Mùa cuối năm là mùa lương thưởng về, cũng là thời điểm tội phạm mạng lợi dụng sự cả tin, dễ dãi của người dùng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền theo nhiều hình thức khác nhau. Mời bạn đọc qua bài này để đảm bảo sự an toàn cho chính mình và để không bị mất tiền trước Tết kẻo Tết không có tiền xài.
Giả danh cơ quan an ninh để hù dọa
Thủ đoạn này bao gồm những bước sau:
o Gọi điện hoặc nhắn tin cho bạn, nói rằng hắn đến từ viện kiểm sát / cảnh sát / tòa án và thông báo bạn đang bị điều tra gì đó, hoặc tài khoản của bạn có liên quan đến vụ án rửa tiền
o Yêu cầu bạn chuyển tiền cho số tài khoản XXX từ tài khoản của bạn để chứng minh trong sạch...
o Hoặc chúng sẽ yêu cầu bạn truy cập vào đường link nào đó để thanh toán khoản tiền có liên quan, nếu không sẽ bị phạt hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật
o Hoặc chúng yêu cầu bạn chuyển XXX triệu đồng cho tài khoản nào đó để thanh toán khoản nợ, trong khi thực ra bạn chẳng nợ nần gì ai
Tất cả những tình huống trên đều là giả mạo hết. Khi các cơ quan chức năng cần làm việc với bạn, họ sẽ đến nhà hoặc gửi giấy mời cho bạn chứ chẳng ai lại đi hù dọa qua điện thoại như thế. Ngoài ra, bạn cũng phải tin vào bản thân mình trước, rằng mình không làm gì sai thì không có gì phải sợ và tài khoản của bạn thì chỉ có bạn dùng, hiếm khi nào nó có thể được người khác sử dụng cho các mục đích xấu.
Trong những tình huống dạng này, bạn cần bình tĩnh, không nôn nóng, không sợ hãi, hãy cúp máy một phát hoặc xóa hẳn email là xong. Mặc kệ chúng có nói gì hay viết gì đó trong email.
Giả danh nhà cung cấp để lấy tiền từ ví điện tử
Một thủ đoạn thường thấy dạo gần đây đó là kẻ xấu xem những ai đang đặt câu hỏi trên các fanpage của nhà cung cấp ví điện tử MoMo, ZaloPay, Payoo... Chúng sẽ mạo danh nhân viên hỗ trợ của nhà cung cấp liên hệ với bạn để hỏi về những vấn đề khi sử dụng, sau đó lừa bạn cung cấp các thông tin mật để đăng nhập và lấy cắp tài khoản của bạn.
Khi đã có thông tin và đăng nhập thành công, chúng sẽ đi mua hàng và thực hiện các giao dịch trái phép khiến bạn mất tiền. Ví điện tử giờ cũng thường được liên kết với tài khoản ngân hàng nên kẻ xấu có thể dễ dàng lấy ra một khoản tiền lớn, chúng thường sẽ rút ra hoặc chuyển qua các ví khác để tiêu xài.
Nhớ KHÔNG cung cấp mật khẩu ví cũng như mã OTP đăng nhập ví cho bất kì ai khác qua điện thoại, email, chat... và những công cụ mà bạn không gặp mặt trực tiếp. Ngay cả khi ngồi đối diện cũng cần bảo mật các thông tin này kĩ càng.
Giả danh ngân hàng yêu cầu bạn chuyển tiền để nhận tiền
Bữa giờ trên các group Facebook mình cũng thấy nhiều bạn phản ánh về tình trạng ngân hàng nào đó gửi email cho bạn thông báo rằng bạn có người thân chuyển tiền, yêu cầu bạn phải chuyển X triệu đồng để xác minh và giữ tiền chờ bạn đến lấy. Không không, đời làm gì dễ ăn thế, ai đâu mà đi chuyển tiền cho bạn bạn mà chuyển tiền cho chúng là xác định mất tiền đó luôn đấy nhé, và xác suất lấy lại được cũng không cao đâu. Ở một số trường hợp khác, chúng lừa đảo lấy thông tin cá nhân của bạn rồi đi làm chuyện xấu khác, ví dụ như đi vay tín dụng hay cái gì đó tương tự.
Thời này cũng là 2019 rồi, ai gửi tiền bạc gì cho bạn thì người ta sẽ email, nhắn tin trước chứ ai mà chơi bất ngờ làm gì.
Cẩn thận với các đường link vào web ngân hàng
Mùa cuối năm là lúc các thủ đoạn lừa đảo để gửi link giả mạo ngân hàng tăng nhiều, những thủ đoạn đó như sau:
o Thông báo tài khoản ngân hàng của bạn đang gặp sự cố XYZ nào đó, yêu cầu đăng nhập
o Thông báo mật khẩu sắp hết hạn, phải đổi ngày để tránh mất tiền, yêu cầu nhấn link để đăng nhập
o Thông báo tài khoản của bạn vừa nhận được tiền, đăng nhập để xác nhận...
Kẻ xấu giờ rất khôn, chúng sử dụng email y chang ngân hàng hay gửi, đường link với giao diện cũng y hệt như web của ngân hàng. Nhưng thực ra bên dưới không có gì cả, nếu bạn lỡ nhập thông tin vào thì chúng sẽ lấy cắp được thông tin đăng nhập vào tài khoản của bạn rồi, và có trời mới giúp được bạn khi chúng thực hiện giao dịch trái phép.
Để đảm bảo bạn không bị lợi dụng hay bị dụ, cần kiểm tra những thứ sau:
o Link có đúng là của ngân hàng không? Đọc kĩ từng kí tự
o Email đó có gửi từ địa chỉ email của ngân hàng không (thực ra kẻ xấu có thể dễ dàng che giấu thông tin người gửi nên cách này không có nhiều tác dụng)
o Tự tay đăng nhập vào web ngân hàng chứ không click link từ email, tin chat, tin SMS
o Bật bảo mật hai lớp ở mọi nơi có thể
Một số điểm khác bạn cần lưu ý
o Không chỉ mật khẩu tài khoản ngân hàng cho bất kì ai, kể cả người thân
o Không cung cấp các mã OTP cho bất kì người nào khác
o Chỉnh lại giới hạn giao dịch cho phù hợp nhằm hạn chế rủi ro
o Luôn cảnh giác cao độ, kiểm tra tất cả mọi thứ và xóa hết những email, tin chat đáng nghi ngờ
Chúc anh em ăn tết vui vẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét