Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Nửa thế kỉ Damanski - Trận chiến biên giới Xô-Trung

(Quan hệ quốc tế) - Kỷ niệm tròn nửa thế kỷ trận chiến Damanski tại biên giới Xô-Trung (15/3/1969- 15/3/2019), nhiều báo Nga cho đăng các bài viết về cuộc xung đột này.

Chúng tôi xin được giới thiệu một trong số đó- bài viết của một chuyên gia Nga quen thuộc, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện HLKH Nga Aleksandr Anatolievich Khramchikhin với một số thông tin và nhận định khác với những gì chúng ta thường nghe.

Bài đăng trên tuần báo chuyên ngành quân sự "Bình luận quân sự độc lập" (Nga) ngày 15/3/2019. Chúng tôi có bổ sung thêm bản đồ sông Dương Tử để thể hiện rõ hơn ý của tác giả và lược bớt một số đoạn ngắn.

Quan hệ giữa Matxcova và Bắc Kinh trong những năm đó đã căng thẳng đến đỉnh điểm. Ảnh: RIA Novosti

Những sự kiện xảy ra trên đảo Damansky trên sông Ussuri cách đây tròn nửa thế kỷ đã được mô tả rất chi tiết và rất nhiều lần, vì thế rất không cần phải nhắc lại.

Đến bây giờ thì tất cả những người quan tâm đến những trận chiến đó đều biết một cách hết sức rõ rằng (Quân đội Xô Viết) đã không thiêu cháy người Trung Quốc bằng bất kỳ loại vũ khí laser nào, mà kết cục chiến cuộc (xung đột) biên giới Xô Trung nói trên đã được quyết định bởi một loại vũ khí giờ tuy đã lạc hậu, nhưng vào thời điểm đó đang là loại vũ khí hoàn toàn mới và cực mạnh- đó là các hệ thống (pháo) phản lực phóng loạt (dàn) BM-21 'Grad" ("Mưa đá").

Nhưng lại rất nên suy ngẫm những sự kiện đó từ những góc độ lịch sử, chính trị và quân sự khác nhau.

LIÊN XÔ CÓ THỰC SỰ HÙNG MẠNH

Những trận đánh giành Damanski tháng 3/1969 là một trong rất nhiều những hậu quả từ sự nghiệp làm từ thiện không "chữa trị nổi" và cũng không tài nào giải thích nổi của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay - một lòng từ thiện được trả ơn bằng việc chúng ta (Liên Xô- Nga) đã bị đánh, đang bị đánh và, có lẽ, sẽ còn bị đánh trong một khoảng thời gian dài dài nữa.

.....

Nhưng Liên Xô, trước tiên là đảm bảo cho những người Cộng sản Trung Quốc khả năng đánh chiếm toàn bộ Trung Hoa lục địa, và sau đó bằng chính tiền của mình (trong khi nạn đói hoành hành và đất nước bị tàn phá trong những năm ngay sau Chiến tranh Vệ quốc), Liên Xô đã xây dựng cho Trung Quốc một nền sản xuất công nghiệp cực mạnh, trong đó có cả ngành công nghiệp quân sự.

Nhưng sau đó nữa thì nhân vật bài Nga "sáng chói" nhất bắt đầu đưa ra yêu sách, đầu tiên là đòi vai trò lãnh đạo Phong trào cộng sản thế giới, có nghĩa là bắt Matxcova thần phục Bắc Kinh. Những yêu sách của Mao về "để lại tính sau" là không có giới hạn, nhưng đó lại là một chủ đề cho một bài viết khác.

Và như vậy, chính Matxcova chứ không phải ai khác đã bỏ tiền túi của mình để dung dưỡng một kẻ thù gần nhất. Đây là nguyên nhân của những sự kiện trên Damansky nếu xét trên bình diện chính trị nói chung. Lý do ở tầm "cục bộ" hơn- đó chính là vấn đề phân định đường biên giới giữa hai nước.

TRANH CHẤP BIÊN GIỚI

Theo Hiệp ước Bắc Kinh năm 1860 và các Nghị định thư Novokiev về sau này, đường biên giới phía đông (phía đông Mông Cổ) giữa hai nước (Nga- Trung) chạy dọc theo bờ sông Amur và Ussuri về phía Trung Quốc. Có nghĩa là tất cả các hòn đảo trên những con sông này đều thuộc về chúng ta (Nga).

Nhưng đồng chí Khrushev (Bí thư thứ nhất (TBT) ĐCS Liên Xô 1953-1964- ND) đã không chịu dừng lại ở việc tặng Crimea cho Ucraine, ông ta còn tặng cho Trung Quốc một nửa các con sông biên giới, sau khi "quyết"rằng đường biên giới giờ sẽ chạy đúng giữa dòng chảy (luồng) của các con sông đó.

Chỉ riêng chuyện này cũng đã cần phải tiến hành các cuộc đàm phán hết sức nghiêm túc về việc điều chỉnh đường biên giới. Nhưng tại chính các cuộc đàm phán này, người Trung Quốc lại còn đưa ra tuyên bố về sự cần thiết phải có những điều chỉnh ở một quy mô quả thực kinh hồn: Bắc Kinh đòi Matxcova "trả lại" ít nhất 1,5 triệu km2 lãnh thổ.

Đây cũng chính là thời điểm mà Trung Quốc đã xây dựng xong học thuyết (thái độ) của mình về "những hiệp ước bất công và bất bình đẳng" (từng ký giữa Nga và Trung Quốc) về việc xác lập đường biên giới Xô (Nga)- Trung. Cái học thuyết tuyệt vời này vẫn vẹn nguyên sức sống cho đến tận hôm nay, mặc dù các vấn đề biên giới giữa hai nước "được coi" là đã giải quyết triệt để.

Những yêu sách của Bắc Kinh đối với một khu vực rộng lớn ở Viễn Đông đã làm cho các cuộc đàm phán về chủ quyền đối các đảo trên Amur và Ussuri đổ vỡ hoàn toàn. Đó cũng là khoảng thời gian khi mà quan hệ Xô-Trung đã bị cắt đứt hoàn toàn.

Thêm nữa, tại Trung Quốc, cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu được khởi động với một trong những nội dung chính của nó là "đấu tranh chống lại Chủ nghĩa xét lại Xô Viết".

Một trong những hậu quả của "cuộc cách mạng" này là các cuộc đột kích thường xuyên vào mùa đông trên mặt băng sông Amur và Ussuri của những đám đông người Trung Quốc với nhiều loại vũ khí lạnh trong tay vào các đồn biên phòng Liên Xô.

Giới lãnh đạo của "Liên Xô hùng mạnh khiến mọi kẻ thù phải run rẩy" không hiểu tại sao lại sợ đến mức không dám làm một điều gì đó "trêu tức" Bắc Kinh.

Bộ đội biên phòng Liên Xô chỉ được phép dùng nắm đấm để đánh nhau, và thậm chí không được phép nghĩ đến việc sử dụng vũ khí, chính vì vậy mà họ chỉ có thể "đón tiếp" những "người anh em vĩnh viễn" với những khẩu súng nhưng phải khoác sau lưng, và với các băng đạn rỗng.

Chính sự hèn nhát này của giới lãnh đạo Liên Xô là nguyên nhân khiến 23 chiến sỹ biên phòng tại Damansky do Trung úy Strelnikov chỉ huy bị thiệt mạng vào ngày 2 tháng 3 năm 1969: Người Trung Quốc đã tàn sát họ (vì không có đạn để chống trả) ,- đã không hề có một trận chiến đấu nào.

Trận chiến đấu thực sự là trận đánh của một lực lượng bộ đội biên phòng Liên Xô do Trung úy Bubenin chỉ huy từ một đồn biên phòng gần đó đến tiếp viện, họ đã đánh bật quân Trung Quốc khỏi đảo Damansky nhưng với cái giá đắt phải trả là sinh mạng của 9 chiến sỹ biên phòng nữa.

Vào ngày 14 tháng 3, có một lệnh bất ngờ đến từ Mátxcova- bộ đội biên phòng Liên Xô phải rút khỏi đảo Damansky.

Nhưng đến buổi tối cùng ngày, lại có một lệnh khác cũng từ Matxcova - phải chiếm lại đảo, nhưng tất nhiên, vào lúc đó, hòn đảo này đã bị quân Trung Quốc trấn giữ. Sự vô lý này đã dẫn đến trận chiến đấu thứ hai trên đảo Damansky vào ngày 15 tháng 3 sau đó.

Và lại phải trả giá bằng sinh mạng của thêm 17 sỹ quan- chiến sỹ biên phòng nữa , trong đó có Đại tá Leonov, đồn trưởng đồn biên phòng Imansky. Trong khi đó ở ngay sau lưng (theo nghĩa đen) những người lính biên phòng là Sư đoàn bộ binh cơ giới số 135 Quân khu Viễn Đông.

Nhưng sư đoàn này không tham chiến vì không có lệnh của Matxcova. Vì theo logic của các nhà lãnh đạo của "(Liên Xô) hùng mạnh và vĩ đại" thì nếu như từ phía chúng ta (Liên Xô) chỉ cho lính biên phòng tham chiến, đó chỉ là một sự cố biên giới, nhưng nếu đưa Quân đội vào trận, thì đó đã là chiến tranh.

Chính các nhà lãnh đạo của chúng ta (Liên Xô) đã ngại chiến tranh đó (chứ không phải có ai đó run rẩy trước mặt họ), mặc dù vào thời gian đó, xét về tiềm lực quân sự, Liên Xô mạnh hơn Trung Quốc hàng chục lần.

"GRAD" QUYẾT ĐỊNH TẤT CẢ

Nhưng dù vậy, cuối cùng thì chính lực lượng pháo binh của Sư đoàn bộ binh cơ giới số 135, trong đó có cả "Grad" đã đánh bại bọn xâm lược, cũng chính các chiến sỹ bộ binh của sư đoàn này, với tổn thất là 9 chiến sỹ hy sinh, đã đánh bật bọn tàn quân Trung Quốc ra khỏi đảo Damanski.

Cho đến nay vẫn chưa hề có thông tin công khai chính thức về những diễn biến cụ thể trong trận đánh này, nhưng chắc chắn một điều là trong bối cảnh khi mà Matxcova im lặng một cách khó hiểu đến cùng cực, người đã đứng ra nhận trách nhiệm về mình và ra lệnh cho Sư đoàn bộ binh cơ giới số 135 vào trận là Tư lệnh Quân khu Viễn Đông (lúc bấy giờ), Thượng tướng Losik.

Ông chính là người được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì những chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến dịch giải phóng Minsk tháng 7 năm 1944 (khi đó Đại tá Losik là lữ đoàn trưởng một lữ đoàn xe tăng),- ông đã không quên nghĩa vụ và danh sự của một sỹ quan.

Nhưng giới lãnh đạo "trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta" (những từ thường được dùng để nói về giới lãnh đạo Liên Xô khi đó),- thì đến thời điểm đó (1969) đã quên hẳn những khái niệm đó (nghĩa vụ và danh dự sỹ quan).

Chỉ đúng nửa năm sau các trận đánh với 58 chiến sỹ và sỹ quan Xô Viết hy sịnh, vào tháng 9 năm 1969, đảo Damanski đã được trao cho người Trung Quốc một lần và mãi mãi.

Chuyện này xảy ra dưới thời "Leonhid Ilich kính mến" (cụm từ thường được dùng để chỉ Leonhid Breznhev, TBT ĐCS Liên Xô 1964- 1982- ND), còn vào cuối những năm 1980, Mikhail Xergeyevich (- cách gọi trang trọng, nhưng trong trường hợp này là mỉa mai – tức Gorbachev-ND) chỉ đơn giản là người hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý mà thôi.

Trên đảo Trân Bảo hiện giờ (tức "cựu" Damanski của chúng ta), (người Trung Quốc) đã xây dựng một bảo tàng Vinh quang chiến trận, - bảo tàng này cấm các công dân Nga không được lai vãng, còn các công dân Trung Quốc thì được giới thiệu, được làm quen với cách giải thích chính thức của (Bắc Kinh) về những sự kiện đã xảy ra theo một kịch bản với nội dung không hề thay đổi trong suốt nửa thể kỷ nay.

Cùng thời gian đó, Trung Quốc bắt đầu hết sức tích cực giúp đỡ những chiến binh Afghanistan chống lại "đội quân hạn chế" của Liên Xô (tại Afghanistan). Số quân nhân Liên Xô hy sinh vì tên lửa "Stingers" khét tiếng của Mỹ tại Afghanistan không quá vài chục người.

Nhưng có tới vài nghìn binh sỹ Xô Viết chết vì vũ khí bộ binh và mìn của Trung Quốc. Bắc Kinh đến thời điểm đó đã hiểu rất rõ rằng – để chống Matxcova, tất cả đều có thể (sử dụng). Và quả thật, trong suốt 10 năm chiến tranh (tại Afghanistan),(giới lãnh đạo Liên Xô) "vĩ đại và hùng mạnh" nhưng đã không dám mạo hiểm tấn công vào những căn cứ hậu cần của các chiến binh tại Pakistan- nơi có các đội quân của Liên minh Anglo-Saxon-Arập-Trung Quốc đồn trú.

Rất tiếc, có rất, rất nhiều dấu vết của cách hành xử như vậy cho đến tận bây giờ vẫn không thể nào "gột rửa" hết được. Ngay cả trong những bối cảnh như hiện nay, chúng ta (Nga) vẫn "mở cửa cho các cuộc đối thoại với các đối tác đáng kính" đến từ Phương Tây, mặc dù những "đối tác đáng kính" đó đã thẳng thừng giải thích cho chúng ta theo cái cách mang tính xúc phạm nhất về việc sẽ không có bất cứ một cuộc đối thoại nào.

Cùng lúc đó, các "đối tác đáng kính" của chúng ta còn đổ riệt cho chúng ta không còn thiếu một tội lỗi nào, chì còn thiếu mỗi tội là gây ra sự diệt vong của thành phố Pompeii (thành phố bị núi lửa Vesuvius phun trào hủy diệt vào năm 79 sau Công nguyên-ND). Hay có lẽ, chưa đến lúc đó thôi.

Trên thực tế, chúng ta cư xử với Trung Quốc cũng theo một cách y như vậy, chưa hề cảm thấy mệt mỏi khi liên tục tự dối chính bản thân mình về các cái gọi là "quan hệ đối tác chiến lược" và "mối quan hệ chưa có bao giờ đẹp như hiện nay".... Trong khi cái "đối tác chiến lược" đó trong những năm gần đây chưa hề động tay ủng hộ Nga trong bất kỳ một vấn đề dù lớn dù nhỏ nào, kể cả về chính trị, kể cả kinh tế.

Hơn nữa, ở chúng ta (Nga) hiện giờ ngày càng ít nhắc đến đảo Damanski và đang tìm cách xóa bỏ hoàn toàn khỏi "ký ức nhân dân" những gì thuộc về vai trò của Bắc Kinh trong thành phần Liên minh chống Xô Viết ở Afghanistan".

Không nhẽ từ bỏ (những tư duy và cách hành động như nói ở trên) lại khó đến thế sao?

  • Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nua-the-ki-damanski--tran-chien-bien-gioi-xo-trung-3376386/?paged=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...