Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Việt Nam đứng thứ 4 trên bản đồ rủi ro

http://tnmtbackan.gov.vn/index.php/vi/news/Tin-chuyen-nganh/Viet-Nam-dung-thu-4-tren-ban-do-rui-ro-277/

Việt Nam đứng thứ 4 trên bản đồ rủi ro

Thứ sáu - 10/06/2011 00:00

Theo thống kê, trong những năm từ 1996-2008, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập hạn hán và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 9.600 người. Giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

15% dân số tại các nước đang phát triển đang sống tại những khu vực có nguy cơ cao về thiên tai. Trên bản đồ rủi ro thì Việt Nam là một trong 4 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan trong hai thập kỷ trở lại đây và đứng thứ 3 nếu chỉ tính riêng trong năm 2008. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về giảm nhẹ thiên tai được tổ chức tại Thụy Sỹ vào ngày 10/5 vừa qua.

Bức tranh toàn cảnh
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và chịu tác động trực tiếp của ổ bão Châu Á -Thái Bình Dương - một trong 5 ổ bão lớn của thế giới. Cùng với đặc thù đó, những nguyên nhân chủ quan do con người tạo ra như chặt phá và khai thác rừng bừa bãi khiến rừng bị tàn phá nặng nề, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên không có kiểm soát làm đất đai bị xói mòn, sự gia tăng ồ ạt của các chất thải gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến môi trường, các hệ sinh thái tự nhiên dẫn đến Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với các loại hình thiên tai phổ biến như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, rét đậm, rét hại. Nước ta nằm trong số 10 nước hàng đầu về tần suất bị thiên tai trên thế giới. 
Những năm gần đây, thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan hơn và gia tăng về quy mô. Theo thống kê, trong những năm từ 1996-2008, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập hạn hán và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 9. 600 người. Giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Đặc biệt, năm 2009, thiệt hai do các đợt thiên tai, lũ lụt trên cả nước gây ra là 23.745 tỷ đồng với 426 người chết, 28 người mất tích, 1.390 người bị thương cùng nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản, hoa màu và các công trình công cộng. Con số này năm 2010 là hơn 16.000 tỷ đồng. Thiên tai ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, càng tác động mạnh tới các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam. Ngoài bão lũ, mưa lớn, sạt lở, xâm nhập mặn... các hiện tượng như động đất, sóng thần cũng luôn rình rập đe dọa cuộc sống của người dân.
Trong năm 2010, đã xảy ra một số trận động đất cường độ nhẹ ở các tỉnh, thành như Cao Bằng, Thanh Hóa, Bình Thuận, Sơn La, Hà Tĩnh, Hà Nội… Tuy chúng không gây thiệt hại gì về con người và vật chất nhưng đây là dấu hiệu cho thấy vỏ trái đất ở khu vực Việt Nam không hoàn toàn bình ổn.
Tại buổi thử nghiệm hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần tổ chức ngày 15/5 vừa qua ở Đà Nẵng, các chuyên gia đã đưa ra nhận định miền Trung Việt Nam có thể bị sóng thần cao trên 10m. Theo Tiến sỹ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), nhận định, nếu các trận động đất xảy ra tại các vùng biển lân cận Việt Nam lên đến 8.3 độ Richter có thể tạo sóng thần cao 5.2m ở Quảng Ngãi và 2,1m ở Nha Trang. Nếu mạnh 9,2 độ Richter thì sóng thần ở Quảng Ngãi sẽ cao 10,6m và ở Nha Trang là 5m. Sóng thần đi từ rãnh nước sâu Manila tới bờ biển Việt Nam chỉ mất khoảng 2 giờ sau khi xảy ra động đất.
Đó là những con số minh chứng cho thiên tai ngày càng khốc liệt, diễn biến bất thường trong thời gian gần đây. Nó không còn là chuyện của tương lai mà thực tế đang hiện hữu và cần quan tâm.

Thách thức vẫn luôn phía trước
Những năm gần đây, công tác phòng, chống lụt bão của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, với phương châm "4 tại chỗ", chủ động ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Mỗi năm, thực hiện chiến lược Quốc gia về phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, Chính phủ đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho việc xây dựng, tu bổ đê điều, khắc phục hậu quả thiên tai.
Các hồ thủy điện đã và đang tham gia hiệu quả vào việc trị thủy, "cắt" lũ, trong đó hồ thủy điện Sơn La bắt  đầu tham gia cắt lũ sớm hơn dự kiến, góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều và dân cư ở hạ du  đồng bằng Sông Hồng; các công trình giao thông vượt lũ, công trình tiêu thoát lũ, cụm tuyến dân cư vượt lũ…đã tạo nên kỹ thuật vững chắc góp phần tăng khả năng ứng phó với những tình huống thiên tai lũ, bão.
Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho nhân dân, đặc biệt là nông dân trong việc khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời khi thiên tai xảy ra đều có sự hỗ trợ kịp thời, đó là nguồn động viên, khuyến khích to lớn đối với nhân dân và tạo cơ sở giữ vững ổn định sau mỗi đợt thiên tai xảy ra.
Nhiều địa phương đã đầu tư với tỷ trọng lớn kinh phí cho việc tu bổ đê điều, hồ đập; cụm tuyến dân cư; di dân tái định cư; khu neo đậu, trú, tránh tàu thuyền, trồng và bảo vệ rừng…góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng trước thiên tai.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trong năm 2011 sẽ có 10-12 cơn bão nhiệt đới trên biển Đông và sẽ có một nửa trong số ấy ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, đồng thời mưa lũ năm nay cũng diễn biến hết sức phức tạp. Lũ sẽ đến sớm hơn so với mọi năm.
Thiên tai và biến đổi khí hậu gây bao mất mát, đau thương cho con người không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại ấy cần sự phối hợp của cả cộng đồng. Hơn bao giờ hết là ngay từ bây giờ, mỗi người cần nâng cao sự hiểu biết, có thái độ tích cực, chủ động và sẵn sàng phòng tránh khi có cảnh báo để kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Nguồn tin: TTCNTT TN&MT (Theo Monre)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...