Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài (1,...8)
Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài 1: Bão dồn, lũ dậpThứ tư, 09/12/2009, 02:55 (GMT+7)
SGGP Online- Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài 1: Bão dồn, lũ dập
LTS: Năm nào bão, lũ cũng càn quét miền Trung. Sau mỗi đợt thiên tai "đổ bộ" người dân vùng lũ ngập chìm trong tang tóc: mất mát tính mạng, hoang tàn tài sản, xóa sổ làng mạc! Sau bão lũ, đồng bào cả nước chung tay san sẻ nỗi khổ đau, người dân sửa sang lại cuộc sống mới; nhưng rồi có thể bị mất tiếp, nếu năm sau lại xảy ra bão lũ! Loạt bài này Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ đề cập cách tiếp cận mới: Miền Trung đã chuẩn bị gì để sống chung với bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra, hay đang phó mặc cho sự định đoạt của thủy thần? Vấn đề này thuộc miền Trung hay đó là trách nhiệm của cả nước?
Đã 10 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến trận lũ hồi tháng 11-1999, người dân làng Phương Trung thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà Nguyễn Thị Nà, 74 tuổi, nhớ lại: "Tui sống tới chừng này mà chưa bao giờ thấy trận lũ nào khủng khiếp như thế. Trời mưa như trút nước hai ngày liền, nước từ trên nguồn đổ về, dâng cao và bao quanh khắp làng. Chập choạng tối, phía ngoài bờ sông vang lên tiếng ầm ầm vì đất lở. Cả làng hốt hoảng bỏ nhà để chạy lên gò đất cao, ngay lập tức lũ đã cuốn trôi cả làng với 300 ngôi nhà".
Cũng trong cơn "đại hồng thủy" năm 1999, cách làng Phương Trung hàng trăm kilômét ở bên kia đèo Hải Vân là làng Hòa Duân nằm sát bãi biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng bị xóa sổ. Bây giờ, mỗi khi nhắc đến Hòa Duân, người Huế không khỏi chạnh lòng, đau xót. Chỉ trong một đêm cả ngôi làng bị cuốn phăng ra biển, 64 ngôi nhà và 14 người cũng bị lũ cuốn đi. Trong đó, thảm thương nhất là gia đình ông Trần Văn Kiệu, 12 người chết gồm hai ông bà già, 4 người con trai, 4 đứa cháu nội, 2 cô con dâu. Người duy nhất sống sót là anh Trần Văn Thu, 10 năm đã trôi qua, nhưng cái đêm hãi hùng đó với anh như mới diễn ra.
Nỗi kinh hoàng trong mùa lũ
Chỉ một lúc sau, từ đồn biên phòng nhìn về ngôi nhà của bố mẹ, anh thấy ánh đèn măng sông sáng xanh phụt tắt, chỉ nghe tiếng nước réo ào ào cuồn cuộn. Anh Thu ngất đi khi biết 12 người ruột thịt gồm bố, mẹ, vợ con, anh em mình đã bị dòng nước lũ hung dữ cuốn phăng ra biển.
Lũ lụt lịch sử năm 1999, nhấn chìm 100% nhà cửa của người dân Thừa Thiên - Huế trong biển nước.
Ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Đê điều và phòng chống lụt bão, cho rằng: Năm nào miền Trung cũng gặp nhiều thiên tai. Đặc biệt, dấu ấn về trận lũ lịch sử năm 1999 mãi mãi không bao giờ phai đối với những người làm công tác phòng chống lụt bão và người dân vùng bị ảnh hưởng. Bởi chỉ trong vòng 1 tháng liên tiếp xảy ra 2 đợt lũ đặc biệt lớn, trên cùng một khu vực, làm trên 1.000 người chết, 52.000 ngôi nhà bị trôi, thiệt hại hơn 5.400 tỷ đồng. Và "thảm họa" thiên tai đó lại xảy ra đúng 10 năm sau, năm 2009. Hai đợt bão lũ đã tàn phá, nhấn chìm cả miền Trung, làm gần 300 người chết và mất tích, gần 100.000 ngôi nhà bị sập, trôi, tốc mái; thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng.
10 năm qua, trung bình hàng năm bão lũ gây thiệt hại về kinh tế là 1,5% GDP của cả nước. Đặc biệt năm 2006, bão Xangsane đã làm thiệt hại các tỉnh miền Trung lên tới 18.500 tỷ đồng. Đà Nẵng là tâm bão, chưa đầy một giờ tung hoành bão Xangsane đã "quét" địa phương này "bay đứt" 5.290 tỷ đồng, coi như gần mất hết GDP của năm 2006.
Sau cơn bão số 9, lũ gây thiệt hại nặng nề vùng hạ du sông Vu Gia. Ảnh: Nguyên Khôi
Đã hơn 3 năm trôi qua, nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ như in cảnh tượng người dân ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế đi nhặt từng nhành cây, cái bát hứng mủ cao su mà nước mắt lưng tròng. Bởi hơn 700ha cây cao su đồng bào ở đây bỏ công sức tiền của chăm sóc 10 năm trời đã trở thành những đống củi khô sau khi cơn bão Xangsane quét qua.
Nhà cửa, làng mạc miền Trung bị ngập chìm trong cơn lũ hồi tháng 9-2009. Ảnh: Nguyễn Hùng
Trong một lần đi thị sát tình hình lũ lụt ở miền Trung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thốt lên: "Không biết bao giờ miền Trung mới khá lên được. Đi đến đâu cũng thấy cảnh hoang tàn, xơ xác, tang thương. Cả năm quần quật làm lụng, chỉ một cơn bão hay trận lũ quét qua thì tất cả trở thành đống bùn đất. Trắng tay!".
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, trong những năm tới, miền Trung sẽ còn tiếp tục hứng chịu nhiều trận bão lũ với cường độ ngày càng mạnh hơn. Bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu toàn cầu thì chắc chắn những tác động hủy hoại môi trường sống do con người "ra tay" đã làm cho bão, lũ tàn phá miền Trung khốc liệt.
Những đợt bão lũ gây thiệt hại nặng nề tại miền Trung:
- Năm 1964, 2 cơn bão liên tiếp Iris và Joan đổ bộ vào Phú Yên và Bình Định, làm chết hơn 7.000 người.
- Năm 1985 cơn bão Cecil cấp 12 đổ bộ vào Quảng Trị – Thừa Thiên-Huế gây chết hơn 800 người ở vùng phá Tam Giang.
- Năm 1989, 3 trận bão cấp 12 đổ bộ liên tiếp vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh làm chết 484 người.
- Năm 1996 có 4 cơn bão và 11 trận lũ đổ vào khu vực miền Trung đã làm chết 1.028 người.
- Năm 1999 là năm được xem là kỷ lục ở miền Trung về lũ lụt, làm trên 1.000 người chết, 52.000 ngôi nhà bị trôi, thiệt hại hơn 5.400 tỷ đồng.
- Năm 2006, bão Chanchu đã làm chết và mất tích 268 ngư dân. Cơn bão Xangsane làm 76 người chết và 9 đợt lũ quét làm 77 người chết và mất tích.
- Năm 2009, bão Ketsana và Mirinae kết hợp với lũ đặc biệt lớn làm gần 300 người chết và mất tích.
(N.HÙNG - V.THẮNG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét