Họ đáng phải ra tòa
Published on October 31, 2012Trong trận sóng thần xảy ra ở Nhật vào năm ngoái, giới khoa học nước này phải ngậm ngùi cúi đầu nhận tội. Trong khi đó, giới khoa học Việt Nam chẳng những tỏ ra tự tin mà còn mắng người dân "kém hiểu biết"!
Năm ngoái, một phiên toà ở Ý làm xôn xao giới khoa học, vì theo cáo buộc của công tố viên, các nhà khoa học không cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về khả năng động đất, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về con người và tài sản của dân. Khả năng xảy ra động đất thường rất thấp, nhưng hệ quả của nó thì rất lớn. Truyền đạt thông tin này như thế nào để người dân có thể hiểu và tự quyết định cũng đang là vấn đề thời sự ở Việt Nam.
Xu hướng không tin vào khoa học
Nói một cách công bằng, truyền đạt những ý tưởng và phương pháp khoa học đến công chúng có khi là một việc làm rất khó khăn. Rất khó nói về gen và ADN cho công chúng nếu đa số thành viên trong cộng đồng chưa có khái niệm gì về gen và chưa bao giờ nhìn thấy một mảng ADN. Tuy nhiên, nhà khoa học có kinh nghiệm có thể dùng cách ví von để giải thích ý tưởng và phương pháp khoa học.
Đối với các nhà vật lý lừng danh như Allen Bromley (cựu chủ tịch hội Vật lý Hoa Kỳ), nếu nhà khoa học không thể giải thích những gì họ đang làm cho một người bình thường thì điều đó cũng có nghĩa nhà khoa học không hiểu vấn đề. Albert Einstein cũng từng nói rằng: "Nếu bạn không thể giải thích điều gì đó một cách đơn giản, bạn không hiểu tốt vấn đề".
Nhưng, trong truyền đạt thông tin về nguy cơ và rủi ro, có một sự mâu thuẫn giữa những gì công chúng kỳ vọng và những gì giới khoa học có thể đáp ứng. Trong khi người dân muốn biết có hay không có động đất (tức một câu trả lời xác định), thì nhà khoa học chỉ có thể trả lời bằng xác suất (tức một câu trả lời bất định). Từ sự bất đồng về cách trả lời, công chúng càng ngày càng tỏ ra không tin vào giới khoa học.
Một cuộc điều tra xã hội thực hiện vào tháng 12/2011 (sau trận sóng thần ở Nhật) cho thấy chỉ 45% người Nhật nghĩ rằng giới khoa học nên định hướng chính sách khoa học và công nghệ; năm 2009, tỷ lệ này là 79%. Tháng 4/2011, một điều tra xã hội khác cho thấy chỉ có 41% người Nhật tin vào giới khoa học (con số này trong năm 2010 là 85%). Do đó, xu hướng thiếu tin tưởng vào giới khoa học không phải chỉ xuất hiện ở Việt Nam!
Nhưng so sánh thái độ của giới khoa học Việt Nam (như trên) và Nhật, chúng ta thấy có sự khác biệt đáng kể. Trong trận sóng thần xảy ra ở Nhật vào năm ngoái, giới khoa học nước này phải ngậm ngùi cúi đầu nhận tội. Họ thú nhận rằng họ thiếu kiến thức cơ bản về cơ chế sóng thần, và không có khả năng dự báo một trận động đất lớn như thế. Giới khoa học Nhật thậm chí còn tiên đoán sai chiều cao của sóng thần. Danh sách những thất bại và khiếm khuyết dài đến 260 trang giấy. Trong khi đó, giới khoa học Việt Nam chẳng những tỏ ra tự tin mà còn mắng người dân "kém hiểu biết"!
Ra toà vì đánh giá sai nguy cơ
L'Aquila là một thành phố cổ của Ý, từng có "tiền sử" động đất. Năm 1461 và 1703, thành phố gần bị tan hoang vì hai trận động đất lớn. Thành phố được tái kiến thiết, trở thành nơi cư trú của hơn 73.000 dân. Trong suốt 300 năm sau đó, thành phố không có động đất. Nhưng đến tháng 10.2008, thành phố trải qua một vài cơn địa chấn. Từ 1/1 – 5/4/2009, các nhà khoa học ghi nhận 304 cơn địa chấn.
Ở Ý, có Uỷ ban quốc gia về dự báo và phòng chống những nguy cơ lớn (National Commission for Forecasting and Predicting Great Risks). Uỷ ban gồm bảy nhà khoa học. Ngày 31/3/2009, uỷ ban họp một lần để đánh giá khả năng động đất. Theo biên bản buổi họp, chủ tịch viện Vật lý địa cầu và khoa học núi lửa quốc gia, Enzo Boschi, được hỏi rằng những cơn địa chấn đó có phải là tín hiệu báo trước một trận động đất (như năm 1703) sắp xảy ra? Boschi trả lời rằng dù rất thấp nhưng khả năng đó không thể loại bỏ.
Ngày 6/4/2009, một trận động đất mạnh 6,3 độ Richter xảy ra tại thành phố L'Aquila và các vùng lân cận. Thành phố tan hoang. Trận động đất phá huỷ gần 20.000 toà nhà, làm 65.000 cư dân lâm cảnh màn trời chiếu đất. Hơn 300 người dân tử vong, hơn 1.500 người bị thương. Một thiệt hại quá lớn.
Một năm sau, tháng 7/2010, công tố viên Fabio Picuti cáo buộc rằng uỷ ban (tức bảy nhà khoa học) tội ngộ sát và cẩu thả, vì không cảnh báo cho công chúng biết về nguy cơ động đất. Thế là các nhà khoa học đồng nghiệp của Boschi trên thế giới gửi thư đến Tổng thống Ý phàn nàn rằng cáo buộc của công tố viên là vô lý và thiếu công bằng, bởi không một phương pháp khoa học nào có thể dự báo động đất một cách đáng tin cậy. Nhưng công tố viên Picuti không đồng ý.
Bằng một lý giải và tranh luận đậm bản chất Ý, ông nói: "Tôi đâu có điên. Tôi biết họ (các nhà khoa học) không thể tiên đoán động đất chính xác. Mấu chốt của vấn đề không phải là họ tiên đoán đúng hay sai. Là quan chức của nhà nước, họ có nhiệm vụ trước luật pháp về đánh giá và phân tích nguy cơ tiềm ẩn hay hiện có cho cư dân thành phố".
Ông nhấn mạnh rằng ông chỉ buộc tội các nhà khoa học trong uỷ ban đã cung cấp thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác, và mâu thuẫn cho công chúng vốn đã hồi hộp cả mấy tháng trước đó vì những đợt rung chuyển nhẹ. Ông nói một câu sau này trở thành lời cảnh báo cho các nhà khoa học: "Nếu họ không biết những điều cần biết – đó là một vấn đề, nhưng họ không biết truyền đạt những gì họ biết – đó cũng là vấn đề". Vấn đề là truyền đạt thông tin về nguy cơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét