TTO - Không ít sinh viên đã sập bẫy "tìm việc qua mạng", tiền mất, việc không có, thậm chí bị lôi kéo vào những đường dây đa cấp phải bỏ học.
Hơn chục sinh viên phản ảnh bị lừa phí gia sư khi liên hệ và chuyển tiền cho cùng một người đăng thông tin trên một trang gia sư tại TP.HCM có hơn 49.000 thành viên. Trong khi đó, không ít sinh viên mất tiền, bỏ học vì bị chiêu dụ vào các đường dây đa cấp.
Đủ kiểu... mất tiền
L.V.T. - sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết thấy thông tin nhượng lại lớp dạy kèm trên trang chuyên về gia sư tại TP.HCM. Học phí 2 triệu đồng/tháng, phí nhượng lại là 400.000 đồng. T. liên lạc qua Facebook của người này để trao đổi, được cung cấp số điện thoại của phụ huynh và được hẹn bắt đầu dạy từ ngày 6-11.
"Sau khi chuyển khoản, tôi phát hiện rất nhiều người cũng như mình, chuyển khoản cho Minh với vở kịch tương tự như trên. Có bạn đã đến địa chỉ dạy được "phụ huynh" cung cấp nhưng đó là địa chỉ ma. Vậy là mọi người đều mất tiền cọc" - T. cho biết.
Cũng tìm việc qua Facebook, B.T.N. - sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - bị mất 600.000 đồng phí tạm ứng hai bộ đồng phục và ký quỹ cam kết nhận việc. Người nhà của N. cho biết, từ thông tin tuyển dụng dán tại rạp chiếu phim, N. đã liên hệ và được hẹn đến văn phòng công ty tại đường Quang Trung (Gò Vấp).
Hai bên ký hợp đồng giới thiệu việc làm, nhận việc ngày 2-11. Tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa thấy được phân công làm việc. Điều đáng nói là trong thỏa thuận làm việc, chỉ có dấu đỏ vuông ghi "Bộ phận nhân sự", không có dấu tròn công ty. Thử tìm trên cổng thông tin doanh nghiệp cũng không có tên công ty này đăng ký hoạt động.
Trong khi đó, không ít sinh viên dính vào các đường dây đa cấp từ những quảng cáo làm việc bán thời gian chủ yếu là bán cà phê, phục vụ quán nước với các thông tin "thời gian linh hoạt, thu nhập hấp dẫn, phù hợp với sinh viên". T.Q.N. - sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết đã liên hệ và được giới thiệu việc làm thu nhập có thể lên đến 50-100 triệu đồng/tháng.
N. được đưa qua trung tâm đào tạo trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), được giới thiệu với nhiều quản lý từ thấp đến cao. Sau đó, N. được chia sẻ muốn kiếm tiền phải góp vốn kinh doanh, mức tối thiểu 12 triệu đồng. N. ậm ừ hẹn hôm sau quay lại và đã kịp thời rút chân khỏi đường dây này.
Nhiều sinh viên đã bị mất phí đào tạo ngay khi đến các trung tâm "đào tạo" kiểu này. Thậm chí, có sinh viên vì dính vào đường dây đa cấp đã phải bỏ học. H.T.M., sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết nghe người hướng dẫn nói rất hay nên M. quyết định đóng tiền tham gia kinh doanh, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa kiếm tiền.
M. buộc có mặt tại trụ sở liên tục, phải tìm kiếm người tham gia cũng như cần bán được sản phẩm. M. phải nghỉ học một năm, trước khi kịp dừng lại.
Tìm việc bán thời gian nơi tin cậy
Tình trạng lừa tìm việc, nhất là đa cấp đã hoành hành trong sinh viên nhiều năm nay. Vì thế trong các buổi sinh hoạt công dân đầu khóa, bên cạnh các nội dung liên quan quy định, quy chế học tập, một vấn đề trọng tâm khác được các trường luôn cảnh báo là đa cấp. Các dấu hiệu nhận biết, nguy cơ và hậu quả đều được báo động trong các buổi sinh hoạt của trường, lớp, trên các trang thông tin của trường.
Theo bà Hoàng Thị Thoa - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đa số sinh viên bị lừa việc làm, dính vào đa cấp là sinh viên năm nhất.
"Họ lợi dụng tâm lý sinh viên ở quê mới lên Sài Gòn muốn tìm việc làm, kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí học tập trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm về những vấn đề này nên họ đã giăng bẫy thông tin, chiêu dụ. Có em đóng học phí xong còn 1 triệu đồng, đã bị lừa phí việc làm hết 600.000 đồng.
Một sinh viên học 4 năm, ra trường đi làm lương khởi điểm vài triệu, nếu có năng lực sẽ được đề bạt thăng tiến, tăng lương. Làm gì có chỗ nào tuyển người không cần kinh nghiệm, thu nhập vài chục đến vài trăm triệu/tháng, được hứa hẹn làm trưởng nhóm trong thời gian chóng vánh như vậy" - bà Thoa phân tích thêm.
Tương tự, đại diện nhiều trường đại học cho hay không ít sinh viên đã bị dính vào đa cấp do cách thức chiêu dụ ngày càng đa dạng hơn, từ quảng cáo việc làm, tiếp cận tại nhà trọ đến các câu lạc bộ đội nhóm, thậm chí trà trộn vào trường tiếp cận sinh viên.
Ông Trần Thanh Thưởng - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nói: "Thực tế có sinh viên dính vào đa cấp, nói dối gia đình cần kinh phí du học, học tiếng Anh số tiền hàng trăm triệu đồng. Nhiều sinh viên bỏ học, cắt đứt liên lạc với gia đình.
Khu vực các quán cà phê gần trường các đối tượng kinh doanh đa cấp hoạt động rất nhiều. Bên cạnh việc cảnh báo cho sinh viên các dấu hiệu nhận biết và hậu quả khi tham gia, trường yêu cầu khi phát hiện đối tượng đa cấp trà trộn vào trường phải báo ngay bảo vệ".
Ông Lê Nguyễn Nam - phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM - thông tin: "Sinh viên muốn làm bán thời gian có thể liên hệ trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố, hệ thống Đoàn trường, trung tâm hỗ trợ sinh viên các trường. Những nơi này, yêu cầu tuyển dụng đã được thẩm tra trước, đáng tin cậy và không mất phí.
Trong buổi giao ban với các trường đại học mới đây, Thành đoàn yêu cầu các trường tuyên truyền và cảnh báo về tình trạng đa cấp để tránh cho sinh viên dính vào".
Ông Thưởng cho biết trung tâm có rất nhiều việc làm bán thời gian cho sinh viên từ các công ty, đơn vị bên ngoài gửi yêu cầu và đã được thẩm tra. Ngoài ra, trường cũng sử dụng sinh viên làm trong trường khá nhiều. Những quảng cáo "việc nhẹ lương cao" sinh viên cần cảnh giác, tránh xa.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu - giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, công việc bán thời gian phù hợp với sinh viên đã được trung tâm thẩm tra và đưa lên trang web của trung tâm, sinh viên có thể theo dõi và đăng ký việc làm phù hợp.
Cách ly khỏi ổ "làm giàu không khó"
Mới đây, khi vừa trúng tuyển đại học, H. đã tham gia đường dây làm giàu với sàn đầu tư tiền ảo, được hứa hẹn thu nhập 2.000 USD/tháng. Tuy chưa lấy được tiền từ gia đình nhưng H. không đến trường, cắt liên lạc với gia đình. Dựa vào những thông tin sống ảo trên Facebook của H., gia đình từ Quảng Nam đã vào TP.HCM tìm và đưa H. về quê để cách ly ổ "làm giàu không khó" này.
Năm học trước, một số sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng dính vào các đường dây đa cấp, lừa gia đình hàng trăm triệu đồng, gia đình phải liên hệ với trường phối hợp tìm kiếm.
Những dấu hiệu nhận biết đa cấp
Theo bà Hoàng Thị Thoa, sinh viên khi thấy những dấu hiệu này cần tránh xa để không bị lôi kéo, dụ dỗ:
- Mời tham gia khóa học làm giàu: lớp học hoành tráng, cờ hoa vây quanh. Giảng viên đều là luật sư, tiến sĩ ngành kinh tế có nhiều năm kinh nghiệm, đang rất thành công kèm theo đó những hình ảnh minh họa về bản thân gắn với nhà biệt thự, xe sang, và nhiều nhiều tiền.
- Mời tham gia câu lạc bộ huấn luyện: hoạt động vui chơi sinh hoạt, tổ chức gặp gỡ nhiều anh chị đến từ nhiều trường khác nhau để nghe huấn luyện sau đó mời chào đầu tư.
- Giới thiệu việc làm, đầu tư tiền ảo: bước đầu là chào mời, quảng cáo về các việc làm bán thời gian, khóa học bán hàng trên mạng. Ai đăng ký học, thu 500.000 đồng/khóa học. Người tham gia bị "nhồi sọ" về các cách đầu tư tiền ảo do các thầy đứng lớp đang đầu tư, cam kết có lời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét