Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Vì sao người Nga “không đùa với lửa” Iran? - Thế giới - Dân trí

http://dantri.com.vn/c36/s36-611768/vi-sao-nguoi-nga-khong-dua-voi-lua-iran.htm
--   Thứ Tư, 27/06/2012 - 23:54   

Vì sao người Nga "không đùa với lửa" Iran?

(Dân trí) - Mỹ có thể không hài lòng hoặc thậm chí không hiểu quan điểm của Nga về vấn đề hạt nhân Iran. Nhưng có vô vàn lý do vì sao Nga sẽ không gây quá nhiều áp lực đối với Tehran.



 

Chính quyền Obama trong suốt thời gian qua đã nỗ lực kéo Mátxcơva vào danh sách những nước gia tăng áp lực với Iran, để phối hợp gia tăng sức ép đối với tham vọng hạt nhân của Iran. Nhưng Nga lại vừa muốn một nước Iran phi hạt nhân, vừa không muốn gia nhập cùng Mỹ và các đồng minh của nước này bởi những nguy cơ mà Nga có thể phải gánh chịu.

 

Quan hệ Nga-Iran: Phức tạp

 

Nếu dùng một từ để miêu tả mối quan hệ địa chiến lược, kinh tế và chính trị giữa Nga và Iran thì đó là từ phức tạp. Trong quá khứ, Nga và Iran từng là những đối thủ địa chiến lược. Đặc biệt là trong thế kỷ 19, Sa hoàng Nga đã giành được ảnh hưởng ở cả  Caucasus và Trung Á, trong khi Iran phải gánh chịu nhiều tổn thất. Vào cả thế kỷ 19 và 20, Iran thường có lý do để lo ngại về một nước Nga (hay Liên Xô) hùng mạnh – nhân tố quan trọng thúc đẩy liên minh giữa Mỹ và Iran từ cuối Thế chiến II dưới thời Vua Ba Tư năm 1979. Thậm chí ngay cả sau khi chính quyền Shah được thay thế bằng chính quyền cộng hòa Hồi giáo chống Mỹ, mối quan hệ giữa Iran và Liên Xô vẫn căng thẳng, đặc biệt là kể từ khi Tehran coi sự xuất hiện của Liên Xô ở Afghanistan (1979-89) và sự ủng hộ của Liên Xô đối với Iraq trong cuộc chiến Iran-Iraq (1980-88) là mối đe dọa lớn.

 

Khi chiến tranh với Iraq chấm dứt và Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, sau đó là sự tan rã của Liên Xô, quan niệm của Iran về "mối đe dọa" Nga đã được giảm đi nhiều. Được củng cố bằng những lợi ích địa chiến lược chung, mối quan hệ Nga-Iran được cải thiện đáng kể từ đó. Đầu tiên và trên hết là lợi ích chung trong mong muốn kìm hãm ảnh hưởng của Mỹ, đặc biệt là ở những nước trong khu vực Caucasus và Trung Á, những nước trở thành quốc gia độc lập sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Lợi ích địa chiến lược chung khác mà Mátxcơva cùng Tehran chia sẻ là nỗi lo chung về các phong trào Hồi giáo Sunni cấp tiến, như al-Qaeda và Taliban – những nhóm ngoài chống phương Tây còn chống Nga và người Shiitte. Lợi ích chung khác nữa là mối lo ngại về chủ nghĩa ly khai có nguy cơ bùng phát ở cả hai nước.

 

Nga và Iran cũng hợp tác chặt chẽ về mặt kinh tế. Tổng thương mại giữa hai nước đạt xấp xỉ 4 tỉ USD/năm là con số không lớn. Mặc dù vậy, Nga là một trong số ít nhà sản xuất vũ khí và lò phản ứng hạt nhân sẵn sàng và có thể bán cho Iran. Tương tự, Iran là một trong số ít khách hàng mua vũ khí và lò phản ứng hạt nhân sẵn sàng và có thể mua của Nga. Cả hai xem việc tiếp tục duy trì thương mại trên những lĩnh vực này là quyền lợi quan trọng.

 

Mặc dù vậy, Nga và Iran đều là hai nhà sản xuất dầu lửa, với sự cạnh tranh cao. Với Mátxcơva, những nỗ lực trừng phạt kinh tế do Mỹ khởi xướng đối với Iran là "của trời cho" xét cả về kinh tế lẫn địa chiến lược. Việc Mỹ ngăn chặn xây dựng các tuyến đường ống dẫn dầu từ Azerbaijan, Turkmenistan, và Kazakhstan tới Iran đồng nghĩa với việc các quốc gia Liên Xô cũ phải dựa chủ yếu vào các tuyến đường xuất khẩu qua Nga và các nước nằm trong "tầm ngắm" của Nga (như Gruzia). Và xét theo khía cạnh lệnh cấm vận của Mỹ khiến khả năng bán dầu ra thị trường thế giới của Iran bị hạn chế, Nga không những được hưởng lợi từ giá dầu tăng cao, mà nhu cầu mua dầu Nga của các nước cũng tăng. Dĩ nhiên, Mátxcơva không có hứng thú thấy tình hình này thay đổi.

 

Cuối cùng, phải nhấn mạnh rằng dù cả Mátxcơva và Tehran có chung thù hận đối với Mỹ, nhưng khả năng họ phối hợp với nhau để chống lại Mỹ là khó có thể xảy ra, bởi cả hai đều sợ sẽ phải hi sinh mối quan hệ của nhau để đổi lại những nhượng bộ của Mỹ. Việc chính quyền Obama khi lên nắm quyền tuyên bố rõ một mặt muốn cải thiện mối quan hệ với Iran, mặt khách tiếp tục cải thiện mối quan hệ với Nga để người Nga "giúp chúng tôi về Iran", khiến cả Mátxcơva và Tehran đều phải ngẫm nghĩ họ sẽ bị "mất mát" gì cho Washington.

 

Thực tế Mátxcơva không lo ngại về viễn cảnh Iran sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ, các đồng minh phương Tây, Ả rập và Israel. Theo quan điểm của Nga, Iran không có khả năng phát triển được vũ khí hạt nhân và sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là tham vọng của Iran. Trong khi đó, Mátxcơva e ngại đối với Pakistan hơn Iran và thực tế việc Pakistan sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ gây nhiều vấn đề hơn là Iran.

 

Mátxcơva hiểu rằng lý do lớn nhất khiến chính quyền Obama theo đuổi chính sách "tái khởi động" mối quan hệ Nga-Mỹ là muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Song Mátxcơva tự thấy họ có rất ít tác động đối với Iran về vấn đề này. Đã nhiều lần Putin đề xuất giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran bằng cách cho Nga làm giàu tất cả urani cho Iran (hoặc ở Nga hoặc ở Iran hay một nước thứ ba). Tuy nhiên Tehran luôn khẳng định họ sẽ tiếp tục làm giàu ít nhất là một số urani của chính họ, thậm chí là khi họ nhất trí phối hợp với các đề xuất của Nga.
 
Những nguy cơ khi Nga bắt tay với Mỹ

 

Mátxcơva có thể dọa hoặc thậm chí là áp đặt trừng phạt chống Iran nếu nước này không hợp tác trong vấn đề hạt nhân. Và khả năng lớn nhất là Nga sẽ không "xuống nước" và không trì hoãn các lệnh trừng phạt kinh tế mới của Hội đồng bảo an đối với Iran. Các biện pháp khác có thể là cắt giảm hoặc thậm chí là chấm dứt bán vũ khí của Nga cho Iran.

 

Tuy nhiên, áp dụng các biện pháp trừng phạt trên đối với Iran sẽ gây ra nhiều nguy cơ lớn cho Nga. Bởi việc Nga hợp tác với phương Tây trong vấn đề Iran không đồng nghĩa với là Trung Quốc sẽ làm vậy. Và nếu điều đó xảy ra, Iran sẽ càng nghiêng về Bắc Kinh hơn. Ngoài ra, Mátxcơva lo ngại khả năng Iran trả đũa Nga. Ví dụ, Tehran có thể chấm dứt hi vọng của các công ty Nga muốn đầu tư vào ngành dầu khí của Iran. Và mặc dù Tehran trước kia không ủng hộ các nhóm đối lập Chechnya và Hồi giáo bên trong Nga, thái độ khác của Nga cũng rất có thể khiến Iran làm vậy. Kết quả là thách thức an ninh trong lòng nước Nga càng trở nên lớn hơn.

 

Dĩ nhiên không rõ sẽ mất mát những gì nếu Tehran trừng phạt Mátxcơva vì Nga hợp tác với phương Tây trong vấn đề hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, Mátxcơva chắc chắn không muốn phải tính tới điều này.

 

Mỹ, Nga và Iran

 

Mátxcơva nhìn nhận nỗ lực lôi kéo của Mỹ để Nga hợp tác trong vấn đề hạt nhân Iran bằng sự ngờ vực và hoài nghi lớn. Mátxcơva cho rằng Washington thừa biết Nga có rất ít tác động với Iran trong vấn đề hạt nhân và Tehran có thể gây ra những tổn thất lớn cho Nga nếu Nga hợp tác với phương Tây trong vấn đề này. Ngoài ra Mátxcơva cũng nghi ngờ Washington đang thúc ép Nga hợp tác với họ không phải là vì muốn Tehran "phục tùng" mà bởi Washington muốn phá hoại mối quan hệ Nga-Iran.

 

Cách nghĩ này có vẻ lố bịch đối với người Mỹ, nhưng hoàn toàn nghiêm túc với người Nga. Bởi nhiều người Nga lý giải, nếu Washington thực sự coi trọng sự hợp tác của Nga trong vấn đề hạt nhân Iran, thì chắc chắn Mỹ sẽ đưa ra một số nhượng bộ và khích lệ đối với Mátxcơva. Có thể thấy rõ trong kế hoạch lá chắn tên lửa đạn đạo của Mỹ ở châu Âu mà Nga liên tục kêu gọi hủy bỏ. Putin cũng có thể yêu cầu chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của Nga, như chính phủ Mỹ lên án tình trạng dân chủ, nhân quyền ở Nga, cũng như tôn trọng "lợi ích đặc quyền" của Nga (như ông Medvedev đã nói đến năm 2008 ở các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ).

 

Washington có thể cho rằng họ không cần phải nhượng bộ gì đối với Mátxcơva để nước này hợp tác với họ bởi ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân có lợi cho tất cả các nước, trong đó có Nga. Nhưng Nga lại thấy mất mát nhiều mà lợi ích ít khi hợp tác với Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran. Vì vậy sẽ là sai lầm nếu Washington kỳ vọng có thể thuyết phục được Mátxcơva đóng góp "có ý nghĩa" hơn, như thuyết phục Tehran hợp tác hoặc trừng phạt nước này.

 

Phan Anh

Theo The Diplomat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...