http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/chau-a-khong-muon-trung-phat-nga-3025956.html
Thứ bảy, 2/8/2014 | 11:07 GMT+7
Châu Á không muốn trừng phạt Nga
Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Nga, trong khi Singapore hoàn toàn có thể hưởng lợi nếu Nga bị cô lập khỏi thị trường tài chính London.
Mỹ đang hối thúc các nước châu Á áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga, nhằm tăng sức ép lên lập trường của Nga về vấn đề Ukraine. Nhưng theo giới quan sát, nỗ lực này khó có thể thành công.
Ngày 30/7, Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Ngoại giao Mỹ cho biết ông đã tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và dự định ở Nhật Bản trong hai ngày tiếp theo để thuyết phục các nước này tham gia trừng phạt Nga. Ngoài quan chức Chính phủ, ông còn gặp cả lãnh đạo các công ty tư nhân. "Chúng tôi thực sự hy vọng các nước châu Á, với nhiều trung tâm tài chính và thương mại quan trọng, sẽ cùng gây sức ép lên Nga", người này cho biết.
Đầu tuần này, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố vòng trừng phạt mới lên ngành tài chính, năng lượng và quốc phòng Nga, sau sự kiện máy bay của Malaysia Airlines bị bắn hạ tại Ukraine.
Tuy nhiên, đến nay, châu Á vẫn tỏ ra không mấy hào hứng với việc này. Nhật Bản và Australia là hai nước hiếm hoi đã áp lệnh trừng phạt lên Nga sau vụ sáp nhập Crimea. Australia mới thực hiện các chính sách này từ tháng 6, còn Nhật Bản thì hành động nhanh và quyết liệt hơn.
Hồi tháng 4, họ cấm cấp visa cho 23 người Nga. Đầu tuần này, họ lại tuyên bố phong tỏa tài sản tại Nhật của các cá nhân và tổ chức ủng hộ tách Crimea ra khỏi Ukraine, cảnh cáo sẽ hạn chế nhập khẩu từ Crimea và đóng băng vốn cho các dự án mới tại Nga. Tuy vậy, những biện pháp này được đánh giá còn nhẹ tay so với phương Tây.
Trung Quốc là nước khó có khả năng trừng phạt Nga nhất, Diplomat nhận định. Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã coi thắt chặt quan hệ với Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chỉ trích về phản ứng của phương Tây trong vụ MH17 nhiều hơn là sự liên quan của Nga. Dù trong bất kỳ trường hợp nào, quyền lợi kinh tế gắn bó giữa Bắc Kinh và Moscow cũng sẽ khiến Trung Quốc đặt lợi ích đất nước lên trên giải quyết "các vấn đề toàn cầu".
Ấn Độ cũng có mối quan hệ chặt chẽ lâu đời với Nga. Trên thực tế, đây là nước lớn duy nhất công khai ủng hộ Nga trong việc sáp nhập Crimea hồi tháng 3. Họ cũng phụ thuộc rất lớn vào nguồn vũ khí từ Nga và sẽ không mạo hiểm đẩy Nga lại gần Bắc Kinh vì những "vấn đề toàn cầu" chẳng đem lại mấy lợi ích cho mình.
Singapore thì chỉ thường ủng hộ các lệnh trừng phạt được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra. Mà việc này không thể xảy ra, do quyền phủ quyết của Nga tại cơ quan này. Bên cạnh đó, là trung tâm tài chính trong khu vực, Singapore sẽ hưởng lợi nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây buộc Nga rời xa thị trường tài chính London.
Tại Hàn Quốc, tuần trước, Đại sứ nước này tại Nga - Wi Sung-lac cho biết họ không có ý định tham gia cùng phương Tây. Sau cuộc họp với quan chức Ngoại giao Mỹ ở trên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng tái khẳng định không trừng phạt. Nếu nước này không có động thái nào sau vụ Crimea, thì cũng chẳng có lý do gì để làm vậy sau vụ MH17.
Hơn nữa, Hàn Quốc cũng có quyền lợi kinh tế gắn chặt với Nga. Kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 17,5 tỷ USD mỗi năm. Cả Seoul và Moscow đều đang tìm cách nâng gấp 3 vốn đầu tư trực tiếp của hai bên trong hai năm tới. Hàn Quốc cũng sẽ hưởng lợi từ việc Nga bị cô lập với phương Tây khi tuần trước, một nhóm nhà đầu tư nước này đã gặp gỡ quan chức ngân hàng lớn thứ 3 tại Nga để bàn về đầu tư vào đây. Nga cũng có dự trữ năng lượng lớn mà Hàn Quốc muốn khai thác trong tương lai. Và trên hết, họ hiểu rằng nếu trừng phạt, Nga có thể sử dụng quan hệ với Triều Tiên để trả đũa.
Suy cho cùng, chỉ Australia là có lý do nhất khi trừng phạt Nga. Từ vụ Crimea, họ đã áp lệnh trừng phạt lên nước này. Đến vụ MH17, nước này lại có gần 40 công dân thiệt mạng. Thủ tướng Australia - Tony Abbott cũng từng tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ máy bay bị bắn hạ. Tuy vậy, khi được hỏi về khả năng nối gót Mỹ và châu Âu, ông cho biết: "Chúng tôi đã có vài lệnh trừng phạt lên Nga rồi. Tôi không nói rằng sẽ không mạnh tay trong tương lai, nhưng hiện tại, mục tiêu của chúng tôi không phải là trừng phạt. Chúng tôi chỉ muốn mang thi thể các nạn nhân về nhà càng nhanh càng tốt".
Mối quan hệ khăng khít giữa Nga và châu Á đang ngày càng thể hiện rõ khi nhiều công ty lớn của Nga đang dần chuyển tiền mặt sang các ngân hàng khu vực này, do lo ngại về sau khó tiếp cận thị trường vốn bằng USD. Megafon - nhà mạng lớn thứ 2 tại Nga hôm 31/7 tuyên bố đã chuyển gần 40% tiền mặt dự trữ sang đôla Hong Kong (HKD) và gửi tại các ngân hàng lớn của Trung Quốc. 60% còn lại được giữ dưới dạng rouble Nga.
Financial Times cũng trích lời một số nguồn tin thân cận cho biết đại gia nickel - Norilsk Nickel và hãng khí đốt lớn nhì Nga - Novatek cũng đã bắt đầu không dự trữ ngoại hối bằng đôla Mỹ. "Chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu giúp khách hàng chuyển sang đôla Hong Kong. Ban đầu, họ chuyển từ USD sang euro và giờ là sang HKD", nhân viên quản lý tiền tệ tại một nhà băng lớn ở Moscow cho biết.
Giới phân tích cho biết động thái này phản ánh các tài phiệt nước này ngày càng lo lắng về lệnh trừng phạt. "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi Megafon - một công ty chỉ tập trung thị trường nội địa, lại giữ một lượng lớn tiền bằng HKD. Điều này có nghĩa họ đã tính đến trường hợp xấu nhất", Charlie Robertson - kinh tế trưởng tại Renaissance Capital cho biết.
Megafon giải thích HKD là "sự thay thế hiệu quả cho USD, kể cả khi thị trường biến động". Và giữ tiền trong một ngân hàng Trung Quốc sẽ giúp họ thuận lợi hơn khi thanh toán cho hãng cung cấp thiết bị viễn thông - Huawei (Trung Quốc).
Các lãnh đạo và ngân hàng Nga đều nhận định nhà băng Trung Quốc sẽ được lợi lớn nhất từ căng thẳng Nga - phương Tây. Theo hai lãnh đạo ngân hàng, một số công ty Nga đã tìm cách bảo vệ tiền mặt bằng cách thiết lập một cấu trúc để có thể giao dịch bằng USD giữa nhiều tài sản khác nhau trong cùng một ngân hàng. Nhiều ngân hàng phương Tây đã từ chối đề nghị trên, nhưng các nhà băng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đồng ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét