http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/05/140505_dienbienphu_american_role.shtml
Mỹ đã làm gì trong trận Điện Biên Phủ?
Cập nhật: 05:01 GMT - thứ hai, 5 tháng 5, 2014
Người Pháp từng đổ tiền của vào xây dựng cứ điểm phòng thủ Điện Biên Phủ
Vào thời điểm này 60 năm trước, quân đội viễn chinh Pháp đã bị các lực lượng Việt Nam đánh bại ở Điện Biên Phủ.
Sử gia Julian Jackson cho rằng sự kiện này là bước ngoặt trong lịch sử của hai nước và trong thời Chiến tranh Lạnh.
Các bài liên quan
- Phản ứng sau tin Tướng Giáp qua đời
- Tướng Giáp - người phản đối chiến tranh
- Sách giáo khoa vắng bóng Tướng Giáp
Chủ đề liên quan
Và cũng trong trận chiến này, một số người ở Mỹ dường như đã tính đến sử dụng vũ khí hạt nhân.
Chiến trường Chiến tranh Lạnh
"Ngài có muốn hai quả bom nguyên tử không?" đây là những lời được cho là của Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles nói với Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault hồi tháng 4 năm 1954 theo trí nhớ của một nhà ngoại giao Pháp cấp cao.
Bối cảnh của lời đề nghị này là tình cảnh tuyệt vọng của quân Pháp trong cuộc chiến với các lực lượng của ông Hồ Chí Minh ở Điện Biên Phủ thuộc vùng núi tây bắc Việt Nam.
Trận chiến Điện Biên Phủ ngày nay bị lu mờ bởi sự can thiệp sau đó của người Mỹ vào Việt Nam vào những năm 1960. Nhưng trong thời gian tám năm từ năm 1946 cho đến năm 1954 người Pháp đã trải qua một cuộc chiến đẫm máu để duy trì đế chế của họ ở Viễn Đông.
Sau khi phe cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949, cuộc chiến ở Đông Dương đã trở thành chiến trường chính của Chiến tranh Lạnh.
Trung Quốc viện trợ vũ khí và hậu cần cho Việt Nam trong khi người Mỹ chi trả cho cuộc chiến của người Pháp. Tuy nhiên lính Pháp mới là người chiến đấu và bỏ mạng.
Cho đến năm 1954, quân Pháp ở Đông Dương lên đến 55.000 người.
22.000 lính Việt Minh đã chết trong trận Điện Biên Phủ
Vào cuối năm 1943, tư lệnh của người Pháp ở Điện Biên Phủ là Tướng Navarre đã quyết định xây dựng một cứ điểm chắc chắn ở lòng chảo Điện Biên Phủ nằm cách Hà Nội khoảng 280 dặm.
Lòng chảo này được bao quanh bởi các ngọn núi và ngọn đồi có cây cối. Đây là vị trí có thể phòng vệ được miễn là người Pháp có thể giữ được những ngọn đồi bên trong và được tiếp viện bằng không vận.
Điều mà người Pháp không nghĩ đến là khả năng quân Việt Minh tập trung các khẩu pháo lên gần các ngọn đồi này. Hàng ngàn dân công, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã tham gia kéo pháo. Họ đã kéo pháo qua hàng trăm dặm xuyên rừng cả ngày và đêm.
Vào ngày 13/3 năm 1954, quân Việt Minh khai hỏa ồ ạt và trong vòng hai ngày hai trong số các ngọn đồi đã bị chiếm giữ và đường băng tiếp vận bị tê liệt. Lính Pháp phòng vệ ở Điện Biên Phủ bị cô lập và thòng lọng đã xiết chặt xung quanh họ.
Học thuyết domino
Chính trong tình cảnh này mà người Pháp đã phải kêu gọi Mỹ giúp đỡ trong tuyệt vọng. Nhân vật diều hâu nhất bên phía Mỹ lúc này là phó Tổng thống Richard Nixon, người không có quyền lực chính trị, và Đô đốc Radford, chủ tịch Hội đồng Liên quân Mỹ. Một nhân vật khác cũng rất hiếu chiến là Ngoại trưởng John Foster Dulles, người luôn bị ám ảnh bởi cuộc chiến chống Cộng sản.
Về phần mình, Tổng thống Eishenhower thì do dự hơn. Tuy nhiên, ông cũng có một buổi họp báo vào đầu tháng Tư khi ông phát biểu về 'học thuyết domino', tức là lần lượt từng nước sẽ nối đuôi nhau ngả về phía cộng sản.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xem là linh hồn của chiến thắng Điện Biên Phủ
"Anh dựng lên một dãy các con cờ domino. Anh làm đổ con đầu tiên và điều gì sẽ xảy ra với con cờ cuối cùng? Chắc chắn là nó cũng sẽ đổ rất nhanh," ông nói.
"Do đó cần bắt đầu quá trình phân rã có tác động sâu sắc nhất," ông nói thêm.
Thứ Bảy ngày 3/4 năm 1954 đã đi vào lịch sử nước Mỹ là ngày 'chúng tôi không muốn chiến tranh'.
Vào ngày này, Ngoại trưởng Dulles đã gặp các lãnh đạo Quốc hội và các vị này đã nói rất quyết liệt rằng họ sẽ không ủng hộ bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào trừ phi nước Anh cũng tham gia.
Tổng thống Eisenhower đã gửi một lá thư cho Thủ tướng Anh Winston Churchill cảnh báo hậu quả đối với phương Tây nếu Điện Biên Phủ sụp đổ.
Cũng chính vào lúc này, tại một cuộc gặp ở Paris, Ngoại trưởng Dulles được cho là đã đưa ra đề xuất bất ngờ cho người Pháp về bom hạt nhân.
Trên thực tế, ông Dulles không bao giờ có quyền đưa ra một đề xuất như vậy và cũng không có chứng cớ rõ ràng rằng ông đã đề xuất như vậy.
'Không mặn mà'
Có khả năng trong bầu không khí lo sợ của những ngày đó những người Pháp hoảng hốt đã hiểu lầm câu nói của ông Dulles hay có thể lời của ông đã bị mất ý khi qua phiên dịch.
"Ông ấy thật sự không đề xuất gì cả, ông ấy chỉ gợi ý và đặt câu hỏi mà thôi. Ông ấy đã thốt lên hai từ chết chóc 'bom hạt nhân'," ông Maurice Schumann, cựu ngoại trưởng Pháp, nói trước khi ông qua đời hồi năm 1998.
Người Pháp mất Điện Biên Phủ sau 56 ngày đêm bị bao vây
"(Ngoại trưởng) Bidault đã phản ứng như thể ông không mặn mà với đề xuất này," ông Schumann nói thêm.
Theo Giáo sư Fred Logevall của Đại học Cornell thì Ngoại trưởng Dulles 'ít nhất đã nói rất chung chung về khả năng này, về người Pháp sẽ nghĩ sao về việc có thể sử dụng hai hoặc ba vũ khí hạt nhân chiến thuật ở các vị trí của quân địch.'
Ông Bidault đã từ chối, Schumann cho biết, 'bởi vì ông ấy biết rằng nếu vũ khí này giết rất nhiều quân Việt Minh thì nó cơ bản cũng phá hủy cứ điểm Điện Biên Phủ'.
Cuối cùng, người Mỹ không hề làm gì để can thiệp vì người Anh từ chối tham chiến.
Những tuần cuối cùng trong trận đánh Điện Biên Phủ diễn ra hết sức ác liệt. Mặt đất trở thành sình lầy khi mùa mưa bắt đầu.
Binh lính bám trụ ở những hố bom hay chiến hào giống như trong trận chiến Verdun hồi năm 1916 trong Đệ nhất Thế chiến.
Cuối cùng, vào ngày 7/5 năm 194, sau 56 ngày đêm bao vây, quân đội Pháp đã đầu hàng. Về phía Pháp có 1.142 người chết, 1.606 người mất tích, 4.500 người bị thương. Về phía Việt Minh, con số thiệt mạng lên đến 22.000 người.
Vào năm nay khi sẽ diễn ra hai lễ kỷ niệm quan trọng – 100 năm Đệ nhất Thế chiến và 70 năm ngày đổ bộ của quân Đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến, chúng ta không thể quên trận chiến đã diễn ra cách nay 60 năm này.
Ảnh hưởng tới ngày nay
Trong lịch sử của quá trình phi thực dân hóa trận đánh Điện Biên Phủ là lần duy nhất một đội quân chuyên nghiệp ở châu Âu bị đánh bại hoàn toàn trong một trận đánh chính quy.
Thất bại Điện Biên Phủ đã chấm dứt hoàn toàn sự can thiệp của Pháp ở Đông Dương
Thất bại ở Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc của Đế quốc Pháp ở Viễn Đông và là sự khích lệ cho các phong trào giải phóng dân tộc khác trên thế giới.
Không hề trùng hợp khi một vài tuần sau đó người dân ở một thuộc địa khác của Pháp ở châu Phi là Algeria đã nổi dậy – bắt đầu một cuộc chiến đẫm máu và đau thương khác kéo dài tám năm.
Quân Pháp đã cố bám trụ ở Algeria một phần là để lấy lại danh dự mà họ đã đánh mất ở trận Điện Biên Phủ.
Quân đội Pháp bị ám ảnh vì điều này đến nỗi vào năm 1958 họ đã ủng hộ một hành động chống chính phủ mà họ tin rằng đang có hành động mà các tướng lĩnh lên án là 'trận Điện Biên Phủ về ngoại giao'.
Hành động nổi loạn này đã đưa Tướng de Gaulle trở lại nắm quyền. Tướng de Gaulle đã thiết lập nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp kéo dài cho đến ngày nay.
Do đó, những cơn sóng từ trận đánh Điện Biên Phủ vẫn có tác động cho đến bây giờ.
Cũng chính vào năm 1954 người Pháp đã bắt đầu xây dựng khả năng hạt nhân quân sự của mình.
Đối với người Việt Nam thì trận Điện Biên Phủ mới chỉ là vòng chiến đấu đầu tiên. Người Mỹ, trước đó không chịu tham chiến trực tiếp hồi năm 1954, dần dần đã bị đẩy vào cuộc chiến – chiến tranh Việt Nam lần thứ hai trong những năm 1960.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét