Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Lối thoát hiểm duy nhất - PC World VN

http://www.pcworld.com.vn/articles/quan-ly/trao-doi/2004/05/1185991/loi-thoat-hiem-duy-nhat/
  
Thứ Ba, 11/05/2004 08:49 (GMT+7)

Lối thoát hiểm duy nhất





 

Lời TS: Hai năm sau hội thảo đầu tiên, hội thảo lần thứ hai về 'Phần mềm nguồn mở ở VN' do Bộ Khoa Học Công Nghệ tổ chức diễn ra vào 17-18/12/2002 đề cập đến một vấn đề vô cùng cấp bách với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. PCW-B xin góp một tiếng nói ủng hộ xu thế PMNM như một quốc sách cần quyết định ngay không thể chậm trễ.


Đại nạn chưa xảy ra trong 2003 nhưng sẽ đến và không lâu

Một quan chức cao cấp tại TP.HCM thường nhắc đến vấn đề bản quyền phần mềm. Ông còn tác động lên các Bộ có liên quan nhằm có các biện pháp mạnh thực thi vấn đề này tại Việt Nam. Trong một số lần làm việc với ông, các chuyên gia đề nghị:

'Vâng, vấn đề bản quyền phần mềm là rất cấp bách! Trước hết, chúng tôi xin đề nghị lãnh đạo thành phố hãy lệnh cho tất cả các cơ quan nhà nước thuộc thành phố trả tiền các phần mềm Việt Nam đang sử dụng khắp nơi mà hầu như không cơ quan nào bỏ tiền mua!'

Tuy nhiên chưa bao giờ đề nghị này được đưa ra bàn bạc. Những bàn bạc luôn đại thể là 'chúng ta phải nghiêm chỉnh  thực thi việc bảo vệ bản quyền phần mềm'!

Thảo luận dừng lại ở đó. Nói mà không thể làm.

Thực ra lời đề nghị trên cũng phi thực tế và có phần hài hước. Người đưa ra đề nghị đó cũng nói là nêu ra cho vui thôi. Nếu lãnh đạo thành phố có quyết định thì nó cũng sẽ giống như việc quyết định đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy trong thành phố. Hơn nữa đây lại là việc phải chi từ ngân sách chứ không phải tiền của tư nhân.  Mà ngân sách thì làm gì đủ tiền cho vấn đề này!

Nhưng đã rất cấp bách rồi.

Đại nạn về vi phạm bản quyền phần mềm chưa đến ngay với quy mô quốc gia vào năm 2003, nhưng không giải quyết nó rốt ráo thì VN khó lòng gia nhập WTO, thậm chí sẽ bị trả đũa quyết liệt ngay trong mọi quan hệ kinh tế, thương mại, và ngay hôm nay đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư quốc tế, làm nhụt ý chí của nhiều người muốn phát triển phần mềm trong nước.

Đến Việt Nam để tham dự hội thảo về Sở Hữu Trí Tuệ, ông Bruce Lehman - Viện Trưởng Viện Sở Hữu Trí Tuệ Quốc Tế đã chứng kiến tận mắt lực lượng công an kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh đĩa lậu và tịch thu khoảng 3000 đĩa in sao trái phép.

Theo ông, không nước nào là không có tình trạng đánh cắp phần mềm. Tuy vậy, nước vi phạm bản quyền nặng có thể không được bán hàng vào thị trường Mỹ và các nước phát triển khác. Ông nói: 'Hàng hoá Việt Nam rất dễ rơi vào tình trạng này. Nếu cam kết thương mại giữa hai nước không được tôn trọng, nếu tình trạng đánh cắp bản quyền phần mềm ở Việt Nam trị giá 100 triệu USD (theo ước tính của một số hãng nghiên cứu về vấn đề này) thì sẽ có một lượng hàng hoá giá trị tương đương không được bán ở Mỹ. Như vậy người lao động Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam sẽ là nạn nhân của tình trạng đánh cắp phần mềm' (Đại Đoàn Kết 3/11/2002). 

Chỉ có thể trí tuệ đọ sức với trí tuệ

Giải quyết vấn đề bản quyền phần mềm hết sức phức tạp. Luật pháp như Mỹ, giầu có như Mỹ mà vẫn cỡ 30-40% phần mềm sử dụng là bất hợp pháp. Nỗ lực như Trung Quốc nhưng đầu năm nay, Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ vẫn liệt Trung Quốc (cùng với Paraguay và Ukraine) là nước vi phạm tệ hại nhất (trang Web New York Times ngày 1/11/2002, Joseph Kahn).

Không ít người nghĩ rằng mua phần mềm để sử dụng là điều phi lý. Nếu cả thế giới đều dùng phần mềm của Microsoft 'hợp pháp' thì Bill Gates còn giầu gấp trăm lần hiện nay! Suy nghĩ như vậy không hoàn toàn vô lý. Vì vậy một mặt ta phải đấu tranh, thương lượng để những phần mềm phải mua thì được mua với giá cả hợp lý (xem PC World VN, 8/1999, Nguyễn Trọng, 'Sao chép lậu các sản phẩm CNTT - về nguyên tắc là không thể chấp nhận', trang 33), mặt khác chúng ta vẫn cứ phải mua. Không khó khăn lắm có thể ước tính chi phí cả nước phải bỏ ra để mua phần mềm trong điều kiện hiện nay. Cứ giả thiết rằng hàng năm phải bỏ thêm khoảng 100 triệu USD để mua những phần mềm đang sử dụng 'chùa' (ngoài phần đã mua hiện nay) và tốc độ gia tăng khoảng 20% thì sau 5 năm, hàng năm ta sẽ phải bỏ thêm 200 triệu USD vào việc này. Không ai muốn bỏ ra thêm những trăm triệu này. Nhưng không bỏ ra thì sẽ bị trả đũa bằng việc gạo, hàng dệt, cá... của ta không vào được các thị trường lớn. Phải bán thêm bao nhiêu gạo để trả món nợ này, để mà gạo còn được tiếp tục bán? Nói chung, không thể lấy gạo, cá, hàng dệt... ra đọ sức với phần mềm. Mua một bộ Windows và Office giá khoảng trên 200 USD (chính xác là $238 - Windows 7 Home + Office 2010 Home - BCT) là ngang ngửa 1 tấn gạo. Các bộ Windows như cơm trong nồi cơm Thạch Sanh, bán đi vẫn còn nguyên, còn gạo thì xúc từ kho ra chừng nào vơi đi chừng ấy. Nếu chúng ta phải tiêu đến 1/10 nền nông nghiệp cả nước chỉ để trả cái phần sử dụng 'bất hợp pháp' các phần mềm thì sẽ không còn đất nước Việt Nam. Vì vậy theo logic này chỉ có cách... ì ra, không trả để mà tồn tại. Nhưng cũng sẽ không tồn tại được. Cái logic nghiệt  ngã này đòi hỏi phải giải quyết một cách nghiêm túc.

Linux & phần mềm mã nguồn mở - đường thoát hiểm duy nhất

Có lẽ không nên tranh luận nhiều xung quanh kết luận trên. Sẽ có rất nhiều ý kiến thuận chiều, trái chiều và các vec tơ ý kiến đủ hướng. Ai đồng ý thì việc tiếp theo là cùng nhau tìm cách mở con đường (cũng là con đường gập ghềnh, chông gai chứ không bằng phẳng chút nào!) thoát hiểm cho đất nước theo hướng này. Ai không tán thành thì có thể không cần đọc tiếp làm chi và đi tìm con đường khác. Như thế càng tốt. Đáng lo là thậm chí có người cũng chẳng cho rằng vấn đề bản quyền phần mềm là một hiểm hoạ.

Một mô hình rất đáng tham khảo là công ty Lindows ở Mỹ. Họ chỉ có chưa đầy 100 nhân viên. Toàn bộ (cả ban giám đốc) cùng ngồi trong một phòng rất lớn, mọi người đều thấy nhau. Họ muốn biểu trưng cho sự  'mở' trong triết lý của họ.

Công ty làm 2 việc chính:

-
Theo dõi chặt chẽ sự phát triển của Linux trên toàn thế giới như một hệ điều hành để thừa hưởng trí tuệ toàn thế giới và tham gia vào cuộc chơi chung này nếu có thể. Họ quyết tâm 'đọ sức' với Windows dù biết là châu chấu đá xe! (có câu: 'châu chấu đá xe; tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng!'). Họ hợp tác với một hãng lắp ráp máy tính nhỏ, tung ra thị trường máy để bàn giá 300 USD (với giá hệ điều hành bằng 0).

-
Nếu chỉ dừng lại ở đấy thì cũng chẳng ai mua cái máy đó, hoặc có mua thì cũng sẽ mua Windows cài vào để chạy, và rồi thì Lindows sẽ tan biến. Vì vậy họ làm việc thứ 2, với lực lượng tập trung lớn hơn, đó là theo dõi và phát triển một thư viện rất phong phú các ứng dụng với mã nguồn mở trên Linux. Đến nay thư viện này đã có 1500 ứng dụng trong mọi lĩnh vực, từ văn bản đến đồ hoạ, từ bảng tính đến CSDL, từ trò chơi đến thương mại điện tử... Họ tồn tại và phát triển bằng cách bán quyền sử dụng thư viện này và cung cấp các dịch vụ giúp khách hàng sử dụng thư viện. Bỏ ra số tiền 100 USD thì có quyền sử dụng toàn bộ thư viện này cùng các dịch vụ phục vụ khách hàng trong 1 năm và được quyền download về dùng mãi nếu không cần bổ sung, phát triển và không cần tiếp tục hưởng các dịch vụ vào năm sau. Có thể coi là khách hàng chỉ mất 100 USD được phục vụ 1 năm và sở hữu 1500 phần mềm. Dĩ nhiên thư viện này dù được cả thế giới cùng chung sức phát triển cũng vẫn còn những cái phải mua vì còn những cái chưa có trong đó. Đáng chú ý là do sự phát triển của Linux các phần mềm của các hãng lớn sản xuất hiện nay nói chung đều chạy được với Linux. Hơn nữa Lindows không chủ trương bài trừ mà là chung sống với Windows. Vào Web site Lindows.com có thể hiểu rất nhiều về họ.

Việt Nam cần có các đơn vị như Lindows, đặc biệt giải quyết các vấn đề liên quan đến tiếng Việt. Thực ra chúng ta đã có vài công ty làm việc này (xem bài về HĐH Linux tiếng Việt, trang 40 trong số này). Một việc làm cũng cần thiết là theo dõi sự phát triển của Linux (như Lindows đang làm) và xây dựng thư viện các ứng dụng cũng bằng cách theo dõi, tích cóp kết quả của cuộc chơi vĩ đại của toàn thế giới (như Lindows cũng đang làm) và giải quyết một số vấn đề về font chữ. Ngay trong việc này cũng đừng làm từ đầu mà cần hợp tác, chẳng hạn, với những công ty như Lindows và vô số công ty tương tự.

Đề xuất cụ thể

Lindows xuất hiện và phát triển ở Mỹ là chuyện của mấy chàng trai trẻ, tài năng từng làm việc cho MP3.COM, thích phiêu lưu, mạo hiểm, đương đầu với các thách thức nhiều hơn là một quốc sách. Còn ở Trung Quốc thì mô hình Hồng Kỳ (kiểu Lindows của Trung Quốc) lại là quốc sách. Trung Quốc đã nhìn rõ con đường thoát hiểm của họ là Linux. Nhà nước đã tập trung sức vào việc này trong nhiều năm qua. Với một công ty, khi còn có thể sống được thì họ còn ở lại với thị trường đã dựng nên, khó sống thì họ chuyển nơi khác. Với con đường thoát hiểm cho quốc gia thì triết lý thương mại e không xong.

(Những khái niệm cơ bản về 'phần mềm nguồn mở' có thể tham khảo trên PC World B, 03/2002, bài: 'Làm chủ một vốn liếng CNTT riêng cho Việt Nam', trang 21).

Nguyễn Trọng

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...