--
Tranh chấp Biển Đông và khủng hoảng kinh tế
Tổng thống Philippines Gloria Arroyo ký Đạo luật Đường cơ sở ngày 10.3 khẳng định chủ quyền ở một phần quần đảo Trường Sa và bãi đá ngầm Scarborough.
Hành động đơn phương này khiến cả Bắc Kinh và Hà Nội phản đối. Trung Quốc nói sẽ cho phép một hãng lữ hành tổ chức cho du khách thăm đảo thuộc Trường Sa. Người ta tin rằng các nước khác tranh giành chủ quyền cũng sẽ hăm he gửi tàu đi qua các hòn đảo và vùng nước chung quanh thuộc quyền họ kiểm soát.
Có vẻ như những hành động này đi ngược lại Tuyên bố 2002 về Hành xử của các bên ở Biển Đông, được Trung Quốc và Asean ký. Điều gì dẫn tới sự thay đổi chính sách đột ngột này?
Diễn biến mới
Trung Quốc và Asean đã đạt nhiều tiến bộ trong củng cố quan hệ song phương, trong lúc các nước tranh giành, gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam, sẵn lòng gác lại tranh cãi để thúc đẩy những mục tiêu quốc gia quan trọng hơn trong mấy thập niên qua.
Nhưng đồng thời, do tầm quan trọng kinh tế, chính trị, chiến lược của Biển Đông, tất cả các bên đều cứng giọng trong tuyên bố xác lập chủ quyền. Hy vọng phát hiện dự trữ dầu hỏa và khí đốt dồi dào càng làm họ cứng rắn hơn. Vì thế, chúng ta thường thấy hầu hết các bên đều tìm cách củng cố sự kiểm soát những hòn đảo mà họ đã giữ được, và sẽ phản ứng mạnh trước hành vi đơn phương của các bên khác.
Tranh cãi mới nhất về Biển Đông có giống mẫu hình lâu nay không? Phần nào đó quả là tương tự, nhưng lần này có những diễn biến mới. Tranh chấp mới nhất xảy ra trong bối cảnh tất cả các bên đều bị ảnh hưởng nặng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Khủng hoảng kinh tế không chỉ là cú giáng vào các nền kinh tế Á châu, mà có thể có tác động xấu tới ổn định và hòa bình khu vực.
Một hiện tượng mới nữa là sự can dự trực tiếp của Mỹ - với vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và Mỹ hôm 8.3. Đây là sự cố nghiêm trọng nhất kể từ vụ đụng máy bay do thám Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc trên đảo Hải Nam năm 2001. Điều làm cho tình hình an ninh thêm phức tạp là phản ứng sau đó.
Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Thiết Trì thăm Washington sau vụ va chạm, nhưng không bên nào tỏ ra mềm mỏng hơn. Washington đã gửi chiến hạm Chung-Hoon đi hộ tống hoạt động tiếp theo của tàu Impeccable trên Biển Đông. Trung Quốc thì cũng cử một tàu hiện đại ra biển để bảo vệ vùng đánh cá và theo dõi hải phận.
Chiến tranh?
Chúng ta nhớ rằng khủng hoảng kinh tế thập niên 1930 đã châm ngòi cho Thế chiến Hai. Dĩ nhiên nhiều người tự hỏi: lịch sử liệu có lặp lại?
Theo biện luận của trường phái tân tự do (neo-liberal) về quan hệ quốc tế, sự tương thuộc kinh tế sẽ buộc các nước thận trọng trước khi dám đối đầu. Quả thực, cả Mỹ và Trung Quốc, và Trung Quốc với Asean, đều đã có quan hệ kinh tế phụ thuộc nhau.
Vì thế không nước nào muốn xảy ra xung đột vì Biển Đông. Nhưng chỉ cần quan sát nhầm ý định nước khác, tính toán nhầm, cũng có thể dẫn tới xung đột. Vì đây là vấn đề lãnh thổ, ít chính phủ nào muốn tạo ra cảm giác họ đang bán nước. Một số chính phủ có thể trở thành "con tin" của tình cảm dân tộc chủ nghĩa trong nước, trong khi có chính phủ lại sẽ lợi dụng tình cảm đó để giành phần hơn trong mặc cả. Dù thế nào, nó sẽ làm phức tạp thêm tranh chấp, khiến nó khó giải quyết hơn.
"Sự khiêu khích" của Philippines chủ yếu là để kịp hạn chót 13.5 của Liên Hiệp Quốc, buộc các nước gửi thông tin về thềm lục địa của họ. Nhưng cũng có người cho rằng Manila châm ngòi cho cuộc cãi vã là để giảm bớt bất mãn của người dân trong nước, vì nền kinh tế đã đi xuống do suy thoái toàn cầu.
Xuất khẩu Philippines giảm 14.9% tháng 10 năm ngoái, phần nhiều đầu tư nước ngoài đã rút khỏi nước này, và kiều hối của người lao động ở hải ngoại đã tụt giảm. Tính đến tháng Bảy năm 2008, tỉ lệ thất nghiệp đạt 7.4%. Gây náo động trên Biển Đông có thể là chiến thuật của chính quyền để người dân tạm quên đi nền kinh tế khó khăn cùng những bất mãn với chính phủ.
Dường như chính phủ Trung Quốc rơi vào thế khó xử khi tranh chấp Biển Đông lại khơi dậy. Một mặt, để tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, Trung Quốc cố gắng xây dựng hình ảnh tích cực về một quốc gia ủng hộ hòa bình và có nhiều trách nhiệm hơn với thế giới. Mục tiêu này đã hạn chế đáng kể chính sách của họ, đặc biệt trong sử dụng vũ lực.
Mặt khác, bên trong Trung Quốc, quần chúng xem chính phủ quá yếu ớt khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong đó có Biển Đông, và thúc ép chính phủ mạnh mẽ hơn, thậm chí dùng quân đội nếu cần thiết. Chủ nghĩa dân tộc tăng tiến trong nước đã thu hẹp không gian chính sách của Bắc Kinh. Bắc Kinh lo ngại nhiều hơn về nguy cơ hỗn loạn xã hội, do các nhà máy đóng cửa, thất nghiệp gia tăng.
Bên trong Đảng Cộng sản, có những tiếng nói khác nhau về cách ứng phó với hành động "khiêu khích" của các nước. Đáng chú ý là tiếng nói cứng rắn của quân đội, đặc biệt là Hải quân. Từ lâu, Hải quân đã cố gắng mở rộng khả năng và ảnh hưởng bằng cách dùng vấn đề Biển Đông. Vì thế, chính phủ Trung Quốc phải đu dây, cố gắng duy trì cân bằng giữa những kêu gọi trong nước và mong chờ của quốc tế.
Xây dựng niềm tin
Hoa Kỳ khăng khăng rằng việc tàu Impeccable đi qua đặc khu kinh tế của Trung Quốc chẳng có hại gì. Nhưng Bắc Kinh tin Mỹ cố gắng thu thập thông tin về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, đặc biệt là về tàu ngầm hạt nhân.
Cũng nên nhớ Mỹ không phải chỉ có một phe, đặc biệt trong câu hỏi đối phó ra sao với Trung Quốc đang lên. Quân đội, đặc biệt là phe diều hâu ở Mỹ, không thích chiến lược của Tổng thống Barack Obama cũng như "ngoại giao thông minh" của Hillary Clinton. "Vụ va chạm tàu do thám" chủ yếu đã bị quân đội Mỹ kích động. Họ muốn có thêm lợi ích và tiếng nói trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Từ phân tích trên, ta thấy chủ nghĩa dân tộc, quyền lợi các nhóm cùng tính toán sai về chiến lược rất có thể làm khác biệt thêm trầm trọng, và có thể dẫn tới xung đột. Vì thế, để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, các bên cần kiềm chế không gây thêm xích mích và có thêm các biện pháp xây dựng niềm tin.
Về tác giả: Tiến sĩ Trần Thiệu Phong (Chen Shaofeng) hiện là nhà nghiên cứu thỉnh giảng ở Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore. Ông học đại học ở Đại học Sư phạm Giang Tây trước khi lấy bằng tiến sĩ Chính trị học ở Đại học Quốc gia Singapore năm 2008. Các chủ đề nghiên cứu của tác giả bao gồm chính sách năng lượng của Trung Quốc, Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét