Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

Giải mật vụ Su-24MR Nga làm náo loạn tàu sân bay Mỹ

(Hồ sơ) - Các máy bay trinh sát Su-24MR và chiến đấu cơ Su-27 Nga đã dễ dàng vượt qua các lớp bảo vệ của chiếc tàu sân bay Mỹ CV-63 USS Kitty Hawk.

Tàu ngầm Liên Xô đâm vào tàu sân bay Mỹ CV-63 USS Kitty Hawk

35 năm trước, vào tháng 3 năm 1984, tàu ngầm Liên Xô và tàu sân bay Mỹ va chạm ở vùng biển Nhật Bản. Một trong những sự cố hải quân ồn ào nhất giữa các siêu cường, may mắn đã xảy ra mà không có thương vong về người và hậu quả nghiêm trọng.

Sau đó, vào năm 2000, chính tàu trên lại "trở nên nổi tiếng": các phi công Nga đã "vượt qua" hệ thống phòng không và bảo vệ của nhóm tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ (AUG). Về hai sự kiện lịch sử gần đây - theo tài liệu của "Sputnik".

Tháng 3 năm 1984, nhóm tàu sân bay mạnh mẽ của Mỹ tiến vào biển Nhật Bản. Họ đang hướng đến bờ biển Hàn Quốc để tham gia vào cuộc tập trận chung 'Tinh thần đồng đội - 84" (Team Spirit - 84). Đứng đầu nhóm là tàu sân bay CV-63 USS Kitty Hawk khổng lồ với lượng giãn nước 76.000 tấn và gần một trăm máy bay các loại trên boong. Đi kèm là các tuần dương hạm, khu trục hạm, tàu hộ tống tên lửa và tàu hỗ trợ.

Hoạt động của đội tàu "kẻ thù tiềm năng" ngay gần biên giới Liên Xô đã được báo động cho Bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô. Việc theo dõi các hành động và di chuyển của nhóm tàu sân bay được giao cho thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân K-314 (Dự án 671 Yorsh), được trang bị ngư lôi 533 mm, thủy lôi và tổ hợp chống ngầm Vyuga với ngư lôi tên lửa hạt nhân có tầm bắn hơn 40 km.

Sau một vài ngày hải hành, Yorsh đã đến gần nhóm tàu ​​sân bay và bí mật đi theo. Nhưng ở cách bờ biển Hàn Quốc không xa, nhóm tàu Mỹ đã cách xa hơn hơn hai mươi dặm. Liên lạc bị mất, và thuyền trưởng cấp hai, Vladimir Yevseyenko quyết định phải chạy tốc độ tối đa để đuổi kịp, và làm lộ tàu.

Tàu ngầm Liên Xô K-314 bị hư hại sau vụ va chạm với tàu sân bay Mỹ USS Kitty Hawk

Hệ thống thủy âm trên Kitty Hawk nhanh chóng phát hiện tiếng ồn tàu ngầm Liên Xô, và nhóm tàu ​​sân bay tắt máy để trôi, hoàn toàn im lặng, máy bay ngừng bay.

Tàu ngầm được tàu chống ngầm hạng nặng "Vladivostok" ở gần đó giúp đỡ, thông báo tọa độ chính xác của người Mỹ. Ngày 21 tháng 3, tàu ngầm Liên Xô phát hiện nhóm tàu Mỹ cách bờ biển Hàn Quốc 150 dặm. Chỉ huy quyết định làm rõ tình hình và ra lệnh "nổi lên dưới kính tiềm vọng". Vladimir Evseenko nhìn thấy đèn bên hông của tàu Mỹ ở khoảng cách 20-30 cáp (4 - 5 km).

Đột nhiên, chiếc tàu ngầm bị rung chuyển bởi một cú va chạm mạnh, vài giây sau lại thêm một lần nữa! Hóa ra, K-314 nổi lên ở chính giữa nhóm tàu ​​sân bay và đụng vào đáy vào tàu Kitty Hawk đang chạy với tốc độ tối đa!

Mặc dù bị hỏng trục chân vịt và nhanh chóng mất phương hướng, nhưng chiếc tàu ngầm Liên Xô cũng đã kịp cắt một lỗ kích thước 4x6 mét dưới đáy tàu sân bay, ngay gần các bồn chứa nhiên liệu máy bay. Vài ngàn tấn dầu hỏa đã chảy ra biển. Chỉ có một phép lạ mới không gây ra hỏa hoạn trên boong tàu.

K-314 khẩn trương nổi lên. Ngay lập tức máy bay Mỹ bay tới để theo dõi từ trên không chiếc tàu ​ngầm hạt nhân mới nhất vào thời điểm đó của Liên Xô. Tàu kéo vội vã tới cứu viện đã kéo chiếc tàu ngầm bị hư hại đến căn cứ, cùng với máy bay và tàu khu trục Mỹ đi kèm.

Sự cố này, tất nhiên là một sự xấu hổ đối với Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô nên chỉ huy tàu K-314 Vladimir Yevseenko đã bị cách chức và điều chuyển công tác lên trên bờ.

Còn cuộc tập trận "Tinh thần đồng đội 84" bị hủy bỏ. Kitty Hawk vào căn cứ của Hải quân Nhật Bản ở Yokosuka để sửa chữa.

Su-24MR và Su-27 Nga giỡn mặt tàu sân bay Mỹ CV-63 USS Kitty Hawk

Sự đáp trả chỉ được thực hiện 16 năm sau đó, sau khi Liên bang Xô viết đã tan rã và Nga trở thành "người thừa kế vĩ đại" của lực lượng quân sự hùng mạnh của Liên Xô.

Vào tháng 10 năm 2000, nhóm tàu sân bay Mỹ do CV-63 USS Kitty Hawk dẫn đầu, một lần nữa thực hiện các nhiệm vụ ở biển Nhật Bản. Ở vùng biển quốc tế, cách Vladivostok khoảng 600 km, Kitty Hawk bắt đầu tiếp nhiên liệu từ tàu chở dầu.

Đột nhiên, không biết từ đâu, hai máy bay trinh sát Su-24MR của Không quân Nga xuất hiện, kèm theo một máy bay chiến đấu Su-27. Họ bay nhiều lần qua boong tàu sân bay ở độ cao cực thấp (30-5m), các phi công đã cẩn thận quay phim mọi thứ xảy ra ở đó.

Một người tham gia trực tiếp vào sự kiện này là cựu sĩ quan trung đoàn trinh sát trên không độc lập số 799, đại tá nghỉ hưu Alexander Renev, đã nói với hãng thông tấn Nga Sputnik rằng, chuyến bay kéo dài khoảng 20 phút, sau khi máy bay của ông đã lượn vòng đến lần thứ hai và chụp ảnh mọi thứ dưới boong tàu sân bay Mỹ thì F-18 mới kịp cất cánh.

Một chiếc F-18 cố gắng tiếp cận máy bay trinh sát Su-24MR, nhưng chiếc Su-27 đi kèm đã không cho phép làm điều đó. Và thế là 3 chiếc máy bay Nga-Mỹ đã bay quần bộ ba như vậy một lúc.

Bức ảnh của phi công Su-24MR Nga chụp tàu sân bay Mỹ USS Kitty Hawk

Người Mỹ chỉ có thể ngăn chặn chiếc máy bay trinh sát Su-24MR thứ hai bằng cách điều một cặp tiêm kích hạm F-18 bay vòng quanh hàng không mẫu hạm, vài chiếc F-14 và một chiếc trực thăng bay "treo" trên đầu tàu sân bay. Vì vậy, máy bay thứ hai chỉ chụp được ảnh Kitty Hawk từ bên hông tàu.

Tuy nhiên, phi công Nga đã kịp tìm hiểu về hệ thống phòng không và bảo vệ nhóm tàu sân bay, tìm hiểu về vũ khí, thời gian phản ứng trước các tình huống đột xuất...

Hoạt động này cũng có tầm quan trọng chính trị lớn. Ít nhất, trong 19 năm nay, Hoa Kỳ đã cảnh giác khi đem theo vũ khí vào biển Nhật Bản" , ông Alexander Renev nói.

Theo Alexander Renev, trước đó, các máy bay trinh sát của không quân Liên Xô/Nga mới chỉ một lần có thể chụp ảnh tàu sân bay Mỹ từ độ cao thấp, mà lần đó đã diễn ra từ giữa những năm 1970, do phi hành đoàn máy bay trinh sát tầm xa Tu-16R của Liên Xô thực hiện.

Và sự cố với chiếc tàu sân bay Mỹ năm 2000 đã khiến Hải quân Hoa Kỳ xảy ra một vụ bê bối lớn. Tất cả các sĩ quan chỉ huy hệ thống phòng không nhóm tàu sân bay, cũng như chỉ huy không quân trên tàu sân bay Kitty Hawk, đã bị bay chức.

Báo chí Mỹ nghiêm khắc chê trách Hải quân Hoa Kỳ vì sự bất cẩn chưa từng thấy gần bờ biển Nga. Bản thân các thủy thủ cũng đánh giá không hay về hoạt động của mình. Thư điện tử do một trong số các thủy thủ được gửi đi từ tàu sân bay và bị quân đội Nga chặn được đã cho thấy điều đó.

http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/giai-mat-vu-su-24mr-nga-lam-nao-loan-tau-san-bay-my-3376834/?paged=1

 

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Khi “nhà chùa” mang “nữ sinh giao gà” ra làm nhục

"Nguyên nhân chính không phải là nguyên nhân đi ship hàng (gà) mà khiến bị hiếp như vậy. Nguyên nhân chính phải do các ác nghiệp của bạn ấy trong tiền kiếp… Bạn ấy trong tiền kiếp có 2 loại tội, tội thứ nhất là sát hại chúng sinh dã man, tội thứ 2 là về mặt thân thể trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm. Nên bạn ấy bị quả báo".

© Khỏe Plus 24h Ảnh chụp màn hình đoạn clip bà Yến giải thích nguyên nhân vụ thảm án.

Đây là những gì mà Lao Động ghi lại tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh khi một "người nhà chùa" tay cầm mic, trước đông đảo cử tọa, giải thích về cái nghiệp của nữ sinh giao gà xấu số trong vụ thảm án từng gây rúng động dư luận tại Điện Biên.

Chúng ta có thể thấy rõ nhiều điều. Rằng nữ sinh xấu số đáng thương đang bị đem ra làm nhục một lần nữa, dưới danh nghĩa "tâm linh". Rằng tất cả những điều ấy là hoàn toàn vu khống, bôi đen một nạn nhân đáng thương và nếu có một cái "nghiệp" thì chính những người đang hạ nhục người đã khuất hôm nay đang tạo "khẩu nghiệp" cho chính mình.

Và rằng tất thảy những lời lẽ ấy được nói ra dưới danh nghĩa ngả từ bi, không phải để giáo dục người ta sống thiện tránh ác, mà để người ta muốn yên ổn thì phải "thỉnh vong", "hóa giải", "công đức".

Và đây là những "luận lý" ở chùa Ba Vàng, kèm luôn cái giá:

Đau xương khớp, do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng

Kinh doanh ế ẩm do 36 kiếp trước tạo ác nghiệp nên kiếp này vong phá không cho làm, muốn yên ổn thì phải cúng dường (công đức) 6,8 triệu đồng

Bị ung thư vú, 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng.

Số người gọi hồn tại đây bị "vong" đòi 5 triệu thì ít là toàn 7-15 triệu thì nhiều. Tiền ấy vào đâu: Chỉ có 1 địa chỉ duy nhất là vào chùa.

Có lẽ, câu chuyện ở Ba Vàng hôm nay chỉ là tiếp nối "kiếp nạn" dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh hồi đầu năm.

Phải chăng đó chính là mê tín dị đoan, để kiếm tiền từ những người cả tin.

Phật pháp, từ bi vô lượng chỉ có mục đích cao cả là giúp nhân loại thoát khỏi khổ đau. Và để những thứ "ngụy phật pháp" không dọa ma người dân, có lẽ, cần có một tiếng nói, một giải pháp từ chính Giáo hội.

Chứ mặc cả đến từng 50 ngàn tiền dâng sao giải hạn, chứ thóa mạ ngay cả những nạn nhân đau thương để thuyết phục người khác gọi hồn, hóa giải, công đức thì chỉ làm vấy bẩn nhà phật mà thôi.

Theo http://khoeplus24h.vn/

 

 

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

200 ngàn phạt kẻ “cưỡng hôn”: Sự nhạo báng, sự bất lực, sự vô vọng

Số tiền 200 ngàn đồng tiền phạt trong vụ mà báo chí mở ngoặc kép là "cưỡng hôn" giống như một sự nhạo báng, một trò đùa và đang để lại một tiền lệ rất xấu, rằng những hành vi sàm sỡ có thể chỉ phải trả giá bằng tiền, thậm chí rất rẻ.

Thủ phạm vụ sàm sỡ trong thang máy, ông Đỗ Mạnh Hùng cuối cùng chỉ bị xử phạt về hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", quy định điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP (mức phạt đối với hành vi này là từ 100 ngàn đến 300 ngàn đồng). Ông Hùng bị lập biên bản xử phạt với số tiền 200 ngàn đồng

Xin nói ngay rằng việc xử phạt hành chính 200 ngàn là không sai. Bởi "luật" đã quy định như vậy.

Hãy nhớ lại thời điểm tháng 6 năm ngoái. Một công chức ở Quảng Bình đã có hành vi sàm sỡ nữ đồng nghiệp ngay trong trụ sở. Cụ thể khi nạn nhân đang ngồi một mình trong phòng làm việc thì ông Nguyễn Bình Triệu, cán bộ cùng phòng  bất ngờ bước vào, khóa trái cửa, xô chị ngã xuống đất, dùng vũ lực để sàm sỡ, giở trò đồi bại. Khi bị chống cự quyết liệt, người đàn ông này đã cắn rách môi, bóp cổ, cào cấu và dùng tay bịt miệng không cho chị kêu.

Cái kết của câu chuyện thật khôi hài: Dù nạn nhân có đơn tố cáo hành vi hiếp dâm, xong kết quả xử lý là "phạt hành chính 200 ngàn đồng" dẫu hành vi được cho là "gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cán bộ đảng viên, cán bộ công chức, gây bức xúc phẫn nộ trong quần chúng nhân dân".

Vâng, là 200 ngàn đồng. Và sau đó thì xảy ra tiếp vụ "cưỡng hôn" trong thang máy chung cư ở Hà Nội.

Điều gì xảy ra nếu nạn nhân ở Quảng Bình không có thương tích rõ ràng? Điều gì sẽ xảy ra nếu trong thang máy chung cư không có một cái camera? Chắc hẳn sẽ là sự ấm ức của nạn nhân.

Nhưng ngay cả trong những vụ "hai năm rõ mười" như thế này chúng ta đang phải chứng kiến, phải chịu quá nhiều sự thật rất buồn.

Dường như trong việc đánh giá hậu quả của hành vi, cơ quan công quyền đang nhìn vào hành vi của đương sự trong khi gần như bỏ qua cảm xúc của những nạn nhân, quá chú trọng đến mức độ thương tích "ngoài da" để bỏ qua những tổn thương khủng khiếp về tâm lý, tinh thần, danh dự vốn là đặc trưng của những xâm hại tình dục kiểu này.

© Được Lao Dong cung cấp 200 ngàn đồng tiền phạt liệu có đủ sức ngăn ngừa những tên biến thái?

 

Dường như sự không tương xứng giữa tính chất hành vi của thủ phạm/mức độ tổn thương của nạn nhân/và hình thức xử lý của pháp luật đang khiến những cái "án" 200 ngàn đồng giống như một sự nhạo báng, hoàn toàn không có tác dụng răn đe, thậm chí gây phẫn nộ dư luận.

Dường như trong cả 2 vụ việc, chúng ta đang chứng kiến sự bất lực của pháp luật trong việc bảo vệ người dân.

Và nếu "luật 200 ngàn" còn tiếp tục tồn tại thì có gì đảm bảo những vụ sàm sỡ không tiếp tục diễn ra?

Sẽ có bao nhiêu kẻ biến thái nhếch mép cười khẩy - sẵn sàng bỏ ra 200 ngàn nộp phạt sau khi "cưỡng hôn" bất kỳ cô gái nào gặp trên đường - khi hắn ta muốn ?

http://laodong.com.vn/

 

Venezuela! Điều không thể tin…

Người dân Venezuela đã chứng minh bản lĩnh và nhân cách của mình qua bài kiểm tra mất điện…  

Tổng thống Maduro

Chiến dịch lật đổ chính quyền Venezuela do Maduro làm tổng thống của Mỹ và phe đối lập bởi Goaydo đã trải qua 3 giai đoạn.

Khởi đầu từ ngày 23/1 bằng một cuộc biểu tình lớn trên cả nước cùng lúc Joan Goaydo tự phong mình là Tổng thống và đã được Hoa Kỳ với khoảng 50 quốc gia công nhận.

Giai đoạn 2, mở chiến dịch "viện trợ nhân đạo". Thực chất của chiến dịch "viện trợ nhân đạo" là Mỹ thiết lập một đường dây cung cấp cho các hoạt động tiếp theo để lật đổ chính quyền Maduro.

Đó là đưa các lực lượng đánh thuê, vũ khí trang bị, phương tiện hạng nặng qua biên giới vào sâu trong nội địa Venezuela…

Chiến dịch này nếu thành công thì có nghĩa là lực lượng an ninh, quân đội Venezuela đã mở cửa cho quân xâm lược vào nhà, có nghĩa là họ không còn trung thành với Tổng thống Maduro và có nghĩa là giờ của Maduro và chính quyền của ông ta được đánh số.

Đáng tiếc, chiến dịch "viện trợ nhân đạo" này thất bại tuyệt đối, lực lượng an ninh và quân đội Venezuela "từ chối" rất quyết liệt, cứng rắn nên không một chiếc xe tải nào lọt qua biên giới.

Có vẻ như cấm vận, trừng phạt đồng thời với 2 bước trên của Mỹ và phe đối lập không đủ đô để làm cho chính quyền Maduro sụp đổ nên các "chuyên gia lật đổ" quyết định đi tiếp nước cờ thứ 3: Tắt điện Venezuela.

Đây là nước cờ quyết định khiến chính quyền Maduro knock out. Tại sao các "chuyên gia lật đổ" lại tự tin như vậy? Chúng ta sẽ đi sâu vào nước cờ này.

Kinh nghiệm Mỹ…

Vào ngày 13 tháng 7 năm 1977, do một số vụ sét đánh vào các trạm biến áp của New York, thủ đô tài chính của Hoa Kỳ, và sau đó là cả thế giới, đã bị bỏ lại trong hai ngày. Cướp bóc bắt đầu trong một giờ. Trong hầu hết các khu, không có một cửa hàng hay nhà hàng nào không bị đánh cướp.  

"Nhờ có Đấng toàn năng, chúng ta sẽ lấy bất cứ thứ gì chúng ta muốn!" Ban đầu hầu như chỉ có người da đen nhưng ngay và luôn sau đó người da trắng nhanh chóng tham gia… 

Họ đập vỡ cửa sổ cửa hàng và kéo mọi thứ từ đó: TV, máy giặt, máy điều hòa không khí, nhạc cụ, máy ghi âm, quần áo…vào xe con, xe tải. Để che dấu vết của họ, các cửa hàng bị cướp bóc đã bị đốt cháy. Hàng trăm lính cứu hỏa cố gắng chữa cháy bị bao quanh bởi một đám đông thù địch, đã bị thương, có người bị giết.

Tất cả sức mạnh trong thành phố từ quân đội, cảnh sát đã biến mất buộc người dân New York tự đấu tranh để sinh tồn: Chủ các cửa hàng và nhà hàng, để cứu mạng sống và tài sản của họ khỏi những kẻ phá hoại và cướp bóc đã cầm vũ khí và gậy bóng chày trong tay, tham gia vào các cuộc chiến đẫm máu với những tên côn đồ…mà vài giờ trước, dường như là những công dân tuân thủ luật pháp.

Nữ trung sĩ cảnh sát cảnh sát Robert Murphy chứng kiến kể lại: "Đây là đêm của quái thú. Chúng tôi bắt năm hoặc sáu người tuần hành, nhưng một trăm người nữa thay thế họ. 

Chúng tôi chạy đến cửa hàng đang bị cướp, và những người xung quanh cảnh báo những kẻ cướp bóc về sự xuất hiện của chúng tôi. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là xua đuổi bọn côn đồ đi một lúc. Nhưng họ ngay lập tức đi đến một con phố khác và bắt đầu cướp…".

Theo dữ liệu chính thức, chỉ sau 1 đêm, hơn 100 nghìn người đã tham gia cướp bóc và bạo loạn, 18 cảnh sát và hàng trăm thường dân đã chết, 2.000 cửa hàng bị cướp phá. Bạo loạn và cướp bóc chỉ dừng lại khi cung cấp điện được khôi phục ở New York ...

Đây là kinh nghiệm Mỹ, nước Mỹ là nước văn minh, dân chủ nhất thế giới, công dân của một quốc gia giàu có như Mỹ mà cũng tạo ra một đêm kinh hoàng như vậy tại Thủ đô rực rỡ cờ hoa…thì  họ nghĩ cư dân Venezuela man di chắc chắn trong điều kiện như vậy sẽ cư xử tồi tệ hơn…

Nhưng… lại là một tính toán sai lầm.

Venezuela không phải là New York!

Sau khi nhấn chìm Venezuela vào bóng tối trong vài ngày, những kẻ chủ mưu hy vọng rằng cư dân của đất nước bị trừng phạt bởi các lệnh trừng phạt, sẽ phá hủy chế độ Nicolas Maduro.

Nhưng chuyện kinh ngạc xảy ra đến nỗi người Mỹ hay cư dân của New York - những người có danh dự và lòng tự trọng sẽ cảm thấy tự xấu hổ…

Không chỉ 2 ngày một đêm như ở New York, Venezuela bị tắt điện 5 ngày 5 đêm và hiện giờ vẫn chưa được khôi phục toàn bộ.

Và, bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng người Mỹ, công dân của một quốc gia giàu có nhất thế giới với 6 đêm mất điện sẽ hành xử như thế nào nếu như họ sống như người dân Venezuela bị nghiền nát, bần cùng, bởi các lệnh trừng phạt và cấm vận tàn khốc?

Tất nhiên, từ kinh nghiệm Mỹ, những kẻ chủ mưu lật đổ Maduro đã có câu trả lời, nhưng…lại nhưng, họ đã sai khi thông qua trải nghiệm của chính mình để đánh giá người khác là người Venezuela.

Rõ ràng không thể phủ nhận, trong các vùng chìm trong bóng tối của các thành phố Venezuela, một sự gia tăng tội phạm, vốn đã rất cao ở đất nước này, đã xảy ra. Nhưng không có gì giống như những gì xảy ra trong những trường hợp như vậy ở các thành phố của Hoa Kỳ.

Té ra, người Venezuela văn minh hơn nhiều. Lực lượng an ninh và quân đội Venezuela trên khắp cả nước chứ không riêng ở các thành phố lớn luôn đủ sức để trấn áp các đối tượng bạo loạn, cướp bóc không chỉ thế mà còn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.

Trong đòn tấn công làm tắt điện Venezuela của kẻ thù thì tổn thất do mất điện gây ra là rất lớn nhưng Venezuela đã giành chiến thắng rất lớn ở trong một ý nghĩa khác – đạo đức nhân cách Venezuela.

Một chiến thắng như vậy thậm chí còn quan trọng hơn một trận thắng lớn trên chiến trường. Mất điện nhưng Venezuela không hỗn loạn, mất điện nhưng người dân Venezuela dù nghèo khổ nhưng không biến mình thành kẻ cướp…Đây chính là cái gốc bền vững của đất nước.

Gây ra sự cố mất điện thực sự như một con dao 2 lưỡi. Kẻ chủ mưu mong muốn tạo ra một lực lượng người bạo loạn, cướp bóc… nhưng khi điều này không xảy ra thì chính nó ngược lại tạo ra một lòng căm thù đến lực lượng chủ mưu gây ra mất điện.

Một đất nước mà đa số người dân không biến thành cướp từ sự khó khăn, kích động của thế lực bên ngoài, biết căm thù kẻ đã gây ra cho chính mình…thì muốn có một Maidan như ở Ukraine hay một cuộc cách mạng màu là khó khăn.

Venezuela, điều không thể tin!

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/venezuela-dieu-khong-the-tin-3376348/?paged=1

 

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Nửa thế kỉ Damanski - Trận chiến biên giới Xô-Trung

(Quan hệ quốc tế) - Kỷ niệm tròn nửa thế kỷ trận chiến Damanski tại biên giới Xô-Trung (15/3/1969- 15/3/2019), nhiều báo Nga cho đăng các bài viết về cuộc xung đột này.

Chúng tôi xin được giới thiệu một trong số đó- bài viết của một chuyên gia Nga quen thuộc, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện HLKH Nga Aleksandr Anatolievich Khramchikhin với một số thông tin và nhận định khác với những gì chúng ta thường nghe.

Bài đăng trên tuần báo chuyên ngành quân sự "Bình luận quân sự độc lập" (Nga) ngày 15/3/2019. Chúng tôi có bổ sung thêm bản đồ sông Dương Tử để thể hiện rõ hơn ý của tác giả và lược bớt một số đoạn ngắn.

Quan hệ giữa Matxcova và Bắc Kinh trong những năm đó đã căng thẳng đến đỉnh điểm. Ảnh: RIA Novosti

Những sự kiện xảy ra trên đảo Damansky trên sông Ussuri cách đây tròn nửa thế kỷ đã được mô tả rất chi tiết và rất nhiều lần, vì thế rất không cần phải nhắc lại.

Đến bây giờ thì tất cả những người quan tâm đến những trận chiến đó đều biết một cách hết sức rõ rằng (Quân đội Xô Viết) đã không thiêu cháy người Trung Quốc bằng bất kỳ loại vũ khí laser nào, mà kết cục chiến cuộc (xung đột) biên giới Xô Trung nói trên đã được quyết định bởi một loại vũ khí giờ tuy đã lạc hậu, nhưng vào thời điểm đó đang là loại vũ khí hoàn toàn mới và cực mạnh- đó là các hệ thống (pháo) phản lực phóng loạt (dàn) BM-21 'Grad" ("Mưa đá").

Nhưng lại rất nên suy ngẫm những sự kiện đó từ những góc độ lịch sử, chính trị và quân sự khác nhau.

LIÊN XÔ CÓ THỰC SỰ HÙNG MẠNH

Những trận đánh giành Damanski tháng 3/1969 là một trong rất nhiều những hậu quả từ sự nghiệp làm từ thiện không "chữa trị nổi" và cũng không tài nào giải thích nổi của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay - một lòng từ thiện được trả ơn bằng việc chúng ta (Liên Xô- Nga) đã bị đánh, đang bị đánh và, có lẽ, sẽ còn bị đánh trong một khoảng thời gian dài dài nữa.

.....

Nhưng Liên Xô, trước tiên là đảm bảo cho những người Cộng sản Trung Quốc khả năng đánh chiếm toàn bộ Trung Hoa lục địa, và sau đó bằng chính tiền của mình (trong khi nạn đói hoành hành và đất nước bị tàn phá trong những năm ngay sau Chiến tranh Vệ quốc), Liên Xô đã xây dựng cho Trung Quốc một nền sản xuất công nghiệp cực mạnh, trong đó có cả ngành công nghiệp quân sự.

Nhưng sau đó nữa thì nhân vật bài Nga "sáng chói" nhất bắt đầu đưa ra yêu sách, đầu tiên là đòi vai trò lãnh đạo Phong trào cộng sản thế giới, có nghĩa là bắt Matxcova thần phục Bắc Kinh. Những yêu sách của Mao về "để lại tính sau" là không có giới hạn, nhưng đó lại là một chủ đề cho một bài viết khác.

Và như vậy, chính Matxcova chứ không phải ai khác đã bỏ tiền túi của mình để dung dưỡng một kẻ thù gần nhất. Đây là nguyên nhân của những sự kiện trên Damansky nếu xét trên bình diện chính trị nói chung. Lý do ở tầm "cục bộ" hơn- đó chính là vấn đề phân định đường biên giới giữa hai nước.

TRANH CHẤP BIÊN GIỚI

Theo Hiệp ước Bắc Kinh năm 1860 và các Nghị định thư Novokiev về sau này, đường biên giới phía đông (phía đông Mông Cổ) giữa hai nước (Nga- Trung) chạy dọc theo bờ sông Amur và Ussuri về phía Trung Quốc. Có nghĩa là tất cả các hòn đảo trên những con sông này đều thuộc về chúng ta (Nga).

Nhưng đồng chí Khrushev (Bí thư thứ nhất (TBT) ĐCS Liên Xô 1953-1964- ND) đã không chịu dừng lại ở việc tặng Crimea cho Ucraine, ông ta còn tặng cho Trung Quốc một nửa các con sông biên giới, sau khi "quyết"rằng đường biên giới giờ sẽ chạy đúng giữa dòng chảy (luồng) của các con sông đó.

Chỉ riêng chuyện này cũng đã cần phải tiến hành các cuộc đàm phán hết sức nghiêm túc về việc điều chỉnh đường biên giới. Nhưng tại chính các cuộc đàm phán này, người Trung Quốc lại còn đưa ra tuyên bố về sự cần thiết phải có những điều chỉnh ở một quy mô quả thực kinh hồn: Bắc Kinh đòi Matxcova "trả lại" ít nhất 1,5 triệu km2 lãnh thổ.

Đây cũng chính là thời điểm mà Trung Quốc đã xây dựng xong học thuyết (thái độ) của mình về "những hiệp ước bất công và bất bình đẳng" (từng ký giữa Nga và Trung Quốc) về việc xác lập đường biên giới Xô (Nga)- Trung. Cái học thuyết tuyệt vời này vẫn vẹn nguyên sức sống cho đến tận hôm nay, mặc dù các vấn đề biên giới giữa hai nước "được coi" là đã giải quyết triệt để.

Những yêu sách của Bắc Kinh đối với một khu vực rộng lớn ở Viễn Đông đã làm cho các cuộc đàm phán về chủ quyền đối các đảo trên Amur và Ussuri đổ vỡ hoàn toàn. Đó cũng là khoảng thời gian khi mà quan hệ Xô-Trung đã bị cắt đứt hoàn toàn.

Thêm nữa, tại Trung Quốc, cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu được khởi động với một trong những nội dung chính của nó là "đấu tranh chống lại Chủ nghĩa xét lại Xô Viết".

Một trong những hậu quả của "cuộc cách mạng" này là các cuộc đột kích thường xuyên vào mùa đông trên mặt băng sông Amur và Ussuri của những đám đông người Trung Quốc với nhiều loại vũ khí lạnh trong tay vào các đồn biên phòng Liên Xô.

Giới lãnh đạo của "Liên Xô hùng mạnh khiến mọi kẻ thù phải run rẩy" không hiểu tại sao lại sợ đến mức không dám làm một điều gì đó "trêu tức" Bắc Kinh.

Bộ đội biên phòng Liên Xô chỉ được phép dùng nắm đấm để đánh nhau, và thậm chí không được phép nghĩ đến việc sử dụng vũ khí, chính vì vậy mà họ chỉ có thể "đón tiếp" những "người anh em vĩnh viễn" với những khẩu súng nhưng phải khoác sau lưng, và với các băng đạn rỗng.

Chính sự hèn nhát này của giới lãnh đạo Liên Xô là nguyên nhân khiến 23 chiến sỹ biên phòng tại Damansky do Trung úy Strelnikov chỉ huy bị thiệt mạng vào ngày 2 tháng 3 năm 1969: Người Trung Quốc đã tàn sát họ (vì không có đạn để chống trả) ,- đã không hề có một trận chiến đấu nào.

Trận chiến đấu thực sự là trận đánh của một lực lượng bộ đội biên phòng Liên Xô do Trung úy Bubenin chỉ huy từ một đồn biên phòng gần đó đến tiếp viện, họ đã đánh bật quân Trung Quốc khỏi đảo Damansky nhưng với cái giá đắt phải trả là sinh mạng của 9 chiến sỹ biên phòng nữa.

Vào ngày 14 tháng 3, có một lệnh bất ngờ đến từ Mátxcova- bộ đội biên phòng Liên Xô phải rút khỏi đảo Damansky.

Nhưng đến buổi tối cùng ngày, lại có một lệnh khác cũng từ Matxcova - phải chiếm lại đảo, nhưng tất nhiên, vào lúc đó, hòn đảo này đã bị quân Trung Quốc trấn giữ. Sự vô lý này đã dẫn đến trận chiến đấu thứ hai trên đảo Damansky vào ngày 15 tháng 3 sau đó.

Và lại phải trả giá bằng sinh mạng của thêm 17 sỹ quan- chiến sỹ biên phòng nữa , trong đó có Đại tá Leonov, đồn trưởng đồn biên phòng Imansky. Trong khi đó ở ngay sau lưng (theo nghĩa đen) những người lính biên phòng là Sư đoàn bộ binh cơ giới số 135 Quân khu Viễn Đông.

Nhưng sư đoàn này không tham chiến vì không có lệnh của Matxcova. Vì theo logic của các nhà lãnh đạo của "(Liên Xô) hùng mạnh và vĩ đại" thì nếu như từ phía chúng ta (Liên Xô) chỉ cho lính biên phòng tham chiến, đó chỉ là một sự cố biên giới, nhưng nếu đưa Quân đội vào trận, thì đó đã là chiến tranh.

Chính các nhà lãnh đạo của chúng ta (Liên Xô) đã ngại chiến tranh đó (chứ không phải có ai đó run rẩy trước mặt họ), mặc dù vào thời gian đó, xét về tiềm lực quân sự, Liên Xô mạnh hơn Trung Quốc hàng chục lần.

"GRAD" QUYẾT ĐỊNH TẤT CẢ

Nhưng dù vậy, cuối cùng thì chính lực lượng pháo binh của Sư đoàn bộ binh cơ giới số 135, trong đó có cả "Grad" đã đánh bại bọn xâm lược, cũng chính các chiến sỹ bộ binh của sư đoàn này, với tổn thất là 9 chiến sỹ hy sinh, đã đánh bật bọn tàn quân Trung Quốc ra khỏi đảo Damanski.

Cho đến nay vẫn chưa hề có thông tin công khai chính thức về những diễn biến cụ thể trong trận đánh này, nhưng chắc chắn một điều là trong bối cảnh khi mà Matxcova im lặng một cách khó hiểu đến cùng cực, người đã đứng ra nhận trách nhiệm về mình và ra lệnh cho Sư đoàn bộ binh cơ giới số 135 vào trận là Tư lệnh Quân khu Viễn Đông (lúc bấy giờ), Thượng tướng Losik.

Ông chính là người được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì những chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến dịch giải phóng Minsk tháng 7 năm 1944 (khi đó Đại tá Losik là lữ đoàn trưởng một lữ đoàn xe tăng),- ông đã không quên nghĩa vụ và danh sự của một sỹ quan.

Nhưng giới lãnh đạo "trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta" (những từ thường được dùng để nói về giới lãnh đạo Liên Xô khi đó),- thì đến thời điểm đó (1969) đã quên hẳn những khái niệm đó (nghĩa vụ và danh dự sỹ quan).

Chỉ đúng nửa năm sau các trận đánh với 58 chiến sỹ và sỹ quan Xô Viết hy sịnh, vào tháng 9 năm 1969, đảo Damanski đã được trao cho người Trung Quốc một lần và mãi mãi.

Chuyện này xảy ra dưới thời "Leonhid Ilich kính mến" (cụm từ thường được dùng để chỉ Leonhid Breznhev, TBT ĐCS Liên Xô 1964- 1982- ND), còn vào cuối những năm 1980, Mikhail Xergeyevich (- cách gọi trang trọng, nhưng trong trường hợp này là mỉa mai – tức Gorbachev-ND) chỉ đơn giản là người hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý mà thôi.

Trên đảo Trân Bảo hiện giờ (tức "cựu" Damanski của chúng ta), (người Trung Quốc) đã xây dựng một bảo tàng Vinh quang chiến trận, - bảo tàng này cấm các công dân Nga không được lai vãng, còn các công dân Trung Quốc thì được giới thiệu, được làm quen với cách giải thích chính thức của (Bắc Kinh) về những sự kiện đã xảy ra theo một kịch bản với nội dung không hề thay đổi trong suốt nửa thể kỷ nay.

Cùng thời gian đó, Trung Quốc bắt đầu hết sức tích cực giúp đỡ những chiến binh Afghanistan chống lại "đội quân hạn chế" của Liên Xô (tại Afghanistan). Số quân nhân Liên Xô hy sinh vì tên lửa "Stingers" khét tiếng của Mỹ tại Afghanistan không quá vài chục người.

Nhưng có tới vài nghìn binh sỹ Xô Viết chết vì vũ khí bộ binh và mìn của Trung Quốc. Bắc Kinh đến thời điểm đó đã hiểu rất rõ rằng – để chống Matxcova, tất cả đều có thể (sử dụng). Và quả thật, trong suốt 10 năm chiến tranh (tại Afghanistan),(giới lãnh đạo Liên Xô) "vĩ đại và hùng mạnh" nhưng đã không dám mạo hiểm tấn công vào những căn cứ hậu cần của các chiến binh tại Pakistan- nơi có các đội quân của Liên minh Anglo-Saxon-Arập-Trung Quốc đồn trú.

Rất tiếc, có rất, rất nhiều dấu vết của cách hành xử như vậy cho đến tận bây giờ vẫn không thể nào "gột rửa" hết được. Ngay cả trong những bối cảnh như hiện nay, chúng ta (Nga) vẫn "mở cửa cho các cuộc đối thoại với các đối tác đáng kính" đến từ Phương Tây, mặc dù những "đối tác đáng kính" đó đã thẳng thừng giải thích cho chúng ta theo cái cách mang tính xúc phạm nhất về việc sẽ không có bất cứ một cuộc đối thoại nào.

Cùng lúc đó, các "đối tác đáng kính" của chúng ta còn đổ riệt cho chúng ta không còn thiếu một tội lỗi nào, chì còn thiếu mỗi tội là gây ra sự diệt vong của thành phố Pompeii (thành phố bị núi lửa Vesuvius phun trào hủy diệt vào năm 79 sau Công nguyên-ND). Hay có lẽ, chưa đến lúc đó thôi.

Trên thực tế, chúng ta cư xử với Trung Quốc cũng theo một cách y như vậy, chưa hề cảm thấy mệt mỏi khi liên tục tự dối chính bản thân mình về các cái gọi là "quan hệ đối tác chiến lược" và "mối quan hệ chưa có bao giờ đẹp như hiện nay".... Trong khi cái "đối tác chiến lược" đó trong những năm gần đây chưa hề động tay ủng hộ Nga trong bất kỳ một vấn đề dù lớn dù nhỏ nào, kể cả về chính trị, kể cả kinh tế.

Hơn nữa, ở chúng ta (Nga) hiện giờ ngày càng ít nhắc đến đảo Damanski và đang tìm cách xóa bỏ hoàn toàn khỏi "ký ức nhân dân" những gì thuộc về vai trò của Bắc Kinh trong thành phần Liên minh chống Xô Viết ở Afghanistan".

Không nhẽ từ bỏ (những tư duy và cách hành động như nói ở trên) lại khó đến thế sao?

  • Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nua-the-ki-damanski--tran-chien-bien-gioi-xo-trung-3376386/?paged=1

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

Đặt mua tới 371 máy bay, Vietjet lấy tiền từ đâu?

Trao đổi với Zing.vn, ông Greg Waldron, quản lý khu vực châu Á của FlightGlobal, chia sẻ nghiệp vụ bán và thuê lại đối với hợp đồng mua máy bay có thể là một lựa chọn của Vietjet.

Bước sang năm thứ 8 hoạt động, Vietjet Air công bố đã nắm trong tay 46% thị phần hàng không nội địa Việt Nam, với đội hình bay gồm 64 máy bay Airbus. Doanh nghiệp này đang thể hiện tham vọng lớn với hàng loạt đơn đặt hàng có tổng số máy bay lên tới 371 chiếc, bao gồm 200 chiếc Boeing 737 và 171 chiếc Airbus. Trong khi các đơn hàng của Boeing dự kiến bắt đầu bàn giao vào quý IV năm nay, thì Vietjet đã tiếp nhận 55 tàu bay từ Airbus. Dự kiến doanh nghiệp sẽ nhận bàn giao đủ 371 máy bay này vào năm 2025.

Bài toán tài chính thế nào?

Nếu chỉ tính các hợp đồng 3 năm gần nhất, tổng giá trị hợp đồng theo giá công bố cho 200 chiếc máy bay Boeing và 70 máy bay Airbus đã là 32,9 tỷ USD. Giá trị hợp đồng sẽ còn lớn hơn nhiều nếu tính đủ cho 371 máy bay mà Vietjet đã đặt hàng. Đây là một con số lớn với mọi hãng hàng không trên toàn cầu. Nhiều người đặt câu hỏi, Vietjet sẽ lấy tiền đâu để chi trả hàng chục tỷ USD cho các hợp đồng 371 máy bay này?

Doanh thu của hãng hàng không lớn nhất thế giới tính theo quy mô đội bay là American Airlines trong hai năm 2016 - 2017 lần lượt là 40,2 và 42,2 tỷ USD. Với riêng Vietjet, tổng doanh thu 3 năm gần nhất từ 2016 - 2018 của hãng hàng không này là hơn 5 tỷ USD.

Với các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD nêu trên, chuyên gia cho rằng Vietjet đang sử dụng nghiệp vụ bán và thuê lại (sale & lease back). Ông Greg Waldron, quản lý khu vực châu Á của FlightGlobal, nhận định với Zing.vn: "Đây là một nghiệp vụ phổ biến trong ngành hàng không, đặc biệt là với những hãng hàng không giá rẻ".

Tàu bay Airbus A320 của Vietjet mang số hiệu VNA680 mà hãng đang thuê của GECAS, theo Planespotter. Ảnh: Suparat Chairatprasert.

Theo FlightGlobal, các hãng hàng không khi đặt hàng máy bay sẽ nhận được mức chiết khấu lớn hơn so với bên thứ ba. Business Insider từng dự đoán Vietjet có thể được Boeing giảm tới 50% giá niêm yết cho hợp đồng mua 100 Boeing 737 MAX 200 vào năm 2016. Thời điểm đó, bà Joanna Pickup, đại diện Boeing, nói với Zing.vn hãng từ chối bình luận công khai hoặc công bố chi tiết về các đàm phán, cũng như hợp đồng bán máy bay.

Bán và thuê lại thực chất là gì?

Bên cho thuê cũng có lợi khi mua lại những dòng máy bay mới, hiện đại mà Vietjet đặt hàng và thu được dòng tiền đều đặn từ việc cho thuê.

Ông Greg Waldron, quản lý khu vực châu Á của FlightGlobal.

Hoạt động bán và thuê lại là một trong các giải pháp tài chính hãng hàng không sử dụng để thuê hoạt động tàu bay thông qua giao dịch với các công ty cho thuê máy bay ( leasing company).

Trong giao dịch "bán và thuê lại", các hãng hàng không chỉ cần chuẩn bị vài phần trăm giá trị hợp đồng để đặt cọc cho Airbus, Boeing. Khi nhận máy bay từ nhà sản xuất, hãng sẽ bán lại tàu bay cho bên thứ ba là các công ty cho thuê máy bay. Số tiền bán máy bay cho bên thứ ba sẽ được hãng dùng để thanh toán cho Airbus, Boeing. Sau đó, hãng hàng không lại đi thuê chính những máy bay này từ các công ty cho thuê để khai thác.

Ông Waldron đánh giá giao dịch bán và thuê lại lợi cả đôi đường. Trong khi hãng hàng không có thể sử dụng nguồn vốn tài chính lớn, tiết kiệm số tiền đáng kể và có đội tàu ổn định thì công ty cho thuê tàu bay cũng có lợi.

"Bên cho thuê cũng có lợi khi mua lại những dòng máy bay mới, hiện đại mà Vietjet đặt hàng và thu được dòng tiền đều đặn từ việc cho thuê", ông Waldron nhận xét.

Trong thực tế, nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay cũng là một trong những hoạt động kinh doanh quan trọng trong báo cáo tài chính của Vietjet. Doanh thu từ hoạt động bán và thuê lại máy bay của Vietjet năm 2016 là 11.600 tỷ đồng, tăng lên 19.800 năm 2017 và giảm còn 18.600 tỷ đồng năm 2018, lần lượt chiếm 42%, 47% và 35% tổng doanh thu.

Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động khai thác vận chuyển hành khách có sự tăng trưởng mạnh qua các năm. Doanh thu từ hoạt động liên quan dịch vụ hàng không của hãng đã tăng một mạch gấp 4,8 lần trong 4 năm, từ gần 7.000 tỷ đồng năm 2014 lên gần 34.000 năm 2018.

Ảnh: Quang Thắng.

Theo đánh giá của CAPA,  bán và cho thuê lại thường hấp dẫn các hãng hàng không khởi nghiệp vì lợi nhuận tức thì. Ghi nhận của CAPA hồi tháng 10/2017 thì 28 máy bay mà Airbus đã bàn giao cho Vietjet thời điểm đó đều dùng để bán và thuê lại. "Về lâu dài, chúng có thể trở thành một điểm yếu, vì các hãng hàng không sẽ phải trả cao hơn giá thuê trung bình khi tuổi đời máy bay của họ già đi, và phải chịu chi phí cao khi trả lại máy bay", CAPA nhận xét.

Vietjet mua máy bay dựa trên kế hoạch phát triển kinh doanh 10 năm

Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo Vietjet Air nói rằng việc bán và mua lại là một chương trình hợp tác tài chính giữa các doanh nghiệp để đầu tư hiệu quả vào một dự án.

Với Vietjet, việc đầu tư mua máy bay là rất quan trọng. Phát triển đội bay lớn với các hợp đồng mua máy bay từ Boeing và Airbus nằm trong chiến lược phát triển ổn định và bền vững của doanh nghiệp này.

Với việc đặt hàng số lượng lớn giúp cho hãng không chỉ được giảm giá về thương mại mà còn được sự hỗ trợ về kỹ thuật, bảo hành, bảo trì từ các hãng máy bay Boeing và Airbus.

Hiện nay, Vietjet Air là một trong những hãng có chi phí vận hành thấp nhất ngành hàng không, theo số liệu từ CAPA. Chi phí mỗi dặm bay đã trừ phí nhiên liệu của Vietjet Air là 0,24 USD trong quý III/2018, còn mức chưa trừ phí nguyên liệu là khoảng 0,4 USD. Trên thế giới, các hãng hàng không giá rẻ duy trì được mức phí này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, yếu tố giúp cho công ty phát triển ổn định bền vững là các doanh thu đến từ hoạt động vận chuyển hành khách và các doanh thu liên quan đến chuyến bay.

Nhấn mạnh nhu cầu chủ động trong đội tàu bay và khả năng vận hành của hãng, vị lãnh đạo này cho biết các hợp đồng mua máy bay mới của Vietjet Air với Boeing và Airbus đều dựa trên kế hoạch phát triển kinh doanh 10 năm của hãng.

"Đội tàu bay mà Vietjet đã đặt mua không chỉ phục vụ cho phát triển và khai thác tại Việt Nam mà còn sử dụng cho kế hoạch phát triển liên kết mạng bay với các hãng hàng không liên kết tại các thị trường khác. Đơn cử như hãng hàng không liên kết đầu tiên của Vietjet tại nước ngoài là ThaiVietjet, hãng hàng không tại Thái Lan", lãnh đạo Vietjet cho biết.

Vị này nói thêm có rất nhiều phương thức thu xếp vốn để mua tàu bay như - vay từ nguồn vốn hỗ trợ xuất khẩu (ECA) của US Eximbank, Euler Hermes/COFACE/UK Finance (châu Âu), ]AFIC, phát hành trái phiếu, vốn chủ sở hữu, thuê tài chính, bán và thuê lại tàu bay...

Hoạt động bán và thuê lại chính là thuê hoạt động. Giải pháp này giúp giảm chi phí thuê hoạt động trên 40% so với thị trường do hãng đã có kế hoạch đặt hàng và thuê lại với công ty cho thuê tàu bay.

Vị này cũng xác nhận nghiệp vụ bán và thuê lại đóng góp phần doanh thu đáng kể cho Vietjet, lợi nhuận từ hoạt động bán và thuê lại máy bay bắt đầu từ cuối năm 2014.

https://news.zing.vn/dat-mua-toi-371-may-bay-vietjet-lay-tien-tu-dau-post921595.html

 

Hoa hồng cho 8/3 - đừng mãi trói nhau bằng tư duy những ngày đã cũ

"Đàn ông phải thế này", "phụ nữ phải thế kia", "con gái mà thế à", "con trai thì không được khóc" … Tại sao chúng ta cứ phải "trói" nhau bằng những tư duy đầy định kiến giới?

Nhà báo Vũ Tiến Hồng hiện là giáo sư báo chí tại Đại học Kansas (Mỹ). Ông có bằng tiến sỹ tại Đại học Texas. Trước đó, ông từng làm việc cho hãng tin Associated Press (AP) tại Việt Nam và là đồng tác giả của nghiên cứu Báo chí và định kiến giới đối với lãnh đạo nữ xuất bản cuối năm 2016. 

Khi tin tức về vụ ly hôn nghìn tỷ của ông bà chủ Trung Nguyên tràn ngập mặt báo, những chi tiết mới về cuộc sống cá nhân của gia đình họ dần hé lộ và trở thành chủ đề bàn luận khắp nơi, từ những quán nước vỉa hè tới mạng xã hội.

Thật thì tôi không mấy quan tâm đến những chi tiết ấy, bởi dù có vài trăm vài nghìn lần mô tả cũng khó có thể giãi bày hết những nội tình bên trong của câu chuyện giữa hai người. Nhưng với phần đa phụ nữ Việt, những lời chủ toạ phiên toà Nguyễn Văn Xuân khuyên bà Thảo - nên an phận, nên "rút về" vì đã được "sống như bà hoàng" - cũng rất quen, quen lắm.

Học cao quá "chỉ tổ chửi chồng"

Phụ nữ Việt vẫn luôn sống trong những lời lẽ về vai phận của họ rằng họ phải "giữ chắc hậu phương", "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", "đảm việc nhà".

Cả đời người, nhiều phụ nữ luôn được "dạy bảo" họ phải biết khuôn phép, an phận thủ thường, đừng có mạnh bạo quá, nên ổn định; học cao quá thì "chỉ tổ chửi chồng" hoặc "chẳng thằng nào dám lấy.

Cả đời người, nhiều phụ nữ luôn được "dạy bảo" họ phải biết khuôn phép, an phận thủ thường, đừng có mạnh bạo quá, nên ổn định; học cao quá thì "chỉ tổ chửi chồng" hoặc "chẳng thằng nào dám lấy"; không nên chọn con đường nhiều chông gai thách thức hay giành lấy các cơ hội nếu có dù là vài phần trăm rủi ro.

Những lời dạy bảo ấy ăn sâu trong tiềm thức, đặt ra những ranh giới cho họ, chia vai phận cho họ trong cuộc sống, phán xét và giữ chặt những cá tính, sự mạnh mẽ của họ trong những vai phận ấy.

Phụ nữ làm dù có là gì đi nữa, thường đánh đổi lại chỉ là những lời khen cho sự mờ nhạt như "truyền thống", "tần tảo", "đảm đang", "chịu đựng", "biết nhịn", "có đức hy sinh", hay hoa mỹ hơn thì là "nội tướng", "đằng sau thành công của người đàn ông đều có bóng dáng của người phụ nữ".

Thay vì khuyến khích, những lời khen như vậy đã và đang làm mòn đi những giấc mơ táo bạo, những dấn thân, những sáng tạo, cũng như những ham muốn đổi thay, cống hiến cho cuộc đời của phụ nữ. Để bước qua được những ranh giới ấy, phụ nữ sẽ phải đối mặt với trùng trùng những khó khăn, từ những đàm tiếu, chê cười, bóng gió nhỏ nhặt trong nhà, ngoài xóm ngõ, đến cơ quan, bè bạn cho tới cả khi đứng trước phiên tòa hay khi được đặt lên bàn cân nhắc chức vụ.

Phụ nữ làm dù có là gì đi nữa, thường đánh đổi lại chỉ là những lời khen cho sự mờ nhạt như "truyền thống," "tần tảo," "đảm đang" hay hoa mỹ hơn thì là "nội tướng", "đằng sau thành công của người đàn ông đều có bóng dáng của người phụ nữ".

Ngay kể cả khi đã bước qua những ranh giới đó trở thành những phụ nữ thành công trên thương trường hay chính trường khắc nghiệt, cuộc sống của họ vẫn bị những "vai phận" ấy chi phối. Cái báo chí và thiên hạ tò mò là ở nhà họ sẽ đối xử với chồng con thế nào, họ có "ra mệnh lệnh" với chồng con không, có "nữ tính" đủ không, có giữ được "truyền thống" không, ai nấu ăn, ai làm việc nhà, ai chăm sóc con, ai đi chợ, ai giặt giũ, ai rửa bát và cả tỷ thứ khác.

Trong nghiên cứu về cách báo chí đưa tin về lãnh đạo nữ, chúng tôi luôn thấy hình ảnh của những phụ nữ dù phải bôn ba trên thương trường hay chính trường vẫn luôn giữ tổ ấm bằng việc chăm sóc chồng con. Có những bà đại sứ luôn có cảm giác có lỗi khi công việc bận quá không đưa con đi học và lo cho con được như những phụ nữ khác.

Đã thành lệ trong phần lớn các gia đình, nếu một người chồng bận bịu, việc người vợ phải lo chu toàn gia đình là điều hiển nhiên. Người chồng luôn có quyền đòi hỏi thế. Và người vợ ấy vẫn là sướng, là nhàn. Nếu một người vợ bận bịu với việc công ty hay cơ quan, sẽ là may mắn khi người chồng biết thông cảm. Chồng làm việc nhà nào đó là "giúp vợ". Và điều phổ biến đến mức ai cũng vẫn chấp nhận là "vợ vẫn phải ra vợ".

Ngay kể cả khi đã bước qua những ranh giới đó trở thành những phụ nữ thành công trên thương trường hay chính trường khắc nghiệt, cuộc sống của họ vẫn bị những "vai phận" ấy chi phối.

Những định kiến ấy không chỉ có hại với những người phụ nữ có khả năng vươn ra khỏi vai trò an phận trong gia đình. Đi kèm với nó là những tác hại với cả vai trò giới của đàn ông (toxic masculinity). Đàn ông phải là trụ cột trong gia đình, là phải kiếm tiền giỏi, là phải gánh vác những chuyện to lớn, nặng nhọc. Nếu không làm được thì chỉ đáng "vứt đi". Nếu đàn ông muốn làm việc nhà như rửa bát hay giặt giũ mà thấy bạn đến chơi cũng phải ngại ngùng phân trần hoặc giấu giếm.

Trên thực tế, những ước tính từ khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2016 đã cho thấy ở độ tuổi thanh niên (20-29), số lượng phụ nữ tốt nghiệp cao đẳng và đại học đã vượt xa nam giới, thể hiện mức độ thay đổi về giới trong cấu trúc dân số về trình độ giáo dục.

Cũng theo một báo cáo gần đây của Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC), 21% số doanh nghiệp ở Việt Nam là do phụ nữ làm chủ. Con số này đủ để thấy phụ nữ có khả năng làm những điều vượt lên trong một môi trường đầy rẫy những dò xét định kiến chống lại họ.

Nhìn con số đó tôi cũng đặt câu hỏi: Không biết trong 79% còn lại, có bao nhiêu chỉ có danh nghĩa là người chồng sở hữu, nhưng những chèo lái, tính toán chiến lược phía sau vẫn là những phụ nữ muốn cho thiên hạ thấy mình vẫn làm tròn vai phận "truyền thống"? Nó cũng khiến cho những người đàn ông dù biết mình không yêu thích, không có khả năng thương trường như vợ, vẫn phải mang gánh nặng "chứng tỏ mình" đứng mũi chịu sào.

Làm đàn ông lẫn phụ nữ đều không dễ

Những con số đó, dù nói gì, cũng vẫn khô khan, khó hình dung. Câu chuyện bình đẳng giới nghe thì chỉ như "chuyện ngoài xã hội", chuyện của những "chính sách" to lớn, hay thậm chí nếu tiêu cực, là chuyện của sự trỗi dậy "nổi loạn" của những người phụ nữ ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây, là vượt ra ngoài khuôn phép truyền thống.

Với tôi, câu chuyện bình đẳng giới, có gương mặt của mẹ tôi, của những người chị gái hàng ngày vẫn cố gắng vượt qua vai phận của mình, chỉ đơn giản để có một cuộc sống hạnh phúc cho gia đình bản thân.

Mẹ tôi, nay đã suýt soát 90, là một người phụ nữ hoàn toàn không biết đọc, biết viết. Việc phải nuôi 6 đứa con với mức lương còm của bố tôi, một công chức nhỏ lại không giỏi xoay xở, ở một vùng đất mới "khai hoang" trên miền núi Lai Châu, đã khiến người phụ nữ như mẹ tôi phải tiến lên đứng mũi chịu sào.

Tổ chức con cái làm bún, phở, miến dong rồi một tháng thì cả ba mươi ngày mẹ đi chợ từ sáng sớm. Chiều về lại hô hào sản xuất bún, phở đến đêm để sáng sớm hôm sau tiếp tục gánh mang ra chợ. Và cũng bởi suốt ngày ngoài chợ, mẹ tôi chả mấy khi nấu ăn hay may vá bao giờ. Nhưng nhờ gánh bún ấy, cả 6 anh em tôi không ai phải bỏ học. Tiền nong chi tiêu, một tay mẹ tôi lo.

Chúng tôi thường đùa mẹ là người may mắn, vì bố nấu ăn giỏi và hầu như chịu trách nhiệm bếp núc cho hai người khi chúng tôi đã rời xa bố mẹ. Sau này khi hiểu nhiều hơn tôi thấy ẩn chứa trong cả những câu đùa ấy, là sự bất công với mẹ. Bởi đương nhiên nếu mẹ đã đi chợ cả 30 ngày một tháng, thì sao giỏi nấu ăn, may vá được. Nhưng cũng bất công cả cho bố, vì dù thích vào bếp nấu món này món kia cũng vẫn thấy ngượng ngùng mỗi lần phải trả lời cho câu hỏi: "Ông cũng nấu ăn ạ?".

Cũng không ít gia đình tan vỡ vì thực tế cuộc sống đòi hỏi họ phải đổi vai phận "truyền thống", nhưng những phán xét từ gia đình, bạn bè, xã hội, làm rạn nứt mối quan hệ của họ.

Vậy tại sao chúng ta cứ phải "trói" nhau bằng những mặc định, bằng ngôn ngữ và tư duy đầy định kiến giới? "Đàn ông phải thế này", "phụ nữ phải thế kia", "con gái mà thế à", "con trai thì phải mạnh mẽ lên, không được khóc", "phái đẹp", "phái mạnh" hay "phái yếu" ...

Lại một mùa 8/3 nữa. Người ta lại ào ào mua những bó hoa tươi để tặng cho phụ nữ. Các chị, các mẹ và tất cả phụ nữ xứng đáng được tôn vinh. Nhưng không phải chỉ có 8/3 hay 20/10. Yêu thương, trân trọng phụ nữ thì tốt, nhưng những ngày khác thì sao?

Những ngày này, hoa sẽ đắt hàng lắm. Hoa được chuẩn bị từ cả tuần trước để cho cánh đàn ông thể hiện sự "tâm lý" của họ trong một ngày. Nhưng ai cũng biết, hoa có đẹp đến mấy cũng chỉ được mấy ngày là héo rũ. Điều quan trọng nhất là sau đó, chúng ta đừng tiếp tục quay lại và cứ mãi trói nhau bằng tư duy của những ngày đã cũ.

#VOICES là chuyên mục của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.

https://news.zing.vn/hoa-hong-cho-83-dung-mai-troi-nhau-bang-tu-duy-nhung-ngay-da-cu-post921768.html

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...