Không thể lấy tiền dân để giải quyết nợ xấu
Giấu nợ xấu: Cực kỳ nguy hiểm!
Theo ông, ai là thủ phạm của nợ xấu?
Chính ngân hàng (NH) là thủ phạm của nợ xấu. NH cho vay với lãi suất mười mấy, thậm chí hai, ba chục phần trăm thì doanh nghiệp (DN) không chết sao được.
Biết trước là cho vay với lãi suất như thế thì DN không thể hoạt động được, không thể trả nợ được mà vẫn cho vay thì chính NH là nguyên nhân tạo ra nợ xấu.
Việc các NH thương mại (TM) không khai trung thực nợ xấu sẽ nguy hiểm thế nào?
NHTM không khai trung thực nợ xấu để trích lập dự phòng thì cực kỳ nguy hiểm cho cả hệ thống NH. Và, nếu nợ xấu của NH lên tới mười mấy, hai mươi phần trăm thì NH đó sẽ không còn vốn tự có để hoạt động nữa, lúc đó sẽ ra sao?
Vì vậy, nhiều NHTM không báo cáo trung thực để trích lập dự phòng thì sẽ khiến cho tình hình hình tài chính của NH đó không chính xác, dẫn đến cổ đông không biết ra sao, nếu NH có niêm yết trên thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư cũng không biết thế nào. Nếu hệ thống NH không có dự phòng đầy đủ thì hệ thống NH không an toàn.
Phải có cơ chế giám sát nợ xấu như thế nào?
NHNN đã có cơ chế để giám sát, thanh tra kiểm tra, nhưng như ông Nguyễn Trung Nghĩa, quyền Chánh Thanh tra cơ quan thanh tra giám sát NHNN, mới đây nói rằng, không thể theo dõi, giám sát hết thì tức là năng lực giám sát của NHNN có vấn đề.
Tôi cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng nên phải làm cho tới nơi tới chốn, còn nếu mà để nợ xấu tiếp tục treo như thế là không được.
Vậy làm thế nào để giải quyết nợ xấu, theo ông?
Muốn giải quyết nợ xấu thì NH và DN phải ngồi lại với nhau để tính toán và tính thế nào để DN có thể phục hồi và trả lại tiền cho NH. Nếu DN chết thì không có cách nào trả nợ cho NH và NH cũng sẽ chết.
Đừng có viện dẫn quy định này, quy định nọ để nói là tại các DN không trả được nợ nên "giờ tôi không cho anh vay nữa". Nếu nói thế là hết sức tiêu cực, không thể giải quyết được vấn đề vì thực sự đầu mối để giết DN là NH chứ không phải ai khác.
Anh cho vay vốn kiểu đấy làm sao người ta không chết? Tôi đã nhiều lần đề xuất NHNN nên đặt ra một chương trình tín dụng đặc biệt theo Nghị quyết 11 ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là ưu tiên theo dự án và giải ngân theo tiến độ.
Theo đó, NHNN cung ứng vốn cho NHTM với lãi suất 3-4% để NHTM có thể cho DN vay lãi suất 7-8% và hệ thống NHTM phải có trách nhiệm giám định từng dự án một để mà giải ngân theo tiến độ (Mỗi tội là trên thực tế, NHTM lấy tiền này cho các sân sau của mình vay ưu đãi để đầu tư bất động sản và vàng nên nay bất động hết cả rồi còn đâu?????).
Phải cứu DN thì mới mong giải quyết được cục máu đông nợ xấu. Điều đó hoàn toàn nằm trong quyền hạn và khả năng của NHNN, nhưng không hiểu vì lý do gì không được lắng nghe.
Truy nộp quỹ dự phòng
DN chết thì đã rõ, còn NH thì lợi nhuận rất cao?
Lợi nhuận của NH những năm qua lên rất cao chỉ là lợi nhuận ảo và là chuyện nhất thời. Nếu NH trích lập dự phòng đầy đủ thì lợi nhuận sẽ không còn cao và nợ xấu cũng không thể cao. Anh trốn trích lập dự phòng để chia nhau và gọi là tiền lời, nhưng khi anh bị một đống nợ xấu, anh lại kêu Nhà nước gánh cho anh là sao?
Nợ xấu của NH hiện nay trên 202 nghìn tỷ, chiếm 8,6% tổng dư nợ, trong khi đó vốn tự có của hệ thống NH cũng chỉ 230 nghìn tỷ đồng. Nếu tính nợ xấu trên 13% (theo một hãng xếp hạng nước ngoài) trên tổng dư nợ thì nợ xấu là trên 370 nghìn tỷ đồng, bằng 150% vốn điều lệ của hệ thống NH.
Và, con số nợ xấu không dừng tại đấy, vì mỗi ngày DN không trả được thì nợ xấu tăng lên và nếu tăng lên đến 20% tổng dư nợ 2.700 nghìn tỷ đồng thì nợ xấu phải lên đến khoảng 500 nghìn tỷ đồng.
Anh nằm trên đống nợ xấu và sắp giãy chết rồi nhưng vẫn không tìm cách giải quyết mà lại nhảy sang xin Chính phủ mua giùm nợ xấu.
Theo ông, các NHTM phải tự lấy lợi nhuận của mình để giải quyết hay đá quả bóng đó về cho Chính phủ, hay DN phải chịu "cục máu đông" nợ xấu đó?
Không thể bỏ tiền ngân sách quốc gia, tức tiền thuế của nhân dân để đi mua nợ xấu của các NHTM. Các ông NH làm ra nợ xấu thì phải tự giải quyết lấy với nhau.
Khi buôn bán có lời thì anh bỏ túi, giờ buôn bán lỗ thì anh bảo Nhà nước phải trả cho anh, làm sao có chuyện đó được.
Mỗi NHTM phải lo giải quyết, phải báo cáo trung thực với NHNN về nợ xấu. Nếu NH nào báo cáo thiếu trung thực về nợ xấu tức là vi phạm luật pháp và sẽ phải bị truy cứu.
Nhưng về vấn đề dân sự, anh biết mình có bao nhiêu nợ xấu rồi thì anh phải trích lập dự phòng theo quy định của NHNN, tùy theo mức độ nợ mà trích lập 5%, 20% hay 50%, thậm chí 100%.
Tại sao anh làm ra bao nhiêu nợ xấu mà anh không trích lập dự phòng? Rõ ràng trách nhiệm của anh. Nếu trích nộp dự phòng cho Nhà nước thì Nhà nước sẽ lấy đó để giải quyết nợ xấu của anh chứ.
Theo ông, hiện có bao nhiêu phần trăm NH có trích lập dự phòng?
Tất cả các NH đều có trích lập dự phòng nhưng không đúng tỷ lệ, vì người ta có 10% nợ xấu chẳng hạn nhưng chỉ khai 1 hoặc 2% thôi, nhiều NH đến 50-60% nợ xấu nhưng trích nộp dự phòng tới đâu, đúng yêu cầu hay không?
Trong khi vốn của NH chỉ có mấy nghìn tỷ đồng mà nợ xấu lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Việc quản lý của NHNN trong vấn đề này không nghiêm túc, cứ nhắm mắt để NHTM làm như thế là không được.
"Nếu tôi là Nhà nước, tôi sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các NH nếu cho vay có vấn đề tiêu cực trong đấy. Nếu không, tôi truy cứu trách nhiệm dân sự vì anh lấy tiền của nhân dân để anh tự cho mình đầu tư vào các dự án của anh. Luật cho phép và khi anh phạm luật về quản lý tài sản, tôi sẽ truy cứu trách nhiệm để lấy tiền trả lại cho nhân dân, cho những chủ tài khoản"- chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Theo Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét