vẫn đang thất nghiệp và vô vọng theo đuổi một ý tưởng startup chẳng dẫn đến đâu.
Hai người ngồi bên bàn bếp của Acton và bắt đầu gửi tin nhắn cho nhau thông qua WhatsApp, lúc này đã có biểu tượng 2 dấu tích để thông báo rằng số điện thoại bên kia đã nhận được tin nhắn. Acton nhận ra ông đang đứng trước một trải nghiệm SMS đầy tiềm năng và hiệu quả hơn hẳn tin nhắn MMS trong việc gửi ảnh, gửi file. Tháng 10 năm đó, Acton thuyết phục được 5 cựu nhân viên Yahoo đầu tư 250.000 USD cho WhatsApp. Ông trở thành đồng sáng lập của WhatsApp, kèm theo một lượng cổ phần đáng kể. Acton chính thức gia nhập WhatsApp Inc vào ngày 1/11.
Hành trình sau đó giống như một giấc mơ. Email lũ lượt đổ về từ người dùng iPhone, phấn khích bởi triển vọng của việc nhắn tin xuyên quốc gia miễn phí và tuyệt vọng muốn được nhắn tin cho bạn bè dùng Nokia hay BlackBerry. Với việc Android lúc này còn chưa xuất hiện trên radar, Koum đã tuyển người bạn cũ - Chris Peiffer phát triển phiên bản WhatsApp trên BlackBerry. "Tôi hơi hoài nghi lúc đầu. Mọi người đã có SMS rồi mà?", Peiffer nhớ lại. Nhưng rồi Koum giải thích rằng tin nhắn SMS bị hạn chế rõ rệt bởi biên giới giữa các quốc gia. "Đó là một công nghệ chết giống như máy Fax vậy". Peiffer liếm mép nhìn vào tốc độ tăng trưởng người dùng khó tin của WhatsApp và gật đầu.
Koum và Acton làm việc không công trong vài năm đầu và chỉ bắt đầu có thu nhập từ đầu năm 2010, với doanh thu hàng tháng khoảng 5000 USD, vừa đủ để trang trải các chi phí. Đôi lúc, bộ đôi chuyển trạng thái của ứng dụng từ miễn phí sang trả tiền để nền tảng người dùng không tăng quá nhanh. Tháng 12/2009, họ nâng cấp WhatsApp dành cho iPhone, cho phép gửi ảnh và choáng váng khi thấy người dùng vẫn tăng trưởng chóng mặt kể cả khi thu phí 1 USD.
Thế là Acton quay sang Koum, "Cậu biết không, tôi thấy chúng ta có thể duy trì việc thu tiền được đấy".
Đến đầu năm 2011, WhatsApp đã lọt vào Top 20 ứng dụng của App Store tại Mỹ. Trong một bữa trưa với nhân viên, ai đó đã hỏi Koum vì sao ông không quảng cáo với báo chí về điều này. "Marketing và báo chí chỉ thổi bụi lên, bay vào mắt bạn và khiến bạn quên mất việc tập trung vào sản phẩm", Koum đáp.
Nhưng các nhà đầu tư mạo hiểm chẳng cần tới báo chí mới biết WhatsApp đang nổi như cồn. Koum và Acton, tuy vậy, từ chối mọi yêu cầu thương thảo. Acton coi VC như những con cá mập, nhưng Jim Goetz của hãng Sequoia vẫn kiên trì tới phút chót, dành trọn 8 tháng để thuyết phục hai nhà sáng lập. Trước WhatsApp, Goetz đã tiếp xúc với cả chục công ty khác trong lĩnh vực tin nhắn như Pinger, Tango hay Baluga, nhưng rõ ràng WhatsApp mới là thủ lĩnh và Goetz bất ngờ khi thấy công ty này đã bắt đầu đóng thuế doanh nghiệp cho Chính phủ. "Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình tôi thấy hiện tượng này".
Quyết tâm bằng mọi giá, Goetz chấp nhận đầu tư vào WhatsApp mà không cố cài cắm mô hình quảng cáo. Cuối cùng, Koum và Aton đã đồng ý nhận 8 triệu USD từ Sequoia.
2 năm sau, tháng 2/2013, khi nền tảng người dùng của WhatsApp cán mốc 200 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, Acton và Koum nhất trí rằng đã đến lúc phải quyên thêm tiền. "Để bảo đảm tương lai", Acton giải thích. Họ tổ chức một đợt gây quỹ lần hai trong bí mật. Sequoia rót thêm 50 triệu USD nữa và định giá WhatsApp khoảng 1,5 tỷ USD.
Với số tiền lớn trong tài khoản ngân hàng, Acton đến sàn bất động sản địa phương, thích thú trước một tòa nhà 3 tầng nơi góc phố. Sàn giao dịch chẳng biết WhatsApp là ai, nhưng có tiền là nói chuyện được. Tòa nhà này hiện vẫn đang xây dựng và WhatsApp sẽ dọn đến đó vào mùa hè này, khi số lượng nhân viên mở rộng gấp đôi lên 100 người.
Theo Trọng Cầm
VietNamNet/Forbes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét