Play Store
Play Store là cửa hàng trực tuyến của hệ điều hành Android, được Google nâng cấp lên từ Android Market. Phương thức thanh toán của cửa hàng trực tuyến này hết sức đơn giản với chỉ vài thao tác cơ bản.
Trước tiên, để truy cập vào Play Store, người dùng phải có một địa chỉ email (thường là Gmail) để xác thực danh tính. Nếu là lần đầu tiên giao dịch, hệ thống sẽ yêu cầu bạn xác thực phương thức thanh toán. Hiện tại Play Store chỉ hỗ trợ bốn nhà phát hành thẻ là VISA, MasterCard, American Express và Discover. Đến đây, bạn chỉ cần điền mọi thông tin đúng như trên thẻ, theo thứ tự từ trên xuống gồm:
- Card Number: Mã số thẻ. Đó là một dãy 16 số in ở mặt trước của thẻ.
- MM/YY: Tháng và năm hết hạn của thẻ. Chú ý tháng trước năm sau.
- CVC: Mã số xác thực thẻ. Gồm ba số hoặc bốn số được in riêng ở mặt sau hoặc mặt trước của thẻ.
- Name: Tên chủ thẻ. Điền theo đúng thứ tự ghi trên thẻ.
- Country/Regions: Chọn quốc gia.
- Postcode (hoặc Zip code): Gồm 5 số được quy ước theo chuẩn quốc tế. Dựa vào quốc gia chọn ở mục trên, bạn phải điền mã vùng theo đúng quốc gia đó. Một số mã vùng cho bạn tham khảo: 10000 (Hà Nội), 70000 (TP.HCM), 10001 (New York City), 02109 (Boston). Nên điền thông tin quốc gia và mã vùng trùng khớp với thông tin của địa chỉ email.
- Street: Tên phố.
- City: Tên thành phố.
- Phone Number: Số điện thoại.
Tùy vào việc lựa chọn quốc gia mà bạn sẽ có thêm hoặc bớt các mục phải điền như trên. Chẳng hạn, nếu chọn Mỹ, bạn phải điền Postcode trong khi nếu chọn Việt Nam bạn chỉ phải điền tên đường và thành phố nơi sinh sống.
Chọn Save để liên kết địa chỉ email với thẻ tín dụng/ghi nợ mà bạn đã đăng ký. Từ thời điểm này, mọi giao dịch trả phí sẽ trừ trực tiếp vào tiền trong tài khoản thẻ tín dụng/ghi nợ của bạn, mặc dù bạn vẫn có thể xóa liên kết này đi bất cứ lúc nào nếu muốn bằng cách đăng nhập vào hệ thống ví tiền điện tử Google Wallet.
Một điểm quan trọng mà bạn cần hết sức lưu ý là chính sách hoàn trả (refund). Google chỉ chịu trách nhiệm hoàn trả trong vòng 15 phút sau khi ứng dụng đã được cài đặt thành công bằng hệ thống refund tự động. Sau 15 phút, bạn không thể lấy lại tiền từ Google nếu không hài lòng về trò chơi và lúc này quyết định có trả lại tiền cho bạn hay không phụ thuộc vào nhà phát triển (tức đơn vị làm ra trò chơi đó).
Ngoài ra, những vật phẩm ảo mà bạn mua trong trò chơi (được gọi là hệ thống in- app purchase) và khoản phí hàng tháng để duy trì trò chơi (được gọi là subscription) không thuộc trách nhiệm hoàn trả của Google. Thông thường, rất khó để nhà phát triển chịu trả lại tiền cho bạn bởi tất cả những yêu cầu hoàn trả đều được họ xem xét cẩn thận một cách hoàn toàn thủ công. Vì vậy, hãy chắc chắn với những gì mình đã lựa chọn.
Ưu điểm: Chính sách hoàn trả linh hoạt, thủ tục đăng ký diễn ra nhanh chóng.
Nhược điểm: Nhiều ứng dụng không tương thích hoặc không cho phép tải về ở thị trường Việt Nam. Thỉnh thoảng xuất hiện lỗi khi bắt đầu tải về ứng dụng từ Play Store.
App Store
Cửa hàng trực tuyến App Store là cái tên hết sức quen thuộc với những fan của quả táo. Ra đời năm 2008, App Store đã mau chóng thu hút sự chú ý của các nhà phát triển nhờ sự đảm bảo về khả năng sinh lời của các ứng dụng được đưa ra chợ. Điều đó được chứng minh bằng hơn 725.000 ứng dụng hiện có trên cửa hàng này với 25 tỷ lượt tải về.
Khác với Google, cách quản lý giao dịch của Apple có phần chặt chẽ hơn. Để tiến hành quá trình mua ứng dụng có bản quyền, người dùng phải đăng ký mới một tài khoản (là địa chỉ email để nhận thông báo giao dịch) với mật khẩu riêng. Tài khoản và mật khẩu này sẽ được hỏi mỗi khi người dùng muốn mua bất kỳ ứng dụng trả phí nào.
App Store hiện mới chỉ hỗ trợ ba nhà phát hành thẻ là VISA, MasterCard và Amex. Các thông tin cơ bản phải điền cũng không có nhiều khác biệt so với Play Store, gồm:
- Card Number: Mã số thẻ.
- Security Code: Mã số xác thực thẻ, là một dãy 3 hoặc 4 số được in riêng ở mặt trước hoặc mặt sau của thẻ.
- Expiration Date: Thời hạn sử dụng của thẻ, gồm mục Month (tháng) và Year (năm).
- iTunes Gift Cards and Certificates: Mã quà tặng. Mục này có thể bỏ trống.
- Billing Address: Thông tin cá nhân. Chú ý First Name (Tên) và Last Name (Họ), ví dụ một người tên Nguyễn Văn Dũng thì First Name sẽ là Dũng còn Last Name là Nguyễn Văn.
- Các mục còn lại gồm: Address (địa chỉ), Town (tỉnh thành phố), Postcode (mã vùng), Phone (số điện thoại, +84 là mã quốc gia của Việt Nam).
Kể từ thời điểm này, bạn cần phải ghi nhớ tên tài khoản và mật khẩu đã đăng ký để chuẩn bị cho quá trình mua ứng dụng trả phí và xác thực thanh toán. Lý do cho sự lằng nhằng phức tạp này là bởi bản thân Apple không hỗ trợ chính sách hoàn trả. Người dùng muốn nhận lại tiền đã mất vì trót mua ứng dụng dở sẽ phải truy cập vào trang chủ iTunes bằng máy tính và phản hồi vấn đề một cách trực tiếp với nhà phát triển, cũng như trường hợp của Play Store.
Ưu điểm: Giao dịch có tính bảo mật cao. Nhiều ứng dụng độc quyền.
Nhược điểm: Thủ tục rườm rà.
BlackBerry AppWorld
Ưu điểm: Hỗ trợ nhiều loại thanh toán, nhiều nhà phát hành thẻ.
Nhược điểm: Ít ứng dụng giải trí.
Giống như Microsoft, BlackBerry cũng xây dựng hệ thống tài khoản riêng, tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là BlackBerry chấp nhận sử dụng hệ thống email không phải của hãng (như Gmail). Một điểm khác biệt nữa so với các store khác là BlackBerry hỗ trợ thanh toán bằng Paypal, một cổng thanh toán trung gian giúp cải thiện khả năng bảo mật thông tin thẻ tín dụng cho người dùng. Ngoài ra, BlackBerry còn hỗ trợ thanh toán bằng cách trừ tiền vào tài khoản của nhà mạng di động (Carrier Billing).
BlackBerry App World hỗ trợ tới 6 nhà phát hành thẻ, gồm VISA, Mastercard, American Express, Diners Club, Discover, JCB. Các thông tin phải điền gồm:
- Card Number: Mã số thẻ.
- Expiry Month: Tháng hết hạn sử dụng.
- Expiry Year: Năm hết hạn sử dụng.
- First Name: Tên chủ thẻ.
- Last Name: Họ chủ thẻ.
- Card Security Code: Mã số xác thực thẻ. Gồm ba số hoặc bốn số được in riêng ở mặt sau hoặc mặt trước của thẻ.
- Country: Quốc gia
- Street Address: Địa chỉ
- City: Thành phố
- State/Provine: Bang/Tiểu bang.
BlackBerry cũng hỗ trợ chính sách hoàn trả như các store khác, tuy nhiên nó chỉ có hiệu lực trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm giao dịch hoàn tất và bị hạn chế rất nhiều.
Windows Phone Store
Ưu điểm: Cho phép dùng thử sản phẩm trả phí. Các ứng dụng được thử nghiệm kỹ càng.
Nhược điểm: Khâu đăng ký phức tạp.
Hai năm sau khi Play Store và App Store được giới thiệu, Windows Phone Store (tiền thân là Windows Phone Marketplace) mới được Microsoft khai trương khánh thành. Sự chậm chạp này đã khiến Microsoft hụt hơi trong cuộc chiến nội dung số với đối thủ Apple và Google.
Nhằm đồng bộ hóa chuỗi sản phẩm của mình, Microsoft chủ trương tạo ra một hệ thống tài khoản riêng không liên kết với bất kỳ địa chỉ email nào khác. Điều đó đồng nghĩa với việc người dùng phải đăng ký mới hoàn toàn địa chỉ email thuộc Microsoft (@hotmail.com hoặc @live.com) để tiến hành giao dịch.
Một điểm khá thú vị là với hầu hết các ứng dụng, Marketplace đều cung cấp lựa chọn dùng thử. Nếu muốn mua ứng dụng trả phí, người dùng mới phải thêm thông tin thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ. Lưu ý là việc đăng ký sẽ chuyển tiếp tới trang Live.com của Microsoft. Ngoài ra, cũng như Google, Microsoft hiện hỗ trợ 4 loại thẻ là VISA, MasterCard, American Express và Discover. Các thông tin phải điền theo thứ tự gồm:
- Credit card number: Mã số thẻ.
- Expiration date: Ngày tháng hết hạn sử dụng. Thông tin này đã được in rõ ràng trên thẻ.
- Name on card: Tên chủ thẻ. Điền theo đúng thứ tự in trên thẻ.
- Verification number: Mã số xác thực in trên thẻ, gồm ba hoặc bốn số được in riêng ở mặt trước hoặc mặt sau của thẻ.
- Address 1: Địa chỉ thứ nhất.
- Address 2: Địa chỉ thứ hai.
- City: Thành phố.
- State: Bang.
- Zip Code: Mã vùng.
- Country/Region: Quốc gia được gán mặc định dựa trên sự lựa chọn của người dùng khi đăng ký email.
- Phone Number: Số điện thoại.
Cũng như App Store, chính sách hoàn trả của Marketplace phụ thuộc vào nhà phát triển và bởi Microsoft đã cung cấp tùy chọn dùng thử, vì vậy không có lý do gì để người dùng được nhận thêm chính sách hỗ trợ hoàn trả từ chính Microsoft.
Một số điểm cần lưu ý khi đăng ký mua ứng dụng trên chợ ứng dụng:
• Toàn bộ các thông tin nên điền tiếng Việt không dấu để tránh rắc rối phát sinh sau này.
• Mặc dù bạn có thể điền bừa ở những mục như số điện thoại, địa chỉ, đường, tỉnh thành phố, quốc gia nhưng những thông tin này nên được lưu lại để sử dụng cho những trường hợp yêu cầu hoàn trả sau này.
• Nên chọn quốc gia là Việt Nam để tiện cho việc đăng ký số điện thoại, nếu chọn quốc gia khác, trong một số trường hợp, bạn phải tìm kiếm số điện thoại phù hợp.
• Nên đăng ký mới một địa chỉ email với quốc gia là Việt Nam để đồng bộ hóa thông tin với tài khoản của bạn.
• Việc giao dịch được quản lý theo địa chỉ email mà bạn đã đăng ký, vì vậy hãy tuân thủ các nguyên tắc bảo mật cơ bản nhất như chỉ dùng trên máy tính cá nhân, không tiết lộ cho người thứ hai.
• Ứng dụng mà bạn đã mua chỉ dành cho mục đích sử dụng cá nhân, không được phép chia sẻ cho người khác (trừ phi bạn mua nó dưới dạng quà tặng - gift). Nếu đổi điện thoại, bạn nên đưa điện thoại cũ về chế độ mặc định (Factory Reset, Reset Your Phone hoặc Recovery Mode, cách gọi khác nhau tùy hệ điều hành) trước khi cài đặt ứng dụng đã mua trên điện thoại mới.
• Để yêu cầu hoàn trả (refund) tiền đã mua ứng dụng, bạn phải kết nối với điện thoại và đăng nhập vào trang chủ tương ứng của từng store.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét