Apple - phù thủy đang đánh mất phép màu
Apple đang ra tòa để bảo vệ những sản phẩm quan trọng nhất của họ là iPhone và iPad, nhưng đổi lại, họ phải phơi bày cho các đối thủ và toàn thế giới biết về những bí mật từng được giấu kín của mình.
Trong bài viết "Apple có nguy cơ mất dần phép màu", tác giả Nick Bilton của báo The New York Times kể lại câu chuyện diễn ra từ những năm 30 của thế kỷ trước khi nhà ảo thuật Horace Goldin ra tòa để cố giữ "ngón nghề" của ông: cưa một phụ nữ làm đôi.
Goldin kiện công ty R.J. Reynolds Tobacco vì sử dụng mẹo này trong quảng cáo. Goldin được cấp bản quyền cho màn ảo thuật này từ cả chục năm trước đó. Ông cho rằng đoạn quảng cáo gây ảnh hưởng đến các buổi trình diễn và đòi bồi thường thiệt hại 50.000 USD (tương đương 865.000 USD ngày nay).
Nhà báo Nick Bilton cho hay ông nhớ tới Goldin khi ngồi trong tòa án lắng nghe những chứng cứ mà Apple đưa ra nhằm khẳng định Samsung vi phạm bản quyền thiết kế iPhone và iPad.
Với việc đệ đơn kiện, Goldin đã buộc phải công khai những bí mật của riêng ông. Apple, để bảo vệ thiết kế, cũng không còn là công ty bí ẩn bậc nhất ở thung lũng Silicon nữa khi mà họ phải kể tường tận rằng iPhone thực ra không phải sản phẩm sinh ra từ phép màu nhiệm mà Apple cũng phải thử vô số mẫu thiết kế, trải qua hàng loạt những cuộc tranh cãi, nghi ngờ... mới có thể cho trình làng smartphone vào năm 2007.
Steve Jobs được coi là phù thủy với những sản phẩm nhiệm màu. |
Steve Jobs, cố CEO của Apple, vẫn luôn được gọi là thầy phù thủy của làng công nghệ. Bất cứ ai từng theo dõi các buổi ra mắt sản phẩm sẽ nhớ đến việc ông liên tục lặp đi lặp lại từ "kỳ diệu" để mô tả thiết bị.
Và để khiến nó trở nên kỳ diệu, Apple không bao giờ tiết lộ sản phẩm được ra đời như thế nào và họ cũng thường xuyên làm cho giới truyền thông bực mình vì luôn kín như bưng trong mọi chuyện, kể cả khi người ta chỉ trích họ.
Dựa trên những tài liệu tại tòa như hình ảnh, e-mail, prototype, mọi người như thấy "Quả táo" đang vén màn bí mật. Trong ngày đầu của phiên tranh tụng, nhà thiết kế Christopher Stringer của Apple mô tả khoảng 15-16 người ngồi quanh chiếc bàn trong bếp để bàn luận và tạo ra mẫu thử, trong đó có iPad màu trắng, đen, sử dụng chất liệu kim loại... hay một số thiết kế iPhone kỳ quặc, siêu dài hoặc mập mạp...
Đến phiên tòa diễn ra ngày 3/8, Philip Schiller, Phó chủ tịch Apple, cho biết Apple thực ra đã chi tới hơn 100 triệu USD cho quảng cáo iPhone mỗi năm (trong khi trước đó nhiều người tin Apple tiết kiệm được khoản tiền khổng lồ nhờ những sản phẩm "hot" được quảng cáo không công của họ). Hay Scott Forstall, phụ trách phát triển iOS, đi xa hơn khi kể quá trình Apple biến dự án Purple thành iPhone. Cả nhóm làm việc trong một tòa nhà treo biển đề Fight Club với camera khắp nơi và hầu hết nhân viên tham gia dự án không hề biết những việc họ đang làm phục vụ cho việc gì.
Các bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa Apple - Samsung. |
Vụ kiện Apple - Samsung mới diễn ra được một tuần và còn 3 tuần phía trước (nếu bồi thẩm đoàn chưa thể đưa ra kết luận sớm hơn). Một số lãnh đạo khác của Apple sẽ tiếp tục phải trình diện để mô tả về "phép màu" của họ với mục đích chứng minh iPhone không dễ phát triển nên việc các đối thủ vô tư "tận hưởng" và bắt chước là điều khó chấp nhận.
Tác giả Bilton cho rằng, dù Apple thắng kiện, họ sẽ có nguy cơ trở thành Goldin 80 năm trước. Khi đó, tòa án nghiêng về Goldin, nhưng nhà ảo thuật vẫn bị coi là thất bại. Ngoài khoản phí khổng lồ, báo chí đã nhiệt tình đăng mưu mẹo trong màn cưa đôi người của ông (trong hòm có hai người phụ nữ, một người thò chân và một người thò đầu ở phía còn lại). Như thế, nó không còn là bí mật nữa.
Nhiều năm sau, khi Goldin sáng tạo ra một trò mới, ông còn không buồn nộp đơn đăng ký bản quyền để làm bằng chứng kiện ai về sau. Ông đã hiểu ra rằng cố bảo vệ bí mật bằng cách kiện cáo không phải điều hay.
Còn Apple, việc chia sẻ quá trình hình thành iPhone đã thay đổi cách mọi người nghĩ về Apple và khiến họ mất một phần sự huyền bí.
Châu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét