Kiến thức cơ bản về ổ SSD bạn nên biết trước khi chọn mua (Phần 2)
Chọn mua SSD không khó, những có nhiều điều làm chúng ta phân tâm, ví dụ như tốc độ, thương hiệu... vậy thì đâu là những tiêu chí cần quan tâm khi chọn mua 1 ổ SSD? Chúng ta sẽ cùng làm rõ ngay sau đây.
1. Tốc độ truy xuất tối đa
Với giao tiếp Sata 3 hiện nay (băng thông 6Gpbs), những ổ SSD có thể đạt tốc độ đọc và ghi rất nhanh, lên đến hơn 500MB/giây, còn những SSD sử dụng chuẩn Sata 2 thì có tốc độ thấp hơn nhiều, trong khoảng 200 - 275MB/giây, những thông số này đều được nhà sản xuất công bố và ghi rõ bên bao bì của sản phẩm mà khi mua chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy.
Đo tốc độ truy xuất của 1 SSD sata 3
2. Loại chip nhớ, MLC hay SLC
Các SSD hiện nay sử dụng 2 loại chip nhớ, là MLC (multi level cell) và SLC (single level cell), điểm khác biệt giữa chúng là MLC có thể lưu trữ nhiều dữ liệu hơn trên mỗi cell, và cũng dễ sản xuất hơn, do đó giá thành của SSD sử dụng chip dạng MLC sẽ có giá bán rẻ hơn loại SLC. Các hãng sản xuất SSD chuyên sử dụng MLC có thể kể đến như Corsair, Crucial, Kingmax, Adata... Tuy nhiên vì lưu trữ nhiều dữ liệu trên một cell hơn nên chip MLC cũng có tỉ lệ lỗi cao hơn loại SLC, nhưng nó vẫn rất ít gặp chứ không xảy ra tình trạng mất dữ liệu phổ biến như trên HDD.
Intel thường dùng loại chip SLC nên SSD của họ thường có giá mắc hơn
3. Giao tiếp hỗ trợ
Hiện nay chúng ta đã có giao tiếp Sata III với băng thông lên đến 6Gbps, các SSD sử dụng chuẩn này có thể đạt tốc độ đọc, ghi lên đến hơn 550MB/giây. Và để tận dụng được băng thông này, bạn nên kiểm tra xem máy tính của mình có hỗ trợ Sata 3 hay chỉ là Sata I (1,5Gbps) hoặc Sata II (3Gbps) hay không, dĩ nhiên SSD Sata 3 cũng tương thích ngược với Sata I và II, tuy nhiên tốc độ cũng bị giảm xuống tương ứng.
4.Chức năng sửa lỗi ECC
ECC (Error Correcting Code) là một chức năng giúp SSD có thể tự phát hiện và sửa các lỗi dữ liệu phát sinh trong quá trình sử dụng, giúp hạn chế tình trạng dữ liệu của chúng ta không may bị mất mát hoặc hư hỏng. Tuy nhiên ECC chỉ được trang bị trên những SSD cao cấp và do đó giá thành của chúng cũng đắt hơn SSD thông thường rất nhiều, tương tự thông số MLC/SLC và chuẩn Sata, ECC cũng được nhà sản xuất công bố và ghi rõ trên bao bì (cũng như trang web) của sản phẩm cho người sử dụng được biết.
5. Lựa chọn thương hiệu phù hợp
Hiện nay có rất nhiều hãng tham gia sản xuất ổ SSD, tuy nhiên lại vắng bóng những tên tuổi cực kì nổi tiếng trong mảng HDD là Western Digital, Seagate hoặc Hitachi, nhưng không vì thế mà thị trường SSD kém sôi động hơn. Khi chọn mua một sản phẩm nào đó, thông thường ngoài giá cả thì chúng ta cũng hay bị chi phối bởi một yếu tố khác nữa, đó chính là thương hiệu, nếu ta thích thương hiệu này hoặc nó được bạn bè "khuyên dùng" thì dĩ nhiên nó sẽ có cảm tình tốt hơn với chúng ta. Do đó, hãy hỏi bạn bè hoặc người quen có dùng SSD để nhận lời khuyên từ họ, hoặc bạn cũng có thể tìm đọc cái bài đánh giá về SSD có trên mạng để tìm mua một chiếc ổ SSD thích hợp.
6. Làm công tác tư tưởng với SSD
Với 100$ trong tay thì bạn có thể mua được 1 HDD 2.5" dung lượng 1TB, nhưng với SSD thì chỉ được ổ 128GB, nôm na là với cùng số tiền bỏ ra thì với SSD ta chỉ có được mức lưu trữ bằng 1/8 so với HDD thông thường. Do đó, khi chọn mua SSD thì bạn phải lên công tác tư tưởng với bản thân bởi giới hạn về mặt dung lượng của nó. Tuy nhiên, ta nên xác định rõ rằng tốc độ của SSD cao hơn HDD nhiều lần, mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể dễ dàng nhận thấy, và SSD thường dùng để cài hệ điều hành và phần mềm, giúp tăng hiệu năng hoạt động của máy tính, chứ nó ít được dùng để lưu trữ dữ liệu hơn. Do đó, hi sinh dung lượng để đổi lấy tốc độ của SSD là một việc làm đáng tiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét