Buổi chiều hai năm trước, vừa đi làm về, tôi rụng rời khi nghe cô giúp việc nói: "Thằng cu bị một bà tấn công ở thang máy". Thằng cu là con trai tôi, lúc đó đang học lớp hai. Chúng tôi sống trong căn hộ chung cư tại quận 7, TP HCM. Cháu thường bấm thang máy, tự xuống sân chơi một mình.
Tôi lao ngay xuống sảnh chung cư, nơi có tổ bảo vệ thường xuyên trực gác và một dàn màn hình nối với các camera thang máy. Tôi yêu cầu xem lại những gì diễn ra, vừa nhìn vừa giận. Con tôi đi bơi về, bước vào thang máy, đứng trong góc. Một người phụ nữ hơn 40 tuổi vào cùng cháu. Cửa thang máy vừa khép lại, bà giật chiếc dép con tôi đang cầm trên tay, có động tác như đánh vào mặt bé. Bị bất ngờ, cu cậu đứng nghệt mặt, không nói được gì. Người phụ nữ tiếp tục có hành động tấn công, xấn tới, cháu lùi quanh, có lúc lùi vào góc khuất mà camera không "với" tới. Khi cửa thang máy mở ra, con tôi sợ hãi lao ra ngoài, bà ta còn cố níu tay bé, nói gì đó như trêu ngươi.
Các nhân viên bảo vệ nhanh chóng giúp tôi xác định danh tính của người phụ nữ. Bà sống ở căn hộ trên nhà tôi sáu tầng, từng có những hành động mang tính phá hoại khi dùng thang máy và bị nhắc nhở nhiều lần. Cùng với một nhân viên bảo vệ, một đại diện của ban quản lý, một đại diện ban quản trị, gia đình tôi lên căn hộ có người phụ nữ để làm việc.
Bà ta chối ngay việc đã đánh con tôi, nói "tôi chỉ trêu cháu bé". Nhưng trước những bằng chứng rõ ràng và sự cứng rắn của chồng tôi, cuối cùng bà phải ký vào biên bản xác nhận "có hành vi tấn công trẻ con nơi công cộng" và hứa không tái diễn.
Trong khi đó, con tôi ở nhà chưa hết hoảng. Với đầu óc non nớt, cháu chỉ biết diễn tả "bà ấy lấy dép của con và dúi con vào một góc". Tôi ôn tồn giảng cho con thế nào là hành vi xâm phạm thân thể và chỉ cho cháu một số cách phòng vệ khi đi thang máy. "Con phải luôn đứng gần nút bấm cửa để có thể bấm chuông báo động khi gặp sự cố; đứng ở những chỗ camera có thể ghi hình để có việc gì là con vẫy tay gây sự chú ý cho các chú bảo vệ; thấy ai đó trông có vẻ sợ sợ thì con đừng bước vào thang máy, đợi chuyến sau".
Đáp lại, thằng bé chỉ nói đúng một câu mà sau bao nhiêu năm tôi vẫn nhớ: "Mẹ chưa bao giờ dặn con những điều này". Tôi ngỡ ngàng nhận một bài học từ đứa trẻ tám tuổi. Suốt thời gian dài sau đó, cậu bé không dám đi thang máy một mình.
Cuộc sống của tôi từ nhỏ tới lớn luôn gắn với các khu chung cư. Tôi nhận ra rằng chung cư là một xã hội thu nhỏ rất cần có sự điều tiết. Cũng giống như trong thang máy luôn có một điểm mù nơi camera không bao giờ quay được, ở các khu chung cư luôn luôn tồn tại những góc khuất. Từ những việc chướng tai gai mắt như trẻ em tè ra hồ bơi, các cô giúp việc lấy thang máy làm nơi đút cơm cho trẻ, những vị hàng xóm trồng rau sạch nơi công cộng, các màn hát karaoke ầm ĩ, các cuộc nhậu ở hành lang... đến những vấn đề ảnh hưởng tới an toàn như vứt tàn thuốc xuống tầng dưới hoặc mở cửa thoát hiểm "cho hành lang nó mát".
Khi chuyển về quận 7, tôi đã luôn ủng hộ chồng tham gia vào ban quản trị chung cư mặc dù nhiều người coi là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Công việc này tiêu tốn nhiều thời gian với vô số giấy tờ và vấn đề phải giải quyết, nhiều cuộc họp kéo dài tới gần nửa đêm. Nhưng nhờ đó, chúng tôi biết thêm nhiều oái ăm phát sinh ở chung cư. Một ca sĩ thuê nhà ở đây đã có hành động khiếm nhã với các em bé xin chữ ký, một người đàn ông ném đá vào nhân viên bảo vệ vì cho rằng nhân viên này thay vợ cũ rình mò ông ta sau ly hôn, một người đàn ông khác tối nào cũng vác dao đi tuần vì cho rằng mình bị theo dõi.
Cuộc sống trong các chung cư với hàng trăm hộ, hàng nghìn con người cùng sử dụng một nền tảng hạ tầng và không gian đòi hỏi ý thức rất cao về văn minh cộng đồng và sự tuân thủ các quy định an toàn. Các khu chung cư hiện đại sau này có cách vận hành rất khác với các khu tập thể kiểu cũ. Nó có tiện nghi riêng, quy trình riêng đòi hỏi những người sống trong đó phải học cách để ở. Các chung cư với độ nén dân số cao, sự đa dạng trong thành phần, quốc tịch luôn tiềm ẩn những va chạm, rắc rối. Nhà tôi trở thành nơi gõ cửa bất cứ giờ nào của các thành viên trong chung cư khi họ bức xúc. Quả thực nếu không có sự nhiệt tình, việc tham gia ban quản trị hoàn toàn có thể trở thành gánh nặng.
Ngay sau khi được bầu vào ban quản trị, việc đầu tiên chồng tôi đề xuất là lắp toàn bộ camera cho các thang máy trong chung cư. Lúc đầu không phải cư dân nào cũng ủng hộ. Người cho rằng trước nay "đâu cần camera mà vẫn chẳng làm sao", người thì sợ tốn tiền. Nhưng ban quản trị vẫn kiên quyết triển khai. Nhờ có camera, việc nghịch ngợm, phá hoại trong thang máy giảm hẳn. Đội bảo vệ đã được công an địa phương khen thưởng vì có công theo dõi và phát hiện sai phạm của một nhóm tội phạm công nghệ người nước ngoài ở căn hộ thuê. Cư dân rất phấn khởi.
Nhưng để đảm bảo chất lượng sống tại chung cư, không thể chỉ phó mặc cho ban quản trị, ban quản lý hay cho các camera. Những cư dân đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện. Nhiều người dường như coi việc của tòa nhà không liên quan tới mình nên không mặn mà xây dựng lối sống văn minh và an toàn chính nơi mình đi về mỗi ngày. Ban quản lý luôn hết sức vất vả trong việc triệu tập dân cư đi dự hội nghị chung cư dù cuộc họp một năm mới diễn ra một lần. Việc không đủ số người tham dự, thiếu vắng các ứng viên vào ban quản trị khiến việc quản lý chung cư theo quy định gặp khó khăn. Ngoài ra, khi có các sự kiện vì chính sự an toàn của cư dân như diễn tập phòng cháy chữa cháy, diễn tập đu dây thoát hiểm từ trên cao hay góp ý về các kế hoạch mới thì chỉ lẻ tẻ vài người tham dự.
Các vụ việc xâm phạm nữ giới và trẻ em trong thang máy, gần nhất là vụ việc ở chung cư Galaxy, quận 4, TP HCM, một mặt là tiếng còi báo động về việc coi thường luật pháp, nhân phẩm phụ nữ, mặt khác cho thấy sự yếu kém về kỷ luật, văn minh tại nhiều chung cư. Cái thang máy sẽ tiếp tục bị biến thành nơi phục vụ cho những ý đồ xấu nếu các vụ việc không bị nghiêm trị. Camera có thể giúp vạch mặt kẻ lộng hành nhưng vẫn sẽ còn những góc khuất nó không với tới được.
Cẩm Hà
https://vnexpress.net/goc-nhin/goc-khuat-trong-thang-may-3905586.html
Trước tôi từng kinh doanh camera giám sát có 3 điều mà các công ty nhỏ hay các hộ kinh doanh tự phát hay thiếu sót khi lắp camera là:
1. Ở 1 nơi diện tích nhỏ từ 20 m2 trở xuống thì phải lắp 2 camera loại nhìn gần cho rẻ. 1 cái trên đỉnh để không có góc chết, 1 cái góc trên cùng để nhìn rõ mặt. Đa số khách hàng đều chọn lắp 1 cái lắp góc trên nên đứng ngay dưới là không thể quan sát được(góc chết)
2. Camera ít hỏng nên không cần mua loại đắt tiền. Nhưng sau thời gian 2-5 năm(tùy loại) là phải thay mới kể cả loại đắt nhất. Lý do là các mắt hồng ngoại hỏng, nếu thay thì mua mới hay hơn
3. Điều này quan trọng nhất. Lắp camera nhưng đa số mọi người không biết có camera
Những người làm bậy là họ tưởng không có camera. Lắp camera đồng thời dán chữ CAMERA hay "ở đây có camera giám sát " thật to cho ai cũng nhìn thấy
Nhà tôi lắp camera trộm vẫn cứ hỏi thăm, từ khi dán chữ CAMERA thật lớn thì không trộm nào dòm ngó nữa, kể cả khi camera hỏng 3 năm nay nhưng chúng vẫn sợ không dám manh động - hỏng nhưng chữ CAMERA vẫn làm chúng sợ
Camera nói ở trên là chỉ chống trộm nhỏ, nếu lắp ở những nơi mà có thể chống được cả " trộm to " thì giá trị của nó sẽ được nâng lên 1 tầm cao mới
tran nhap dinh - 14:54 06/04
290 Thích | Trả lời | Vi phạm | Chia sẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét