(Quan hệ quốc tế) - Giới phân tích cho rằng, Washington và Bắc Kinh đã có những nhượng bộ nhất định để đạt được thỏa thuận thương mại, chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Mỹ và Trung Quốc cùng nhượng bộ lẫn nhau
Hãng Reuters trích dẫn hai nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết, Hoa Kỳ đang giảm nhẹ các yêu cầu với Trung Quốc trong cuộc đàm phán thương mại. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ không áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt liên quan đến việc Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp.
Theo giới phân tích, dường như Washington bắt đầu nhận thức được rằng, trong mọi trường hợp, Bắc Kinh sẽ không phá vỡ mô hình kinh tế hiện có, vì vậy không nên đưa ra những yêu cầu không thể thực hiện được, sẽ tốt hơn nếu tập trung vào các khía cạnh khác.
Hồi tuần trước, các thị trường đã hưởng ứng rất lạc quan trước thông tin về cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nói rằng, Washington và Bắc Kinh đang tiến đến giai đoạn cuối cùng trong quá trình giải quyết tất cả các vấn đề. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một tuyên bố thậm chí đầy hứa hẹn hơn: Cuộc gặp của lãnh đạo hai nước, mà tại đó thỏa thuận cuối cùng có thể được ký kết, có thể diễn ra trong vòng vài tuần nữa.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc không phải là lý do duy nhất khiến ông Trump tăng thuế nhập khẩu đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Yêu sách của Hoa Kỳ bao gồm một số khía cạnh, ví dụ như việc Bắc Kinh áp dụng các biện pháp hạn chế các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc; việc Bắc Kinh buộc đối tác nước ngoài phải chuyển giao công nghệ; sự điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc; vấn đề trợ cấp Nhà nước cho các công ty quốc doanh...
Trong những cuộc thương thuyết, các nhà đàm phán đã có thể xích gần lập trường về hầu hết các vấn đề. Ví dụ, Trung Quốc thừa nhận rằng, chính sách ép buộc đối tác nước ngoài phải chuyển giao công nghệ thực sự tồn tại và hứa sẽ tăng cường bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.
Để chứng minh mức độ nghiêm túc của ý định này, chính quyền Bắc Kinh đã rất nhanh chóng thông qua một luật mới về đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Trung Quốc hứa sẽ giảm thặng dư thương mại của họ với Mỹ xuống còn là 0 trong vòng 6 năm tới. Ngoài ra, các nhà đàm phán Mỹ cũng tiết lộ rằng, Bắc Kinh hứa sẽ giữ tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ ở mức chấp nhận được.
Tuy nhiên, vấn đề trợ cấp cho các công ty nhà nước đã là một trở ngại lớn trong cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước.
Hoa Kỳ đã lập luận rằng, bằng cách trợ cấp cho các công ty trong nước, Bắc Kinh đang làm suy yếu nền tảng của sự cạnh tranh công bằng, vi phạm các cam kết mà Trung Quốc phải thực hiện khi gia nhập WTO. Còn Bắc Kinh đã từ chối thay đổi chính sách công nghiệp và kêu gọi Hoa Kỳ không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Theo các nguồn tin của Reuters, phía Mỹ dần dần nhận thức được rằng, họ không thể ép buộc Bắc Kinh phá vỡ mô hình kinh tế mà họ đã thiết lập, đó là "chủ nghĩa tư bản nhà nước". Trung Quốc thà từ chối thỏa thuận còn hơn đồng ý với các điều kiện không thể chấp nhận được.
Theo Washington, trong trường hợp này sẽ tốt hơn nếu tập trung vào các vấn đề quan trọng khác trong sự tương tác thương mại Mỹ-Trung. Còn vấn đề Bắc Kinh trợ cấp cho các công ty nhà nước có thể được đề cập sơ qua trong thỏa thuận cuối cùng.
Trung Quốc nhượng bộ, Mỹ giảm nhẹ các yêu cầu
Thực tế, Mỹ không có gì phải nhượng bội Trung Quốc, mà thực ra Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đang "giảm nhẹ các yêu cầu" với với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi nhà chính khách kiêm tài phiệt này hiểu rằng, sự miễn cưỡng trong các cuộc đàm phán chỉ có thể dẫn cả hai đi vào ngõ cụt, đặc biệt là Washington không có đủ cơ sở để đưa ra những yêu cầu như vậy, trong khi chính Bắc Kinh cũng đã nhượng bộ khá nhiều.
Trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Nga Sputnik, chuyên gia Li Kai từ Đại học Tài chính Sơn Tây (Trung Quốc) cho rằng, các khoản trợ cấp của chính phủ là một vấn đề quan trọng trong cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ; tuy nhiên, việc Trung Quốc nhượng bộ trong vấn đề này có xác suất rất nhỏ.
Trong bốn mươi năm thực hiện chính sách "Cải cách và Mở cửa", đúng là chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng nhiều phương pháp để hỗ trợ các ngành sản xuất và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhằm giúp họ vượt qua khó khăn tài chính; nhiều công ty Trung Quốc đã lớn mạnh chỉ nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Nếu chấp nhận điều kiện của Washington thì sự phát triển của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị đình trệ; do đó, Bắc Kinh sẽ không lùi bước trong vấn đề này.
Theo chuyên gia Li Kai, Hoa Kỳ đã buộc phải nhượng bộ trong vấn đề này không chỉ vì chính quyền Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn mà còn bởi vì họ đã nhận thức được rằng, lập trường của họ không có đủ căn cứ.
Nhà Trắng không có đủ cơ sở để yêu cầu bất kỳ sự nhượng bộ nào từ Trung Quốc, bởi vì chính Washington đã áp dụng các biện pháp tương tự. Ở Mỹ, nhiều công ty đã lớn mạnh nhờ vào các khoản trợ cấp của chính phủ. Vì vậy, yêu cầu của Hoa Kỳ buộc Trung Quốc phải chấm dứt hỗ trợ cho các công ty của họ, đối với chính quyền Bắc Kinh cũng là điều "không thể chấp nhận được".
So với vấn đề thâm hụt thương mại và tỷ giá hối đoái, vấn đề trợ cấp cho các công ty là phức tạp nhất, đạt được một sự đồng thuận về vấn đề đó là vô cùng khó khăn. Nếu Mỹ nhượng bộ và vấn đề này được giải quyết, thì sẽ có thể nói rằng, các vấn đề thương mại nói chung đã được giải quyết và cuộc đàm phán sắp hoàn tất.
Có lẽ Washington đã nhận thức được rằng, nếu không có sự điều tiết của nhà nước đối với nền kinh tế, Bắc Kinh không thể đáp ứng các yêu cầu khác của Mỹ. Ví dụ, kế hoạch giảm thâm hụt thương mại sẽ được thực hiện chủ yếu nhờ việc các công ty Trung Quốc gia tăng mua sản phẩm của Mỹ. Chỉ thị này của Nhà nước là vô cùng khó thực hiện trong điều kiện thị trường hoàn toàn tự do.
Một yêu cầu khác là duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức ổn định cũng đòi hỏi có sự can thiệp của các cơ quan quản lý tài chính.
Ngoài ra, việc Hoa Kỳ hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao cho các công ty Trung Quốc và giải thích chính sách này bởi hoạt động ăn cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc. Chính sánh này của Mỹ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phải đầu tư rất lớn để tự lực phát triển các nghiên cứu trong lĩnh vực này và điều đó đòi hỏi sự hỗ trợ đáng kể của nhà nước.
Một vấn đề khác gây tranh cãi trong cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là việc tạo ra một cơ chế giám sát quá trình thực hiện các thỏa thuận, cũng đã đạt được tiến bộ nhất định.
Ban đầu, Hoa Kỳ không muốn hủy bỏ thuế quan ngay sau khi ký kết thỏa thuận để duy trì một công cụ gây áp lực lên Bắc Kinh. Còn Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng, cả hai bên nên loại bỏ thuế quan trên cơ sở "có đi có lại".
Tuy nhiên, vào tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết rằng, cả hai bên sẽ lập ra văn phòng kiểm soát việc thực thi các điều khoản của thỏa thuận thương mại. Theo ông Mnuchin, mỗi bên sẽ chịu trừng phạt nếu không thực hiện đúng những cam kết trong thỏa thuận thương mại.
Theo giới phân tích, khi cả hai bên bắt đầu nhượng bộ lẫn nhau, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ có thể sẽ chấm dứt, tương lai của thỏa thuận thương mại mới đã trở nên sáng sủa hơn, nội dung của thỏa thuận tương lai đang trở nên rõ ràng hơn.
- Huy Bình
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vua-dam-vua-xoa-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-ket-thuc-3378347/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét