Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Cuộc đua giành giật Thái Bình dương - VnExpress

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/phan-tich/2012/07/cuoc-dua-gianh-giat-thai-binh-duong/
Thứ ba, 17/7/2012, 11:54 GMT+7

Cuộc đua giành giật Thái Bình dương

Chiếc phản lực cơ tấn công của sĩ quan hải quân Mỹ Rick Labranche bay ngang chân trời với tốc độ 1.000 km/h. Vừa vút lên từ boong tàu sân bay hạt nhân, anh chuẩn bị thả một cặp bom 225 kg xuống Ấn Độ dương.

Hai quả bom sẽ tạo nên hai cột nước sâu trên biển. Labranche kiểm tra radar và nhìn mặt đại dương xanh biếc dưới cánh máy bay. Trước khi thả quả bom trong chuyến bay diễn tập này, anh phải chắc chắn rằng không có một người nào trong phạm vi bán kính 16 km.

Thông tin mặt đất báo cáo không có dấu vết gì của bất cứ tàu cá, tàu nghiên cứu hải dương hay tàu ngầm nào đang lặn ngụp trong làn nước.

Cuộc chạy đua vũ trang lớn của thế kỳ 21 đã mở ra ở châu Á Thái Bình dương, khu vực chiếm hơn nửa dân số thế giới và có rất nhiều cường quốc mới nổi. Trong số đó có các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên là những đối thủ có vũ khí hạt nhân và đã từng lâm trận.

Các đối thủ trong khu vực, nhằm tranh giành quyền kiểm soát các tuyến đường thương mại, nguồn cá, dầu và khí đốt phong phú mà chưa được khai thác, đang củng cố và hiện đại hoá lực lượng hải quân, tiến hành các cuộc diễn tập quân sự và xây dựng các căn cứ hải quân, biến tình hình khu vực thành một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm nhất trên thế giới.

Tàu sân bay USS Carl Vinson, đứng đầu hạm đội có thể vượt trội lực lượng hải quân của cả một quốc gia khác. Ảnh: Navy

Mỹ đang cố gắng tái xác lập sự thống trị trong khu vực, tăng cường quan hệ với một số nước, bao gồm Philippines và Australia, và cố gắng để làm nồng ấm mối quan hệ với những nước khác như Miến Điện.

Với việc Mỹ cam kết gửi thêm quân và tàu đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nước láng giềng khu vực muốn khuyên nhủ Trung Quốc cởi mở hơn trên bàn thương lượng. Mười quốc gia Đông Nam Á tuần này đã thống nhất về một quy tắc ứng xử nhằm ngăn chặn các tranh chấp ở Biển Đông leo thang thành xung đột mở. Nhưng Trung Quốc chưa muốn tham gia bàn thảo.

"Khi khu vực càng bị quân sự hóa, sẽ càng khó giải quyết các tranh chấp", Stephanie Kleine-Ahlbradt, một chuyên gia phân tích Trung Quốc thuộc ICG, tổ chức chuyên hoạt động nhằm giảm thiểu các nguy cơ xung đột trên thế giới, bình luận.

"Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng các vụ việc quấy rối ngư dân trong vùng nước tranh chấp, điều đó có thể dẫn đến những vấn đề lớn hơn trong tranh chấp lãnh thổ", bà nói. "Tình trạng này dễ dàng trở nên nghiêm trọng hơn về mặt an ninh, nhất là khi làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang nóng lên trong khu vực.

"Tại nhiều nước, rõ ràng là có sức ép cho rằng người ta không thể nhân nhượng trong ván đề chủ quyền, và nếu người ta được tuyên truyền về chủ quyền suốt 50 năm nay, thì người ta khó mà đồng ý đi ra tòa án quốc tế để chấp nhận phán quyết của tòa án ấy".

Trung Quốc là nước cầm trịch, chi đến 106 tỷ USD trong năm nay cho quân đội, tăng từ 14 tỷ USD vào năm 2000. Gần đây Trung Quốc đã bắt đầu chạy thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên, Thị Lang, và đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo chống hạm được cho là có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của các tàu sân bay Mỹ.

Ấn Độ - nước mà vị Thủ tướng đầu tiên, Jawaharlal Nehru, đã từng viết: "Để an toàn trên đất liền, chúng ta phải tối thượng trên biển " - đã mua một chiếc tàu ngầm tấn công của Nga, Chakra, vào tháng giêng. Đó là chiếc tầu ngầm đầu tiên chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Ấn Độ đã hoạt động trong 20 năm qua. Hai tàu chở sân bay do Ấn Độ tự đóng lấy là Vikramaditya và Vikrant, dự kiến sẽ được biên chế cho hải quân vào năm 2013 và 2014.

Năm ngoái, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng một căn cứ hải quân trị giá 970 triệu USD cho 20 tầu chiến, kể cả tầu ngầm.

Australia, nước đã đánh đi tín hiệu sẽ xây dựng một hạm đội tầu ngầm sau khi hoàn thành việc đóng mới ba chiếc tầu khu trục, gần đây đã đồng ý cho phép hải quân Mỹ được đồn trú luân phiên 2.500 thủy quân lục chiến ở Darwin.

Philippines đang đàm phán với Mỹ về việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ trên quốc đảo này.

Dù cách nửa vòng Trái đất, cái bóng của Mỹ đã phủ lên các hòn đảo, eo biển và các tuyến hàng hải ở Ấn Độ Dương và Biển Đông, một khu vực Ngoại trưởng Hillary Clinton nói là Mỹ có "lợi ích quốc gia" trong đó.

Đầu năm nay, Tổng thống Barack Obama nói rằng Mỹ sẽ "đặt trọng tâm" và "tái cân bằng" lực lượng quân sự toàn cầu của Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đang lo ngại về các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc, ví dụ như yêu cầu cho các công ty dầu nước ngoài không được giúp Việt Nam phát triển các lô dầu tại Biển Đông.

Trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ đã được lệnh cắt giảm 487 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, Obama đã cố gắng để ngân sách của hải quân không bị cắt giảm. Trong tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói tại một hội nghị ở Singapore rằng đến năm 2020, 60% của tàu chiến Mỹ, trong đó có sáu nhóm tàu sân bay, sẽ được điều đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mitt Romney, ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 cũng hứa sẽ tăng các hạm đội hải quân Mỹ từ 285 tàu hiện nay lên 346 tàu.

"Xét từ nhiều phương diện, khu vực Thái Bình dương sẽ là phần quan trọng nhất và năng động nhất ảnh hưởng tới các lợi ích của Mỹ trong nhiều thập niên tới", thứ trưởng ngoại giao Mỹ William J. Burns phát biểu cuối năm ngoái.

Năm ngoái, Mỹ tuyên bố sẽ phát triển các máy bay ném bon tầm xa có khả năng mang bom hạt nhân, và phát triển các máy phá nhiễu điện tử tiên tiến cho hải quân. Các nhà thầu quân sự của Mỹ cũng đang chế tạo một loại khu trục hạm tàng hình cho quân đội.

Khu trục hạm tàng hìn này, thường được biết đến với tên DDG-1000, tiêu tốn tới 3,3 tỷ USD và được trang bị một loại radar mới có thể tăng năng lực quét các bờ biển, thân tàu được thiết kế để tạo ít sóng nhất, súng pháo ứng dụng công nghệ điện từ để đẩy đạn đi với tốc độ nhanh gấp vài lần âm thanh.

Tuy nhiên, Chuẩn Đô đốc Trung Quốc, Zhang Zhaozhong, một giáo sư tại Đại học Quốc phòng của Trung Quốc, cho biết thiết kế công nghệ cao DDG-1000 cũng chẳng thể bảo vệ được tính mạng của tàu nếu phải đối mặt với một nhóm tàu đánh cá chất đầy thuốc nổ. "Nếu tàu đánh cá được huy động hết, DDG-1000 sẽ tiêu đời", Zhaozhong phát biểu trên truyền hình Trung Quốc gần đây.

Tàu hải quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển Hoàng Hải hồi cuối tháng 4. Ảnh: Xinhua.

Trong khi đó, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Thái Lan, đảo Đài Loan, Việt Nam và Bangladesh đã mua hoặc sẽ mua tàu ngầm. Nhật Bản đang có kế hoạch nâng đội tàu ngầm từ 18 lên 24 chiếc.

Trung Quốc có it nhất 68 tàu ngầm, ba chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo số liệu của một báo cáo mang tên Cân bằng quân sự ở châu Á, xuất bản bởi Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở Mỹ.

Năm 1990, hải quân của Trung Quốc mới có hai khu trục hạm thời Liên Xô. Đến năm 2011, Trung Quốc đã có 71 khinh hạm và tàu khu trục, và 71 tàu ngầm, cũng như tàu sân bay đầu tiên.

Tháng 8/ 2011, tàu sân bay Thị Lang, tàu sân bay đầu tiên Trung Quốc mua lại của Ukraina với 20 triệu USD, đã chạy thử trên biển. Trung Quốc dự kiến đến năm 2050 sẽ có năm tàu sân bay hoạt động.

"Hầu hết các nước đều không vũ trang để đánh nhau, mà để đảm bảo khả năng bảo vệ cái mà họ cho là của mình", Mike Hennessy, giáo sư lịch sử hải quân của trường Quân sự Hoàng gia Canada nhận xét. "Họ vũ trang là để đe dọa đối phương, sao cho các tuyên bố chủ quyền của họ không bị vi phạm".

Trong khắp khu vực sôi sùng sục ở châu Á-Thái Bình Dương, không thiếu những tuyên bố chủ quyền gây tranh chấp.

Vụ lớn nhất là về quần đảo Trường Sa, một dải cằn cỗi gồm 750 đảo nhỏ, các dãy san hô và vỉa đá nổi ở Biển Đông, khoảng 350 km về phía đông nam của Việt Nam và 900 km về phía nam của Trung Quốc.

Khi thoáng nhìn, quần đảo Trường Sa dường như không có một giá trị gì. Một số đảo thực tế còn bị ngập sâu khi thủy triều lên cao.

Tuy nhiên, quần đảo Trường Sa là một vị trí đắc địa để giám sát các tuyến đường biển ở Biển Đông. Quan trọng hơn, đáy biển được cho là chứa khoảng 225 tỷ thùng dầu và khí tự nhiên, đủ để cung cấp nhiên liệu cho Trung Quốc trong 88 năm, dựa trên lượng tiêu thụ năm 2010 của Trung Quốc ước tính 7 triệu thùng mỗi ngày.

Điều đó cho thấy tại sao Trung Quốc thèm muốn quần đảo Trường Sa.

Là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Trung Quốc sử dụng dầu và khí đốt ngày càng nhiều, bởi có những năm nguồn cung thủy điện không ổn định do hạn hán kéo dài.

Gần đây khi Philippine công bố rằng họ sẽ cùng với một công ty Vương quốc Anh thăm dò nguồn dầu khí gần quần đảo Trường Sa, tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc đã có một bài xã luận kêu gọi Trung Quốc nên tấn công trước.

Tờ báo lập luận rằng: "Tất cả mọi thứ sẽ bị thiêu trụi nếu nổ ra một cuộc xung đột vũ trang. Chúng ta không nên lãng phí cơ hội khởi động một số trận chiến quy mô nhỏ để ngăn không cho kẻ khiêu khích lấn tới."

Dầu và khí chỉ là một trong các lý do khiến các bên tăng cường hải quân ở khu vực.

Vùng Vịnh, Ấn Độ Dương và Eo Malacca tạo thành một tuyến đường thương mại huyết mạch của thế giới. Ít nhất 40% lượng dầu của thế giới được vận chuyển bằng đường thủy qua vùng biển này.

Có khoảng 700 triệu người đang sinh sống quanh Biển Đông và phụ thuộc vào nguồn cá dồi dào, chiếm 80% khẩu phần thức ăn của họ.

Từ tháng tư năm nay, Trung Quốc và Philippine tranh cãi về bãi cạn có tên Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) sau khi Hải quân Philippines phát hiện trên một tàu đánh cá Trung Quốc có san hô, ngao lớn và vây cá mập sống. Phlippine đã tuyên bố bắt giữ các ngư phủ Trung Quốc vì đánh cá trái phép.

Cuộc đối đầu giữa hai bên đến nay chưa kết thúc. Trung Quốc đã bị các nước láng giềng trong khu vực xa lánh và đối kháng trong hai năm qua trong một chuỗi các sự cố, đẩy họ vào "một liên minh và dựa vào Mỹ ", theo ông M. Taylor Fravel, một nhà khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, người đã xuất bản một cuốn sách về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc.

Biển Đông có tuyến hàng hải quan trọng, và được cho là có nguồn tài nguyên dầu khí và cá khổng lồ. Ảnh: AP

Trung Quốc cũng đang sử dụng sức mạnh tài chính để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tài trợ 85% cho việc xây dựng một hải cảng tổng trị giá 1 tỷ USD tại Hambantota, Sri Lanka. Chính phủ Trung Quốc cũng chi tiền xây dựng một hải cảng trị giá 200 triệu USD ở Pakistan, gần Eo Hormuz và một hải cảng khác và đường ống dẫn ở Miến Điện để đưa khí đốt tự nhiên về Trung Quốc.

Các khoản cho vay của Trung Quốc và xây dựng sân bay, đường giao thông, cảng được gọi là "chuỗi ngọc trai" chiến lược, một nỗ lực tổng hợp để phát triển thị trường cho hàng hoá và dịch vụ của Trung Quốc, tiến vào các vùng kinh tế cằn cỗi của châu Á.

Tuy nhiên quan hệ tốt đẹp cũng có thể nhanh chóng trở nên xấu đi và trở thành trò chơi bên miệng hố chiến tranh. Ngoài căng thẳng về vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị thủy lôi Triều Tiên đánh chìm làm 46 lính Hàn bị thiệt mạng, căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc cũng nảy sinh.

Tháng 12 năm ngoái, một đặc nhiệm bờ biển của Hàn Quốc bị đâm chết và một người khác bị thương sau khi họ bắt giữ chín ngư dân Trung Quốc đánh cá trái phép trong biển Hoàng Hải.

"Khó có thể đoán được hành động của Triều Tiên, cũng như khó mà đoán được Trung Quốc sẽ có thái độ như thế nào nếu Mỹ vội vàng trợ giúp Hàn Quốc", David Zimmerman, giáo sư lịch sử quân sự của Đại học Victoria, nhận xét.

Trung Quốc cho rằng Mỹ là kẻ chọc gậy bánh xe xảo quyệt, nhưng Mỹ có lý lẽ khác.

Mỹ lập luận rằng lợi ích của mình trong khu vực dựa trên việc đảm bảo tàu được đi lại tự do trong vùng biển quốc tế và các nước trong khu vực được tiếp cận công bằng với nguồn khoáng sản,

Để giám sát các tuyến đường hàng hải, Mỹ nói rằng cần tuần tra vùng biển trong vòng 321 km thuộc khu đặc quyền kinh tế dọc bờ biển Trung Quốc. Mỹ được cho là đã trao đổi về việc triển khai các máy bay trinh sát Orion P3C với Philippines để giám sát các khu vực ở Biển Đông.

"Thực ra họ sẽ theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc khi tàu rời cảng", một cựu quan chức Liên hợp quốc bình luận. "Người Mỹ có thể nói rằng họ cũng tôn trọng quyền giám sát như vậy đối với bờ biển Floria, nhưng so sánh như vậy là không thực tế. Trung Quốc phải mất nhiều năm nữa mới có thể triển khai tàu ngầm đi xa như vậy".

Mặc dù hiện Mỹ có lợi thế cả về công nghệ và số lượng tàu, các nhà chiến lược quân sự và diều hâu về an ninh lưu ý rằng Mỹ chỉ có 285 tàu, số tàu ít nhất kể từ năm 1916 và giảm nhiều so với một hạm đội 600 tàu trong thời Reagan. Tuổi trung bình của các tàu hiện nay là gần 20 năm.

Dù vậy, Mỹ vẫn vượt xa các đối thủ. Trong số 22 tàu sân bay đang hoạt động trên thế giới, Mỹ đã có 11 tàu sân bay tạo thành xương sống cho các hạm đội của Mỹ.

Sức mạnh và kích thước của cụm tàu sân bay chiến đấu là thứ khó có thể phóng đại. Tàu sân bay như Vinson Carl chứa 85 máy bay, cũng như một loạt kho lớn đạn dược và nhiên liệu. Một đoàn hộ tống bảo vệ tàu sân bay thường bao gồm hai tàu tuần dương trang bị tên lửa có điều khiển, hai tàu khu trục, một kinh hạm, hai tàu ngầm và một tàu tiếp tế. Một nhà phân tích quân sự thậm chí còn cho rằng nếu có xung đột, chỉ một hạm đội tàu sân bay Mỹ cũng đủ lực lượng đè bẹp hải quân Iran.

Một lính hải quân Philippines đứng gác khi tàu khu trục USS Chung-hoon tiến vào cảng Puerto Princesa trong cuộc tập trận chung CARAT. Ảnh: AFP.

Giới chiến lược quân sự đánh giá rằng tàu sân bay đang làm làm thay đổi cục diện cuộc chiến tranh hiện đại. Hai ví dụ rõ nhất là năm 1981 khi Lybia đòi chủ quyền ở Vịnh Sidra và đe dọa những ai qua lại sẽ "bước qua vạch chết". Khi tàu sân bay Nimitz của Mỹ được cử đến và hai máy bay chiến đấu của Lybia bị bắn rơi thì Lybia đã từ bỏ yêu sách. Và 20 năm sau, khi căng thẳng leo thang tại Eo biển Đài Loan, Mỹ đã cử hai tàu sân bay, Constellation và Carl Vinson đến tập trận cùng Đài Loan.

David Zimmerman bình luận: "Thực tế là, khi tàu sân bay có mặt trong một khu vực, chúng tạo áp lực. Nếu chúng tôi quyết định là cần tấn công,chúng tôi sẽ tấn công và họ không làm được gì nhiều".

Trở lại con tàu sân bay Carl Vinson trên Ấn Độ dương, viên chỉ huy Labranche đã yên vị trong văn phòng của anh trên tàu, chờ những phi công cuối cùng hạ cánh xuống boong. Anh kể lại chuyện đã gặp một trong các phi công hải quân giàu kinh nghiệm nhất trong việc hạ cánh trên tàu sân bay của Nga. Phi công đó hạ cánh 100 lần. Labranche hạ cánh 1.300 lần.

"Ta có thể nói gì về con số 13 lần", Labranche hỏi. "Con số thật lớn, và trong trò chơi này, kinh nghiệm là vàng".

Labranche cho rằng Trung Quốc còn phải mất rất nhiều năm nữa mới đuổi kịp Mỹ về công nghệ cũng như năng lực. "Mọi bài học ta có được trên con tàu sân bay như thế này đều được viết bằng máu. Cần nhiều thời gian lắm, trong khi chúng tôi đang đi trước 60 năm".

Tàu Carl Vinson còn cách bờ biển Australia hai ngày đi biển, nhưng nó cũng chỉ mất độ 5 ngày là tới Biển Đông, nơi các tuyên bố chủ quyền đang làm nóng cả vùng nước. Những chiếc phi cơ chiến đấu đang tới tấp hạ cánh trên boong, kết thúc một ngày huấn luyện, trong cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới đang diễn ra.

Phạm Ngọc Uyển (theo Toronto Star)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...