Sinh viên Ngoại thương tố bị 'thực tập bóc lột' ở Singapore
Đặt chân đến Singapore, một số sinh viên xuất sắc của ĐH Ngoại thương Hà Nội ngỡ ngàng khi công việc thực tập tại sân bay Changi (Singapore) là đẩy xe lăn, giúp khách cởi quần đi vệ sinh... Nhiều bạn phải làm ca 1-9h sáng.
Đầu tháng hai, 48 sinh viên xuất sắc năm thứ ba và tư của ĐH Ngoại thương Hà Nội được đưa sang Singapore "thực tập và làm việc một năm" tại sân bay Changi (37 em) và chuỗi bán lẻ thời trang Wingtai (11 em). Theo nhà trường, đây là cơ hội thực tập trong "môi trường quốc tế chuyên nghiệp, hiện đại", "nâng cao trình độ ngoại ngữ", "mức lương hấp dẫn (tối thiểu 450 SGD một tháng)"...
Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tháng sau, nhiều sinh viên đã gửi thư về trường phản ánh việc mình bị "bóc lột sức lao động", "đối xử phân biệt" và điều kiện làm việc, sinh hoạt không đảm bảo đúng cam kết. Các sinh viên viết thư phản ánh đều đang làm tại SATS (công ty cung cấp dịch vụ mặt đất cho sân bay quốc tế Changi). Họ cho biết, công việc hàng ngày là đẩy xe lăn dành cho người khuyết tật, một số em "bị ép giúp khách cởi quần đi vệ sinh", và thường xuyên bị xếp ca làm 1-9h sáng.
Sinh viên Ngoại thương trong bộ đồng phục nhân viên hỗ trợ đặc biệt ở sân bay Changi (Singapore). Ảnh: FTU. |
"Công việc vất vả, đồng lương bèo bọt, phân biệt đối xử, đành chịu nhưng họ bắt bọn em làm ca 1-9h sáng, hại sức khỏe kinh khủng, nhất là con gái. Nhiều lúc nghĩ đến phát khóc...", một nữ sinh viên chia sẻ.
Theo một số sinh viên, đến khi đi huấn luyện ở sân bay, họ vẫn không biết rõ tính chất công việc, nội dung hợp đồng với SATS ra sao. Hơn nữa, phía đối tác trả lương, trợ cấp chậm, đồ dùng sinh hoạt chất lượng thấp, Internet ì ạch... "Trường mình là đại học hàng đầu của Việt Nam, dạy chúng em làm ăn với đối tác nước ngoài sao cho không bao giờ bị thua thiệt. Nhưng em cứ có suy nghĩ là trường mình đã bị lừa", một nữ sinh viên bộc bạch.
Trong khi bức xúc của sinh viên khóa đầu đi thực tập và làm việc ở Singapore chưa được giải quyết, ĐH Ngoại thương tiếp tục tuyển khóa 2&3 sang đảo quốc sư tử và khẳng định đây là sự nối tiếp "thành công của đợt 1".
Chiều 23/4, trao đổi với VnExpress.net, thạc sĩ Đào Thị Thu Hà, Phó phòng Hợp tác Quốc tế (ĐH Ngoại thương) cho biết, vài tháng trước khi đưa 48 sinh viên sang Singapore thực tập, đích thân Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu và đoàn cán bộ phòng đào tạo đã có chuyến tiền trạm, kiểm tra địa điểm sinh viên sẽ làm việc.
Do đây là đợt đầu tiên gửi sinh viên sang Singapore nên trường đã mời công ty môi giới tuyển dụng Interisland (Singapore) phối hợp tổ chức hội thảo thông tin. Interisland cho hay, sẽ giới thiệu lao động cho công ty SATS và Wingtai - các đối tác lần đầu hợp tác của ĐH Ngoại thương.
Theo bà Hà, phía môi giới đã phỏng vấn sơ tuyển để kiểm tra trình độ sinh viên, đồng thời giải thích với sinh viên về công việc cũng như chế độ, tiền lương... "Lúc phỏng vấn, khi được hỏi có sẵn sàng đẩy xe giúp đỡ hành khách đặc biệt không, tất cả đều trả lời có. Vấn đề ở đây là giao tiếp tiếng Anh, có bạn nghe rõ, có bạn nghe không rõ lắm gây ra tình trạng các em tưởng tượng", bà Hà chia sẻ.
Sân bay vận hành 24/24h, nên bà Hà cho hay, việc làm ca đêm không tránh khỏi và thời gian làm việc đã được thông báo trước tới các em. Nhưng trước bức xúc của sinh viên, SATS đã bỏ ca 1-9h sáng. Còn những ca 12 tiếng được rút ngắn và bố trí thời gian nghỉ hợp lý hơn.
Thông báo tuyển thực tập sinh đợt 2&3 tại Singapore. |
Dù cho rằng, sinh viên kêu ca là do chưa quen với cường độ làm việc thực sự nên bị sốc, nhưng bà Đào Thị Thu Hà cũng thừa nhận, Interisland đã cung cấp Internet muộn và chậm tiền hỗ trợ cho sinh viên. Vấn đề này đã được đối tác giải quyết sau khi có sự can thiệp của trường.
Trước phản ánh của sinh viên về việc phải đẩy xe lăn, thậm chí bị ép giúp hành khách cởi quần đi vệ sinh, bà Hà cho rằng, công việc các em đang làm "ít nhiều liên quan tới ngành học". Thông qua công việc, sinh viên có kiến thức thực tế ngoài những gì được học trong sách vở.
Về khoản hoa hồng Interisland trả cho trường, bà Hà cho biết, khoản tiền này "không đáng kể, khoảng 100 USD một em" bởi trường không làm thương mại mà chỉ là tạo cơ hội cho sinh viên đi thực tập ở nước ngoài.
Đầu tháng 5 tới, ĐH Ngoại thương Hà Nội sẽ cử một đoàn công tác sang Singapore để giải quyết sự việc và trấn an tâm lý sinh viên.
Bình Minh
thật buồn cười
Đẩy xe và cởi quần giúp khách đi vệ sinh mà liên quan đến ngành học ư?
Thế không biết trường ngoại thương đào tạo ngành học gì
giờ mới biết
Tôi nghĩ có thể sinh viên ta chưa hiểu hết được những ràng buộc trong HĐ Lao động, nhưng ít nhất các thầy cô cũng biết nhiều chữ nghĩa để hiểu dùm sinh viên. Tôi tốt nghiệp 1 trường đại học không nhiều tiếng tăm ở SG nhưng tôi biết 450 SGD/ Tháng chẳng phải là quá hấp dẫn gì cả. Khi bạn ra nước ngoài làm việc bạn không chỉ mang bộ mặt của sinh viên ĐHNT mà mang bộ mặt của tri thức Việt Nam. làm sao cho xứng đáng đi bạn ạ.
Một bài học quý
Theo tôi đây là một bài học quý cho các bạn SV chưa ra trường và nhà trường:
- Các bạn nên đọc kỹ nội dung hợp đồng lao động, trong đó có mô tả chi tiết cv. Còn đối với cv chung chung là "Nhân viên hỗ trợ đặc biệt" thì nhà tuyển dụng yêu cầu cái gì thì các bạn chẳng phải làm. Vả lại cv nào cũng có cái cho mình học hỏi. Vấn đề là mình có nhìn ra và mong muốn học hỏi không hay thôi.
- Các bạn nên dành thời gian rảnh( ngoài thời gian lv) để tìm hiểu, học hỏi những cái hay, cái tốt của Singapore. Cũng nên tranh thủ rèn khả năng tiếng Anh và Trung.
- Nhà trường cũng đã có một kinh nghiệm tốt sau vụ này.
Tốt nghiệp đại học, tôi cũng phục vụ khách ở sân bay
Các bạn sinh viên thân mến, có rất nhiều anh chị tốt nghiệp trường tốt và cũng đã bắt đầu công việc của mình tại các công ty phục vụ mặt đất giống như công ty SATS của sân bay Changi, ở Việt Nam có thể kể đến NIAGS, TIAGS, SAGS... Công việc này đã tôi rèn cho rất nhiều thế hệ tính kỷ luật rất cao, cách quan tâm và thấu hiểu người khác. Con đường không bao giờ trải hoa hồng, việc rèn luyện là cần thiết, đôi khi cần thiết để trưởng thành hơn.
Tôi cũng đã bắt đầu công việc của mình như thế với vị trí nhân viên phục vụ hành khách, đi làm ca đêm, ca khuya, ca gãy dù đã có tấm bằng cử nhân tại trường loại tốt như trường Ngoại thương và cũng nhận lại mức lương không cao. Nhưng cuối cùng điều tôi nhận được lại chính là chữ "Nhẫn" trong cuộc sống. Điều đó đem lại thành công nhiều cho tôi khi làm kinh doanh hiện nay.
Kính gửi trường Ngoại thương, tuy nhiên bản chất của công việc là "Customer Service" vậy có phải là có liên quan đến những ngành học mà trường Ngoại thương Hà Nội chủ yếu dạy hay không?
Các bạn sinh viên cần định vị lại mình
Các em sinh viên Ngoại thương nghĩ mình là ai vậy? Tôi đã học tập ở Australia, chúng tôi đã may mắn khi nhận được công việc ngoài giờ tại bệnh viện: giúp đỡ người bệnh, người tàn tật, những người gặp vấn đề về sức khỏe mà họ không thể tự lo được cho mình và nhận lương không nhiều. Làm việc tại đây tôi mới gặp nhiều bạn sv nước ngoài và sv Australia đi làm tình nguyện vào cuối tuần và vào các dịp nghỉ lễ, họ tận tâm và hết lòng và giúp đỡ người bệnh.
Chúng tôi hiểu ra trong một xã hôi văn minh mọi người cư xử với nhau như vậy. Đến các sân bay nước ngoài, chúng ta vẫn gặp những cô gái chàng trai xinh đẹp mặc đồng phục đẩy xe lăn giúp đỡ những người tàn tật. Họ cười tươi giao lưu với khách, chúng ta thấy thật văn minh và đầy tình người. Kể cả những người hướng dẫn viên đứng cạnh WC ở sân bay nước ngoài, vẫn hết sức đẹp và văn minh lịch sự.
Các bạn SV ĐHNT nên định vị lại vị trí của mình, là sinh viên của trường ĐH hàng đầu Việt Nam, nhưng trường của các bạn đứng ở đâu trên thế giới vậy, nếu sinh viên nước ta (nhất là với trường như ĐHNT) vẫn không có khái niệm về kỷ luật lao động và trách nhiệm với công việc dù là những công việc nhỏ, khinh thường những việc bình thường, cho là tầm thường, chắc VN ta còn nghèo lâu. Thật buồn cho các bạn đấy các bạn sinh viên Đại học hàng đầu Việt Nam ạ.
Hết biết
Đây là một hình thức tuyển lao động giá rẻ chứ thực tập nâng cao trình độ gì. Nhân viên đẩy xe ở sân bay mà đòi có cơ hội giao tiếp tiếng Anh để nâng cao trình độ? Mấy ông ở ĐH Ngoại thương tỏ ra ngây thơ hay là vì tiền môi giới? Nhân viên đẩy xe ở sân bay thì cần gì phải là sinh viên xuất sắc của đại học danh tiếng nhất Việt Nam? Các ông bán rẻ giáo dục đại học của mình thế? Đi tiền trạm rồi mà không biết nhân viên đẩy xe làm gì và có cơ hội giao tiếp tiếng Anh gì? Thật là vô trách nhiệm và gián tiếp làm giảm uy tín của trường mình. Họ chẳng cười vào mũi cái ngành giáo dục của các ông ấy.
Gửi thầy cô ĐH Ngoại thương
Tôi là người thường xuyên đi về giữa Việt Nam và Singapore vì tính chất công việc nên ít nhiều tôi cũng hiểu công việc của những người ở đó, thậm chí bạn bè của tôi ở Singapore là người Singapore đàng hoàng không ai nói là có công việc cởi quần cho khách cả, ngay cả bạn dùng dịch vụ VIP ở đó cũng không có chuyện này.
Tôi nói là có cơ sở vì tôi đã từng sử dụng dịch vụ này, và bạn bè tôi là những người trực tiếp làm việc tại đây xác nhận như thế. Nhưng sinh viên Việt Nam thì bị ép làm những việc như thế này là quá đáng. Họ là những người uư tú, những sinh viên xuất sắc mà bị đối xử như thế à? Không biết cán bộ trường nghĩ như thế nào nữa, tôi rất bức xúc với việc này, thật đáng xấu hổ.
Nếu như nói thẳng ra thì hơi xúc phạm chứ tôi nghĩ để có được 100 USD tiền hoa hồng cho nhà trường thì các em phải đi cởi quần cho khách. Và còn xấu hổ hơn khi cô Hà khẳng định việc đó có liên quan đến ngành học.
Thật bức xúc
Thật là bức xúc, đem những sinh viên loại xuất sắc của Việt Nam sang nước ngoài để làm lao công. Thiết nghĩ có đáng không, trong khi trong nước lại có đầy những doanh nghiệp sẵn sàng cho những sinh viên xuất sắc này vào làm đàng hoàng.
SV Việt Nam đi làm lao động phổ thông xứ người
Singapore đang thiếu lao động phổ thông nên họ phải nhậu khẩu. Hà cớ gì một trường đại học danh tiếng như thế của Việt Nam lại đưa sinh viên mình sang đấy làm lao động phổ thông? Sau thời gian được gọi là "thực tập" này thì các em sẽ thu hoạch được gì? Có đáng để các em phí hoài một năm học cho những công việc như thế này không? Đề nghị quý thầy cô trường ĐH Ngoại thương nên xem lại việc này. Thiết nghĩ chúng ta phải đặt quyền lợi của các em lên trên hết.
Kiếm tiền đâu có dễ dàng
Đọc bài báo này thấy các bạn SV còn nông cạn về suy nghĩ. Các bạn cứ nghĩ là học xong đại học FTU thì có thể làm ông này bà kia hay sao? Công việc là công việc, nên khi đặt bút ký một thỏa thuận nào đó, các bạn phải nghiên cứu kỹ, dù lớn hay nhỏ. Trong trường FTU chắc có dạy các bạn điều này. Đây cũng là một bài học nho nhỏ cho các bạn khi bước vào lĩnh vực kinh doanh sau này. Và quan trọng các bạn phải biết làm việc từ những việc nhỏ nhất, rồi việc lớn nhất. Nếu để các bạn một mình đi kiếm việc làm, các bạn sẽ thấy kiếm tiền nó khó khăn đến nhuờng nào. Cố găng lên nhé, và chúc các bạn thành công.
Sinh viên bị lừa rồi
Trời ơi, sao các em dại thế, những người có trình độ như các em chắc chắn sẽ có một tương lai rạng ngời. Tại sao các em lại phải đi làm công việc mà người dân bản xứ không bao giờ làm. Ở Việt Nam mình rất hoa mỹ khi gọi việc đưa người không có trình độ đi nước ngoài làm việc, mà chẳng có trình độ gì với cụm từ "xuất khẩu lao động". Các em là những người có trình độ, ngoại ngữ nếu học ở Ngoại thương chắc chắn rất tốt, không cần thiết phải làm những công việc như vậy đâu.
Thật bất hợp lý
Tôi từng là sinh viên K39QTKD của ĐH Ngoại thương, rất tự hào về trường. Những việc như thế này vẫn thường xảy ra ngoài xã hội, nhưng tôi không bất ngờ khi lại xảy ra tại trường. Theo tôi, đây là sự yếu kém của phòng Hợp tác quốc tế, và sự ranh ma của phía môi giới tuyển dụng Interisland.
Với tâm huyết của tuổi trẻ, với mong ước được sang môi trường quốc tế làm việc, lẽ nào khi phỏng vấn "có sẵn sàng đẩy xe giúp đỡ hành khách đặc biệt không", các em lại trả lời là không. Và bà Hà cho rằng, công việc các em đang làm "ít nhiều liên quan tới ngành học" thực sự bất hợp lý bởi với công việc đơn điệu như thế, đâu cần phải sang Singapore để thực tập và công việc đơn giản như thế, đâu cần phải sử dụng trí óc của một sinh viên đại học, chỉ cần lao động phổ thông là đủ.
Các em như con chim non mới tập bay, nhà trường không nên để các em bị cú sốc lớn như thế.
Hiểu cho đúng về hỗ trợ, chăm sóc khách hàng
Là một giảng viên về Kỹ năng Chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp, tôi nhận thấy sự khác biệt lớn giữa những kiến thức được truyền đạt qua câu chữ và thực tế công việc. Các bạn học ở trường thường được dạy theo cách coi khách hàng là người mang lại thu nhập cho chúng ta, coi khách hàng như người nhà để tận tâm phục vụ... nhưng chưa thật hiểu trong thực tế cần phải làm như thế nào.
Chúng ta lấy làm vui vì có thể giúp ông, cha, mẹ... già yếu bệnh tật nhưng lại cho đó là việc nặng khi hỗ trợ những người cũng cùng độ tuổi bệnh tật già yếu ở sân bay. Nhân viên hỗ trợ sân bay trong hình dung của các bạn là gì? Cười, chào đón thôi ư? Giả sử bạn là khách ngồi xe lăn, bạn cần được thấy nụ cười chào rồi thôi hay cần đẩy giúp một đoạn đường. Tôi nghĩ trường đã rất đúng khi gửi các bạn đi thực tập nhận thức để thay đổi con người, cách suy nghĩ để hành động có ích, hành động đẹp và thành công hơn trong cuộc sống.
Quá phi lý
Chỉ tuyển học sinh xuất sắc của trường mà nghe tiếng anh câu" sẵn sàng đẩy xe giúp đỡ hành khách đặc biệt không" mà nghe không rõ, thì không hiểu do sinh viên kém hay nhà trường đào tạo kém. Còn việc giúp khách cởi quần đi vệ sinh thì chẳng liên quan gì đến ngành học cả.
Cán bộ FTU không được quan liêu
Đọc bài báo này tôi rất chương trình hợp tác này là có vấn đề. Tôi mong cán bộ Khoa Hợp tác Quốc tế ĐH FTU lựa chọn được các chương trình hợp tác phù hợp. Đừng đẩy các sinh viên sang đất khách để thành công dân hạng 2, hạng 3 ở nước họ.
Thực tập lương hấp dẫn?
Sao một trường đại học to lớn mà lại quảng cáo: 'mức lương hấp dẫn (tối thiểu 450 SGD một tháng)...' đáng thất vọng quá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét