Theo số liệu mới nhất, rừng nguyên sinh nguyên vẹn tại Việt Nam chỉ còn 0,25%. Mọi lời biện minh cho chuyện này đều ít thuyết phục.
Sau những tranh luận thẳng thắn và tâm huyết về quy mô rừng tự nhiên, thực chất độ che phủ của rừng Việt Nam tại nghị trường Quốc hội, thông tin từ Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020 cho thấy, trên toàn lãnh thổ, diện tích rừng nguyên sinh nguyên vẹn chỉ còn 0,25% quả thật đã khiến dư luận giật mình.
Còn nhớ, cách đây chỉ chừng 30 năm, một trong những bài học vỡ lòng cho trẻ tới trường là đất nước ta rừng vàng biển bạc. Đến mức, cũng đã xuất hiện nhiều phản biện cho rằng, để lũ trẻ trưởng thành với tinh thần cống hiến cho đất nước, không nên ru ngủ chúng trong cái nôi vàng bạc ấy.
Giờ đây, chúng ta đã phải thừa nhận, Việt Nam không thể vướng ‘lời nguyền tài nguyên’, đơn giản bởi chúng ta không còn nhiều tài nguyên nữa. Cạn kiệt than đá, không nhiều dầu mỏ, không thể mơ về những mỏ lớn vàng bạc, bất chấp thực tế không mang màu hồng này, chúng ta vẫn có thể đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn trên mảnh đất đang phải gánh chịu thời tiết cực đoan này. Tuy nhiên sẽ còn nhọc nhằn hơn gấp bội nếu như rừng vẫn bị tàn phá.
Rừng cao su có thể vẫn được tính vào tỷ lệ che phủ rừng Việt Nam |
Những trận lũ lụt và sạt lở liên tiếp xảy ra tại khu vực miền Trung thời gian vừa qua khiến cho những kẻ bất cần đời nhất cũng phải thay đổi suy nghĩ. Chỉ e, sau khi những tang thương của ngày hôm nay trở thành câu chuyện của ngày hôm qua thì niềm lạc quan ‘mọi sự rồi sẽ ổn thôi’ sẽ lại trỗi dậy. Và thế là, sợi dây kinh nghiệm cứ việc dài thêm mãi.
Dẫu vậy, vẫn phải thừa nhận, đã ghi nhận những thay đổi trong phát ngôn của các vị công bộc chịu trách nhiệm. Tại nghị trường Quốc hội, một vị đã hùng hồn tuyên bố coi ‘rừng còn hơn… cả trời’. Có lẽ chúng ta buộc phải bỏ qua phép so sánh có phần hơi ‘bốc đồng’ nói trên để nhận lấy phần an ủi là, vấn đề bảo vệ rừng luôn cần được coi trọng đúng mức.
Thế nhưng, như lẽ thường luôn vậy, muốn có những hành động thiết thực, phải xác định được nguyên nhân chính xác. Lý giải về tình trạng suy giảm rừng tự nhiên, có người nói ‘do bị rải chất độc’, người khác lại cho rằng: ‘vì người dân sử dụng nhiều đồ gỗ’.
Xem ra, vẫn chưa dám nhìn nhận thẳng thắn vào con số ‘hai năm rõ mười’ là từ năm 1975 đến cuối năm 2013, Tây Nguyên mất khoảng 32,8% diện tích rừng tự nhiên (từ 3,8 triệu ha xuống còn 2,5 triệu ha). Một số liệu khác, theo kết quả của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng năm 1995, trong thời gian 20 năm từ năm 1975-1995, diện tích rừng tự nhiên giảm 2,8 triệu ha. Mới đây nhất, số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270 ha/năm, nhưng trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283 ha, đồng nghĩa, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430 ha rừng. Không thể đổ lỗi cho chất độc hóa học được.
Lý do ‘người dân thích dùng đồ gỗ’ cũng không được coi là xác đáng hơn. Không cần điều tra hay nghiên cứu, ai cũng hiểu, những người có đủ khả năng trang hoàng nhà cửa bằng đồ đạc gỗ lim, gỗ gụ, gỗ lát… phải là giới thượng lưu giàu có. Quả thật, trong cơ chế thị trường khi đồng tiền lên ngôi, xuất hiện các trào lưu chạy đua phô trương thanh thế qua các vật dụng dạng này, thế nhưng, người dân trung lưu thấp hoặc ở ngưỡng vừa đủ sống chỉ có thể theo dõi sự chịu chơi của các đại gia qua… mạng xã hội. Nghĩa là, chỉ có một phần rất nhỏ người dân phải chịu trách nhiệm cho việc diện tích rừng suy giảm và ai cũng biết rõ điều này.
Người ta dễ đồng tình hơn với nhận định của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng rằng diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại hai khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Riêng tại khu vực Tây Nguyên, thông tin từ Ban Kinh tế Trung ương trong một cuộc họp liên quan tới vấn đề này vào tháng 7/2020 cho biết nguyên nhân dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng chủ yếu do khai thác gỗ (cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp) và chuyển đổi rừng cho nông nghiệp, bao gồm cả cây lâu năm và rừng trồng có giá trị cao, cùng với đó là chuyển đổi rừng cho cơ sở hạ tầng (đặc biệt là thủy điện) và tăng dân số - chủ yếu do di cư tự do.
Tất nhiên, vẫn có thể xuê xoa, do thời gian giải trình có hạn, nên không thể nói cặn kẽ, kỹ càng. Hy vọng, những lần sau, sẽ có những câu trả lời đi vào đúng bản chất vấn đề hơn.
Trở lại vấn đề đang được bàn thảo, sự thật này đương nhiên dẫn tới một sự thật khác. Con số tỷ lệ che phủ rừng tính tới thời điểm cuối năm 2019 là 41,89%, cao hơn tương đối so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, tăng 0,24% so với năm 2018, dường như không trấn an được những băn khoăn, điển hình là nghi vấn cây tiêu, cây cao su, cà phê có được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay không.
Trả lời mới nhất từ đại diện Tổng cục Lâm nghiệp lại một lần nữa làm dấy nỗi băn khoăn khi khẳng định cây tiêu, cây cà phê không được tính vào tỷ lệ che phủ rừng, nhưng theo vài tờ báo dẫn lời, vị này vẫn chừa một khả năng, “cây cao su là cây đa mục tiêu, nếu trồng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỷ lệ che phủ rừng”. Như vậy, vẫn chưa có một câu trả lời minh bạch về thực chất tỷ lệ che phủ rừng.
Đó là chưa kể, đã có một vị ĐBQH thẳng thắn đề xuất, không tính rừng sản xuất vào tổng diện tích rừng, vì rừng sản xuất gồm các loại cây khai thác gỗ, không có khả năng trữ nước, khả năng cản nước, giữ nước, ngăn lũ rất hạn chế.
Sự không minh bạch kể trên dẫn tới hệ lụy tất yếu, rất nhiều diện tích rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt có thể bị đem ra đánh đổi lấy những dự án kinh tế. Câu chuyện đổi rừng phòng hộ lấy hai dự án hồ thủy lợi Bản Mồng (Nghệ An) và Sông Than (Ninh Thuận) là minh chứng cho thực trạng đáng buồn vừa đề cập.
Thay đổi không bao giờ là muộn. Đầu tiên, cần những số liệu chính xác về hiện trạng rừng Việt Nam, trong đó bao nhiêu phần là rừng nguyên sinh, bao nhiêu phần là rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt. Quan điểm ‘đóng cửa rừng’ cần được áp dụng cả với loại rừng tự nhiên vẫn bị coi là ít giá trị này. Đối với loại rừng này, không nên đánh giá bằng thước đo kinh tế thuần túy.
Bên cạnh đó, rừng sản xuất và các diện tích rừng cao su trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp nên được loại ra khỏi diện tích rừng được che phủ. Có vậy, cuộc đua thành tích diện tích rừng che phủ mới chạy đến được vạch đích thực chất và vẻ vang hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét