Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Bắt nạt trên mạng, một vấn nạn nguy hiểm!

http://nguoiviethouston.us/index.php/thong-tin/on-the-net/429-429


Bắt nạt trên mạng, một vấn nạn nguy hiểm!

Dù vất vả vì phải đi làm xa nhà, nhưng mỗi khi trường Carmenita Middle School của con trai mình có buổi họp phụ huynh, ông Thủy Phạm đều xin về sớm để tham dự.

 

Dharun Ravi (giữa) tại tòa Thượng Thẩm New Jersey ở New Brunswick, ngày 16 Tháng Ba, sau khi bị cáo buộc 15 tội dùng webcam đe dọa và xâm phạm đời sống riêng tư khiến Tyler Clementi, sinh viên cùng phòng, tự tử chết. (Hình: AP)

Ðược gặp gỡ thầy giáo, hỏi han về sức học của Hùng, con trai ông, khiến ông Thủy yên tâm là mình chú ý đúng mức vào việc học của con. Lần nào ra khỏi phòng họp, ông cũng cảm thấy một nỗi vui khó tả, nhất là những lần được nghe thầy khen là Hùng "ngoan và học khá."

Thế nhưng, một hôm, cầm trên tay một xấp giấy do thầy của Hùng đưa, ông Thủy ra về với một chút ưu tư.

Trong buổi họp, thầy giáo của Hùng nói về một vấn nạn mới ngày càng trở nên phổ biến ở trường học. Ðó là nạn "Cyberbully." Khi nghe giải thích, ông Thủy hiểu mang máng nó là một dạng "bắt nạn trên mạng."

"Hãy đọc kỹ tài liệu này, quý vị sẽ hiểu thêm về 'Cyberbully' và giúp con cái khi cần." Thầy giáo của Hùng dặn đi dặn lại.

Không chỉ riêng các giới chức của trường Carmenita, nhiều hệ thống trường học công lập khác trên toàn quốc Hoa Kỳ đã và đang cố gắng làm tăng nhận thức và hiểu biết của phụ huynh về "Cyberbully."

Vào cuối Tháng Tư, 2010, ông Thomas M. Menino, thị trưởng thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, thành lập một đường dây điện thoại nóng chống bắt nạt và bắt nạt trên mạng cho toàn thành phố. Cùng lúc đó, các trường công lập của thành phố Boston gửi đến phụ huynh tài liệu về "Cyberbully," nhằm kêu gọi sự cộng tác của họ trong việc ngăn ngừa sự lan tràn và bành trướng của tệ nạn này.

 

"Cyberbully" là gì?

 

Học sinh bị bắt nạt ở trường là chuyện không mới mẻ. Theo tổ chức "American Society for the Prevention of Cruelty to Children" (ASPCC), trung bình mỗi ngày có khoảng 160,000 học sinh khắp Hoa Kỳ không muốn đến trường vì sợ bị bắt nạt, cả về thể chất đến tinh thần. Số trẻ em đến trường trong tâm trạng băn khoăn và thường xuyên lo âu còn đông hơn thế nữa. ASPCC cho biết khoảng 6 trong 10 trẻ em ở Hoa Kỳ chứng kiến cảnh bắt nạt ít nhất một lần trong ngày.

Tuy nhiên, với nền kỹ thuật hiện nay, bắt nạt không chỉ là những hành động cụ thể như xô đẩy, trêu ghẹo bằng lời nữa, mà có một dạng bắt nạt khác, tuy không hữu hình, nhưng rất thật, đó là nạn "Cyberbully."

Hiểu một cách tóm tắt, "Cyberbully" là sử dụng những khía cạnh khác nhau của kỹ thuật cao để đe dọa, quấy rối, hay làm xấu hổ người sử dụng Internet. Nạn nhân của "Cyberbully" thường là thiếu niên hoặc trẻ em sống trong cùng một khu vực, sinh hoạt trong cùng một môi trường, học cùng một học khu, v.v...

ASPCC ước lượng rằng hơn 42% trẻ em bị "Cyberbully," hay bị bắt nạt trong khi đang sử dụng Internet. Trong khi đó, tài liệu của www.stopbullyingnow.hrsa.gov, một chi nhánh của Bộ Y Tế Hoa Kỳ, cho biết khoảng 1 triệu trẻ em bị bắt nạt trên trang mạng xã hội Facebook, chỉ riêng trong năm 2011.

Giới giáo dục khắp nơi lên tiếng báo động về tệ nạn này, không những vì số trẻ em bị bắt nạt ngày càng tăng, mà còn vì đây là một vấn đề nghiêm trọng, và so với bắt nạt cổ truyền, "Cyberbully" gây hậu quả khốc liệt hơn nhiều. Trong nhiều trường hợp nạn nhân của vấn đề này, vì quá đau khổ, tuyệt vọng, đi đến chỗ tự kết liễu cuộc đời.

Theo hãng thông tấn AP hôm 16 Tháng Ba, Tyler Clementi, 18 tuổi, sinh viên đại học Rutgers University, tiểu bang New Jersey, nhẩy từ cầu George Washington Bridge xuống dòng sông Hudson River tự tử, vì bị người bạn cùng phòng là Dharun Ravi, 20 tuổi, đặt webcam theo dõi, và cho những bạn bè khác vây quanh máy điện toán của mình xem cảnh Tyler đang hôn một sinh viên đồng tính luyến ái khác.

Dharun Ravi bị tòa án kết tất cả 15 tội danh, trong đó gồm tội đe dọa, căm thù, và xâm phạm đời sống riêng tư, và có thể bị kết án 10 năm tù giam.

Cái chết bi thương của Tyler không phải là trường hợp cá biệt. Kết quả của một cuộc nghiên cứu do "Cyberbulllying Research Center" thực hiện vào cuối năm 2010 cho biết, học sinh trung học đệ nhất cấp (midde school) có khuynh hướng tự tử nhiều khi bị bắt nạt trên mạng, chiếm khoảng 20% trong số thiếu nhi tự tử.

 

Các hình thức "Cyberbullly"

 

"Cyberbully" có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, như gửi "text message" để sách nhiễu qua điện thoại di động, dùng "Instant Message" nói xấu hay phao tin thất thiệt qua các trang mạng xã hội, nói xấu qua các bài viết hay lời bình trên blog cá nhân, viết bài trong website để bôi nhọ, gửi hình qua email hay điện thoại di động, giả danh tánh người khác để quấy phá, đánh cắp mật khẩu (password) để theo dõi, thăm dò ý kiến qua mạng, gửi virus để làm hại máy điện toán, v.v...

Tài liệu của Học Khu ABC, tiểu bang California, cho biết "'Cyberbullly' xảy ra thường xuyên nhất trên các trang mạng xã hội như Facebook, MySpace và Twitter," và đơn cử một vài thí dụ:

Mary muốn trả thù Jennifer vì Jennifer không mời mình đến dự tiệc sinh nhật, Mary lên trang mạng MySpace, giả vờ tạo ra một "account" lấy tên là Jennifer rồi viết: "Tao ghét Brittany lắm, nó vừa ngu ngốc, xấu xí vừa quê một cục."

Mary sau đó truyền đường dẫn (link) có câu này cho bạn bè khiến Jennifer bị mang tiếng là người ác miệng. Dĩ nhiên, khi đọc được, Brittany bắt đầu rủ bạn bè "tấn công" Jennifer để trả thù, thế là Jennifer dù không có tội gì cả, tự dưng bị bạn bè ghét bỏ, sau đó còn có thể bị cha mẹ trừng phạt không cho dùng Internet nữa và bị cô lập, v.v...

Tài liệu của hệ thống trường công lập trong thành phố Boston đơn cử trường hợp Megan Meier, 13 tuổi, có người bạn tên Josh Evans, một thanh niên đẹp trai 16 tuổi, mà Megan rất thương mến và kết bạn qua một trang mạng xã hội, bỗng dưng không những chỉ tỏ ra ghét bỏ Megan, mà còn đăng những lời bêu riếu, nói xấu, và đưa những chi tiết riêng tư mà Megan đã kể cho mình nghe khiến Megan vừa đớn đau vừa xấu hổ. Tình bạn trên mạng giữa Megan và Josh kết thúc một cách khốc liệt khi Megan treo cổ tự tử sau câu nói tàn nhẫn cuối cùng của Josh: "Thế giới này sẽ tốt hơn nếu không có bạn."

Ðau đớn nhất là các nhà điều tra sau này khám phá ra rằng Josh chỉ là một cái tên do một người bạn cũ phịa ra, vì ghen tức mà thù ghét Megan.

 

Tại sao "Cyberbully" gây hậu quả tai hại?

 

Theo các chuyên gia, "Cyberbully" thường bắt nguồn từ sự giận dữ, thất vọng, ý muốn trả thù, muốn hạ uy tín, hay ghen tị. Cũng có khi trẻ em bắt nạt người khác trên mạng chỉ vì buồn tình, muốn giải trí, tinh nghịch. Nhiều đứa trẻ khác làm như vậy vì bỗng dưng cảm thấy mình có một số quyền lực trong tay, và có thể hành hạ người khác.

Ðộng cơ của "Cyberbully" thật ra không khác với nạn bắt nạt thường thấy (bully) là bao nhiêu. Nhưng sở dĩ "Cyberbully" gây tác hại khó lường là vì tính cách nhanh chóng và hữu hiệu của các trang mạng xã hội.

Chỉ cần một cái nhấp trên máy điện toán, cả thế giới (gồm tất cả bạn bè hay bất cứ ai cùng ở trong cùng một môi trường, trong vòng quen biết) đều biết được những điều nạn nhân bị bêu riếu. Và bất cứ ai trong nhóm này cũng có thể bỏ thêm lời bình vô tội vạ, tạo thêm thống khổ cho nạn nhân.

Bà Angie Dorrell, giám đốc của La Petite Academy, chuyên nghiên cứu về giáo dục trẻ em, lập luận rằng trẻ con rất dễ bị ảnh hưởng qua áp lực của bạn bè (peer pressure), và không có gì làm trẻ em bị mất thăng bằng và mất tự tin bằng bị bẽ mặt hay bị chế giễu, bêu xấu.

"Muốn hình dung ra tác động của 'Cyberbully' đối với tâm lý các em thì chỉ việc hình dung ra một câu viết có nội dung bêu riếu mà hàng chục hay hàng trăm người quen biết có thể đọc và truyền đi nhanh chóng," bà Dorrell nói.

Nguy hiểm hơn nữa, trong đa số trường hợp, việc bắt nạt trên mạng xẩy ra khi các em không có cha mẹ hay thầy cô bên cạnh, và thường khi người lớn xung quanh nhận ra sự lo lắng của con em thì sự tổn hại tinh thần đã xẩy ra.

 

Làm sao để chống "Cyberbully?"

 

Kết luận chung của các trung tâm nghiên cứu và tổ chức chống "Cyberbully" là cần phải có sự hợp tác của cả học đường lẫn phụ huynh mới có thể ngăn chặn và chống tệ nạn này.

Về mặt học đường, giáo dục có thể giúp ngăn ngừa và đối phó với hậu quả của việc bắt nạt trên mạng, đó là lý do tại sao nhiều học khu như ABC và các trường công lập ở Boston đã phát động chiến dịch giáo dục chính với trẻ em và thanh thiếu niên.

"Các em học sinh cần biết phải làm gì để tránh vô tình trở thành người bắt nạt trên mạng, hiểu hậu quả và chịu trách nhiệm với hành động của mình, cũng như làm sao để chống lại kẻ xấu cố tình bắt nạt mình qua mạng," Thị Trưởng Menino nói.

Thế nhưng, cũng theo những nhà phân tích, rất khó cho học đường ngăn chặn hoặc giải quyết "Cyberbully" vì nhiều lý do.

Chẳng hạn, khi trường học tìm cách giải quyết những hành động bắt nạt trên mạng xẩy ra ngoài sân trường, và sau giờ học, họ thường bị kiện vì vượt quá thẩm quyền của mình, hay vi phạm quyền tự do ngôn luận của học sinh, và trong những hợp này thường bị thua kiện.

Tuy thế, trường học có thể là một môi giới rất hiệu quả và làm việc với phụ huynh để ngăn chặn và khắc phục tình trạng "bắt nạt trên mạng." Trường học cũng có thể giáo dục học sinh về đạo đức trong cách sử dụng Internet, và quy định của pháp luật.

 

Vai trò của phụ huynh

 

Trước tiên, các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu và nâng cao nhận thức của mình về "Cyberbully" để có thể giúp cho con em mình hữu hiệu hơn.

Phụ huynh cũng có thể giải thích cho con em là bắt nạt trên mạng có thể gây tổn hại nặng nề cho nạn nhân, để các em tránh trở thành người bắt nạt người khác. Khi hiểu sự nghiêm trọng của vấn đề, các em sẽ cân nhắc kỹ hơn trước khi viết hay truyền đi một email hay lời bình có ác ý với người khác.

Ðể ý xem con em mình làm gì khi sử dụng Internet, và giảm thiểu cơ hội gia nhập các trang mạng xã hội cho đến khi các em ý thức được tầm nguy hiểm của vấn đề.

Dạy con em có trách nhiệm với những hành động của mình, và hiểu rằng những lời viết trên mạng cũng có thể gây tổn hại cho người khác y như những lời nói được thốt ra, nhưng nguy hiểm hơn nhiều vì nhiều người có thể đọc cùng một lúc, và tiếp tục chuyển đi.

Dạy cho con em biết là trong trường hợp bị "bắt nạt," không nên phản ứng bằng cách trả đũa mà phải báo cho thầy cô hay cha mẹ biết ngay, và để người lớn giải quyết.

Nếu chính con em có những hành vi bắt nạt người khác, nên mạnh dạn và cương quyết có những trừng phạt nghiêm khắc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...