Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Giả thuyết Địa lý có giải thích cho sự khác biệt thịnh vượng của các quốc gia?

Giả thuyết Địa lý có giải thích cho sự khác biệt thịnh vượng của các quốc gia?

Published on November 1, 2012 

Một lý thuyết được chấp nhận rộng rãi về các nguyên nhân của sự bất bình đẳng thế giới là Giả Thuyết Địa Lý, mà nó cho rằng sự cách biệt [divide] lớn giữa các nước giàu và nghèo được tạo ra bởi những khác biệt địa lý. Nhiều nước nghèo, chẳng hạn như các nước ở châu Phi, Trung Mỹ, và Nam Á, nằm ở vùng nhiệt đới giữa Hạ chí tuyến [Bắc chí tuyến: vĩ độ 23° 26' 22" bắc] và Đông chí tuyến [Nam chí tuyến: vĩ độ 23° 26' 22" nam]. Ngược lại, các nước giàu có xu hướng ở các vùng ôn đới. Sự tập trung mang tính địa lý này của nghèo khó và thịnh vượng mang lại sự quyến rũ nông cạn cho giả thuyết địa lý, mà là điểm xuất phát của các lý thuyết và quan điểm của nhiều nhà khoa học xã hội và học giả uyên thâm tương tự. Nhưng điều này không làm cho nó ít sai hơn. SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG THẾ GIỚI, tuy vậy, KHÔNG THỂ ĐƯỢC GIẢI THÍCH BẰNG KHÍ HẬU HAY BỆNH TẬT, HAY BẤT CỨ PHIÊN BẢN NÀO CỦA GIẢ THUYẾT ĐỊA LÝ. Hãy chỉ nghĩ về Nogales. Cái tách hai phần ra không phải là khí hậu, địa lý, hay môi trường bệnh tật, mà là biên giới Hoa Kỳ – Mexico.

***
THÀNH PHỐ NOGALES bị cắt đôi bởi một hàng rào. Nếu bạn đứng cạnh nó và nhìn theo hướng bắc, bạn sẽ thấy Nogales, Arizona (Mỹ), nằm ở Quận Santa Cruz. THU NHẬP của hộ gia đình trung bình ở đó là khoảng 30.000 USD một năm. Hầu hết trẻ vị thành niên ở trường học, và đa số những người lớn là những người đã tốt nghiệp trung học. Họ được tiếp cận đầy đủ hệ thống CHĂM SÓC Ý TẾ của Mỹ (Mediacare). LUẬT PHÁP và TRẬT TỰ bảo vệ tối đa công dân Nogales, Aizona khỏi sự trộm cắp, sự tước đoạt, hay những thứ khác có thể gây nguy hiểm cho các khoản đầu tư của họ trong các doanh nghiệp và nhà của họ. Họ có thể bỏ phiếu để thay thị trưởng, các thượng và hạ nghị sỹ của họ; họ bỏ phiếu trong các cuộc bầu tổng thống để xác định ai sẽ lãnh đạo nước họ. DÂN CHỦ là bản chất thứ hai của họ.
Cuộc sống ở phía nam hàng rào, chỉ cách vài mét, là khá khác. Trong khi cư dân của Nogales, Sonora, sống trong một phần tương đối thịnh vượng của Mexico, thu nhập của hộ gia đình trung bình ở đó bằng khoảng một phần ba của thu nhập ở Nogales, Arizona. Điều kiện chăm sóc sức khỏe công cộng nghèo nàn cho thấy không có gì ngạc nhiên rằng dân cư của Nogales, Sonora, không sống lâu như các láng giềng phía bắc của họ. Họ không tiếp cận được đến nhiều tiện nghi công cộng. Đường sá trong tình trạng tồi tàn ở phía nam hàng rào. Luật pháp và trật tự trong tình trạng tồi tệ hơn. Tội phạm cao, và mở một doanh nghiệp là một hoạt động rủi ro. Không phải chỉ là bạn có rủi ro bị cướp, mà lấy được tất cả các giấy phép và bôi trơn mọi bàn tay chỉ để mở là nỗ lực không dễ dàng. Dân cư Nogales, Sonora, sống với sự tham nhũng và sự vụng về của các nhà chính trị hàng ngày.

Vấn đề ở đây là công dân Nogales của 2 nước Mỹ & Mexico không có sự khác biệt nào về địa lý, khí hậu, hay những loại bệnh phổ biến trong vùng này; nguồn gốc của người dân ở cả hai bên biên giới là khá giống nhau, có chung tổ tiên, thưởng thức cùng loại thức ăn và âm nhạc, và, chúng ta bạo gan để nói có cùng "văn hóa". Chỉ có một giải thích rất đơn giản và rõ ràng cho những sự khác biệt giữa hai nửa của Nogales: chính là cái BIÊN GIỚI XÁC ĐỊNH HAI NỬA. Sâu xa hơn chính là vấn đề Thể chế.
***
Nếu giả thuyết địa lý không thể giải thích nổi những khác biệt giữa bắc và nam Nogales, hay Bắc và Nam Hàn, hay Đông và Tây Đức trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, liệu nó vẫn có thể là một lý thuyết hữu ích cho việc giải thích những khác biệt giữa Bắc và Nam Mỹ? Giữa châu Âu và châu Phi? Hoàn toàn không.

Lịch sử minh họa rằng không có mối quan hệ đơn giản hay lâu dài giữa khí hậu hay địa lý và thành công kinh tế. Thí dụ, không đúng rằng vùng nhiệt đới đã luôn luôn nghèo hơn các vùng ôn đới. Như chúng ta đã thấy ở chương trước, vào thời Columbus chinh phục châu Mỹ, các vùng nam Hạ Chí Tuyến và bắc Đông Chí Tuyến, mà hiện nay bao gồm Mexico, Trung Mỹ, Peru và Bolivia, đã có hai nền văn minh lớn, văn minh Aztec và Inca. Các đế chế này đã tập trung và phức tạp về mặt chính trị, đã xây dựng đường sá, và đã cung cấp cứu trợ nạn đói. Những người Aztec đã có cả tiền lẫn chữ viết, và những người Inca, cho dù họ thiếu cả hai công nghệ then chốt này, đã ghi lại các lượng thông tin khổng lồ trên các dây được thắt nút, gọi là các quipu. Ngược lại hoàn toàn, trong thời của những người Aztec và Inca, các vùng phía bắc và phía nam của vùng người Aztec và Inca sinh sống, mà ngày nay bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Argentina, và Chile, đã hầu như chỉ có các nền văn minh Thời Đồ Đá thiếu các công nghệ này. Vùng nhiệt đới ở châu Mỹ như thế đã giàu hơn các vùng ôn đới rất nhiều, gợi ý rằng "sự thực hiển nhiên" về sự nghèo khó nhiệt đới đã không hiển nhiên và cũng chẳng là một sự thực. Thay vào đó, sự giàu có lớn hơn ở Hoa Kỳ và Canada thể hiện một sự đảo ngược hoàn toàn của sự phát đạt tương đối với cái đã có ở đó khi những người Âu châu đến.

Sự đảo ngược này rõ ràng đã chẳng liên quan gì đến địa lý và, như chúng ta đã thấy rồi, có liên quan gì đó với cách các vùng này bị thuộc địa hóa. Sự đảo ngược này đã không giới hạn ở châu Mỹ. Người dân ở Nam Á, nhất là ở tiểu lục địa Ấn Độ, và ở Trung Quốc đã thịnh vượng hơn những người ở nhiều phần khác của châu Á, và chắc chắn hơn những người đã sống ở Australia và New Zealand. Điều này, cũng đã đảo ngược, với Nam Hàn, Singapore, Nhật Bản nổi lên như các quốc gia giàu nhất ở châu Á, và Australia và New Zealand vượt hầu như tất cả châu Á về mặt thịnh vượng. Ngay cả bên trong châu Phi hạ-Sahara cũng đã có một sự đảo ngược tương tự. Gần đây hơn, trước lúc bắt đầu của sự tiếp xúc Âu châu mạnh mẽ với châu Phi, vùng nam châu Phi đã là vùng được định cư thưa thớt nhất và chẳng hề có các nhà nước phát triển với bất cứ sự kiểm soát nào đối với lãnh thổ của họ. Thế nhưng Nam Phi bây giờ là một trong các quốc gia thịnh vượng nhất ở châu Phi hạ-Sahara. Lui xa hơn trong lịch sử, chúng ta lại thấy nhiều thịnh vượng ở các vùng nhiệt đới; một số nền văn minh tiền-hiện đại, như Angkor ở Campuchia hiện đại, Vijayanagara ở nam Ấn Độ, và Aksum ở Ethiopia, đã hưng thịnh trong các vùng nhiệt đới, như các nền văn minh đại Lưu vực sông Indus ở Mohenjo Daro và Hapara, ở Pakistan hiện đại, đã hưng thịnh. Như thế lịch sử để lại ít sự nghi ngờ rằng không có mối quan hệ đơn giản giữa một địa điểm nhiệt đới và thành công kinh tế.

(Trích "Why Nations Fail", dịch giả Nguyễn Quang A)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...