Bệnh 'thừa thầy thiếu thợ' ở Hàn Quốc
Song A-Hyun từng tự tin rằng cô sẽ nối gót cha, tốt nghiệp trường đại học danh tiếng nhất, làm việc ở một công ty hàng đầu và chẳng mấy chốc mà sẽ lên như diều.
> Những gia đình 'ngỗng hoang' ở Hàn Quốc
> Hàng tỷ đôla đổ vào học thêm ở châu Á
Ngày càng có nhiều người trẻ Hàn Quốc có trình độ cao phải đối mặt với viễn cảnh việc làm ảm đạm. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, giấc mơ của cô cử nhân 23 tuổi đang dần bị lung lay. Một năm qua, Song đã gửi hơn 40 hồ sơ xin việc trước khi ra trường vào tháng này, nhưng tất thảy đều bị từ chối.
Tốt nghiệp ở trường đại học hàng đầu dành cho nữ giới mang tên Ewha, điểm trung bình cao, từng được cử đi Hong Kong theo chương trình trao đổi sinh viên, giao tiếp tiếng Anh như gió và hai chứng nhận thực tập sinh dường như vẫn không đủ.
"Mọi người đều có điểm trung bình khá cao, điểm thi tiếng Anh cũng không kém và đều đã thực tập một đến hai nơi, do đó hồ sơ xin việc của tôi chẳng có gì đặc biệt", Song nói. "Tôi đã nỗ lực hết sức để có được những thành tích ấy, nhưng có quá nhiều người như tôi và quá ít công việc cho chúng tôi".
Song là một trong số ngày càng nhiều những người trẻ Hàn Quốc có trình độ cao nhưng lại phải đối mặt với viễn cảnh việc làm ảm đạm do thừa thải cử nhân và đà tăng trưởng kinh tế chậm lại sau nhiều thập kỷ phát triển với tốc độ chóng mặt.
Sự chú trọng đến giáo dục của người Hàn Quốc từ lâu đã được ví như nền tảng đưa quốc gia này từ một nước lạc hậu sau chiến tranh trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu. Trẻ em dành cả thời thơ ấu của mình để chạy đua vào các trường đại học uy tín hoặc ít nhất là một số trường cao đẳng nhất định. Đây được xem là yếu tố quan trọng quyết định thành bại, vị trí xã hội sau này, thậm chí là hôn nhân, của mỗi người.
Nhóm trường đại học được gọi là SKY, gồm đại học quốc gia Seoul, đại học Hàn Quốc và Yonsei, là những trường danh giá nhất. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp sau khi ra trường ngày càng tăng, chính phủ đã phải tổ chức một chiến dịch khuyến khích giới trẻ bỏ qua con đường học lên đại học hoặc cao đẳng, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực vừa tốt nghiệp trung học.
Khoảng 72% học sinh tốt nghiệp cấp ba theo học ở các trường đại học, cao đẳng trên khắp Hàn Quốc năm ngoái, giảm nhẹ so với 83,8% năm 2008 nhưng vẫn là một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Tuy nhiên, những công việc lý tưởng đều đang thu hẹp cánh cửa khi sự phát triển nhanh chóng nhường chỗ cho sự phát triển cầm chừng và ngày càng nhiều người trẻ từ chối các công ty vừa và nhỏ trả lương thấp.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã nhiều lần yêu cầu các sinh viên giảm tiêu chuẩn và tìm kiếm công việc ở những công ty ít danh tiếng hơn, cũng như phê duyệt nhiều chương trình ủng hộ các trường dạy nghề.
" 'Lạm phát giáo dục' quá đà ở nước ta đang gây ra nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội", ông Lee nói hồi đầu năm nay. Ông thậm chí còn đề xuất lập một hạn ngạch tuyển dụng ở các cơ quan chính phủ cho các học sinh tốt nghiệp cấp ba, một phương pháp dự kiến khuyến khích nhiều bạn trẻ tìm việc làm luôn sau khi học xong cấp ba, thay vì thi vào đại học mà không có mục tiêu rõ ràng.
Tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở Hàn Quốc là khoảng 3%, nhưng tỷ lệ số người từ 25 đến 29 tuổi không việc làm lại cao gấp hai lần. Trong quý hai, số cử nhân thất nghiệp, ước tính 373.000 người, đã lần đầu tiên vượt qua số học sinh cấp ba không có việc làm sau hơn 10 năm. Thậm chí tại trường đại học quốc gia Seoul, năm 2011, gần 30% người có bằng tiến sĩ vẫn thất nghiệp, tăng gấp đôi so với cách đó hai năm.
Một cô gái đang đọc các thông báo tuyển dụng ở một trường đại học dành cho nữ giới của Seoul. Ảnh: AFP |
Đáp lại lời kêu gọi của chính phủ, các công ty lớn đang tuyển dụng hoặc hứa hẹn tuyển dụng thêm các học sinh đã tốt nghiệp trung học và cất nhắc họ lên những vị trí cao hơn. Samsung năm nay tuyển khoảng 700 học sinh tốt nghiệp cấp ba vào các công việc văn phòng. Tập đoàn SK cam kết tuyển dụng 2.100 vị trí. Các công ty khác như LG hay Hyundai Motor tiết lộ kế hoạch thu nhận các học sinh tốt nghiệp trung học với số lượng lớn hơn trước đây.
"Có nhiều nhân lực trình độ cao là một điều đáng mừng, nhưng ở Hàn Quốc, số lượng này lại vượt quá số công việc phù hợp dành cho họ". Ki Hi-Sam, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc nói. "Các tập đoàn như Samsung, LG hay Hyundai chỉ chiếm 10% thị trường việc làm của chúng ta, nhưng hỏi bất kỳ sinh viên đại học nào, họ cũng đều nói muốn làm việc ở các công ty hàng đầu và không thể kém hơn thế".
Bộ Lao động Hàn Quốc trong một báo cáo gần đây cảnh báo rằng các cử nhân đại học, cao đẳng sẽ đối mặt với sự thiếu hụt 500.000 việc làm vào năm 2020, trong khi số việc làm cho học sinh tốt nghiệp trung học lại dư thừa 320.000. Bộ kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa nhằm đưa các nhân công trẻ vào thị trường việc làm sớm, cắt giảm số lượng cử nhân và giảm phân biệt trong việc trả lương và thăng tiến đối với nguồn nhân lực tốt nghiệp trung học.
Đến nay, những cử nhân như Song vẫn đang chìm trong tuyệt vọng.
"Nếu tôi có con, tôi sẽ không bao giờ bắt chúng phải đi học đại học như bố mẹ tôi từng làm nữa. Tôi sẽ để chúng xác định niềm đam mê thực sự trước, thay vì bắt chúng đi theo lối mòn", cô gái 23 tuổi nói. "Nhưng việc kết hôn và có con dường như là một điều xa xỉ, bất khả thi, cho đến khi tôi tìm được việc làm".
Anh Ngọc (theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét