Những chiếc túi hàng hiệu được sản xuất như thế nào?
8:57 PM Thứ ba, ngày 25 tháng mười năm 2011- Chuyên mụcĐời sống|Thời trang|
Những chiếc túi Hermes hút hồn phụ nữ không chỉ vì chúng đẹp mà còn vì giá tiền hàng chục nghìn USD. Chúng được sản xuất như thế nào mà đắt đến vậy?
Dưới đây là quy trình sản xuất của túi Hermes và một số thương hiệu túi xách cao cấp khác.
Hermes
Hermes lâu nay vẫn được coi là thương hiệu của sự cao quý và sang trọng. Thông thường, một chiếc túi Hermes có giá khoảng 5.000 USD, chưa bao gồm thuế. Nhưng có khi sản phẩm này lên tới 5 hoặc 6 con số, tức là hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn USD, nhất là khi chúng được sản xuất từ những loại da động vật quý hiếm.
Sở dĩ túi xách của Hermes có giá trên trời như vậy là bởi chúng được làm hoàn toàn thủ công, từ khâu chọn vật liệu, sơ chế, tạo mẫu đến khâu, dập khóa... Mọi thao tác đều thể hiện trình độ bậc thầy của những người thợ tại xưởng làm túi của Hermes.
Do đó, có người nói rằng, mua túi xách Hermes là mua thời gian vàng bạc bởi các thợ thủ công phải tốn ít nhất 48 giờ mới có thể hoàn thành một chiếc túi. Thậm chí, có khách hàng phải chờ đợi tới vài năm để có sản phẩm theo đơn đặt hàng.
Với Hermes, giá trị mỗi chiếc túi được quyết định trước nhất bởi chất lượng của chất liệu cao cấp đã lựa chọn cẩn thận. Hãng thường sử dụng chất liệu da bê hoặc da cá sấu nhập từ Australia, loại đắt nhất thế giới. Tấm da đã lựa chọn được bày trên bàn cắt của người thợ. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, người thợ đã phải hình dung ra phần nào của miếng da sẽ được sử dụng để cắt túi. Phải xem thật kỹ từng đường vân trên da để chọn ra được những phần hoàn hảo, không tì vết.
Trên tấm da cũng có những phần cần được cắt mỏng như phần viền để dễ gấp lại hơn và một vài phần cần được lạng bớt để đạt được sự đồng đều. Người thợ thực hiện các thao tác này bằng tay với một lưỡi dao và máy cắt để quá trình gọt bớt phần viền được chuẩn xác hơn. Sau đó, họ đánh dấu những phần ghép để chuyển sang công đoạn ghép nối các phần của túi.
Công đoạn ghép và kết nối viền túi của Hermes yêu cầu tay nghề cao của người thợ thuộc da và thợ làm yên cương. Đơn cử với chiếc túi Kelly, sẽ có khoảng 40 phần cần được ghép lại một cách khéo léo để hoàn thiện chiếc túi.
Chiếc túi thành hình khi người thợ ghép những phần thân túi, mặt trước và mặt sau, với những miếng đệm liên kết các mặt. Nhưng điểm nối liên kết giữa các phần của túi phải đảm bảo màu sắc nhất quán với màu túi, đồng thời không có kẽ hở nào tại điểm nối. Tiếp đó là công đoạn đính khóa.
Cuối cùng, những người thợ lành nghề sẽ phải hoàn thiện túi. Những đường khâu tay phải thật tinh tế, ẩn mình khéo léo và hoàn hảo. Những mép da bên trong túi được mài tròn, làm mềm, nhuộm màu và bọc sáp như những mép da bên ngoài. Khi đã hoàn thiện, túi sẽ được lộn phải trở lại và đóng dấu logo, ngày hoàn thiện và ghi lại tên tuổi của người thợ trên đó. Sản phẩm sẽ được kiểm định bởi bộ phận giám sát và sau đó nằm gọn chiếc hộp màu cam chờ đợi chủ nhân của nó.
Louis Vuin
Giống như những chiếc túi Hermes, mọi công đoạn làm ra một tác phẩm trọn vẹn của Louis Vuin đều được thực hiện bằng đôi tay tài hoa của các công nhân lành nghề.
Louis Vuin rất coi trọng chất lượng sản phẩm. Vì chất lượng gắn liền với thương hiệu nên hãng này vô cùng thận trọng trong việc lựa chọn vật liệu, phụ kiện và cả cách sắp xếp các hoạ tiết.
Các công đoạn sản xuất ra chiếc túi Louis Vuin đều được thực hiện hết sức công phu. |
Túi Louis Vuin không được làm từ da hay các chất liệu thường gặp khác mà hãng sử dụng một chất liệu đặc biệt gọi là "canvas", phủ thêm PVC để tăng khả năng chống thấm nước. Sau khi có nguyên liệu, người thợ bắt tay ngay vào công đoạn ghép các mảnh "da" để tạo khuôn túi bằng những đường kim mũi chỉ chính xác đến mức độ hoàn hảo. Khách hàng sẽ không bao giờ nhìn thấy đường chỉ may bị lệch hay nút thắt chỉ, sợi chỉ thừa lộ ra trên những chiếc túi Louis Vuin.
"Chiếc túi nào thiếu một mũi kim là bị hủy nát ra thành nhiều mảnh nhỏ ngay. Làm như thế, chất lượng hàng mới luôn được đảm bảo, khách sành điệu mới tiếp tục ủng hộ", ông chủ của Louis Vuin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đối với một số kiểu túi như Speedy, Keepalls và Papillons thì người thợ không có nhiều cơ hội thể hiện độ tinh xảo ở đường chỉ. Thay cho sự khéo léo của đôi bàn tay, người thợ sẽ sử dụng một miếng nguyên liệu to quấn vòng từ bên này sang bên kia, từ phía trước ra phía sau để tạo ra chiếc túi mà không cần đường chỉ may ở dưới đáy – do đó mặt sau luôn có các họa tiết lộn ngược.
Tiếp đến là công đoạn làm quai túi. Chi tiết này thường được làm bằng da bò thật màu vàng nhạt, một chất liệu rất khó nứt và khó rách. Liên quan đến công đoạn này, một công nhân tại xưởng ráp may đồ da Louis Vuin ở ngoại ô Paris cho biết, xưởng có cả một đội nhân viên chỉ làm mỗi một việc là đếm các mũi chỉ trên quai túi.
Các quy trình còn lại như đóng khóa, dập logo và đánh bóng cũng đều được người thợ thao tác hết sức cẩn thận bằng đôi bàn tay khéo léo của mình. Chính nhờ những công đoạn đạt độ chuẩn xác hoàn hảo này mà sản phẩm đã đi vào huyền thoại. Dân chơi hàng hiệu truyền tai nhau rằng, khi con tàu Titanic gặp nạn đắm chìm giữa đại dương mênh mông năm 1912, nhiều chiếc vali mang thương hiệu Louis Vuin trôi nổi lênh đênh nhiều ngày sau đó mà không bị hư hại gì, trong khi chủ nhân của chúng đã phiêu bạt ở thế giới bên kia.
Chanel
Để có được một đẳng cấp chẳng kém gì Louis Vuin và Hermes, Chanel cũng phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền của cho quy trình sản xuất của mình.
Xưởng sản xuất của Chanel được đặt tại một thị trấn nhỏ chỉ có khoảng 3.000 người dân, cách Paris khoảng 70 km về phía Bắc. Đây là nơi sản xuất hầu hết các sản phẩm túi xách của Chanel. Từ công đoạn lựa chọn các chất liệu da cho tới đóng gói, tất cả đều phải chuyển thể trọn vẹn những ý tưởng sáng tạo của Karl Lagerfeld - nhà thiết kế tài ba của Chanel - thành hiện thực.
Mũi dao uốn lượn điêu luyện dưới đôi bàn tay người thợ. |
Theo một quản đốc, xưởng sản xuất của Chanel là nơi sạch như chính phòng ngủ của bạn, thơm tho, yên tĩnh và mọi thứ đều được giải quyết một cách chậm rãi, tỉ mẩn nhất. Chanel không yêu cầu thợ làm nhoay nhoáy như một cái máy mà tập trung vào 10 đầu ngón tay, đôi mắt sao cho mềm dẻo, tinh tường nhất có thể.
"Để được tham gia vào quy trình làm túi Chanel, bạn phải học nghề trong rất nhiều năm", vị quản đốc nói. Điều này phần nào lý giải tuổi nghề của 350 người làm việc tại các xưởng sản xuất của Channel: trung bình vào khoảng 15 năm kinh nghiệm.
Theo vị quản đốc trên, trước khi bước vào quy trình phát triển một sản phẩm, việc đầu tiên những người thợ lành nghề thuộc bộ phận phát triển phải làm là nghiên cứu các bản vẽ được gửi từ studio của Karl Lagerfeld. Sau khi thấm nhuần được ý tưởng sáng tạo của Karl Lagerfeld, họ bắt đầu công đoạn tạo khuôn túi để làm ra khoảng 200-300 chiếc túi "demo" cho một thiết kế. Tuy nhiên, chỉ vài chiếc có tỷ lệ chính xác nhất và những đường khâu chuẩn xác nhất mới được lựa chọn làm túi mẫu.
Khi những chiếc túi mẫu đã được thông qua, một đội ngũ bao gồm thợ thuộc da, kỹ sư và thợ cắt sẽ cùng làm việc để sản xuất khoảng 10 chiếc cho mỗi mẫu hằng tuần nhằm đáp ứng nhu cầu của các cửa hàng Chanel. Trước khi ráp túi, các tấm da phải được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng được cắt bằng tay hoặc bằng máy rồi khâu lại, cắt gọt và hoàn thiện. Đây là quá trình đòi hỏi sự chuẩn xác tới từng milimet. Phải đến 80% thời gian trong quá trình sản xuất túi được thực hiện trên bàn ráp, với sự tham gia của những thợ thủ công bậc thầy của Chanel.
Những đường kim mũi chỉ ở chiếc túi Chanel được thực hiện rất chuẩn xác. |
Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là phải đảm bảo được sự nhất quán giữa bề ngoài và bên trong túi. Túi sẽ được lộn trái để ráp phần lót màu đỏ rồi sau đó lại được lộn phải một lần nữa. Do đó, những người thợ phải thực hiện hết sức cẩn thận, chỉ một sai sót nhỏ cũng sẽ làm hư hại chất liệu da.
Tuy nhiên, công đoạn sản xuất một chiếc túi Chanel không dừng lại ở đó. Những chiếc túi thành phẩm phải trải qua một giai đoạn kiểm tra về tiêu chuẩn kỹ thuật trong môi trường khắc nghiệt với những trang thiết bị kỹ thuật cao. Chúng phải chịu được khoảng 72 giờ ở nhiệt độ 60 độ C và độ ẩm 95%. Ngoài ra, phần da cũng sẽ được kiểm chứng khả năng chịu tia cực tím (UV), những tác động của lực và nước. Cuối cùng mới là công đoạn đóng gói với những trình tự nghiêm ngặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét