Thứ Sáu, 13/07/2012 - 10:33
Mua đồ hi-tech trả góp, sập "bẫy" lãi khủng
Được coi là hình thức kích cầu vay tiêu dùng, nhưng dường như hình thức mua trả góp các sản phẩm công nghệ vẫn là một cái bẫy đối với người mua.
Giá đồ số tham gia các chương trình trả góp thường cao hơn từ 15 đến 20% so với giá bán lẻ tại cửa hàng khác.
Là khách hàng thẻ tín dụng của một ngân hàng, anh Thành Minh khá hí hửng khi nhận được email mời mua thiết bị số trả góp với lãi suất chỉ 0% dành cho các khách hàng thẻ như anh.
Vốn có ý định sắm máy tính bảng, anh khá hào hứng bởi nghĩ rằng sẽ được mua máy và trả dần mà chẳng mất thêm khoản phí nào. Ấy vậy mà sau khi phi ra cửa hàng và nhận báo giá, anh suýt té ngửa với chương trình này.
Anh Minh cho biết: "Nói là trả góp lãi suất 0% nhưng giá các mặt hàng, cửa hàng nằm trong chương trình của ngân hàng đều để giá bán lẻ cao tới gần 20%. Ví dụ như iPad New 32GB 4G giá thị trường chỉ hơn 15 triệu thì giá của cửa hàng mà ngân hàng chỉ định lên tới gần 17 triệu mà lại chẳng được tặng kèm tai nghe hay thậm chí là dán màn hình".
Nhiều người tiêu dùng sau khi nghe những quảng cáo ngọt ngào của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì hầu hết đều vỡ mộng với các mức lãi suất tín chấp kiểu này dành cho việc mua trả góp đồ số.
Chị Hà Anh, khách hàng suýt dính bẫy mua trả góp cho biết: "Chẳng hiểu họ kích cầu kiểu gì mà trong khi lãi ngân hàng đang hạ ầm ầm về dưới 20%/năm cho vay tín chấp thì vay mua trả góp lại vẫn xấp xỉ 1,8%/tháng. Đó là còn chưa kể giá bán ra của các sản phẩm trong chương trình trả góp thường cao hơn giá bán lẻ của nhiều đơn vị khác".
Theo chị nhẩm tính, nếu mua 1 chiếc iPhone 4S theo hình thức trả góp thì ngoài việc giá bán lên tới 16 triệu/máy bản 16GB Quốc tế thì cộng với lãi phải trả, trị giá máy lên tới... 20 triệu. Trong khi đó, tại nhiều cửa hàng hi-tech tại Hà Nội, giá máy chạm sàn chỉ xấp xỉ 14,3 triệu/máy mới cứng, kèm hoá đơn VAT, bảo hành 12 tháng.
Vậy là, sau những phút tưởng chừng sở hữu đồ số đến nơi với hình thức mua trước trả sau thì nhiều người dùng được phen chưng hửng với giá trị máy đội lên quá cao khi tham gia mua trả góp.
Khách hàng cần là người tiêu dùng thông minh
Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: "Thực tế các tổ chức tín dụng và ngân hàng tham gia cuộc chơi kích cầu vay tiêu dùng này thường... rất khôn. Ngay cả khi hứa hẹn áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho khách hàng của mình thì nhiều nguy cơ khách vẫn dính các bẫy về chính sách giá nếu không tham khảo kỹ thị trường".
Trường hợp như anh Minh là một trường hợp điển hình bởi lẽ nếu tham gia chương trình này, ngoài việc "bị chém bay đầu" về giá như anh than thở thì việc thanh toán hạn mức thẻ tín dụng hàng tháng cũng dễ dẫn đến những rủi ro nếu chẳng may chậm thanh toán, bị ngân hàng áp các khoản phí phạt.
"Nghe thì tưởng ngon, nào là giải ngân trong 10 phút, nào là giá tốt nhất thị trường, hàng chính hãng... nhưng thực tế thì giá đã đội lên, lãi suất bị áp mức cao, chưa kể chính sách giải ngân cũng không phải trường hợp nào cũng áp dụng, đặc biệt là sinh viên hay người ngoại tỉnh, nơi cư trú không ổn định", anh Hữu Phú, một khách hàng than thở sau khi nghiên cứu mua iPad 2 trả góp.
Mặt khác, mặc dù quảng cáo là thủ tục đơn giản, duyệt vay nhanh chóng nhưng đó chỉ là chiêu bài của các tổ chức tín dụng làm mờ mắt các tín đồ công nghệ. Trên thực tế, cái thời gian 10 phút giải ngân như quảng cáo chỉ áp dụng cho các trường hợp đã có sẵn sao kê bảng lương từ ngân hàng đầy đủ 3 đến 6 tháng với mức lương nằm trong ngưỡng được chấp nhận.
Ngoài ra, anh T.Long, khách hàng từng có ý định mua trả góp điện thoại cho biết: "Sao kê bảng lương, hộ khẩu công chứng, hợp đồng lao động đủ cả bản sao lẫn bản chính thì quá trình xác thực của các tổ chức tín dụng vẫn rất nhiêu khê. Ai đời gọi điện thoại từng người trong nhà rồi xin số người kia để rồi hồ sơ mua chưa chắc được duyệt, mà có khi...cả họ đã nhận được cuộc gọi... thẩm vấn của các nhân viên phòng rủi ro tín dụng".
Đứng trước một thực tế kết hợp với các đơn vị bán lẻ để kích cầu tiêu dùng và đồ số là một trong những mặt hàng được nhiều người quan tâm, có vẻ như các tổ chức tín dụng đang ma mị thái quá người dùng bằng các chính sách tưởng chừng hấp dẫn.
Cũng theo lời khuyên của chuyên gia tài chính kinh tế thì hiện đang là thời điểm khá nhạy cảm của lãi suất vay, kể cả vay tín chấp, vay tiêu dùng áp dụng trong các chương trình trả góp. Vì vậy, thay vì kỳ vọng mua trước trả sau với giá tốt thì người dùng nên tham khảo giá bán lẻ đồ số tại các cửa hàng khác, với giá bán luôn chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều so với giá bán trả góp cũng như tránh được những rủi ro trong quá trình tham gia tín dụng cá nhân.
Lãi 0%, giá tăng hơn 20% là các chiêu bài của các tổ chức tín dụng để ma mị các tín đồ hi-tech.
Theo Võ Trung
VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét