Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Vì sao người Nga “không đùa với lửa” Iran? - Thế giới - Dân trí

http://dantri.com.vn/c36/s36-611768/vi-sao-nguoi-nga-khong-dua-voi-lua-iran.htm
--   Thứ Tư, 27/06/2012 - 23:54   

Vì sao người Nga "không đùa với lửa" Iran?

(Dân trí) - Mỹ có thể không hài lòng hoặc thậm chí không hiểu quan điểm của Nga về vấn đề hạt nhân Iran. Nhưng có vô vàn lý do vì sao Nga sẽ không gây quá nhiều áp lực đối với Tehran.



 

Chính quyền Obama trong suốt thời gian qua đã nỗ lực kéo Mátxcơva vào danh sách những nước gia tăng áp lực với Iran, để phối hợp gia tăng sức ép đối với tham vọng hạt nhân của Iran. Nhưng Nga lại vừa muốn một nước Iran phi hạt nhân, vừa không muốn gia nhập cùng Mỹ và các đồng minh của nước này bởi những nguy cơ mà Nga có thể phải gánh chịu.

 

Quan hệ Nga-Iran: Phức tạp

 

Nếu dùng một từ để miêu tả mối quan hệ địa chiến lược, kinh tế và chính trị giữa Nga và Iran thì đó là từ phức tạp. Trong quá khứ, Nga và Iran từng là những đối thủ địa chiến lược. Đặc biệt là trong thế kỷ 19, Sa hoàng Nga đã giành được ảnh hưởng ở cả  Caucasus và Trung Á, trong khi Iran phải gánh chịu nhiều tổn thất. Vào cả thế kỷ 19 và 20, Iran thường có lý do để lo ngại về một nước Nga (hay Liên Xô) hùng mạnh – nhân tố quan trọng thúc đẩy liên minh giữa Mỹ và Iran từ cuối Thế chiến II dưới thời Vua Ba Tư năm 1979. Thậm chí ngay cả sau khi chính quyền Shah được thay thế bằng chính quyền cộng hòa Hồi giáo chống Mỹ, mối quan hệ giữa Iran và Liên Xô vẫn căng thẳng, đặc biệt là kể từ khi Tehran coi sự xuất hiện của Liên Xô ở Afghanistan (1979-89) và sự ủng hộ của Liên Xô đối với Iraq trong cuộc chiến Iran-Iraq (1980-88) là mối đe dọa lớn.

 

Khi chiến tranh với Iraq chấm dứt và Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, sau đó là sự tan rã của Liên Xô, quan niệm của Iran về "mối đe dọa" Nga đã được giảm đi nhiều. Được củng cố bằng những lợi ích địa chiến lược chung, mối quan hệ Nga-Iran được cải thiện đáng kể từ đó. Đầu tiên và trên hết là lợi ích chung trong mong muốn kìm hãm ảnh hưởng của Mỹ, đặc biệt là ở những nước trong khu vực Caucasus và Trung Á, những nước trở thành quốc gia độc lập sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Lợi ích địa chiến lược chung khác mà Mátxcơva cùng Tehran chia sẻ là nỗi lo chung về các phong trào Hồi giáo Sunni cấp tiến, như al-Qaeda và Taliban – những nhóm ngoài chống phương Tây còn chống Nga và người Shiitte. Lợi ích chung khác nữa là mối lo ngại về chủ nghĩa ly khai có nguy cơ bùng phát ở cả hai nước.

 

Nga và Iran cũng hợp tác chặt chẽ về mặt kinh tế. Tổng thương mại giữa hai nước đạt xấp xỉ 4 tỉ USD/năm là con số không lớn. Mặc dù vậy, Nga là một trong số ít nhà sản xuất vũ khí và lò phản ứng hạt nhân sẵn sàng và có thể bán cho Iran. Tương tự, Iran là một trong số ít khách hàng mua vũ khí và lò phản ứng hạt nhân sẵn sàng và có thể mua của Nga. Cả hai xem việc tiếp tục duy trì thương mại trên những lĩnh vực này là quyền lợi quan trọng.

 

Mặc dù vậy, Nga và Iran đều là hai nhà sản xuất dầu lửa, với sự cạnh tranh cao. Với Mátxcơva, những nỗ lực trừng phạt kinh tế do Mỹ khởi xướng đối với Iran là "của trời cho" xét cả về kinh tế lẫn địa chiến lược. Việc Mỹ ngăn chặn xây dựng các tuyến đường ống dẫn dầu từ Azerbaijan, Turkmenistan, và Kazakhstan tới Iran đồng nghĩa với việc các quốc gia Liên Xô cũ phải dựa chủ yếu vào các tuyến đường xuất khẩu qua Nga và các nước nằm trong "tầm ngắm" của Nga (như Gruzia). Và xét theo khía cạnh lệnh cấm vận của Mỹ khiến khả năng bán dầu ra thị trường thế giới của Iran bị hạn chế, Nga không những được hưởng lợi từ giá dầu tăng cao, mà nhu cầu mua dầu Nga của các nước cũng tăng. Dĩ nhiên, Mátxcơva không có hứng thú thấy tình hình này thay đổi.

 

Cuối cùng, phải nhấn mạnh rằng dù cả Mátxcơva và Tehran có chung thù hận đối với Mỹ, nhưng khả năng họ phối hợp với nhau để chống lại Mỹ là khó có thể xảy ra, bởi cả hai đều sợ sẽ phải hi sinh mối quan hệ của nhau để đổi lại những nhượng bộ của Mỹ. Việc chính quyền Obama khi lên nắm quyền tuyên bố rõ một mặt muốn cải thiện mối quan hệ với Iran, mặt khách tiếp tục cải thiện mối quan hệ với Nga để người Nga "giúp chúng tôi về Iran", khiến cả Mátxcơva và Tehran đều phải ngẫm nghĩ họ sẽ bị "mất mát" gì cho Washington.

 

Thực tế Mátxcơva không lo ngại về viễn cảnh Iran sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ, các đồng minh phương Tây, Ả rập và Israel. Theo quan điểm của Nga, Iran không có khả năng phát triển được vũ khí hạt nhân và sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là tham vọng của Iran. Trong khi đó, Mátxcơva e ngại đối với Pakistan hơn Iran và thực tế việc Pakistan sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ gây nhiều vấn đề hơn là Iran.

 

Mátxcơva hiểu rằng lý do lớn nhất khiến chính quyền Obama theo đuổi chính sách "tái khởi động" mối quan hệ Nga-Mỹ là muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Song Mátxcơva tự thấy họ có rất ít tác động đối với Iran về vấn đề này. Đã nhiều lần Putin đề xuất giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran bằng cách cho Nga làm giàu tất cả urani cho Iran (hoặc ở Nga hoặc ở Iran hay một nước thứ ba). Tuy nhiên Tehran luôn khẳng định họ sẽ tiếp tục làm giàu ít nhất là một số urani của chính họ, thậm chí là khi họ nhất trí phối hợp với các đề xuất của Nga.
 
Những nguy cơ khi Nga bắt tay với Mỹ

 

Mátxcơva có thể dọa hoặc thậm chí là áp đặt trừng phạt chống Iran nếu nước này không hợp tác trong vấn đề hạt nhân. Và khả năng lớn nhất là Nga sẽ không "xuống nước" và không trì hoãn các lệnh trừng phạt kinh tế mới của Hội đồng bảo an đối với Iran. Các biện pháp khác có thể là cắt giảm hoặc thậm chí là chấm dứt bán vũ khí của Nga cho Iran.

 

Tuy nhiên, áp dụng các biện pháp trừng phạt trên đối với Iran sẽ gây ra nhiều nguy cơ lớn cho Nga. Bởi việc Nga hợp tác với phương Tây trong vấn đề Iran không đồng nghĩa với là Trung Quốc sẽ làm vậy. Và nếu điều đó xảy ra, Iran sẽ càng nghiêng về Bắc Kinh hơn. Ngoài ra, Mátxcơva lo ngại khả năng Iran trả đũa Nga. Ví dụ, Tehran có thể chấm dứt hi vọng của các công ty Nga muốn đầu tư vào ngành dầu khí của Iran. Và mặc dù Tehran trước kia không ủng hộ các nhóm đối lập Chechnya và Hồi giáo bên trong Nga, thái độ khác của Nga cũng rất có thể khiến Iran làm vậy. Kết quả là thách thức an ninh trong lòng nước Nga càng trở nên lớn hơn.

 

Dĩ nhiên không rõ sẽ mất mát những gì nếu Tehran trừng phạt Mátxcơva vì Nga hợp tác với phương Tây trong vấn đề hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, Mátxcơva chắc chắn không muốn phải tính tới điều này.

 

Mỹ, Nga và Iran

 

Mátxcơva nhìn nhận nỗ lực lôi kéo của Mỹ để Nga hợp tác trong vấn đề hạt nhân Iran bằng sự ngờ vực và hoài nghi lớn. Mátxcơva cho rằng Washington thừa biết Nga có rất ít tác động với Iran trong vấn đề hạt nhân và Tehran có thể gây ra những tổn thất lớn cho Nga nếu Nga hợp tác với phương Tây trong vấn đề này. Ngoài ra Mátxcơva cũng nghi ngờ Washington đang thúc ép Nga hợp tác với họ không phải là vì muốn Tehran "phục tùng" mà bởi Washington muốn phá hoại mối quan hệ Nga-Iran.

 

Cách nghĩ này có vẻ lố bịch đối với người Mỹ, nhưng hoàn toàn nghiêm túc với người Nga. Bởi nhiều người Nga lý giải, nếu Washington thực sự coi trọng sự hợp tác của Nga trong vấn đề hạt nhân Iran, thì chắc chắn Mỹ sẽ đưa ra một số nhượng bộ và khích lệ đối với Mátxcơva. Có thể thấy rõ trong kế hoạch lá chắn tên lửa đạn đạo của Mỹ ở châu Âu mà Nga liên tục kêu gọi hủy bỏ. Putin cũng có thể yêu cầu chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của Nga, như chính phủ Mỹ lên án tình trạng dân chủ, nhân quyền ở Nga, cũng như tôn trọng "lợi ích đặc quyền" của Nga (như ông Medvedev đã nói đến năm 2008 ở các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ).

 

Washington có thể cho rằng họ không cần phải nhượng bộ gì đối với Mátxcơva để nước này hợp tác với họ bởi ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân có lợi cho tất cả các nước, trong đó có Nga. Nhưng Nga lại thấy mất mát nhiều mà lợi ích ít khi hợp tác với Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran. Vì vậy sẽ là sai lầm nếu Washington kỳ vọng có thể thuyết phục được Mátxcơva đóng góp "có ý nghĩa" hơn, như thuyết phục Tehran hợp tác hoặc trừng phạt nước này.

 

Phan Anh

Theo The Diplomat

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải: Kỳ quan của đôi bàn tay

http://www.baoyenbai.com.vn/226/66951/Ruong_bac_thang_Mu_Cang_Chai_Ky_quan_cua_doi_ban_tay.htm

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải: Kỳ quan của đôi bàn tay

Cập nhật: Chủ nhật, 26/9/2010 | 8:42:34 AM
YBDDT - Ai đã đến với Mù Cang Chải đều phải trầm trồ ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang nối tiếp trên triền núi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch đã xếp ruộng bậc thang thuộc ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình là Di tích danh thắng cấp quốc gia.
Mùa vàng Mù Cang Chải. (Ảnh: Vũ Chiến)

Thông tin liên quan:

Lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải gắn liền với lịch sử cư trú của tộc người Mông, là tác giả của những thửa ruộng bậc thang, chủ nhân cư trú đầu tiên tại vùng đất này. Ruộng là một phương thức canh tác nông nghiệp kết hợp nhuần nhuyễn giữa canh tác nương rẫy và ruộng nước. Khai khẩn ruộng bậc thang là một quá trình công phu, tốn nhiều công sức.

Theo kinh nghiệm của đồng bào, đó là nơi có độ dốc vừa phải, có nguồn nước, có khả năng tạo mặt bằng, ít sỏi đá, cây to, cỏ mọc dày và tốt là vùng đất thích hợp để khai khẩn. Sau khi đã lựa chọn được mảnh đất ưng ý, việc tiếp theo là xác lập quyền khai khẩn.

Ruộng bậc thang La Pán Tẩn. (Ảnh: Thanh Miền)

Đồng bào có thể chồng các cột đá cao khoảng 1m, hoặc chặt ngọn một số cây gỗ lớn trên mảng đất đó làm dấu hiệu xác lập quyền khai khẩn. Khi đã huy động được lực lượng và điều kiện thời tiết thuận lợi, việc khai khẩn được tiến hành. Việc này thường được tiến hành vào mùa xuân  (khoảng tháng 1, 2, 3 ) để có thể tháo nước vào sử dụng ngay trong tháng  4, 5 cho kịp thời vụ.

Để làm ruộng, trước hết phải phát cỏ và các loại cây nhỏ, dọn sạch mặt đất, sau đó dùng cuốc đánh các gốc to rồi tiến hành đào và san. Khó khăn nhất là tạo mặt bằng cho ruộng. Mặt bằng ruộng có liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng . Việc đào và san ruộng là khâu kỹ thuật đòi hỏi các kỹ năng trong việc khai khẩn ruộng bậc thang. Ruộng đạt tiêu chuẩn phải đủ 2 tiêu chí cơ bản là mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân cho lúa. Người Mông nơi đây đã làm được điều này trong điều kiện hết sức khó khăn để đảm bảo cho việc canh tác lúa nước trên sườn đồi và chân các quả đồi.

Việc tiếp theo là làm bờ ruộng. Trong hệ thống ruộng bậc thang, bờ ruộng  là yếu tố quan trọng đóng vai trò là "bức tường" giữ nước. Bờ ruộng được tiến hành làm ngay từ khi san ruộng, đất làm bờ lấy ngay từ chỗ san gạt ở phía mép cuối của mặt bằng thửa ruộng. Người ta thường dùng cuốc bướm cào đất thành bờ, dùng chân dẫm và gáy cuốc đập mạnh vào để nén chặt bờ ruộng. Độ chênh lệch giữa thửa ruộng trên và thửa dưới thường là 1- 1,5 m. Khi có nước tháo vào ruộng, bờ sẽ cứng lại.

Công việc khai khẩn được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng treo trên các sườn đồi. Đây là nét độc đáo của loại hình canh tác mang đậm sắc thái của cư dân vùng cao khu vực Đông Nam Á. Toàn bộ huyện Mù Cang Chải có diện tích 119.908,75 ha thì 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình có tổng diện tích là 12.035,48 ha, Trong đó diện tích ruộng bậc thang là 330,11 ha. Diện tích này tuy nhỏ nhưng là những kì tích hàng trăm năm khai phá của đồng bào 3 xã từ bao đời nay. Nằm sát cạnh nhau, trong đó Dế Xu Phình nằm ở tả ngạn dòng Nậm Kim cách trung tâm huyện lỵ 20 km; La Pán Tẩn, Chế Cu Nha nằm bên hữu ngạn dòng Nậm Kim trên đường vào trung tâm huyện Mù Cang Chải.

Tới đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những "mâm xôi vàng", "mâm xôi xanh" hiện lên hoành tráng giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc. Đây đang là điểm thu hút khách du lịch từ mọi miền đến thăm quan. Dừng chân tại 3 xã, đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các quả đồi. Đặc biệt, từ trên lưng chừng núi mới thật sự là những công trình văn hoá tuyệt tác của các nghệ nhân sáng tạo ra nó. Do địa hình nơi này là núi cao, vực sâu, cắt xẻ nhiều nên mỗi "mâm xôi" đều được xen giữa các khe nước lớn nhỏ, trập trùng là những rừng thông bạt ngàn. Cứ thế: ruộng, rừng, khe, suối... tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau. Càng lên cao, ta càng thấy thú vị bởi sự kỳ vĩ, hoành tráng của núi rừng, bởi sự trong lành của khí hậu nơi đây...

Ngược thời gian, ngay từ khi định cư vào Việt Nam, người Mông đã lấy trồng trọt là phương thức sinh sống chủ yếu. Trong nông nghiệp, trồng cây lúa trên ruộng bậc thang được đặt lên hàng đầu. Với điều kiện sống khắc nghiệt của vùng cao, việc khai khẩn và canh tác ruộng bậc thang gặp không ít khó khăn do thiên  nhiên và xã hội mang lại  và các tín ngưỡng thường được hình thành khi con người không giải thích được các hiện tượng tự nhiên. Người Mông Mù Cang Chải đã thực hiện các nghi thức và tín ngưỡng, họ tin rằng làm thế  sẽ hạn chế được tới mức thấp nhất những rủi ro tác động đến con người và sản xuất.

 Để khai hoang tạo ra những thửa ruộng bậc thang trong quá trình khai khẩn, không ít người gặp tai nạn  rủi ro  trong các trường hợp như bị đá lăn vào chân, vào người, bị rắn cắn, bị lợn rừng húc, bị dao phát vào chân... Những trường hợp như vậy người dân quan niệm là cái hồn của mình đã bỏ mình ra đi, do đó phải mời thầy cúng gọi hồn về.

Thầy cúng người Mông phải là người già, được học nghề từ khi còn bé. Lễ vật chuẩn bị để cúng gọi hồn gồm: 1 bát gạo, 1 con gà, 1 chén rượu, 1 quả trứng, 1 que hương. Lễ vật đó được đặt ở góc ruộng, nơi gia chủ có người bị nạn. Thầy cúng cầm que hương hua lên trời đọc bài cúng gọi hồn về nhập vào người bị hại để người đó tiếp tục công việc làm ăn. Cúng xong, bài cúng được thầy cúng nhúng vào rượu và đốt ngay tại ruộng. Bên cạnh đó,  còn các nghi thức liên quan đến quá trình canh tác ruộng vẫn còn tồn tại trở thành nét văn hóa như nghi thức cầu mưa, lễ mừng cơm mới...

Từ bàn tay lao động cần cù, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành kỳ quan, là danh thắng quốc gia. Để khai thác tốt tiềm năng ruộng bậc thang, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải đang ra sức sản xuất, đẩy mạnh khai hoang, thâm canh tăng vụ..., đồng thời tôn tạo, gìn giữ, kết hợp ruộng bậc thang với bảo vệ thiên nhiên, duy trì lễ hội văn hoá cổ truyền như: mừng cơm mới, hội Gầu tào, đánh pao, bắn nỏ... Nét văn hóa đặc sắc vùng cao và vẻ đẹp tuyệt vời của ruộng bậc thang đã tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn trong lòng du khách mỗi khi đến nơi đây.

Mời các bạn đón xem một số hình ảnh về Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải:

Chuẩn bị cho vụ mùa. (Ảnh: Thanh Miền)

Nhờ sự cần cù chịu khó của người Mông mà những thửa ruộng bậc thang nơi đây được ví như vân núi. (Ảnh: Thanh Miền)

Nối vụ. (Ảnh: Thanh Miền)

Lúa vàng từ thung lũng đến lưng trời. (Ảnh: Thanh Miền)

Màu vàng của núi. (Ảnh: Thanh Miền)

Thiên nhiên và con người Mù Cang Chải đã làm lên một danh thắng tuyệt vời với sắc xanh của núi, màu vàng của lúa - sự no ấm đang hồi sinh.

Nguyễn Đình

Ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái)

Ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái)

Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, ruộng lúa ở thung lũng, ruộng leo lên đồi, ruộng lồi trên non, đó là ấn tượng ban đầu khi được đặt chân đến vùng đất thâm sơn cùng cốc của tỉnh Yên Bái: huyện Mù Cang Chải.


Thị trấn Mù Cang Chải nhỏ xinh nằm gọn giữa hai sườn núi, còn khá nghèo với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ, cách Hà nội chừng 300km về phía Tây Bắc. Đến Mù Cang Chải duy nhất chỉ có quốc lộ 32 bằng hai hướng. Nếu từ Hà Nội, sẽ lên Yên Bái, từ Yên Bái đến Mường Lò 70km, ngủ tại đây để sáng sớm mai đi xe từ Mường Lò, xế trưa sẽ đến Mù Căng Chải. Đoạn này dài gần 100km, nhưng hơn 80km là đường đèo dốc tiến lên liên tục. Chừng nào leo đến độ cao 1.750m, sương mây mù mịt là sắp đến thị trấn Mù Cang Chải! Chặng giữa đèo có một miền đất phẳng, hãy nghỉ chân ở đây để thưởng thức thứ cơm lam nếp Mường ở Tú Lệ dẻo thơm đáo để. Hướng thứ hai từ Lào Cai xuống, cũng là đường đèo, nhưng dốc xuống thoai thoải dễ đi hơn. Đoạn này đi qua Than Uyên, nơi có những cô gái Thái trắng, đẹp như lan rừng.
Gần huyện lỵ mới bắt đầu thấy nhiều ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, ngút ngàn lên tận lưng chừng trời. Lên Mù Cang Chải, du khách đều phải ngạc nhiên vì giữa vùng núi cao hiểm trở lại có những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đến mê lòng, mà chủ nhân của nó không ai khác chính là bà con người Mông chăm chỉ và hồn hậu. Người Mông (còn gọi là người Mèo) ở đây chiếm gần 90% dân số, 8% là người Thái, người Kinh chỉ có 2%. Người Kinh ở đây một nửa là cán bộ nhân viên, một nửa là dân buôn bán nằm ở huyện lỵ. Người Thái lập bản ở vùng đồi thấp, làm lúa nước ở thung lũng. Còn lại mênh mông núi rừng hiểm trở là phần của người Mông. Họ giỏi vượt đèo trèo núi đã biến núi đồi vùng cao này trở thành ngút ngàn ruộng bậc thang. Những thửa ruộng cứ từng cấp, từng cấp ôm theo triền núi đồi. Khắp 13 xã, thị trấn của Mù Cang Chải chỗ nào cũng có ruộng bậc thang. Du khách có thể chụp ảnh, ngắm cảnh ở quãng đường 7km qua thị trấn huyện. Tuy nhiên, muốn thật sự được chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng tráng và thiên đường ruộng bậc thang thì chỉ có một cách duy nhất là phải lội bộ từ vài giờ đến... vài ngày bằng những con đường mòn băng qua các hẻm núi.


Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Di tích cấp Quốc gia cho danh thắng ruộng bậc thang thuộc ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình theo quyết định số 10/QĐ – BVTTDL ngày 17/10/2007.
Đầu xuân, những thửa ruộng bậc thang được chăm chút bao đời của người Mông đã bắt đầu mướt xanh trên các cánh đồng. Người ta đã cắt lúa để làm cốm. Không ngờ ở trên vùng đất này cũng có những hạt ngọc xanh mướt như dưới xuôi. Tuy hạt cốm không dẻo bằng cốm làng Vòng nhưng vẫn thật hấp dẫn hương vị vào thu thơm dẻo. Cái nắng chiều đã nhạt bớt và không khí ngát thơm hương lúa ngậm sữa.
Mùa gặt ở Mù Căng Chải thường rơi vào giữa tháng năm và tháng mười dương lịch, mênh mông màu vàng sóng lúa, hương đất, hương ngàn hòa với thứ thanh khí vô nhiễm của vùng cao, làm dịu vợi lữ khách miền xuôi.
Đường qua La Pán Tẩn và Chế Cu Nha, hai xã có những thửa ruộng đẹp nhất toàn Mù Cang Chải, chẳng ai có thể đi qua ngay mà không dừng lại ngắm nhìn những kiệt tác của người H'Mông đang rực rỡ chờ ngày thu hoạch. Những cô cậu bé chăn trâu sát đường quốc lộ hồn nhiên đùa nghịch bên những hàng rào. Xa xa, vài chiếc lán được dựng để canh lúa. Người Mông sống trên cao, họ chỉ xuống để trồng lúa rồi lại lên tít trên cao ở. Thật không thể ngờ, mảnh đất Yên bái với những tầng đất dễ dàng sụt lở lại có những ruộng bậc thang vững chắc và tuyệt đẹp đến thế.
Trên những độ cao khoảng 2000m - nơi máy móc và có khi cả trâu bò không lên được; bằng những nông cụ thô sơ như dao, cuốc... bà con người Mông cứ cần cù tạo nên những khoanh ruộng có khi chỉ vài mét vuông. Cũng không thể không nói tới điều kiện tự nhiên của Mù Cang Chải. Nơi đây không có cánh đồng lòng chảo nên bà con từ hàng ngàn năm vẫn bám lấy đồi, rừng, núi để sống. Và be bờ, tạo ruộng trên những triền núi để trồng lúa nước là cách thức đem lại năng suất cao nhất. Cứ thế qua bao đời ruộng nối ruộng, từ đỉnh núi xuống tận chân núi, rất có thể đã vô tình tạo nên những bậc thang kì vĩ ngày nay.
Càng lên cao du khách càng thấy thú vị bởi Mù Cang Chải không chỉ đẹp trong màu xanh của núi rừng, màu vàng của đất, của lúa mà trên mảnh đất này ta còn thấy cái đẹp trong tâm hồn người Mông, trong sự mến khách của đồng bào. Tới đây, dù vào những ngày giá lạnh đến mấy thì cái nồng ấm của tình người cũng xua đi được cái lạnh giá đặc trưng của miền sơn cước.
Những năm gần đây, địa danh Mù Cang Chải đã trở nên gần gũi và nổi tiếng hơn với khách du lịch "bụi" trong và ngoài nước. Các "Tây ba lô" và các nhà nhiếp ảnh từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Kiều từ nước ngoài về nước, thường lặn lội lên Yên Bái chỉ để ngắm ruộng bậc thang, hít thở không khí trong lành, ghi lại những hình ảnh đẹp, hoành tráng. Tháng 10 là tháng đẹp nhất ở Mù Căng Chải và cũng là tháng thu hút khách du lịch nhiều nhất. Cả huyện Mù Cang Chải có 2.200 hécta ruộng bậc thang, trong đó tính cả ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình thì diện tích ruộng bậc thang là 500 hécta và được giữ gìn nguyên vẹn.
Năm trăm hécta ruộng này chính là di tích, là di sản của người Mông được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong những danh thắng độc đáo vào bậc nhất của đất nước Việt Nam và cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia vào ngày 18/10/2007. Và ruộng bậc thang, vốn gắn bó với người Mông đời đời kiếp kiếp, cũng là hình ảnh gắn với cuộc sống định cư của họ bởi chỉ người Mông mới trồng lúa trên làn đáy (nghĩa là bậc thang). Dưới bàn tay cần cù trải qua hàng chục năm, những thửa ruộng bậc thang không chỉ ẩn chứa nhiều thông số về giá trị lịch sử, văn hoá mà còn phản ánh một phương thức canh tác độc đáo của tộc người đã biến tên Mù Cang Chải (tức làng cây khô) thành đồi ruộng mùa màng tươi xanh sức sống cứ từng bậc, từng bậc vươn cao lên tận bầu trời.

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Đột nhập “công nghệ” trồng táo đẹp và độc của Trung Quốc - Thế giới - Dân trí

http://dantri.com.vn/c36/s36-607043/Dot-nhap-cong-nghe-trong-tao-dep-va-doc-cua-Trung-Quoc.htm
--   

Đột nhập "công nghệ" trồng táo đẹp và độc của Trung Quốc

(Dân trí) - Ngành thực phẩm Trung Quốc lại bị rúng động khi một cuộc điều tra mới đây cho thấy những quả táo đỏ, thơm ngon nổi tiếng ở Yên Đài, Sơn Đông được bọc trong túi chứa chất bột độc hại ngay từ trên cây.

 


Những quả táo trông thơm ngon, nhưng có thể khiến người tiêu dùng bị bệnh.

Táo đỏ ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông nổi tiếng với vỏ đỏ hồng và giòn được bán ở khắp Trung Quốc. Hai nhà cung cấp lớn của Sơn Đông mỗi năm bán ra thị trường hàng tỉ kg loại táo này. Nhưng những quả táo trông đẹp mắt, thơm ngon lại gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, bởi chúng được bọc trong những túi không được kiểm dịch, chứa một loại bột độc hại.

 

Một cuộc điều tra gần đây cho thấy một lượng lớn táo của những người trồng táo ở thành phố Sơn Đài đã được bọc táo trong những túi nilong chứa loại bột trắng "chữa bệnh" bí ẩn.
 
 
 

Cả thành phần của túi thuốc và danh tính của người cung cấp được xem là "bí mật công nghiệp". Tuy nhiên nông dân địa phương và một số cá nhân trong ngành nông nghiệp hiện đã thú nhận rằng "mọi người đều biết" các túi đó chứa thiram (một loại diệt nấm nguy hiểm, bị cấm) và melarsoprol (hợp chất thạch tín hữu cơ độc hại)

 

Loại túi này được các trang trại trái cây địa phương dùng rộng rãi.

 

Trái cây được bọc trong túi này trong thời gian phát triển.

 
Hồi tháng 3 năm nay, chính quyền địa phương đã thu giữ hơn 200 triệu túi loại này và đã ra lệnh cấm sử dụng. Nhưng một lượng lớn túi vẫn được sản xuất và được các trang trại táo sử dụng.

 

Táo được bọc trong túi chứa chất độc có vỏ mịn hơn những túi thông thường.

 

Những túi này được sản xuất trong những xưởng nhỏ, bí mật.

 

"Vật liệu" của túi gồm thuốc trừ sâu và nước.

 

Công nhân làm túi ở một phân xưởng.

 

Những túi này được dán nhãn "túi chỉ dùng cho táo" nhưng không hề có một từ nào về "thuốc sâu".

 

Vũ Quý

Theo Chinawhisper

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Cần tuyên bố ranh giới vùng đặc quyền kinh tế

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/03/090326_vietnam_eastsea.shtml
--   

Cần tuyên bố ranh giới vùng đặc quyền kinh tế

Bản đồ 1: Hai lô 5.2 và 5.3 nằm gần Phú Quý hơn Trường Sa và cách bờ biển đất liền dưới 200 hải lý. Dựa trên bản đồ của PetroVietnam.

Gần đây một số sự kiện liên quan tới quy chế vùng đặc quyền kinh tế đã xảy ra ở Biển Đông.

Ngày 8/3, 5 tàu của Trung Quốc cản trở hoạt động do thám, đo đạc thuỷ văn của một tàu không vũ trang thuộc hải quân Mỹ trong khu vực mà Trung Quốc cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Ngày 17/3, Trung Quốc gửi tàu Ngư Chính 311 tới Biển Đông với lý do tuần tra nghề cá và sau đó tuyên bố là sẽ tăng cường lực lượng tuần tra bằng cách dùng chiến hạm cũ hay đóng tàu tuần dương mới. Việc Trung Quốc tuần tra Biển Đông trong khi phần lớn Biển Đông còn đang trong tình trạng tranh chấp có thể xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngày 19/3, BP tuyên bố chính thức rút ra khỏi dự án với vốn 2 tỷ USD để thăm dò dầu khí tại hai vùng Hải Thạch (trong lô 5.2) và Mộc Tinh (trong lô 5.3) trong bồn trũng Nam Côn Sơn. Hai lô 5.2 và 5.3 nằm gần đảo Phú Quý của Việt Nam hơn Trường Sa và cách bờ biển đất liền Việt Nam dưới 200 hải lý. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rằng hai lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. BP đưa ra lý do thương mại cho việc rút ra khỏi dự án mặc dù đã đầu tư 200 triệu USD để thăm dò và đã đánh giá vùng Hải Thạch là có thể có nhiều khí đốt nhất trong bồn trũng Nam Côn Sơn. Trước đó, vào năm 2007, Trung Quốc đã dùng quyền lợi thương mại của BP tại nước này để áp lực BP rút ra khỏi dự án với Việt Nam.

Những sự kiện này làm nổi bật lên một thiếu sót pháp lý trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Đường cơ sở 1982 của Việt Nam. Bản đồ của Defense Mapping Agency, Mỹ.

Trong các vùng biển mà một quốc gia có thể có chủ quyền hay quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế, từ 12 hải lý ra tới tối đa là 200 hải lý, thường là vùng đem lại nhiều quyền lợi kinh tế cho quốc gia đó nhất.

Thế nhưng Việt Nam chưa bao giờ công bố bản đồ hay phạm vi cụ thể nào cho vùng đặc quyền kinh tế của mình bên ngoài Vịnh Thái Lan và Vịnh Bắc Bộ. Trên nguyên tắc, đó là một điều bất lợi cơ bản cho việc bảo vệ quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Trên thực tế, với thực trạng Trung Quốc có chủ trương và hành động cụ thể để chiếm 75% Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự chưa công bố này lại càng gây bất lợi nghiêm trọng hơn.

Vì các đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang trong tình trạng tranh chấp, vì hiệu lực để tính vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này chưa được xác định và chưa các nước trong khu vực công nhận, vì vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này sẽ nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế từ lãnh thổ không bị tranh chấp của các nước khác, Việt Nam có thể tuyên bố là sẽ công bố phạm vi vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này sau. Như vậy sẽ phù hợp với tinh thần của Tuyên bố 2002 của ASEAN và Trung Quốc về quy tắc ứng xử về Biển Đông.

Nhưng Việt Nam cần phải yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế từ lãnh thổ không bị tranh chấp của mình càng sớm càng tốt, thay vì chỉ tuyên bố nguyên tắc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Trong việc này, Việt Nam phải lựa chọn giữa 2 phương cách.

Phương cách thứ nhất là yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế tính bằng khoảng cách 200 hải lý từ đường cơ sở 1982 của Việt Nam.

Tuy nhiên, đường cơ sở 1982 của Việt Nam không phù hợp với UNCLOS ở một số điều quan trọng và nằm xa bờ một cách đáng kể so với một đường cơ sở phù hợp với UNCLOS. Trong vòng 2 năm từ khi Việt Nam công bố đường sơ sở 1982, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Cộng hoà Liên bang Đức, Thái Lan phản đối đường sơ sở này.

Một số khuyết điểm của đường cơ sở 1982 của Việt Nam tương đương với một số khuyết điểm của dự luật HB 3216 của Philippines về đường cơ sở của nước này. Philippines đã bác bỏ dự luật này.

Khả năng là một vùng đặc quyền kinh tế tính bằng khoảng cách 200 hải lý từ đường cơ sở 1982 sẽ không được nhiều nước chấp nhận, thậm chí có thể sẽ bị nhiều nước phản đối.

Nếu yêu sách của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế không được nhiều nước chấp nhận, hay bị nhiều nước phản đối, thì yêu sách đó khó có thể đóng góp cho việc bảo vệ quyền chủ quyền của nước ta.

Cách thứ hai

Phương cách thứ nhì là yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế tính bằng khoảng cách 200 hải lý từ những đường ad hoc phù hợp với các quy định của UNCLOS về đường cơ sở. Các đường ad hoc này có thể là ngấn thuỷ triều thấp của đất liền, của các đảo ven bờ, và của các đảo trong các nhóm Côn Đảo, Phú Quý, đơn giản hoá một cách phù hợp với quy chế đường cơ sở thẳng bình thường của UNCLOS.

Vùng đặc quyền kinh tế của các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp, tính từ ngấn thủy triều thấp. Ranh giới lưỡi bò vi phạm phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.

Phương cách này cho phép Việt Nam yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế ngay cả khi đường cơ sở 1982 chưa được chỉnh sửa, vì phạm vi đó sẽ không cách đường cơ sở 1982 hơn 200 hải lý.

Vùng đặc quyền kinh tế tính bằng phương cách này sẽ phù hợp với UNCLOS, sẽ không gây ra hay chỉ gây ra ít tranh chấp với các nước ASEAN do chồng lấn, và, quan trọng nhất, sẽ công bằng.

Như vậy, phạm vi vùng đặc quyền kinh tế đó sẽ được nhiều nước công nhận và sẽ góp phần quan trọng cho việc bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp và công bằng của nước ta. Cụ thể là Việt Nam sẽ có một ranh giới công bằng, hợp pháp và được nhiều nước chấp nhận cho vùng đặc quyền kinh tế của mình để góp phần đối trọng với những yêu sách không thể chấp nhận được của Trung Quốc dựa trên ranh giới lưỡi bò - một ranh giới mập mờ, không công bằng, không phù hợp với luật pháp và không thể chấp nhận được

Ai đúng ai sai ở biển Đông?

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/03/090315_southchinasea_row.shtml
--   

Ai đúng ai sai ở biển Đông?

Năm tàu của TQ vây quanh tàu USNS Impeccable của Mỹ hôm 8/3/09

Khi tàu Hà Lan vào cửa sông Thames để tiến vào London năm 1688, rõ ràng họ là một lực lượng xâm lược.

Tự do trên biển là điều đã được xác định rõ ràng vào thế kỷ 17, và các quốc gia chỉ được nhận chủ quyền đối với khu vực hẹp bao quanh bờ biển của họ mà thôi.

Tuy nhiên, như Hoa Kỳ và Trung Quốc phát hiện trong mấy ngày gần đây, sự chắc chắn này giờ đây trở nên khó nhận biết hơn nhiều.

Căng thẳng gia tăng sau khi một tàu do thám hải quân của Mỹ bị năm tàu Trung Quốc 'gây hấn' tại khu vực biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là biển Đông).

Lầu Năm Góc cáo buộc tàu của Trung Quốc 'gây hấn' với các hoạt động của họ tại hải phận quốc tế.

Bắc Kinh thì nói tàu Mỹ đã hoạt động "như gián điệp" và cáo buộc Mỹ là vi phạm luật quốc tế khi hoạt động trong Đặc khu Kinh tế (EEZ) của họ.

Tranh cãi về lãnh hải của một nước thường rắc rối, vì suy cho cùng, biển cả chứa nguồn tài nguyên khổng lồ: cá, dầu khí và các tài nguyên khác, cùng quyền đi lại mang tính chiến lược.

Luật biển

Mọi nỗ lực nhằm hóa giải những tranh chấp như trên đều tập trung vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - có từ năm 1982 sau nhiều năm thương thảo quốc tế.

Trên thực tế, đây là một công ước quy định về các đại dương, không chỉ quy định về các đặc khu kinh tế EEZ, mà còn cho phép các nước không có biển được quyền sử dụng biển, được quyền thực hiện các nghiên cứu đại dương, có quyền tham gia kiểm soát các nguồn tài nguyên dưới lòng biển và có tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp.

Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ về những hoạt động mà chính họ từng thực hiện tại Nhật Bản

Tiến sĩ Mark J Valencia

Như vậy, liệu mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ở phía nam đảo Hải Nam trên biển Đông có thể đơn giản được giải quyết tại một tòa án của Liên Hiệp Quốc hay không?

Thật không may là chuyện này lại không đơn giản như thế.

Khác với Trung Quốc, Hoa Kỳ ký vào công ước của Liên Hiệp Quốc, nhưng không phê chuẩn nó.

Điều này có nghĩa là họ đã hứa sẽ không có bất cứ hành động nào có thể làm hại tới mục tiêu của Công ước, nhưng họ không đồng ý bị ràng buộc về pháp lý theo các điều khoản của công ước.

Tiến sĩ Mark J Valencia, một chuyên gia hàng đầu về hàng hải, nói: "Điều này khiến Hoa Kỳ ở vào thế khó xử. Họ đang cố gắng diễn giải các điều trong công ước theo cách có lợi cho họ, nhưng họ lại không phải là thành viên của công ước".

Luật biển quy định về các đặc khu kinh tế - là các khu vực biển mở rộng 200 hải lý (370km) từ bờ biển của một quốc gia - để cho họ đặc quyền khai thác và sử dụng tài nguyên biển.

Vấn đề này trở nên phức tạp khi các đặc khu kinh tế lấn vào nhau.

Khi không được xem bản đồ cụ thể về nơi mà tàu của Mỹ đối diện với tàu Trung Quốc, các chuyên gia thường ngần ngại, không dám nói chính xác bên nào đúng bên nào sai.

Nếu tàu USNS Impeccable đúng là ở bên trong đặc khu kinh tế của TQ, họ hoàn toàn có quyền có mặt tại đó một cách hợp pháp - tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào hoạt động mà họ đang thực hiện lúc đó.

Trung Quốc nói Hoa Kỳ đang "làm gián điệp", và do đó, thực hiện các hoạt động có thể được coi là chuẩn bị cho xung đột.

'Tùy mắt quan sát'

Như vậy, liệu Trung Quốc có đứng ở thế cao hơn trong tranh cãi này không?

Một lần nữa, câu trả lời cũng không hề đơn giản.

Có thể có nước thậm chí còn thông cảm với TQ do lo ngại về chuyện Hoa Kỳ thu thập thông tin, nhưng thách thức Mỹ gây ra sự mất ổn định và do đó, không có lợi cho các nước châu Á - Tiến sĩ Jurrgen Haacke

Tiến sĩ Jurrgen Haacke từ Đại học Kinh tế London nói: "Trung Quốc cũng thực hiện các hoạt động tình báo tại nơi mà Nhật Bản tuyên bố là đặc khu kinh tế của họ".

Theo luật biển của LHQ, các hoạt động tình báo thường được coi là "không vô tư" nếu chúng được thực hiện bên trong lãnh hải của một quốc gia.

Tiến sĩ Haacke nói: "Một số nước có thể lập luận rằng việc thu thập tình báo không nên được coi là một hoạt động hòa bình nếu nó được thực hiện bên trong đặc khu kinh tế. Bản chất thế nào thì còn tùy vào mắt quan sát của mỗi phía".

Tiến sĩ Valencia đồng ý với quan điểm này.

Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản tập trung tại quần đảo Điếu Ngư Đài (tiếng Nhật gọi là Senkaku) và theo luật thì vẫn là khu vực bị tranh chấp về chủ quyền.

Tiến sĩ Valencia nói: "Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ về những hoạt động mà chính họ từng thực hiện tại Nhật Bản".

Những hành động này bao gồm việc vi phạm luật biển, như việc để tàu ngầm chìm xuống bên dưới thay vì nổi lên trên mặt biển, hay để các tàu thu thập tình báo đi lại trong hải phận của các quốc gia khác.

Tranh giành vị thế

Đây là lĩnh vực mà các sơ đồ luật định thường bị biến dạng thành các sơ đồ chính trị lớn hơn giữa các bên, hay nói cách khác, địa lý biến thành địa chính trị.

Hoa Kỳ từ lâu đã sử dụng các vùng biển ở châu Á, và có khả năng gia tăng lớn sức mạnh hải quân của họ (thường là với khả năng nguyên tử) ở trong và ngoài các vùng biển Á châu.

Tùy vào các hành động mà Hoa Kỳ thực hiện, rất nhiều nước tại châu Á cho tới nay vẫn không có vấn đề gì với Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải nước duy nhất tức giận trước việc Hoa Kỳ lợi dụng quyền tự do trên các vùng biển.

Indonesia, một trong những nước chủ chốt đối thoại hình thành nên Luật Biển, tức giận trước việc các tàu hải quân Mỹ thường xuất hiện tại các eo biển của họ mà không xin phép.

Ông Obama cũng tìm cách giảm bớt căng thẳng khi hội đàm với các quan chức cấp cao TQ

Việt Nam cũng phản đối việc quân đội Trung Quốc tập trận trên lãnh hải của họ.

Tuy nhiên, chỉ có Trung Quốc là nước nêu công khai sự tức giận của họ.

Giới phân tích nói cách hành xử tự nguyện trên các vùng biển Á châu cần được củng cố thành các hướng dẫn thực thi để tránh những xung đột trong tương lai.

Đằng sau tranh cãi gần đây giữa Mỹ với Trung Quốc là lo ngại của một số nước Đông Nam Á, cũng như ở phương Tây, về sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc.

Tiến sĩ Haacke nhận xét: "Trong khi có thể có nước thậm chí còn thông cảm với Trung Quốc do lo ngại về chuyện Hoa Kỳ thu thập thông tin, việc Trung Quốc thách thức Mỹ gây ra sự mất ổn định và do đó, không có lợi cho các nước châu Á".

Trước đây, Trung Quốc đã từng phản đối Mỹ, khi một tàu khu trục nhỏ của TQ đối đầu với tàu USNS Bowitch tại Hoàng Hải vào tháng 3/2001.

Tháng sau đó, một chiến đấu cơ của Trung Quốc đâm phải một máy bay do thám của Mỹ trên vùng đảo Hải Nam, gây căng thẳng trong quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và TQ trong một thời gian.

Tiến sĩ Valencia nhận xét rằng cả Mỹ lẫn TQ đều không thể nhận họ hoàn toàn đúng.

Hiện, các nước đang ra sức tranh giành vị thế tại các khu vực biển giàu tài nguyên và còn đang tranh chấp.

Ông Valencia nói chừng nào Mỹ từ chối phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển, chừng đó "tình hình còn tồi tệ thêm".

̣Đường đỏ là vùng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; Đường xanh là các đặc khu kinh tế EEZ theo Công ước LHQ về luật biển; Các đảo xám là nơi có tranh chấp.

Tranh chấp Biển Đông và khủng hoảng kinh tế

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090328_chen_shaofeng_sea.shtml
--   

Tranh chấp Biển Đông và khủng hoảng kinh tế

Mỹ gọi cách xử sự của Trung Quốc trong vụ đối đầu ở Biển Đông là 'hung hăng'

Tổng thống Philippines Gloria Arroyo ký Đạo luật Đường cơ sở ngày 10.3 khẳng định chủ quyền ở một phần quần đảo Trường Sa và bãi đá ngầm Scarborough.

Hành động đơn phương này khiến cả Bắc Kinh và Hà Nội phản đối. Trung Quốc nói sẽ cho phép một hãng lữ hành tổ chức cho du khách thăm đảo thuộc Trường Sa. Người ta tin rằng các nước khác tranh giành chủ quyền cũng sẽ hăm he gửi tàu đi qua các hòn đảo và vùng nước chung quanh thuộc quyền họ kiểm soát.

Có vẻ như những hành động này đi ngược lại Tuyên bố 2002 về Hành xử của các bên ở Biển Đông, được Trung Quốc và Asean ký. Điều gì dẫn tới sự thay đổi chính sách đột ngột này?

Diễn biến mới

Trung Quốc và Asean đã đạt nhiều tiến bộ trong củng cố quan hệ song phương, trong lúc các nước tranh giành, gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam, sẵn lòng gác lại tranh cãi để thúc đẩy những mục tiêu quốc gia quan trọng hơn trong mấy thập niên qua.

Nhưng đồng thời, do tầm quan trọng kinh tế, chính trị, chiến lược của Biển Đông, tất cả các bên đều cứng giọng trong tuyên bố xác lập chủ quyền. Hy vọng phát hiện dự trữ dầu hỏa và khí đốt dồi dào càng làm họ cứng rắn hơn. Vì thế, chúng ta thường thấy hầu hết các bên đều tìm cách củng cố sự kiểm soát những hòn đảo mà họ đã giữ được, và sẽ phản ứng mạnh trước hành vi đơn phương của các bên khác.

Tranh cãi mới nhất về Biển Đông có giống mẫu hình lâu nay không? Phần nào đó quả là tương tự, nhưng lần này có những diễn biến mới. Tranh chấp mới nhất xảy ra trong bối cảnh tất cả các bên đều bị ảnh hưởng nặng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Khủng hoảng kinh tế không chỉ là cú giáng vào các nền kinh tế Á châu, mà có thể có tác động xấu tới ổn định và hòa bình khu vực.

Một hiện tượng mới nữa là sự can dự trực tiếp của Mỹ - với vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và Mỹ hôm 8.3. Đây là sự cố nghiêm trọng nhất kể từ vụ đụng máy bay do thám Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc trên đảo Hải Nam năm 2001. Điều làm cho tình hình an ninh thêm phức tạp là phản ứng sau đó.

Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Thiết Trì thăm Washington sau vụ va chạm, nhưng không bên nào tỏ ra mềm mỏng hơn. Washington đã gửi chiến hạm Chung-Hoon đi hộ tống hoạt động tiếp theo của tàu Impeccable trên Biển Đông. Trung Quốc thì cũng cử một tàu hiện đại ra biển để bảo vệ vùng đánh cá và theo dõi hải phận.

Chiến tranh?

Chúng ta nhớ rằng khủng hoảng kinh tế thập niên 1930 đã châm ngòi cho Thế chiến Hai. Dĩ nhiên nhiều người tự hỏi: lịch sử liệu có lặp lại?

Chủ quyền Biển Đông là vấn đề khó xử cho chính phủ các nước

Theo biện luận của trường phái tân tự do (neo-liberal) về quan hệ quốc tế, sự tương thuộc kinh tế sẽ buộc các nước thận trọng trước khi dám đối đầu. Quả thực, cả Mỹ và Trung Quốc, và Trung Quốc với Asean, đều đã có quan hệ kinh tế phụ thuộc nhau.

Vì thế không nước nào muốn xảy ra xung đột vì Biển Đông. Nhưng chỉ cần quan sát nhầm ý định nước khác, tính toán nhầm, cũng có thể dẫn tới xung đột. Vì đây là vấn đề lãnh thổ, ít chính phủ nào muốn tạo ra cảm giác họ đang bán nước. Một số chính phủ có thể trở thành "con tin" của tình cảm dân tộc chủ nghĩa trong nước, trong khi có chính phủ lại sẽ lợi dụng tình cảm đó để giành phần hơn trong mặc cả. Dù thế nào, nó sẽ làm phức tạp thêm tranh chấp, khiến nó khó giải quyết hơn.

"Sự khiêu khích" của Philippines chủ yếu là để kịp hạn chót 13.5 của Liên Hiệp Quốc, buộc các nước gửi thông tin về thềm lục địa của họ. Nhưng cũng có người cho rằng Manila châm ngòi cho cuộc cãi vã là để giảm bớt bất mãn của người dân trong nước, vì nền kinh tế đã đi xuống do suy thoái toàn cầu.

Xuất khẩu Philippines giảm 14.9% tháng 10 năm ngoái, phần nhiều đầu tư nước ngoài đã rút khỏi nước này, và kiều hối của người lao động ở hải ngoại đã tụt giảm. Tính đến tháng Bảy năm 2008, tỉ lệ thất nghiệp đạt 7.4%. Gây náo động trên Biển Đông có thể là chiến thuật của chính quyền để người dân tạm quên đi nền kinh tế khó khăn cùng những bất mãn với chính phủ.

Dường như chính phủ Trung Quốc rơi vào thế khó xử khi tranh chấp Biển Đông lại khơi dậy. Một mặt, để tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, Trung Quốc cố gắng xây dựng hình ảnh tích cực về một quốc gia ủng hộ hòa bình và có nhiều trách nhiệm hơn với thế giới. Mục tiêu này đã hạn chế đáng kể chính sách của họ, đặc biệt trong sử dụng vũ lực.

Mặt khác, bên trong Trung Quốc, quần chúng xem chính phủ quá yếu ớt khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong đó có Biển Đông, và thúc ép chính phủ mạnh mẽ hơn, thậm chí dùng quân đội nếu cần thiết. Chủ nghĩa dân tộc tăng tiến trong nước đã thu hẹp không gian chính sách của Bắc Kinh. Bắc Kinh lo ngại nhiều hơn về nguy cơ hỗn loạn xã hội, do các nhà máy đóng cửa, thất nghiệp gia tăng.

Bên trong Đảng Cộng sản, có những tiếng nói khác nhau về cách ứng phó với hành động "khiêu khích" của các nước. Đáng chú ý là tiếng nói cứng rắn của quân đội, đặc biệt là Hải quân. Từ lâu, Hải quân đã cố gắng mở rộng khả năng và ảnh hưởng bằng cách dùng vấn đề Biển Đông. Vì thế, chính phủ Trung Quốc phải đu dây, cố gắng duy trì cân bằng giữa những kêu gọi trong nước và mong chờ của quốc tế.

Xây dựng niềm tin

Hoa Kỳ khăng khăng rằng việc tàu Impeccable đi qua đặc khu kinh tế của Trung Quốc chẳng có hại gì. Nhưng Bắc Kinh tin Mỹ cố gắng thu thập thông tin về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, đặc biệt là về tàu ngầm hạt nhân.

Cũng nên nhớ Mỹ không phải chỉ có một phe, đặc biệt trong câu hỏi đối phó ra sao với Trung Quốc đang lên. Quân đội, đặc biệt là phe diều hâu ở Mỹ, không thích chiến lược của Tổng thống Barack Obama cũng như "ngoại giao thông minh" của Hillary Clinton. "Vụ va chạm tàu do thám" chủ yếu đã bị quân đội Mỹ kích động. Họ muốn có thêm lợi ích và tiếng nói trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Từ phân tích trên, ta thấy chủ nghĩa dân tộc, quyền lợi các nhóm cùng tính toán sai về chiến lược rất có thể làm khác biệt thêm trầm trọng, và có thể dẫn tới xung đột. Vì thế, để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, các bên cần kiềm chế không gây thêm xích mích và có thêm các biện pháp xây dựng niềm tin.

Về tác giả: Tiến sĩ Trần Thiệu Phong (Chen Shaofeng) hiện là nhà nghiên cứu thỉnh giảng ở Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore. Ông học đại học ở Đại học Sư phạm Giang Tây trước khi lấy bằng tiến sĩ Chính trị học ở Đại học Quốc gia Singapore năm 2008. Các chủ đề nghiên cứu của tác giả bao gồm chính sách năng lượng của Trung Quốc, Biển Đông.

VN cần nâng cấp không quân

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090610_vn_airforces.shtml
--   

VN cần nâng cấp không quân

Vụ máy bay Su-22 của không quân Việt Nam rơi tại Cẩm Thủy, Thanh Hóa bỗng thu hút sự chú ý đến trang bị kỹ thuật của lực lượng này trong bối cảnh căng thẳng khu vực có chiều hướng tăng lên chứ không giảm đi.

Ấn Độ cũng đang sử dụng phi cơ Su-30MK1

Quân đội Nhân dân Việt Nam bước ra khỏi cuộc chiến chấm dứt năm 1975 với một số lượng khá tốt vũ khí và trang thiết bị thu được sau chiến thắng, gồm cả vũ khí của Mỹ.

Nhiều năm sau đó, chính quyền cộng sản bị cấm vận bởi Hoa Kỳ và Phương Tây nhưng lại trở thành đồng minh của Liên Xô nên các loại vũ khí của khối Hiệp ước Varsava vẫn vào Việt Nam.

Tất nhiên, Liên Xô bán hay viện trợ cho không quân Việt Nam có điều kiện và Hà Nội chưa bao giờ có mạ́y bay ném bom chiến lược như Tupolev mà chỉ nhận được phi cơ tiêm kích.

Theo nhiều bình luận, cuộc chiến Biên giới 1979 cho thấy hỏa lực của quân đội Việt Nam, tất nhiên với sự hỗ trợ của Liên Xô, có phần ưu thế hơn của Trung Quốc, một trong các yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh phải hiện đại hóa quân đội.

Nhưng từ khi khối Varsava sụp đổ, kho vũ khí của Việt Nam, nhất là máy bay và tàu chiến nhanh chóng trở nên cũ kỹ, không bắt kịp công nghệ quốc phòng và quân sự hiện đại.

Riêng về không quân, cho tới đầu năm nay, Việt Nam mới có 12 chiếc Su-30, và 36 chiếc Su-27 trong các binh đoàn phi cơ chiến đấu.

Đa số máy bay còn lại là MiG-21 và Su-22 chuyên dùng trong các trận đất đối không. Trong 400 chiếc này thì MiG-21 thuộc thế hệ ra đời từ thập niên 196, nên đã quá cũ.

Ngay cả hạng phi cơ Su-22 như chiếc bị rơi tại Thanh Hóa tuần này cũng cần nâng cấp gấp rút. Thậm chí Su-27 cũng là hạng sản xuất trước khi Liên Xô sụp đổ từ 1984 đến 1991.

Trong khi đó, căng thẳng ngoài Biển Đông đặt ra câu hỏi về nhu cầu tăng cường quốc phòng, cho cả hải quân và không quân Việt Nam.

Nhu cầu nâng cấp

Trong chiến tranh hiện đại, kể từ Thế chiến 2, quan niệm về hải chiến luôn bao gồm cả khả năng dùng phi cơ hỗ trợ hải quân chứ không chỉ là công việc của các tàu thuyền.

Quân đội Việt Nam hiểu được nhu cầu đó và theo các tạp chí theo dõi quân sự thì tháng 5 năm nay, Việt Nam đã mua thêm 12 chiếc Su-30MK2 với giá 42 triệu đô la một chiếc.

Tin tức sau nói con số này giảm xuống còn 8 chiếc với loạt đầu tiên sẽ được giao cho Việt Nam vào quý 4 năm 2010.

Theo Interfax AVN ước tính tám chiến đấu cơ Việt Nam vừa mua có tổng trị giá 400 triệu đôla sau hợp đồng loan báo tháng 4 trị giá 1,8 tỷ đô la để mua sáu tàu ngầm hạng Kilo của Nga.

Tạp chí Jane's Defence trích lời giới chuyên gia nói Việt Nam sẽ không trả Nga bằng tiền mặt mà bằng dầu.

Su-30 là thế hệ máy bay được tập đoàn Sukhoi nâng cấp và phát triển từ thập niên 1990, với nhiều phiên bản cho các khách hàng khác nhau.

Không quân Ấn Độ hiện đang dùng loại Su-MK1.

Su-30 của Nga bị tai nạn ngay tại buổi trình diễn không quân gần Paris tháng 6/1999

Còn loại MK2 thường được bán cho các nước ven biển như Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Venezuela, vì có thêm hệ thống hỏa tiễn chống tàu chiến và thiết bị điện tử.

Còn về số Su-30 Việt Nam đang có, giới chuyên gia coi đây là chiến đấu cơ phản lực tốt nhất mà Liên Xô thiết kế lúc kết thúc Chiến tranh Lạnh và so sánh nó với U.S. F-15 của Mỹ, nhưng giá chỉ bằng một phần ba.

Việt Nam được nói cũng đang nâng cấp, nhờ sự hỗ trợ của Nga, để biến các phi cơ Su-27 của mình thành hạng Su-30, nặng 30 tấn, nhưng có công nghệ thấp hơn Su-30MK2.

Dù tướng Phùng Quang Thanh của Việt Nam phát biểu gần tại tại hội nghị ở Singapore rằng tăng cường quốc phòng của Việt Nam không nhắm vào một bên thứ ba nào, điều cần thiết là nhìn nhận cán rõ cân hải quân và không quân giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thiếu cân xứng

Theo tạp chí Jane's Defence, ngay từ 2006/2007, Trung Quốc đã phát triển thế hệ chiến đấu cơ đa chức năng F-10 song song hệ thống tên lửa đạn đạo chống vệ tinh.

Việc xây căn cứ tàu ngầm nguyên tử tại Hải Nam, được tiết lộ một hai năm nay và dự án chuẩn bị cho hạ thủy hàng không mẫu hạm cũng đang thu hút sự chú ý của giới quan sát.

Trong bối cảnh Việt Nam cũng mua tàu ngầm nhưng khó có thể đọ lại Trung Quốc về số lượng và tầm hoạt động thì mua hoặc nâng cấp phi cơ để hỗ trợ hải quân là giải pháp khả thi hơn cả.

Phi cơ vừa không đắt bằng tàu chiến, vừa tăng khả năng phòng thủ và cả công kích trên biển nếu cần.

Nhưng trong trận không chiến hoặc hải chiến nếu xảy ra, Việt Nam sẽ phải đương đầu với chính Su-30 do Trung Quốc sản xuất dựa trên cơ sở giấy phép kỹ thuật Nga.

Điều đáng chú ý là các hạng Su-30 trên thế giới chưa bao giờ được thử lửa trong các trận không chiến thật mà mới chỉ được dùng cho huấn luyện.

Báo chí thế giới cũng nhắc hồi tháng 6/1999, một Su-30 của Nga bị tai nạn ngay tại buổi trình diễn không quân gần Paris, Pháp, nhưng cả hai phi công Viatcheslav Averyanov và Vladimir Chendrik may mắn thoát chết.

Bởi vậy, dù có Su-30 loại gì thì quốc phòng của Việt Nam cũng lại cần nâng cấp nữa vì Nga đã tuyên bố bán ra thế hệ Su-35, hiện đại hơn cả.

''Cuộc chạy đua vũ trang'' xem ra không bao giờ chấm dứt.

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...