Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Điều chưa biết về tên lửa đạn đạo Scud của Việt Nam

http://kienthuc.net.vn/quan-su/dieu-chua-biet-ve-ten-lua-dan-dao-scud-cua-viet-nam-365535.html

Điều chưa biết về tên lửa đạn đạo Scud của Việt Nam

Cập nhật lúc: 13:00 27/07/2014 (GMT+7)

(Kiến Thức) - Ít ai biết rằng, tên lửa đạn đạo Scud mà Việt Nam có sở hữu là nền tảng phát triển tên lửa Triều Tiên, Iran, được dùng rộng rãi trong chiến tranh thế kỷ 20-21.

 

Ra đời từ cuối những năm 1950, tên lửa đạn đạo tầm ngắn R-17 Elbrus là sản phẩm của cuộc chạy đua vũ trang thời chiến tranh Lạnh. Từ nguyên mẫu ban đầu được phát triển và sử dụng bởi Liên Xô, R-17 đã dần dần có mặt tại nhiều nơi trên thế giới, được sao chép, cải tiến và nâng cấp, thậm trí là khác xa với phiên bản gốc. Chúng thường được phương Tây gọi chung là Scud hay Scud B, dòng tên lửa đạn đạo thành công nhất trong lịch sử.

Dễ dàng bảo quản, sử dụng, độ tin cậy cao và giá cả phải chăng chính là những điểm cộng giúp R-17 có mặt trong kho vũ khí của hơn 30 quốc gia cũng như được sao chép một cách rộng rãi, trong cả trường hợp có phép hay không có giấy phép.

R-17 (Scud) được phát triển thế nào?

Chương trình R-17 được nhen nhóm từ đầu năm 1956, mục đích hướng tới sự thay thế cho những tên lửa hạt nhân chiến thuật thế hệ đầu R-11 (Mỹ, NATO hay gọi là Scub A). Chúng có nguồn gốc sâu xa từ mẫu thiết kế V2 của Đức Quốc xã, tên lửa đạn đạo hiện đại đầu tiên của loài người.

Các hệ thống R-17 Elbrus trong biên chế quân đội Liên Xô.

Nhờ những cải tiến về mặt kỹ thuật thiết kế, sử dụng nhiên liệu, R-17 vẫn là tên lửa một tầng đẩy nhưng sở hữu tính năng tác chiến tốt, độ ổn định cao hơn hẳn so với thế hệ đầu R-11.

Tên lửa có kích thước tổng thể dài 11,2 m, đường kính 0,88 m, nặng 5,8 tấn, mang một đầu đạn duy nhất, tầm bắn 300km. Scub B có thể duy trì được tình trạng tốt trong khoảng hơn 20 năm mà không cần có sự can thiệp lớn về mặt kỹ thuật. Chúng có thể được đặt trên các xe phóng di dộng bánh lốp hoặc trên một khung gầm xe bánh xích. Đầu đạn cho tên lửa là loại thông thường (nặng 1 tấn), hóa học hoặc hạt nhân.

Trong những năm 1960, tên lửa được sản xuất hàng loạt tại nhà máy Votkinsk ở Udmurt vùng Ural. Sau khi vượt qua một loạt các bài kiểm tra cấp nhà nước tại bãi thử Kapustin, R-17 chính thức có mặt trong biên chế của quân đội Liên Xô từ tháng 3/1962. Vào thời của mình, các tên lửa R-17 phiên bản hạt nhân đóng vai trò nòng cốt ở tầm chiến thuật trong lực lượng bộ đội tên lửa Liên Xô. Đầu đạn hạt nhân được phát triển bởi Trung tâm kỹ thuật hạt nhân Chelyabinsk 70. Phiên bản thông thường sau đó đa số là để xuất khẩu.

Giai đoạn 1960-1980, Liên Xô đã viện trợ cho các đồng minh cũng như cung cấp cho các khác hàng trên khắp thế giới của mình một số lượng khổng lồ Scud. Khoảng 1.000 tên lửa được bán (và viện trợ) cho các nước như Ai Cập, Iraq, Triều Tiên,Cuba, Lybia, Syria và cả Việt Nam.

Nguồn gốc phát triển tên lửa đạn đạo Triều Tiên, Iran

Loại tên lửa này bắt đầu được sao chép, vài nước có giấy phép để làm việc này, một số thì không. Triều Tiên năm 1984 đã bắt đầu phát triển được phiên bản R-17 nội địa mang tên Hwasong-5, nó được tăng tầm bắn thêm 15% so với phiên bản gốc, hàng trăm tổ hợp đã được sản xuất, thậm trí là bán lại cho nước thứ ba như UAE, Libya, Ai Cập và Pakistan. Từ đó, các bản sao thứ cấp lại tiếp tục được sinh ra.

Hwasong-5 của Triều Tiên là một bản Mod rất nổi tiếng của Scud B. 

Năm 1987, Iraq phát triển thành công R-17 và đặt tên là Al-Hussein, bản này có tầm bắn tốt hơn khoảng 600-650km nhưng trọng lượng đầu đạn lại bị cắt bớt đi. Sau này, họ còn có một bản nâng cấp mang tên Al Abbas có tầm bắn tới 750-900km. Baghdad cũng bán công nghệ ra nước ngoài.

Thậm chí, các kỹ sư Iraq phát triển một biến thể tên lửa đẩy vệ tinh từ Scud. Thân tên lửa được kéo dài ra và có hai tầng, ở tầng đầu, ngoài động cơ chính còn có 4 động cơ phụ. Loại này có thể mang được vệ tinh 330 pound.

Ngày 5/12/1989, với mẫu tên lửa này, cuộc phóng vệ tinh đầu tiên của Iraq được thực hiện tại trung tâm Al Anbar cách Baghdad 140 dặm về phía tây nam. Sau 45 giây, tên lửa bị nổ tung khi đang ở độ cao 15,5 dặm. Chương trình không gian sau đó đã không thể tiếp tục vì chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ.

Kalashnikov của thế giới tên lửa đạn đạo

Scud cũng là một trong dòng tên lửa đạn đạo hiếm hoi được kinh qua trận mạc. Khoảng 3.000 quả tên lửa loại này đã được phóng ra trong khói lửa của các cuộc xung đột diễn ra khắp nơi trên thế giới suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Trong chiến tranh Yom Kippur tháng 10/1973, Ai Cập đã bắn 3 tên lửa Scud vào quân Israel có mặt ở khu vực Sinai. Tuy chỉ sát hại được 7 binh sĩ Do Thái nhưng tên lửa đạn đạo Ai Cập lại là một mối đe dọa ghê gớm cho những mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ Israel, đó cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến Tel aviv đồng ý với lệnh ngừng bắn sau đó.

Giai đoạn 1979-1989, trong cuộc chiến Afghanistan, Liên Xô cũng đã sử dụng R-17 để chống lại lực lượng Mujahideen ẩn náu trong các hang động và hẻm núi. Các tên lửa được sử dụng trong cự ly gần, thường tấn công các mục tiêu không quá 30 dặm. Điều này nhằm giảm bớt sai số cũng như tăng sức hủy diệt trong các đòn tấn công, vì ngoài đầu đạn 1 tấn, lượng nhiên liệu chưa cháy hết tương đương 160 lít dầu hỏa và hơn 2 tấn axit nitric sẽ xóa sạch dấu vết của sự sống trong khu vực. Khoảng 1.000 quả R-17 đã được Liên Xô sử dụng trong cuộc chiến này.

 Scud B của quân đội Afghanistan trong những năm 1980.

"Cuộc chiến tranh giữa các thành phố" nằm trong giai đoạn xung đột giữa hai nước láng giềng Iraq-Iran thời kỳ 1980-1988 cũng là chiến trường của Scud. Cả hai bên đã bắn khoảng 600 quả tên lửa vào nhau. Sau cuộc chiến hệ thống cơ sở hạ tầng của hai bên đều bị phá hủy nghiêm trọng, đặc biệt là Iraq, những quả Scud đã gần như kết liễu Baghdad.

R-17 còn để lại dấu ấn quan trọng trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Iraq đã bắn 40 quả tên lửa vào lãnh thổ Israel và 46 quả khác vào Ả Rập Saudi. May mắn là chúng rơi xuống những vùng dân cư thưa thớt nên thương vong cho dân thường ở mức tối thiểu. Như tại Israel, 2 người chết và 11 người bị thương.

Tuy nhiên, tên lửa Scud đã đánh trúng một doanh trại Mỹ đóng tại thành phố Saudi của Dhahran làm ít nhất 26 lính Mỹ chết, bị thương gần 100 người. Đó là vụ tấn công mang đến mất mát lớn nhất cho liên quân trong vòng một ngày khi họ tiến hành chiến dịch Bão táp Sa mạc. Sự kiện này cũng phản ánh những nỗ lực phần thất bại của Lầu Năm Góc, họ đã cố gắng triển khai các hệ thống đánh chặn Patriot trên diện rộng nhưng chỉ có 20% số tên lửa Scud bị tiêu diệt. Có một "sự cố" mà người Mỹ rất muốn quên, đó là 26 tên lửa Patriot không hạ nổi một tên lửa R-17, trong khi chúng đắt đỏ gấp 3 lần đối thủ.

Mới đây nhất, trong cuộc nội chiến Syria, Scud được quân chính phủ dùng để chống lại phe nổi dậy.

Scud và nhiều biến thể của nó vẫn còn đang tiếp tục phục vụ tại nhiều nơi trên thế giới. Những ưu thế về độ tin cậy, giá cả và đơn giản trong bảo quản, sử dụng vẫn là những điểm mạnh đầy giá trị của R-17. Chúng đặc biệt phù hợp với tham vọng làm chủ công nghệ của nhiều nước nhỏ, vốn không có nhiều điều kiện đầu tư nghiên cứu cũng như mua sắm dây truyền sản xuất quá hiện đại.

Scud với vị trí của chúng trong hơn nửa thế kỷ qua xứng đáng với hiệu danh "Kalashnikov của thế giới tên lửa đạn đạo".

 

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Hành trình của binh sĩ người Armenia ở đông Ukraine (kỳ cuối)

http://kienthuc.net.vn/the-gioi/hanh-trinh-cua-binh-si-nguoi-armenia-o-dong-ukraine-ky-cuoi-367361.html

Hành trình của binh sĩ người Armenia ở đông Ukraine (kỳ cuối)

Cập nhật lúc: 13:00 24/07/2014 (GMT+7)

(Kiến Thức) - Lời kể của binh sĩ tình nguyện đến từ Armeniya từng chiến đấu trong lực lượng phiến quân miền đông Ukraine cho thấy sự phức tạp của lực lượng này.

 

Kỳ 1: Hành trình vào Ukraine

Kỳ 2: Cuộc chiến đầu tiên ở Donetsk

 

Hoạt động của Tự vệ miền đông Ukraine

Người ta làm sao mà tìm được các anh?

Tôi không biết, có thể, trong chúng tôi đã có kẻ phản bội. Chúng tôi vứt bỏ ba lô, đồ đạc và lại bỏ chạy. Chúng tôi lang thang trên đường phố, không một xu dính túi, không giấy tờ tùy thân, chúng tôi đến gần thành phố, gặp trạm gác, chúng tôi kể mình là ai … Những người ở trạm gác giữ chúng tôi lại, đưa về Gorlovka gặp chỉ huy có bí danh là Bes. Nhưng đây đã là câu chuyện khác rồi.

Vì sao anh không đi ngay, mà ở lại chỗ Bes thêm hai tuần nữa?

Không còn phương án nào khác. Tôi không biết ra khỏi vòng vây bằng cách nào. Bes hóa ra là người bình thường, một quân nhân nhà nghề ở thành phố Gorlovka, ông ấy hứa ngay khi có cơ hội đầu tiên sẽ đưa chúng tôi trở về Nga. Năm đứa chúng tôi đã đến được chỗ ông. Chúng tôi đã kể cho ông nghe những gì đã xảy ra với chúng tôi, ông bảo, sẽ không bao giờ để chúng tôi rơi vào tay "người miền Đông" nữa. Ông ấy giữ chúng tôi lại để chúng tôi lấy lại tinh thần. Sau đó, ai còn muốn chiến đấu tiếp đã ở lại, còn những người muốn bỏ đi, như tôi, đã ra đi.

Phiến quân ly khai miền đông Ukraine. 

Anh đã làm gì từ 28/5 đến 15/6 ở chỗ Bes tại thành phố Gorlovka?

Ở chỗ Bes tôi mặc lại quân phục, người ta phát vũ khí cho chúng tôi, tôi đã tham gia mấy chiến dịch, ở đây quy củ hơn, mọi thứ được tổ chức một cách có trình độ. Chúng tôi đã thực hiện mấy cuộc tập kích: đến một cách bí mật, bố trí chiến sĩ, phá nổ, bắn phá và rút ngay. Chúng tôi đã phá hủy kho xăng dầu của Ukraine ở Dokuchaevsk. Ban đêm chúng tôi bí mật đi xe dân sự đến gần, tôi yểm hộ các vị trí chiến đấu của chúng tôi bằng súng máy, các xạ thủ phóng lựu bắn vào các kho chứa xăng.

Cận vệ quốc gia chiếm giữ Dokuchaevsk?

Không rõ ai chiếm thành phố, cả bên này lẫn bên kia. Nhưng kho xăng được bảo vệ, ngay khi chúng tôi bắt đầu bắn, họ đã bắn trả. Nhưng họ không biết phải bắn vào đâu.

Phá nổ kho xăng làm gì?

Xe tăng và xe bọc thép không có nhiên liệu để nạp.

Các anh cũng phải nạp nhiên liệu chứ?

Chúng tôi không có trang bị tăng thiết giáp. Đó là về sau này mới thấy xuất hiện bên dân quân tăng thiết giáp, ba ngày sau khi tôi đã đi khỏi đó.

Đã có những trận chiến trực tiếp với đối phương?

Có, ở Karlovka. Ở đó chính là chiến tuyến. Cận vệ quốc gia hay bọn Right Sector, tôi không rõ bọ chúng lắm, chỉ thấy ở trong rừng và đeo băng tay đỏ. Chúng tôi đã đẩy chúng ra khỏi rừng. Chúng định vu hồi "màu xanh lá cây" (ý nói căn cứ của dân quân) và tiến vào thành phố Karlovka. Chúng tôi đã bố trí phục kích tại đó. Khi chúng vừa tới dải rừng, chúng tôi bắt đầu bắn vào chúng, chúng bỏ lại bọn bị thương và chạy tán loạn. Chúng tôi đã bắt chúng về khu vực của mình, chữa chạy cho chúng, những đứa có thể chữa được. Chính Bes gọi điện cho cha mẹ bọn chiến binh, nhưng chỉ gọi cho những người có con là lính nghĩa vụ, gọi cho các bà mẹ: hãy đến đây, đến mà mang con mình về. Còn những tên khác là quân của Cơ quan An ninh Ukraine SBU, Right sector, Cận vệ quốc gia thì bị coi là tù binh quân sự.

Người ta đối xử với họ như thế nào?

Người ta đã hỏi cung và giam chúng lại.

Ông Alexander Borodai - lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự phong.

Điều gì trong những sự dối trá trên truyền hình anh thấy là trắng trợn và gây công phẫn nhất?

Người ta phỏng vấn những người của DNR. DNR trên thực tế là sự bày đặt. Như tôi hiểu được, đối với tôi DNR tồn tại trong các văn phòng của Borodai (Aleksandr Yurevich sinh 25/7/1972, nhà chính trị học Nga, nhà báo, nhà chính luận bảo thủ, từ 16/5/2014 là thủ tướng nước cộng hòa tự phong Donetsk DNR– NMK), Pushilin (Denis Volodimirovich, sinh 09/5/1981, người Ukraine, từ 15/5/2014 chủ tịch Xô Viết tối cao NDR, từ 07/4/2014 đồng chủ tịch chính phủ lâm thời NDR), Tsariov (Oleg Anatolievich, sinh 02/7/1970, nguyên phó chủ tịch phái Đảng các khu vực trong Quốc hội Ukraine, đảng viên đã bị khai trừ của đảng này, ứng cử viên tổng thống Ukraine đợt bầu 25/5/2014 nhưng ngày 01/5 đã rút đăng ký), còn quyết định thì do những người khác đưa ra ở chỗ khác.

Cuộc chiến vô vọng của Tự vệ Donetsk

Một số phóng viên, những người có mặt ở Donbass, nói rằng 20% những người đang chiến đấu là người Nga, 80% là dân quân địa phương.

Tôi thì nói ngược lại. Đa số là người Nga, người Chechniya, người Ingushetiya (nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga ở Bắc Kavkaz), cả những người như tôi, từ Armeniya cũng có. Tôi đã có giao tiếp với người địa phương, họ bảo cho chúng tôi biết chúng tôi phải làm gì- chúng tôi đã làm đúng. Tôi bảo: "Người ta cần gì ở các anh?" Họ bảo: "Thì chúng tôi đã bỏ phiếu, còn lại là việc của các anh". Nghĩa là, đã có trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của Donbass, chúng tôi không muốn đánh nhau. Có một người thậm chí bảo tôi: "Tôi muốn nhận được lương của mình, có bánh mì ăn và chờ đến kỳ lương sau." Chủ yếu họ là những người không có kinh nghiệm, không biết sử dụng vũ khí. Chưa ai đi bộ đội. Đấy là tôi nói về Donetsk.

Còn ở Gorlovka thì sao?

Ở đó thì 50/50, những người Nga đánh nhau khá hơn, dù sao cũng là những chàng trai đã đi nghĩa vụ quân sự, quân đội dù sao cũng có. Còn ở Ukraine 23 năm nay chả có quân đội nào.

Vì sao anh đã quyết định kể về những chuyện này?

Cho đến nay những người, thực chất là những người đã phản bội chúng tôi (đã có thể tránh được chuyện ở sân bay, và mọi việc đã có thể khác, nếu như mọi việc được tổ chức một cách có hiểu biết) vẫn đang chỉ huy, và những người tình nguyện từ Nga vẫn đến đó với họ. Tôi muốn, làm cho những người tình nguyện biết được ai sẽ chỉ huy họ. Tôi đã đến, sống sót được do điều diệu kỳ, tôi rất thương hại họ. Họ vẫn đến chịu sự chỉ huy của những người như Khodokovskiy và những người khác, tôi không biết họ tên của mọi người.

Có nhiều bọn hôi của không?

Có bọn hôi của. Chúng tôi đã bắt chúng và xử lý khắc phục.

Nghĩa là bắn bỏ?

Có tên bị bắn bỏ, có tên bị đánh cho một trận. Bọn hôi của chủ yếu là người địa phương. Chúng cầm súng lục, tự giới thiệu là người của DNR và bắt người ta nộp tiền, điện thoại và thậm chí cả ôtô.

Đó là ở Gorlovka hay ở Donetsk?

Ở Donetsk. Ở Gorlovka Bes kiểm soát, ở đó có trật tự yên ổn.

Thế tại sao anh đã đi khỏi Bes, nếu như làm việc với ông ta là tin cậy?

Với Bes thì tin cậy được, nhưng một mình ông ấy không chống lại được Quân đội Ukraine, việc chống cự chả có ích lợi gì, vì sao phải hi sinh mạng sống một cách vô ích? Hãy xem đây, ở Donetsk có hơn 1.000 người, nói một cách thô thiển, suốt ngày vô công rồi nghề, trong khi đó ở Slavyansk thì đang đánh nhau. Thế mà họ suốt ngày ngồi ở các trạm gác, không làm gì cả. Tôi nghĩ, vì sao không cử độ một nửa đến đó giúp? Mọi thứ đều vô vọng, chả có tổ chức gì cả. Ở đó rõ nhiều chỉ huy … Cứ ba người thì có một tự phong là chỉ huy. Mỗi nhóm tự tổ chức lấy mình. Không có chỉ huy thống nhất. Tôi đã từng nghĩ, là sẽ như trong quân đội: chế độ hàng ngày nghiêm ngặt, tính tổ chức, có thông tin liên lạc, hiệp đồng chặt chẽ. Chả có gì như vậy cả, vì thế tôi đã bỏ đi.

Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự phong Igor Strelkov. 

Người ta đã đưa anh trở lại Nga như thế nào?

Bes đã giữ lời hứa, cám ơn chúng tôi, cấp cho mỗi người 1.000 Grivna (tiền Ukraine) tiền đi đường, chúc thành công và trả về nhà. Có ba người cùng đi với tôi, một bị thương, hai vẫn tự đi lại được. Chúng tôi lên ôtô dân sự và đi qua tỉnh Lugansk, vòng tránh trạm hải quan, đi khoảng 150 Km. Người ta đã đón chúng tôi trên đất Nga, đưa về Rostov, trở về đúng căn cứ đã từng được huấn luyện, cấp cho quần áo mới, chúng tôi được cấp tiền mua vé xe, trả lại giấy tờ, điện thoại và cho về nhà.

Thế tại sao người ta đã không trả tiền cho những người tình nguyện, dù là mức tối thiểu nào đó?

Tôi không rõ, phải hỏi những người tổ chức tại sao không trả tiền.

Mặt khác, anh là công dân Armenia, đến từ nước khác …

Tôi thậm chí ở đó từng mang cờ Armenia. Có ảnh chụp hẳn hoi.

Dù sao chết vì nước khác thì …

Tôi không coi Nga là tổ quốc xa lạ. Tôi tư duy theo cách của người Liên Xô. Các ông tôi đã chiến đấu bảo vệ Liên Xô. Tôi không coi Nga là nước khác.

 

Nguyễn Vũ (theo SVoboda)

 

Hành trình của binh sĩ người Armenia ở đông Ukraine (kỳ 2)

http://kienthuc.net.vn/nong-sau/hanh-trinh-cua-binh-si-nguoi-armenia-o-dong-ukraine-ky-2-367029.html

Hành trình của binh sĩ người Armenia ở đông Ukraine (kỳ 2)

Cập nhật lúc: 19:00 23/07/2014 (GMT+7)

(Kiến Thức) - Lời kể của 1 binh sĩ tình nguyện người Nga từng chiến đấu trong lực lượng phiến quân miền đông Ukraine cho thấy sự phức tạp của lực lượng này.

 

Kỳ 1: Hành trình vào Ukraine

 

Cuộc giao chiến đầu tiên

Khi nào thì các anh có cuộc giao chiến đầu tiên?

Đêm 25 rạng 26/5 chúng tôi nhận báo động. Nhóm của tôi có 3 người, từ Moscow, Lipetsk và Chukotka. Cả ba đã hi sinh. Chúng tôi lên xe buýt dân sự và đi ra sân bay. Đội của chúng tôi gồm 100 người tiến vào tòa nhà, những người Osetiya nhập vào đội chúng tôi. Hành khách được sơ tán đi rất nhanh, nhân viên sân bay vẫn ở lại chỗ làm việc của mình, sáng sớm hai máy bay đã cất cánh, chúng tôi không cản trở hoạt động của các cơ quan hàng không. Chúng tôi nhanh chóng kiểm soát tòa nhà sau khi tản ra các tầng, tôi cùng phó của mình lên tầng bảy, lên mái, được giao nhiệm vụ kiểm soát chòi cao cách chúng tôi nửa cây số, sao cho không ai đến được đó. Chúng tôi đặt súng máy.

Tự vệ Donetsk kiểm soát sân bay Donetsk ngày 28/5.

Chiếm sân bay dân sự ở Donetsk thì có ý nghĩa gì? Chiến tuyến ở chỗ khác kia mà, ví dụ, ở khu vực Slavyansk.

Để các chuyến bay quân sự từ Kiev không hạ cánh được. Người ta bảo chúng tôi, là sẽ không ai bắn vào chúng tôi cả, chúng tôi chỉ cần đứng cho chụp ảnh quay phim là xong. Họ sẽ nhìn thấy chúng tôi, sẽ sợ hãi, nhanh chóng đầu hàng, chúng tôi sẽ tước vũ khí của họ, thả cho về nhà. Thế là xong, sân bay thuộc về chúng tôi.

Họ là ai vậy?

Quân đội Ukraine ở quanh sân bay. Đã từng có chuyện huênh hoang, rằng chúng tôi là những người khắc nghiệt ghê gớm và tất cả sợ chúng tôi. Nhưng hóa ra là hoàn toàn ngược lại. Lúc hai giờ máy bay lên thẳng đến, sau đó là máy bay cánh cứng và chúng bắt đầu ném bom cảng hàng không. Tôi đang ở trên mái, đã kịp chạy xuống tầng sáu. Tôi đếm được bốn máy bay lên thẳng và hai máy bay.

Các anh có tên lửa phòng không vác vai PZRK không?

Chỉ huy tiểu đoàn "Vostok" Aleksandr Khodokovskiy của chúng tôi bảo là họ sẽ không ném bom sân bay, không cần PZRK, chúng tôi đã để chúng ở căn cứ. Ở sân bay có các xạ thủ bắn tỉa của Khodokovskiy, các cựu nhân viên cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã sang hàng ngũ DNR. Súng trường của họ là loại đặc biệt, tôi chưa bao giờ thấy những khẩu như vậy, không phải là loại súng trường bắn tỉa Dragunov cỡ đạn 7,62mm. Họ đã đi đâu đó lúc 1h, cuộc tấn công từ trên không là vào 2h.

Quân đội Ukraine triển khai ở miền đông. 

Ở tầng của các anh đã xảy ra điều gì?

Trên mái một người Chechniya hi sinh ngay, hai người nữa bị thương. Họ đã dùng mọi vũ khí đang có bắn vào máy bay lên thẳng. Tôi lao ra độ 2– 3 giây, bắn vào chòi cao, từ đó các xạ thủ bắn tỉa bắn vào chúng tôi. Họ dồn chúng tôi vào trong tòa nhà và ném bom bắn phá từ mọi phía. Họ có cao xạ bố trí quanh sân bay, cao xạ bắn vào nhà ga sân bay. Khodokovskiy đã tính toán một cách ngây thơ rằng nhà ga hàng không còn mới, được khánh thành vào dịp giải vô địch bóng đá châu Âu và do đó người ta sẽ không dùng vũ khí hạng nặng bắn vào đó. Giá mà chúng tôi có PZRK thì đã không xảy ra như vậy.

Anh đánh giá đó là sự phản bội hay không chuyên nghiệp?

Tôi không biết, chúng tôi đã bị tổn thất nhiều người. Một trong số những người Chechniya, là một chàng trai rất dũng cảm, đã ném lựu đạn khói ra xung quanh trên mái nhà và kéo người bạn đồng hương bị thương ra, sau cứu thêm một người nữa. Chúng tôi xuống tầng một, ngồi chờ chết. Không thể ra ngoài tòa nhà được. Ai đó gọi điện thoại cho chỉ huy của chúng tôi, mật danh của ông ấy là Iskra, dưới quyền ông là 100 người. Có lệnh lên xe KamAZ. Lúc đó đã là chiều rồi. Xe đỗ trong tòa nhà ga sân bay. Tôi không muốn lên xe KamAZ, biết như vậy là mạo hiểm. "Iskra" bảo tôi: "Cậu còn đòi thảo luận mệnh lệnh, tôi sẽ bắn tại chỗ". Tôi cầm lấy súng máy và trèo lên xe.

Tiết lộ sự thật về sự kiện xe KamAZ bị bắn ở ngoại ô Donetsk

Có bao nhiêu người trên xe KamAZ?

2 xe KamAZ, mỗi xe đâu đó khoảng 30– 35 người. Trong nhà ga còn lại tốp bảo vệ, họ rời khỏi đó vào đêm, đi bộ, không ai bị thương. Iskra ra lệnh: chúng tôi trên 2 xe ra khỏi nhà ga và bắn về mọi phía, vào tất cả những gì động đậy. Chúng tôi tháo bỏ bạt phủ xe, xe không mui, chất đầy những người tình nguyện.

Chiếc KamAZ của chúng tôi phóng như bay ra khỏi nhà ga, và chúng tôi bắt đầu bắn về mọi phía, cả lên trời, xung quanh là đồng trống, chúng tôi đi được khoảng 4– 5 Km khỏi sân bay về phía thành phố, khoảng cách giữa hai xe khoảng năm– sáu trăm mét. Hai chiếc KamAZ chạy và bắn không ngừng. Cảnh thật đáng sợ! Thật ra, tôi đã thôi bắn khi thấy xung quanh chả có ai. Khi chúng tôi bắt đầu đi vào thành phố, bỗng thấy chiếc KamAZ thứ nhất của chúng tôi dừng lại trên đường. Tôi không hiểu vì sao nó dừng lại. Xung quanh có xe đi lại, thậm chí thấy cả người đi, đã là ngoại ô Donetsk.

Chiếc xe KamAZ bị bỏ lại ngoài sân bay Donetsk.

Ở đó có người chết, bị thương không?

Chúng tôi đã phóng như điên, tôi không kịp nhìn rõ, còn ai bắn nữa không. Chạy thêm năm trăm mét nữa thì xe chúng tôi bị trúng đạn phóng lựu, quả đạn bắn trúng cabin của lái xe, xe chúng tôi bị lật. Hóa ra, chúng tôi gặp may, bị văng ra khỏi xe, có xây sát, nhưng không gãy xương. Chiếc xe đầu tiên trúng đạn bị diệt nốt bằng hỏa lực súng máy bắn chéo, các xạ thủ bắn tỉa nhằm vào những người trên xe này, ít nhất ba chục người, không ít hơn, đã hi sinh. Chúng tôi cũng bị bắn từ đâu đó, tôi vứt súng máy, túm lấy một cậu bị thương, anh chàng này đến từ Crimea, vác lên người và chạy qua các sân nhà. Người cứu thương của chúng tôi nhập bọn với tôi, anh ta có tiểu liên, tôi cầm lấy súng và bắn về các phía, lên mái nhà và chạy tiếp cùng anh chàng bị thương này.

Các anh có biết là ai đang chiếm thành phố không?

Tôi tin chắc là Cận vệ quốc gia Ukraine đã chiếm thành phố và họ đang truy tìm chúng tôi. Chúng tôi đến được chỗ đỗ xe cứu thương, tôi bắn cao hơn nóc nhà để gây chú ý. Anh bạn tôi mất máu nhiều, chân và tay đều trúng đạn. Tôi la lên với các bác sĩ: "Hãy cứu lấy anh ta! Chữa chạy cho anh ta đi!" Một cô gái nói: "Anh yên tâm đi, chúng tôi là bên ta mà!" Tôi bảo: "Bên ta cái gì!? Tất cả các người đều là bọn phản bội, vô dụng cả!" Anh chàng người Crimea được đưa lên xe và chở đến bệnh viện. Tôi thông báo cho nhân viên y tế biết chỗ xe ôtô bị trúng đạn, lập tức sáu xe cấp cứu được cử tới đó. Không lâu sau người ta chở đến bệnh viện những người bị thương từ các xe "KamAZ" bị trúng đạn. Một người của chúng tôi mà tôi gặp cho biết, là ở chiếc xe đầu tiên chỉ có ba người sống sót. Hoảng loạn và khủng khiếp. Đó là sau này người ta kể cho tôi nghe, là một trong những người đã hi sinh đã dùng lựu đạn tự sát để không rơi vào tay Cận vệ quốc gia Ukraine. Họ đã không biết là họ bị người bên ta tiêu diệt. Chắc là, dân quân ở đây nhận được thông báo rằng trên đường là 2 xe KamAZ của Right Sector. Từ trên xe KamAZ mọi người hét lên cho phía bên kia: "Chúng tôi là người mình đây mà! Các anh bắn vào ai vậy?". Phía bên kia trả lời: "Dân quân gì các anh? Các anh là bọn dân tộc chủ nghĩa, bọn phát xít". Hầu như tất cả bị bắn hạ, đâu chỉ ba– bốn người sống sót. Sau đó dân quân đến và thấy rõ: "Ôi, hóa ra bắn phải người bên mình! Đúng là người bên mình, có gắn băng Georgiev. Và bắt đầu: "Họ giết chết bọn trẻ rồi"

Các đồng chí của anh ở chiếc KamAZ thứ hai thì sao?

Ở đó có người Chechniya, họ có 1 người thiệt mạng, 2 người bị thương, nhiều nhất có 6 người hi sinh, trong đó có 1 bác sĩ và 1 người kôzắc. Ở bệnh viện, sau khi bình tĩnh lại, tôi đã nộp khẩu tiểu liên, đại diện tiểu đoàn "Vostok" đến và chở chúng tôi về doanh trại. Lúc đó đêm đã khuya.

Tin chính thức thì thế nào?

Người ta đưa tin trên TV rằng dường như dân quân đã trương cờ Chữ thập Đỏ để chở binh lính không vũ trang của mình ra, còn binh lính Ukraine đã bắn giết họ. Khi đó tôi chưa biết là chúng tôi đã bị chính người bên mình bắn hạ. Lúc đó tôi tin chắc đó là Cận vệ quốc gia Ukraine. Tôi đi ngủ, khoảng bốn giờ sáng tôi bị 2 người ở lại sân bay trong nhóm yểm hộ đánh thức dậy. Tóm lại, họ kể cho tôi rằng người mình đã bắn vào chúng tôi. Vậy là có vấn đề sẽ tiếp tục sống như thế nào và phải làm gì? Chúng tôi đã quyết định bỏ chạy ngay trong đêm, bí mật, đi bộ đến biên giới, trở về Nga. Chúng tôi tìm được quần áo dân sự, chúng tôi đã thay đồ dân sự, lấy ba lô và rời khỏi đơn vị. Cùng với chúng tôi có một lái xe, mật danh là Shumaker, anh ấy nói có chú bác ở ngay gần Donetsk. Sáu người đi xe đến một nhà tư nhân để chờ cơ hội, ngủ qua đêm, gần sáng ngày 28/5 chúng tôi nghe thấy tiếng kêu từ nhà bên cạnh: "Đừng bắn! Đừng giết!" Hóa ra, người ta đã cử một toán tuần tra đi tìm chúng tôi.

(Còn tiếp)

 

Nguyễn Vũ (theo SVoboda)

 

Những kiến thức cần biết về bệnh trĩ

http://kienthuc.net.vn/khoe/nhung-su-that-nghiet-nga-ve-benh-tri-366900.html?p=1

Dân văn phòng rất dễ mắc bệnh trĩ. Dân văn phòng có thói quen ngồi nhiều, ít vận động nên làm tăng áp lực tĩnh mạch phần dưới trực tràng chính là một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ. Áp lực công việc, căng thẳng mệt mỏi - làm tăng lực ép lên tĩnh mạch ở đầu cuối trực tràng cũng là nguyên nhân gây bệnh trĩ.

Bệnh trĩ xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Căn bệnh này có thể xảy ra với bất cứ ai. Nhưng một sự thật là, khi bạn già đi, các thành mạch máu sẽ yếu hơn và tạo điều khiển cho bệnh trĩ phát triển dễ dàng hơn. Các bài tập Kegel có thể giúp tăng cường thành tĩnh mạch nếu được thực hiện đúng cách.

Cứ 10 người thì có 8 người mắc bệnh trĩ. Thống kê của ngành y tế cuối năm 2013 thì có đến 60% dân số Việt Nam mắc bệnh trĩ, một trong những tỉ lệ mắc bệnh trĩ cao nhất thế giới. Theo một nghiên cứu mới đây ở các tỉnh phía Bắc, có đến 55% dân số mắc trĩ. Đặc biệt, ở Vĩnh Phúc, cứ 10 người dân thì 8 người bị bệnh này.

Tỷ lệ nữ mắc trĩ nhiều hơn nam (chiếm 61%). Tuổi trung bình của bệnh nhân là 45. Bệnh tập trung ở thành phố công nghiệp và liên quan đến công việc. Những nghề nghiệp có tỷ lệ mắc trĩ cao nhất là nông dân, công chức hành chính, công nhân và học sinh, sinh viên.

Phụ nữ thời kỳ mang thai và sinh đẻ có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao. Khi mang thai, sự phát triển của thai nhi gây ra áp lực lên ổ bụng, đặc biệt là sau khi sinh, động mạch chủ dưới chịu sự chèn ép của tử cung, nên ngày càng dãn ra, ảnh hưởng trực tiếp tới đường tĩnh mạch hồi lưu, làm các đám rối tĩnh mạch tụ máu căng phồng lên, cộng thêm với việc phải dùng lực khi sinh, thường làm cho bộ phận âm hộ bị nứt ở nhiều mức độ khác nhau, làm cho đường tĩnh mạch hồi lưu gặp trở ngại. Đó là nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai và sau khi sinh hay mắc các bệnh ở hậu môn và trực tràng như trĩ.

Khoảng 2/3 số bệnh nhân trĩ không được điều trị. Trong những bệnh nhân được chữa bệnh, hiệu quả cũng không được như mong đợi. Hiện có rất nhiều phương pháp và cơ sở chữa trĩ; mỗi phòng khám, mỗi thầy có một phương pháp khác nhau, chưa có sự thống nhất về chỉ định và phương pháp điều trị. Vì vậy, tỷ lệ biến chứng và tái phát sau điều trị còn cao, nhiều bệnh nhân có di chứng như hẹp hậu môn, đại tiện mất tự chủ

Ăn quá nhiều gia vị cay nóng có thể khiến bệnh trầm trọng hơn. Nếu như bạn không thể chịu được các thực phẩm cay và sử dụng chúng quá nhiều thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy và bị chèn ở hậu môn. Nhưng điều này đúng đối với tất cả các thành phần gia vị, không chỉ có hạt tiêu đen. Điều quan trọng là phải điều độ. Không có cái gì quá nhiều là tốt.

Bệnh trĩ không phải là dấu hiệu sớm của ung thư. Trĩ và ung thư là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Ung thư xảy ra khi các tế bào trong cơ thể bị rối loạn và bắt đầu tự tái tạo một cách nhanh chóng. Trĩ là khi các mạch máu bị nhô ra và khiến cho các mô mềm xung quanh chúng bị sưng lên. Vì thế, trĩ là trĩ và ung thư là ung thư.

Bệnh trĩ có thể tái phát do nguyên nhân sống không lành mạnh. Bệnh trĩ tái phát là do bệnh nhân không không thay đổi những nguyên nhân gây ra bệnh trước đó. Vì vậy, bạn có thể chữa khỏi hoàn toàn nó nhưng sau đó bạn cần cẩn thận hơn với những nguyên nhân gây ra bệnh.

Quan hệ tình dục qua hậu môn không phải là nguyên nhân gây trĩ. Nó có thể làm căn bệnh tồi tệ hơn, nhưng nó không phải là nguyên nhân gây ra bệnh.

 

 

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Hành trình của binh sĩ người Nga ở đông Ukraine (kỳ 1)

http://kienthuc.net.vn/nong-sau/hanh-trinh-cua-binh-si-nguoi-nga-o-dong-ukraine-ky-1-366735.html

 

Hành trình của binh sĩ người Nga ở đông Ukraine (kỳ 1)

Cập nhật lúc: 06:00 23/07/2014 (GMT+7)

(Kiến Thức) - Lời kể của 1 binh sĩ tình nguyện người Nga từng chiến đấu trong lực lượng phiến quân miền đông Ukraine cho thấy sự phức tạp của lực lượng này.

 

Artur Gasparyan năm nay 24 tuổi. Anh sinh ra ở Spitak, từ năm 2008 đến 2010 phục vụ tại Nagornyi Karabakh (vùng có tranh chấp giữa Armeniya và Azerbaizhan), đã tham gia các chiến dịch đặc biệt, năm 2011 đến Moscow tìm việc làm.

Sau sự kiện ngày 02/5 ở Odessa , khi nhà Công đoàn bị đốt và hàng chục người đã bị giết, Gasparyan đã ghi tên vào nhóm trên mạng "VKontakt" chuyên tuyển tình nguyện viên đến miền đông Ukraine và nhận được sự đồng ý.

 Chiến sĩ  tình nguyện Artur Gasparyan đến từ Armeniya từng chiến đấu ở tiểu đoàn "Vostok" do Aleksandr Khodakovskiy chỉ huy.

 

Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Svoboda, anh kể về thời gian ở Ukraine và nguyên nhân khiến anh quyết định đi khỏi đó:

Hành trình vào Ukraine

Khoảng mười người chúng tôi đến cuộc gặp ở khu vực Trung tâm triển lãm toàn Nga. Chúng tôi trò chuyện dưới vòm nhà chung cư, một người đàn ông mặc thường phục từ trong nhà ra gặp chúng tôi, ông ta không tự giới thiệu. Điều đầu tiên ông ta hỏi chúng tôi có biết dùng vũ khí không, cảnh báo là sẽ có chuyến công tác đến Slavyansk, nghĩa là chúng tôi đi vào chỗ chết chóc, nếu hôi của sẽ bị bắn ngay tại chỗ, tiện thể nói luôn, tôi đã nhiều lần chứng kiến việc này sau khi đến Ukraine. Hai người lập tức nghĩ lại và bỏ đi.

Người ta có hứa trả tiền không?

Không có tiền trả hàng ngày, không có công tác phí, chỉ có ăn uống, quân trang, vũ khí không mất tiền và sự đảm bảo là thi thể sẽ được chở về Rostov và trả cho thân nhân, tất nhiên nếu như tìm ra được. Đã có yêu cầu rất nghiêm khắc phải hủy mọi thông tin trên các trang mạng, loại bỏ hết mọi thông tin cá nhân trên mạng xã hội, điều này tôi đã hoàn tất– hủy mọi ghi chép trên "VKontakt" và "Odnoklassniki".

Các anh đã đến biên giới Ukraine bằng cách nào?

Sáng ngày 12/5 tốp chúng tôi lên hai chiếc xe con, xuất phát về hướng Nam, sau một ngày đêm thì đến Rostov. Lái xe cũng là những người tình nguyện, tiện thể, một người đã hi sinh. Người ta đưa chúng tôi đến "căn cứ", mấy ngôi nhà nhỏ cạnh bờ sông nhỏ, ngay kề bên là rừng, gọi là "màu xanh lá cây", tôi không biết địa chỉ, người ta thu bản đồ đi đường của chúng tôi, chúng tôi ký gửi điện thoại, tư trang có thống kê đầy đủ, thay đồ người ta phát.

Các anh ở "căn cứ" bao lâu?

Gần hai tuần lễ. Hàng ngày luôn có các bạn trẻ mới đến, đến cuối thời gian này chúng tôi có đến khoảng cả trăm người. Không có ngày nào nghỉ, chế độ trong ngày theo kiểu quân đội: báo thức, chạy, ăn sáng, luyện tập, tập định hướng trên địa hình trống, trong rừng, tập các động tác.

Động tác gì vậy?

Chúng tôi được dạy cách giao tiếp với nhau bằng cử chỉ và ra dấu hiệu để nhận biết nhau, nói chuyện rất khẽ ban đêm, ra hiệu lệnh– lùi, tiến, đứng lại, nằm xuống, có nguy hiểm .v.v… Bây giờ tôi có thể nói chuyện bằng ra hiệu tay như người câm điếc. Dạy chúng tôi là một hướng dẫn viên mặc thường phục, ông này, giống như tất các thủ trưởng lớn nhỏ khác, đều không tự giới thiệu. Chúng tôi không biết tên thật của nhau, chỉ biết mật danh, đến bây giờ tôi không biết tên nhiều bạn trẻ đã cùng tôi rơi vào địa ngục này và đã chết.

Anh có kinh nghiệm đánh nhau trước khi đến Ukraine không? Bởi vì ở Nagornyi Karabakh không phải là cuộc chiến thực sự.

Ở đó chủ yếu chỉ là đấu súng qua lại, bắn súng phóng lựu và súng cối, tóm lại, cuộc chiến trận địa uể oải. Nhưng dẫu sao tôi cũng biết về chiến tranh nhiều hơn một số bạn trẻ.

Chỗ các anh có những người dân tộc chủ nghĩa Nga hẹp hòi không?

Tôi không thấy những người dân tộc hẹp hòi, dù cơ bản ở căn cứ là người có ngoại hình Slavơ, tôi không biết họ là người Belarus, Nga hay Ukraine, đó là các bạn trẻ tốt, yêu nước, không ai trong họ nhìn tôi với ý coi thường. Có không ít chàng trai đến từ Kavkaz, người Armeniya từ Krasnodar, từ Krivoi Rog của Ukraine, người Chechniya thì đến sau một chút, tôi đã chơi thân với mấy người, một người gọi là Ryzhik, người kia là Maloi. Cả hai đã chết trên những xe ôtô KamAZ.

Các anh đã vượt biên giới như thế nào?

Hôm 23/5 khoảng nửa đêm chúng tôi đi khỏi "căn cứ", khoảng 100 người trên các xe KamAZ quân sự. Người dẫn đường chúng tôi đi xe Niva, chúng tôi đi mấy giờ liền, dừng lại ở biên giới, khoảng 50 người nữa từ các "căn cứ" khác đã nhập vào đoàn của chúng tôi, chúng tôi nhận vũ khí: súng phóng lựu, súng máy, tiểu liên, súng ngắn và lựu đạn, sau đó lại lên xe.

Các anh được huấn luyện xạ kích chứ?

Trong chúng tôi có các xạ thủ súng phóng lựu. Tôi trở thành chỉ huy khẩu đội súng máy, chỉ huy từ ba đến sáu người. Chuyên ngành của tôi được xác định bằng mã chuyên dùng ghi trên thẻ quân nhân. Thẻ có ghi số mà tôi không để ý. Khi có người điện đến, họ yêu cầu dở trang nhất định nào đó, đọc mã số, thế là họ biết phải dùng tôi theo chuyên ngành nào. Chắc là họ làm việc riêng với từng người.

Họ là ai vậy? FSB ( Cơ quan An ninh Liên bang Nga), GRU (Cơ quan tình báo Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Nga), MVD (Bộ Nội vụNga)? Những người đón, dạy dỗ, huấn luyện các anh, chuyển các anh qua biên giới Nga– Ukraine là ai vậy?

Tôi không biết họ tên. Đó là những người có ngoại hình Slavơ, tất cả mặc thường phục. Thậm chí gương mặt họ tôi cũng không nhớ.

Các anh vượt biên giới lúc mấy giờ?

Ngày 24/5, gần sáng. Trên đất Ukraine các đại diện cao cấp của Cộng hòa Nhân dân Donesk tự xưng (DNR) đã đón chúng tôi. Họ chiếm được một đơn vị (cấp trung đoàn trở lên) quân đội nào đó ở Donetsk, đội của chúng tôi được đưa vào doanh trại. Chúng tôi đã ngủ bù suốt ngày, tắm rửa sạch sẽ, ngày 25/5 chúng tôi ngồi trên xe "KamAZ" tham gia cuộc duyệt binh nổi tiếng trong thành phố, khi đó xuất hiện người Chechniya. Họ đã trả lời phỏng vấn, bắn chỉ thiên, lấy tư thế đứng cho quay phim chụp ảnh. Dân chúng rất hứng khởi và đón những người tình nguyện từ Nga tới như những người giải phóng. Đến chiều tối thì chúng tôi trở về doanh trại.

(còn tiếp)

Nguyễn Vũ (theo SVoboda)

 

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

9 thói quen dễ dẫn đến sảy thai

http://kienthuc.net.vn/me-be/9-thoi-quen-de-dan-den-say-thai-366483.html?p=1

 

 

Ăn các gia vị cay, nóng. Các gia vị như hồi, thì là, quế, ớt và đồ xào có tính nóng, gây hại cho phụ nữ thời thai kỳ. Khi đi vào cơ thể, chúng làm giảm sự bài tiết của hệ tiêu hóa, làm mất nước trong ruột, táo bón gây khó khăn trong việc vệ sinh; tạo áp lực lên thai nhi. Trong thời gian dài, điều này hoàn toàn không tốt cho sự phát triển bình thường của bé. Thậm chí, các loại gia vị này còn có thể gây vỡ nước ối, sinh non.

 

 

 

Thưởng thức đồ tái, sống. Thói quen ăn phở bò tái, các loại gỏi, tiết canh, sushi cá sống dễ trở thành nguồn đưa khuẩn E. coli, listeria, campylobacter, salmonella khiến chị em đối diện với nguy cơ sảy thai, sinh non. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần nói không với các loại sữa chưa được tiệt trùng bởi chúng thường chứa khuẩn listeria.

 

 

 

Dùng nhiều đồ lạnh. Thời kỳ mang thai, nhiệt độ cơ thể của chị em cao hơn một chút. Chính vì vậy, những trường hợp bầu bí trong dịp hè thường có nhu cầu giải khát bằng kem hoặc các loại nước lạnh. Các bác sĩ khuyên không nên lạm dụng chúng bởi khi đi vào cơ thể, nước lạnh dễ làm các mạch máu trong bụng, tử cung bị co mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi.

 

 

Lạm dụng thảo dược. Trà thì là, trà hoa cúc, trà cam thảo hay trà mâm xôi có tác dụng kích thích tử cung, dễ sinh con. Nếu không biết, lạm dụng chúng có thể dẫn đến sảy thai. Tốt nhất, nên hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định sử dụng.

 

 

 

Ăn táo mèo. Táo mèo có giá trị dinh dưỡng cao. Nó giúp tiêu hóa thức ăn và sử dụng như món khai vị. Các chuyên gia cho rằng vị chua và ngọt của nó đều phù hợp với những phụ nữ mang thai, đặc biệt là chị em trong thời kỳ ốm nghén. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều có thể làm cho tử cung bị co giãn theo nhịp. Trường hợp nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến sinh non hoặc sảy thai.

 

 

 

Xoa bụng. Nhiều phụ nữ mang thai cho rằng việc xoa bụng là một cách thể hiện tình yêu, sự âu yếm dành cho con nhỏ. Một số khác do e ngại rạn da nên liên tục dùng kem dưỡng da để massage. Thế nhưng, hành động này lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi bởi nó có thể làm cho tử cung co lại. Dù vậy, bạn vẫn có thể xoa nhẹ trong thời gian ngắn nếu cần thiết.

 

Đi bộ. Nhiều người tin rằng đi bộ sẽ giúp việc sinh nở được dễ dàng hơn. Thực tế, đi bộ quá nhiều có thể gây nên áp lực cho xương hông và bụng. Kết quả là, mẹ có thể sinh non. Bạn chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng, trong thời gian ngắn kết hợp với việc tránh mang vác vật nặng nhằm bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi.

 

 

 

Ăn nhiều đu đủ xanh, dứa, mướp đắng. Thực tế, những thực phẩm này chứa nguồn dinh dưỡng dồi dào. Thậm chí, dứa còn được xem là thực phẩm vàng giúp chị em đánh bại cảm giác nghén khó chịu thời kỳ đầu. Tuy nhiên, tiêu thụ một lượng lớn lại phản tác dụng; thậm chí gây sảy thai. Nguyên nhân là trong đu đủ xanh, dứa, mướp đắng có nhiều chất kích thích dễ gây nên sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người mẹ.

 

 

Uống trà, cà phê. Trà và cà phê là hai thứ uống chứa lượng caffeine tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, thời kỳ mang thai ba tháng đầu, các bà mẹ nên hạn chế tối đa lượng caffeine đưa vào cơ thể.

 

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...