--
Nga giúp Việt Nam xây căn cứ tàu ngầm
Trở về Nga sau chuyến thăm chính thức Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho báo giới hay hải quân Nga sẽ giúp Việt Nam xây căn cứ tàu ngầm.
Trong chuyến thăm Hà Nội từ 22 đến 24 tháng Ba, ông Anatoly Serdyukov đã hội đàm với tướng Phùng quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam.
Trước câu hỏi của phái viên về tình trạng của hải quân Việt Nam hiện nay và các kế hoạch mua sắm vũ khí trong tương lai, ông Serdyukov nói Nga sẽ giúp Việt Nam xây dựng căn cứ tàu ngầm.
Hãng tin Nga trích lời Anatoly Serdyukov nói rằng Việt Nam cần căn cứ cho hải đội sáu chiếc tàu ngầm nước này mua từ Nga.
Đây là loại tàu ngầm hạng Kilo, chạy bằng điện và dầu diesel.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho báo giới hay Việt Nam muốn Moscow giúp xây một xưởng sửa chữa tàu, để sau này có thể dùng vào việc bảo dưỡng tàu chiến của Nga.
Ông Serdyukov nói thêm hải quân Việt Nam đang tính mua một số tàu yểm trợ và hộ tống, tuy chưa có đủ tài chính. Báo Nga trích lời ông Serdyukov nói rằng Việt Nam muốn vay Nga một khoản tiền để nhóm tàu này.
Theo ông Serdyukov chủ đề Cam Ranh đã không được nói tới trong cuộc họp của người đứng đầu bộ quốc phòng hai nước.
Trước sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc và nhu cầu bảo về bờ biển dài hơn 3000 cây số, Việt Nam đang hướng về Nga như là nơi cung cấp vũ khí. Hợp tác quân sự giữa hai nước được đẩy mạnh với nhiều hợp đồng mua bán vũ khí.
Hãng tin RIA Novosti trích lời ông Serdyukov nói rằng trong hai năm 2008-2009 Việt Nam bỏ ra 4,5 tỷ USD để mua vũ khí từ Nga.
Bên cạnh sáu tầu ngầm hạng Kilo, Hà Nội cũng đặt mua từ Nga chiến hạm hạng Gerpad, hỏa tiễn hạm lớp Tarantul I. Và chiến đấu cơ Su-30.
Báo chí quốc tế nhận định Việt Nam thực hiện chương trình mua sắm vũ khí lớn trong lúc căng thẳng gia tăng tại hai quần đảo đang bị tranh chấp là Hoàng Sa và Trường Sa. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đòi chủ quyền toàn bộ đối với hai quần đảo này.
Tàu chiến Gerpad
Tin nói rằng một xưởng đóng tàu tại Tatarstan, LB Nga, vừa hạ thủy hai tàu Gepard 3.9 để thử lần cuối trước khi giao hàng cho hải quân Việt Nam.
Truyền thông Nga trích lời người phát ngôn của xưởng đóng tàu Zelenodolsk cho hay chiếc thứ hai vừa được hạ thủy trong tuần qua, sau khi chiếc thứ nhất được hoàn tất từ tháng 12/2009.
Hợp đồng cung cấp tàu Gepard 3.9 được ký từ cuối năm 2006 qua công ty Rosoboronexport, nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga.
Phát ngôn viên của nhà máy Zelenodolsk nói: "Tàu chiến Gepard 3.9 thứ nhất sẽ được giao cho Việt Nam vào tháng 10 tới, chiếc thứ hai vào cuối năm nay".
Cả hai chiếc hiện đang được vận hành thử trên biển Baltic.
Tàu hộ tống Gepard-3.9 có khả năng tác chiến với cả tàu ngầm và tàu chiến, đồng thời tiêu diệt các mục tiêu trên không.
Công nghệ tàng hình (Stealth technology) được sử dụng, giúp tàu này hiện diện tối thiểu trên màn hình radar của đối phương.
Hai tàu cho Hải quân Việt Nam là thế hệ Gepard đời mới nhất của nhà máy Zelenodolsk, mất tới hai năm rưỡi để chế tạo từ mẫu đang hoạt động thuộc lớp Project 11661.
Gepard 3.9 dài 102 mét và lượng giãn nước 2.100 tấn. Tàu này có tốc độ đáng nể là 28 hải lý một giờ.
Tàu có trang bị hệ thống hỏa tiễn Uran-E, pháo AK-176M 76.2-mm, hệ thống phòng không Palma, hai pháo AK-630M và ống phóng lôi 533-mm. Gepard 3.9 có thể đi kèm trực thăng Helix Ka-28 hoặc Ka-31.
Mục đích hòa bình
Giới chức quốc phòng Việt Nam luôn khẳng định kế hoạch nâng cấp hải quân-không quân này chỉ để nhằm tăng khả năng phòng vệ, chứ không phải để đối đầu với bất cứ quốc gia nào.
Tàu Gepard khi giao hàng sẽ trở thành vũ khí chủ lực của Hải quân Việt Nam. Có tin Việt Nam cũng đang tìm cách tự đóng tàu này ở trong nước theo hướng dẫn của Nga.
Hiện Hải quân Việt Nam có 2 chiếc tàu tuần tiễu loại nhẹ BPS – 500 và 5 chiếc lớp Petya-III.
Việt Nam cũng đã mua từ Nga 4 tàu hỏa tiễn lớp Tarantul I, là tàu chiến chủ yếu của Hải quân Việt Nam hiện nay. Tàu này được trang bị tên lửa chống hạm SS-N– 22, có khả năng tấn công các khu trục hạm hiện đại, các mục tiêu siêu xa ngoài 200 hải lý với tốc độ lớn.
Nga cũng bán cho Việt Nam hồi 2007 tàu chiến siêu tốc Molnya có trang bị tên lửa siêu âm chống hạm và tên lửa phòng không tầm ngắn. Nga còn có kế hoạch cho phép Việt Nam có thể tự sản xuất tàu hạng này số lượng lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét