--
RÚT KINH NGHIỆM
Mấy hôm rồi lình sình chuyện hoa hậu, người mẫu bán dâm. Giữa lúc nền kinh thế suy thoái, lạm phát cao, DNNN chết ngắc ngoải, đời sống khốn khó, nhất là với người nghèo, quan chức ăn cướp tiền thuế của dân, bị lộ thì đi trốn, dự án dùng tiền tài trợ của nước ngoài thâm hụt mà theo giải thích của lãnh đạo Việt Nàm là "do hiểu lầm về cách chi tiêu" khác nhau…Giữa lúc an ninh đất nước bị coi thường luôn đặt dưới tiêu chí kiếm tiền bằng mọi cách: bán mặt biển Cam Ranh, Vũng Rô cho người Trung Quốc vào khai thác. Ngoài biển ngư dân bị trung Quốc cướp tàu, cướp hải sản và thả về trắng tay mà các báo chỉ lên tiếng yếu ớt…Giữa lúc cả bộ máy tuyên truyền lao vào tấn công một blogger và một cụ bà 82 tuổi vì lý do mơ hồ trên giấy tờ, trắng trợn trong ý định khi họ không chịu đi về phía "định hướng"…Rất mệt mỏi. Toàn dân mệt mỏi. Cả đất nước bị đặt trong tình trạng stress cao độ.
Mình bỗng thương Mỹ Xuân, Hồng Hà, Thiên Kim và các cô gái bị chà đạp thêm nhiều lần sau các chuyên án điều tra, bóc dỡ đường dây mại dâm này. Chính xã hội là nguyên nhân gây nên cơn "thèm tiền" đến điên loạn. Nếu xếp thang bậc cho cơn thèm khát tiền thì quan chức đứng số 1. Họ bất chấp tất cả để lao vào kiếm tiền, các nhiệm kỳ chưa đủ còn bố trí cả vợ, con cùng tham gia. Hầu như không có quan chức nghèo, chỉ chưa là tất cả các quan chức đều có thể gọi là tỷ phú đô la mà thôi. Hiếm có vợ con quan chức nào nghèo và không được học hành đây đó ở các nước phát triển. Thói xa hoa đã trở thành thương hiệu, đẳng cấp cho những người có tiền. Càng xa hoa càng trở thành tấm gương để tạo nên một lối sống cho lớp trẻ "noi theo". Đắm chìm trong cuộc sống tất cả điên đảo vì tiền mà bảo tuổi trẻ nên có thái độ điềm tĩnh với tiền, vật chất thì khác gì rao giảng đạo đức suông? Rất ít người thoát khỏi tấm lưới bủa vây của tiền bạc. Và để có được cuộc sống cho bằng người ta, tất nhiên cần tiền. Không thể kiếm tiền bằng các dự án, chính sách như quan chức, đại gia thì đương nhiên phải bán những gì mình có. Một bên bán nhân cách, bên bán thân thể, đương nhiên mình tôn trọng người bán thân thể hơn nhiều. Bán thân thể (có khi bán cho chính quan chức, đại gia, cán bộ bề ngoài đang lên án họ) vẫn là mức độ vi phạm nhân cách thấp hơn nhiều thói ăn cắp, dối trá, lạm dụng để vụ lợi…
Có hoa hậu, người nổi tiếng trong giới showbiz nào chịu lấy anh chồng nghèo hay toàn thấy cặp kè với đại gia? Mối tình ấy chả có gì để nói nếu đó là tình yêu, hay không là tình yêu đi chăng nữa thì cũng là tính toán, đổi chác hai bên đều có lợi. Cũng chả sao. Nhưng lâu nay các mối tình đó luôn được phủ bên ngoài, trên các phương tiện truyền thông như là mối tình lãng mạn, chân thành, trong sáng…Vậy các cô gái kia bán dâm theo theo thời vụ, đương nhiên không vì tình yêu mà vì tiền thì có sao nhỉ? Mình thấy họ chân thành, trung thực hơn những người bán dâm theo hợp đồng hôn nhân. Mà ví dụ gần đây nhất mà ai cũng biết là đơn thư tố cáo của bà Nông Bích Liên về đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm. Vậy thì Mỹ Xuân, Hồng Hà và những người khác vẫn thực sự làm mình kính trọng. Mình thương Mỹ Xuân dang dở chuyện chồng con và dự định sẽ mở công ty người mẫu, có cuộc sống an bình như tâm sự của đồng nghiệp của em trong bài phỏng vấn. Lề thói người đời xoi mói và đánh dập đầu khó cho em cơ hội sống lại cuộc đời mới chăng? Em không thể như đám quan chức bị lộ là có thể ra nước ngoài sống cuộc sống vẫn giàu sang như ai. Em cũng không thể sánh với những kẻ tham ô, tham nhũng nhiều tỷ, tỷ đồng vẫn ung dung tự tại nói những chuyện đạo đức, và chả may ngã ngựa thì ra tù sau vài năm, nhà cửa vẫn chất ngất tiền tài, no đủ và hàng ngày lại rượu bia, tràn trề vui thú…
Giá mà có thể mình sẽ bắt các báo hãy nín lặng, hoặc hãy biết đau từng lời khi viết về cuộc mưu sinh của những người đang phải sống bằng "vốn tự có". Và hãy phá bung sự bưng bít của những kẻ sống bằng "vốn ăn cắp" mà có được.
Hãy biết thương xót những cô gái trẻ bị vứt vào cuộc sống vô minh, không lối thoát, không cơ hội, bị khi rẻ nếu không có tiền, và luôn bị biến thành con thú trong cuộc săn của những kẻ có tiền.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ cần "rút kinh nghiệm" về việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng và các sai lầm của ông, thì Mỹ Xuân, Hồng Hà, Thiên Kim cũng chỉ cần nhẹ nhàng nói với thiên hạ rằng, hãy để các em được yên và cho các em rút kinh nghiệm…
----------
TL: Nhân tiện TL post bài viết của một độc giả nữ về chuyện Mỹ Xuân nhân trao đổi với bà về việc này để mọi người cùng suy ngẫm.
Xây để tặng, làm để cho!
Mấy hôm nay đọc chuyện lùm xùm quanh việc các cô tài sắc bị cuốn theo cơn lốc đồng tiền, tôi bực mình tôi lắm lắm, vì sao dừng ở đề tài này để viết, cứ thiên hạ lùm xùm chuyện gì thì mình chạy theo chuyện đó để bàn tán, để nhìn. Rõ chán! Nhưng không viết thì ấm ức, thôi thì viết, được đến đâu hay đến đó, chạy lùm xùm theo được đến đâu hay đến đó.
Tôi vẫn có một chút kính trọng – nếu không muốn nói là nhiều – các cô vì phải đường cùng đi vào con đường này để kiếm sống cho mình và cho gia đình. Còn các cô tự nguyện làm nghề này, tôi tôn trọng họ vì đó là quyết định của họ. Cuộc đời có những chuyện không thể nào lý giải nên phải đành theo dòng đời, vì thế có những nước hợp pháp hóa nghề này, có sổ sách, có thu nhập, có đóng thuế. Ở những nước không hợp pháp hóa thì cả người mua vui và người tặng vui đều bị phạt.
Còn các cô sinh viên, các bà nội trợ muốn cải thiện thêm thì chắc họ chưa biết đủ!
Còn các cô rất đẹp, rất giàu lại thích đi mua vui cho người khác thì đâu phải các cô thiếu tiền, các cô ham tiền chứ!
Hôm nay tôi chỉ muốn nói đến các cô ham tiền. Ham đến mức không còn nghĩ đến nhân phẩm của mình thì đúng là bệnh rồi, trường hợp này mới cần vào các Trung tâm Phục hồi nhân phẩm. Tôi không biết tỉ số thành công ở các trung tâm này được bao nhiêu phần trăm, nhưng làm sao gột được vết nhơ nếu người xung quanh biết mình đã từng ham tiền như vậy. Thật khó để trở về một cuộc đời lương thiện, lành mạnh.
Nghĩ đến các cô, tôi không thể không nghĩ đến các ông tây bà đầm đi qua nước mình làm những công việc từ thiện, có những người khá giả nhưng cũng có những người chấp nhận sống nghèo để họ thực hiện được những gì họ mong muốn.
Anh Robert Costabile, người Úc, mở bếp ăn từ thiện ở nhà hàng Lanterns để giúp những người lao động nghèo, đạp xích lô, nhặt đồng nát, bán vé số, ăn xin đến nhận cơm miễn phí tại nhà hàng của anh.
Anh Rob Kidnie, người Úc, tay cầm mái chèo, lướt ván ngược xuôi dọc bờ sông Cửu Long, từ biên giới Campuchia ra biển Đông để lượm rác và kêu gọi mọi người đừng quăng rác và túi nhựa xuống sông.
Ai nhìn anh cũng tò mò dừng lại xem, cười vui vẫy tay chào anh. Chỉ cần thấy họ dừng lại nhìn, tán đồng công việc của anh là anh «hạnh phúc rồi». Anh luôn miệng nói: Tôi hạnh phúc rồi! (I am happy!)
Hai vợ chồng ông bà Kida người Nhật giúp xây cầu cho học sinh nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long có phương tiện qua cầu đi học.
Rồi ông tây Thụy Sĩ Toni Ruttimann xây cầu treo cho tỉnh Bến Tre. Ông này có một cuộc đời lạ lùng. Sinh năm 1967, năm 19 tuổi, xúc động khi xem cảnh động đất dữ dội ở Équateur, ông quyên được 9000 quan Thụy Sĩ và lên đường đi Équateur. Đến đó, chàng thanh niên 19 tuổi thấy có những vùng bị cắt đứt với thế giới bên ngoài chỉ vì không có cây cầu, học sinh không đến trường cũng chỉ vì không có cây cầu. Từ đó ông nguyện hiến cuộc đời mình để xây cầu. Từ Équateur, Colombie, Costa Rica, Honduras, Nicaragua, Salvador, Mexique, Cao miên và Việt Nam. Ông đã làm hàng trăm cây cầu, cây cao nhất 110 mét, cây dài nhất 264 mét.
Rất nhiều người muốn giúp ông nhưng ông từ chối tất cả, ông nói ông không muốn thành ngân hàng. Những thứ ông cần là dây cáp và ống thép. Phóng viên hỏi ông tìm vật liệu có khó không, ông trả lời "Không. Cái khó là ở nơi mình. Phải làm sao giữ được đầu óc và giấc mơ. Nếu mình đã xác quyết cuộc đời của mình là để đi giúp người khác, thì cái gì mình cũng có thể tìm được." Ông nói tiếp: "Tôi may mắn học được bài học sống không tiền."
Gia tài sự sản của ông là hai túi xách trên vai, một túi đựng áo quần, một túi đựng tài liệu xây cầu. Không vợ không con, ở tối thiểu, ăn tối thiểu, đúng là một con người có rất ít rác để thải.
Rồi đến vợ chồng ông bà Sissi - Đoàn Sơn ở Phú Vang, Huế. Ông bà ở Thụy Sĩ về sống cuộc đời nông dân hưu ở Việt Nam. Mùa hè 2011 người con trai từ Thụy Sĩ về thăm và phụ cha mẹ sơn nhà, phát cỏ, dọn vườn. Vườn rộng, hai ông bà suốt ngày trồng trọt chăn nuôi, ông cười nói tiếng Việt lơ lớ: "Mình làm để tặng là chính. Tặng mới giá trị chứ bán thì giá cả buồn lắm."
Tôi cứ suy nghĩ hoài, vì sao có những người không nghĩ đến tiền, vì sao họ có được một sức tự tin mạnh như vậy, phải có một ơn mới ngộ ra được triết lý này hay sao?
Vì sao các cô tài sắc, mạnh khỏe lại sợ lao động đến thế? Ước gì có những căn nhà nho nhỏ chung quanh nhà ông bà Sissi-Đoàn Sơn để cho các cô đến đây ở, bà Sissi sẽ dạy cho các cô bài học tự tin, bài học lao động. Làm ra để tặng, làm ra để cho, một nhân phẩm cao quý mà qua lao động các cô sẽ tìm lại được con người thật của mình.
Còn các quý ông ham mua vui thì sao? Ước gì các ông đi theo phụ ông Toni Ruttimann xây những cây cầu nhân ái, để cùng ông thực hiện lý tưởng: "Tôi nguyện hiến đời tôi để xây những chiếc cầu cho những người nghèo khổ nhất hành tinh này. Đúng ra, giấc mơ của tôi không phải là xây cầu nhưng để chữa lành các bết thương, để làm dịu các đau khổ, để kết hợp ý chí và năng lực đến từ mọi nơi trên thế giới để xây dựng một cái gì hữu ích."
Như thế sẽ không còn chuyện lùm xùm để mình vướng mắc vào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét