Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Những gia đình 'ngỗng hoang' ở Hàn Quốc - VnExpress

Thứ tư, 4/4/2012, 15:05 GMT+7

Những gia đình 'ngỗng hoang' ở Hàn Quốc

Giống như nhiều bạn bè, Kim xa gia đình đi du học từ khi mới 8 tuổi. Ở Hàn Quốc, những gia đình kiểu này được gọi là "ngỗng hoang", vì các thành viên chỉ về thăm nhà một hai lần mỗi năm rồi lại ra nước ngoài.
> Đạo đức xuống cấp, người Hàn tìm về Nho giáo

Sally Kim đang theo học tại trường cấp 3 Columbia. Ảnh: AP
Sally Kim là điển hình cho hình ảnh một du học sinh ở Mỹ. Cô bé hâm mộ cuồng nhiệt ca sĩ Bruno Mars và nhóm nhạc rock Plain White T's, dành hàng giờ ngồi lướt Facebook và không thể chờ đến mùa thu để bắt đầu học kỳ ở trường đại học.
Bố mẹ Kim đang ở cách cô hơn 11.000 km, tận Seoul, Hàn Quốc. Bố Kim là một nhà quản lý thị trường, còn mẹ là chủ một nhà hàng Italy. Họ đã gửi cô con gái duy nhất đến sống cùng những người bà con ở Missouri từ cách đây 10 năm, khi Kim chỉ mới lên 8 tuổi. Kim và bố mẹ liên lạc với nhau bằng Skype nhưng càng ngày, Kim càng muốn được nói chuyện và chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn, thậm chí hơn cả khi cô bé lần đầu đặt chân sang Mỹ.
"Khi em lớn lên, việc trò chuyện cũng trở nên khó khăn hơn", Kim nói. Kim đang sống cùng một người dì và chú, một giáo sư đại học. "Nhìn lại, em nghĩ mình đã bỏ lỡ rất nhiều năm sống cùng bố mẹ".
Những câu chuyện về du học sinh xa gia đình như Kim, ban đầu đơn giản chỉ là đi du học, đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội Hàn Quốc, nơi hệ thống giáo dục cứng nhắc đi kèm với áp lực thành công thường là một trong những tác nhân phân ly nhiều gia đình.
Nhiều đứa trẻ khác giống Kim cũng đang sống cùng họ hàng hoặc bạn bè, thay vì với gia đình. Một số em đi ra nước ngoài cùng mẹ và các anh chị em, trong khi người bố một mình ở lại châu Á làm việc. Trong tiếng Hàn Quốc, những gia đình kiểu này được gọi là kirogi, nghĩa là "ngỗng hoang", vì họ chỉ về thăm nhà rất nhanh một, hai lần mỗi năm rồi lại ra nước ngoài.
Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc cho hay số học sinh cấp phổ thông đi du học nước ngoài đã tăng từ hơn 2.000 em năm 1995 lên gần 30.000 em năm 2006. Con số này chưa bao gồm các sinh viên có bố mẹ làm việc hay nghiên cứu ở nước ngoài. Năm 2009, số du học sinh đã giảm xuống còn hơn 18.000.
Không giống những sinh viên Mỹ thường chờ đến hết trung học hoặc cao đẳng mới du học, 77% du học sinh Hàn Quốc ở Mỹ năm 2009 đang học cấp tiểu học hoặc trung học cơ sở, độ tuổi được xem là tốt nhất để học tiếng Anh.
Các gia đình "ngỗng hoang" đặc biệt phổ biến ở các thành phố tập trung nhiều trường học như Columbia và Champaign-Urbana, bang Illinois, nơi các nhà nghiên cứu đang phân tích những tác động của việc du học sớm đến đời sống gia đình, văn hóa và kinh tế của cả hai quốc gia.
Sumie Okazaki, một giáo sư tâm lý học ứng dụng thuộc đại học New York, cho hay nhiều sinh viên Hàn Quốc phải đối mặt với những áp lực thành công và rất ngại chia sẻ tâm sự, dù là về tài chính gia đình hay cuộc sống riêng của các em.
"Các bậc phụ huynh cho rằng họ đang làm những gì tốt nhất cho con em mình", ông Okazaki nói. "Vì các em biết gia đình đã hy sinh cho mình rất nhiều, bố mẹ đang kỳ vọng ở mình nên các em cho rằng mình không được than phiền điều gì".
Các du học sinh thường tự cô lập bản thân. "Tôi đã nghe phản ánh nhiều về tình trạng trầm cảm, áp lực hay lo lắng", bà nói thêm.
Đưa con em ra nước ngoài học cũng có thể là một yếu tố gây xung đột trong hôn nhân, nhất là khi người chồng phải ở lại, còn vợ con ra nước ngoài.
Hyoshin Lee, mẹ của bốn đứa con, hiện đã trở lại Columbia lần thứ ba kể từ khi cô và chồng học tại đại học Missouri cách đây 25 năm. Hai đứa con lớn của họ đã trưởng thành và đang học ở các trường đại học Mỹ. Đứa thứ ba sắp tốt nghiệp cấp 3, chuẩn bị vào đại học. Đứa út đang học lớp 9 và cũng muốn tốt nghiệp cấp 3 ở Mỹ.
"Có cả ưu và nhược điểm", Lee nói. "Tôi tin rằng trách nhiệm của tôi là hỗ trợ các con. Tôi phải đi theo các con. Bây giờ tôi cảm thấy đã đến lúc dành cho anh ấy. Chồng tôi đã hy sinh suốt 3 năm".
Tiếng Anh lưu loát không phải là lý do duy nhất khiến các ông bố bà mẹ Hàn Quốc cho con đi du học. Ở Hàn Quốc, áp lực nặng nề về kỳ thi tuyển sinh đại học khiến các học sinh phải thường xuyên rời khỏi nhà vào sáng sớm và chỉ trở về nhà khi trời đã tối mịt. Lịch học ở trường được tiếp nối bằng lịch học ở các trung tâm luyện thi. Được học một trường đại học uy tín cũng được xem là bước đà để có được chỗ đứng trong xã hội và kết hôn được với một người chồng/vợ tốt.
"Nếu bạn không giỏi, người ta sẽ đối xử với bạn chẳng ra gì ra", Lee nói. "Điều này đã gây quá nhiều áp lực cho con trẻ. Chúng không thấy hạnh phúc".
Kim, một học sinh năm cuối ở trường cấp 3 Columbia vừa giành được học bổng ở đại học Illinois nhưng vẫn hy vọng được vào học ở trường đại học Brown, so sánh sự khác biệt giữa môi trường học ở Mỹ với Seoul. Ở trường cấp 3, Kim có thể học võ thuật, tham gia dàn đồng ca, làm kỷ yếu, chơi quần vợt và có mặt trong các câu lạc bộ Liên Hợp Quốc. Nếu trở lại Hàn Quốc, Kim sẽ có rất ít lựa chọn ngoại khóa như thế.
Anh Ngọc (theo AP)

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/cuoc-song-do-day/2012/04/nhung-gia-dinh-ngong-hoang-o-han-quoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...