Anh Bình và nợ xấu
Published on November 2, 2012Thế mà Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lại tỏ ra không hiểu nợ xấu và cách tính khi nói rằng, trên thế giới cũng như Việt Nam, hiện chưa có một bộ tiêu chí nào được coi là thống nhất để tính toán nợ xấu.
Anh còn cố an ủi người nghe bằng nhận xét "Diễn biến nợ xấu từ đầu năm 2012 đến nay rất thống nhất với diễn biến của nền kinh tế, tăng mạnh đầu năm, kể từ tháng 6 thì tăng chậm hẳn lại." Cứ như nợ xấu chậm lại cuối năm là phát hiện mang tính đột phá của NHNN.
Tôi nghe mãi mà không hiểu Thống đốc định nói gì và cứ nghĩ mình tối kiến. Tuy nhiên, anh Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, giúp tôi hiểu về nợ xấu, bằng hai ví dụ đơn giản.
Một khu đất giá 200 tỷ, người ta nâng lên 800 tỷ đến 1 nghìn tỷ, rồi định giá bán 600 tỷ, đến bây giờ bán chưa được 100 tỷ, mất đứt 500 tỷ, đó là nợ xấu.
Dự án Xi măng Cẩm Phả do Vinaconex làm chủ đầu tư, vốn đầu tư 6.089 tỷ đồng với công suất mục tiêu 2,3 triệu tấn/năm, nhưng sau 3 năm hoạt động, lỗ tới 1.259 tỷ, đó là nợ xấu.
Không phải anh Bình không hiểu bài toán vỡ lòng này. Anh còn biết rõ hơn cả anh Thanh. Bới trong NHNN của anh Bình đã có thông tư hẳn hoi về định nghĩa thế nào là nợ xấu.
Quyết định 493/2005/QĐ-Ngân hàng Nhà nước ngày 22/4/2005 định nghĩa tóm tắt như sau: "Nợ xấu là những khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 (dưới chuẩn), nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (có khả năng mất vốn)."
Cụ thể nhóm 3 trở xuống gồm các khoản nợ quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên 90 ngày, đồng thời tại Điều 7 của Quyết định nói trên cũng quy định các ngân hàng thương mại căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để hạch toán các khoản vay vào các nhóm thích hợp.
Như vậy, nợ xấu được xác định theo 2 yếu tố: (i) đã quá hạn trên 90 ngày và (ii) khả năng trả nợ đáng lo ngại. Đây là định nghĩa Việt Nam.
Còn theo định nghĩa nợ xấu của Phòng Thống kê – Liên hợp quốc "Về cơ bản một khoản nợ được coi là nợ xấu khi (i) quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên 90 ngày; (ii) hoặc các khoản lãi chưa trả từ 90 ngày trở lên đã được nhập gốc, tái cấp vốn hoặc chậm trả theo thoả thuận; (iii) hoặc các khoản phải thanh toán đã quá hạn dưới 90 ngày nhưng có lý do chắc chắn để nghi ngờ về khả năng khoản vay sẽ được thanh toán đầy đủ".
Như vậy cũng như Việt Nam ta, nợ xấu cũng được xác định dựa trên 2 yếu tố: (i) quá hạn trên 90 ngày và (ii) khả năng trả nợ bị nghi ngờ. Đây là định nghĩa được quốc tế thừa nhận rộng rãi.
So sánh hai định nghĩa chả thấy gì khác nhau. Nhưng nợ xấu của VN do bên NHNN đưa ra thấp hơn với các tổ chức Quốc tế do cách tính đặc thù rất Việt Nam chăng?
Thôi thì Tây có chuẩn "thấp", không thèm "chấp". Nhưng ngay Việt Nam mình "đóng cửa bảo nhau" cũng có những con số khác nhau.
Hồi tháng 7, Quyền Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Hữu Nghĩa nói tại cuộc họp báo rằng "Tính đến 31/3/2012, nợ xấu là hơn 202.000 tỷ đồng (khoảng 9,69 tỷ đôla), chiếm 8,6% tổng dư nợ".
Vào ngày 7/7, chính NHNN đưa ra con số nợ xấu 117.000 tỷ dựa vào báo cáo của các tổ chức tín dụng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ, bằng một nửa so với bên Thanh tra đưa ra.
Chả lẽ một định nghĩa mà có tới mấy cách tính về nợ xấu. Có ai đó nói rằng, chỉ cần thạo mấy phép tính cộng trừ nhân chia là có thể lên làm lãnh đạo. Nhưng tôi bắt đầu nghi ngờ, liệu điều đó có đúng với trường hợp Thống đốc hay không?
Trong lúc nợ xấu thực sự của Việt Nam còn đang tranh cãi thì có thể nghĩ rằng, Thống đốc Bình đang mắc món "nợ xấu" khác thuộc phạm trù nguy hiểm ở cả ba nhóm: Nhóm 3: dưới chuẩn về hiểu biết; Nhóm 4: khiến người ta có quyền nghi ngờ về trình độ cầm cân nẩy mực cho nền kinh tế và; Nhóm 5: khả năng mất vốn đã bỏ ra cho cái ghế.
Mời các cụ bàn về nợ xấu và anh Bình. Có gì sai sót, xin được lượng thứ. Dân IT chỉ viết được đến thế.
Nhờ anh NCB và các cao nhân về kinh tế, ngân hàng giúp một tay để bà con hiểu về nợ xấu, cách tính và quan trọng nhất là giải pháp thế nào.
Xin cảm ơn.
Hiệu Minh – Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét