Cập nhật lúc : Thứ sáu 22/03/2013 08:00
Bão, lũ bất thường ngày càng nhiều
"Những số liệu do mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia thu thập được cho thấy rõ những bằng chứng cho thấy thiên tai nghiêm trọng với những biểu hiện bất thường xảy ra ngày càng nhiều", ông Đức nhấn mạnh, "Các cơn bão với những biểu hiện bất thường xảy ra nhiều hơn.". Riêng trong năm ngoái 2012 có 03 cơn bão có đường đi dị thường đổ bộ trực tiếp vào nước ta.
Còn năm 2013 này, mùa mưa bão cũng đến sớm hơn so với trung bình mọi năm khi đầu tháng 1 bão đã xuất hiện trên biển Đông - theo TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Năm nay số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông khoảng 11-13 cơn - ở mức cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm, trong đó khoảng từ 5 - 6 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta, ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
"Ngoài ra lũ quét, tố, lốc liên tục xảy ra ở hầu hết các tỉnh trong cả nước", ông Đức cho biết "Lũ lụt xảy ra ngày càng nhiều với tính khốc liệt ngày càng tăng, đặc biệt là ở miền Trung."
Còn nhớ năm 2007, lũ lụt lớn có tính lịch sử tàn phá hàng loạt các tỉnh miền Trung gây ngập úng hàng ngàn hectare; nhiều đoạn quốc lộ 1A ngập làm gián đoạn giao thông trong nhiều ngày. Hay đợt mưa lớn bất thường tháng 11/2008 với lượng mưa kỷ lục khiến thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ bị ngập lụt trong nhiều ngày, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Ông Đức cho biết theo thống kê trong 15 năm qua (1997 - 2011), các loại thiên tai như bão, lũ, hạn hán và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 10.000 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP.
Một mùa Đông ấm nóng bất thường
Theo ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Tỉnh Lào Cai, lần đầu tiên trong lịch sử, ngành khí tượng thủy văn nước ta ghi nhận được mùa Đông 2012-2013 thời tiết miền Bắc diễn biến dị thường khi rét đậm, rét hại đến muộn và kết thúc sớm.
Đáng chú ý, trong tháng 1 và 2/2013 là thời kỳ chính đông nhưng lại xuất hiện nhiều đợt ấm nóng kéo dài trong đó có đợt tiết trời ấm nóng như những ngày mùa hạ.
Mùa đông 2012-2013, Bắc Bộ chỉ có một đợt rét đậm, rét hại duy nhất. Một sự quá đỗi dị thường của thời tiết miền Bắc trong mùa Đông năm nay.
Đặc biệt, khu tây bắc Bắc Bộ tháng 2 đã xuất hiện nắng nóng cục bộ. Có địa phương nắng nóng đạt mức gay gắt với nhiệt độ cao nhất lớn hơn hoặc bằng 37 độ C.
Theo chuỗi số liệu nhiều năm đã thu thập được, các mùa đông hàng năm trước đợt rét đậm đầu tiên thường xảy ra trong khoảng từ ngày 20 đến 25/12, tuy nhiên có năm rét đậm đến sớm hơn và đợt rét đậm đầu tiên xuất hiện thường không kéo dài.
Trung bình cả mùa đông có khoảng 3-4 đợt rét đậm, rét hại, có mùa đông nhiều hơn. Nhưng mùa Đông năm nay đợt rét đậm đầu tiên ở miền Bắc xuất hiện muộn so với nhiều năm gần đây nhưng lại kéo dài và khá khốc liệt.
Chưa có mô hình dự báo riêng
Bà Nguyễn Thị Bình Minh, Cục Khí tượng Thủy văn&Biến đổi Khí hậu, cho biết mặc dù chưa xây dựng được mô hình dự báo riêng nhưng nhờ trao đổi sản phẩm và mô hình giữa các nước, Việt Nam cũng đã tiếp cận, xử lý được nhiều mô hình dự báo tiên tiến phục vụ cho nghiệp vụ và cũng được đề xuất xây dựng một trung tâm mô hình số trị của khu vực Đông Nam Á.
"Đây cũng là một hướng rất tốt cho việc phát triển mô hình số trị của Việt Nam", bà Nguyễn Thị Bình Minh chia sẻ.
Hiện nay Việt Nam có ba kênh kết nối với các đầu mối viễn thông khu vực là Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), và Moscow (Nga) giúp truyền tải nhanh các số liệu, thông tin quan trắc khí tượng, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai, lũ lụt, sóng thần, động đất và cảnh báo các thảm họa hạt nhân.
Theo ông Đức, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn của nước ta hiện nay gồm hơn 500 trạm các loại, đang hàng ngày hàng giờ đo đạc quan trắc các thông số về thời tiết, khí hậu, và thủy văn gửi về các cơ quan dự báo để cảnh báo sớm thiên tai, sớm đưa ra biện pháp phòng tránh.
Trong những năm gần đây, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn được đầu tư xây dựng và nâng cấp; lắp đặt một số máy và trang thiết bị hiện đại thế hệ mới phục vụ hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo bão, thiên tai, lũ lụt.
Mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn từng bước được hiện đại hóa thông qua việc thực hiện chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020 và đề án "Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn giai đoạn 2010 – 2020".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét