Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Một số ứng dụng hay và bổ ích bạn nên cài lên chiếc iPad mới của mình

http://www.tinhte.vn/threads/1774521/

Một số ứng dụng hay và bổ ích bạn nên cài lên chiếc iPad mới của mình

Thảo luận trong 'Phần mềm cho iPad' bắt đầu bởi Duy Luân, 28/12/12.

Duy Luân Thích Công Nghệ

9
Như các bạn cũng đã biết, iPad có lợi thế là một màn hình to, do đó chúng ta có thể làm được rất nhiều việc với nó, từ những thứ phục vụ công việc như tinh chỉnh tài liệu, trình chiếu bài thuyết trình, dựng phim cho đến các thao tác giải trí như chơi game, chỉnh sửa ảnh, chat, giao tiếp với bạn bè bằng mạng xã hội. Theo sau bài viết Những phần mềm hữu ích bạn nên cài lên thiết bị Android mới mua, hôm nay mình sẽ tiếp tục giới thiệu đến các bạn loạt ứng dụng hay mà bạn nên cài lên chiếc iPad mới sắm hoặc vừa được tặng.

1. Bộ ứng dụng văn phòng iWork hoặc QuickOffice Pro HD

Bộ phần mềm này bao gồm ba app nhỏ: Pages, KeynoteNumbers. Trong đó, Pages giống như Word bởi vì nó có chức năng chính là soạn thảo, xử lí văn bản. Keynote tương tự như PowerPoint, chuyên đảm đương việc trình chiếu, soạn các slide thuyết trình, thêm bớt hiệu ứng,… Cuối cùng là Numbers có tính năng giống Excel: xử lí bảng tính, số liệu, tính toán bằng các loại công thức. Trong tất cả những bộ Office dành cho iPad mà mình từng dùng qua, iWork cho khả năng tương thích với các tập tin Microsoft Office khá nhất, hạn chế tối thiểu tình trạng các đối tượng bị di chuyển vị trí, mất hoặc đổi định dạng. Với các văn bản, slide phức tạp, Pages/Keynote vẫn có thể đảm đương rất tốt, đặc biệt nó còn hỗ trợ hiệu ứng trong slide, một điều mà không nhiều app Office trên iOS làm được.

Pages

Sau khi đã biên soạn xong, bạn có thể xuất tập tin ra dạng PDF, *.pages/numbers/keynote hoặc *.doc/xls/ppt tùy ý thích. Cả ba app của iWork đều được tích hợp cực kì chặt chẽ với iCloud, giúp chúng ta đồng bộ tập tin giữa nhiều thiết bị với nhau một cách nhanh chóng, dễ dàng. Thậm chí bạn cũng có thể truy cập vào liên kết www.icloud.com để tải chúng về nữa. Mỗi app Pages, Keynote và Numbers có giá 9,99$, hơi cao một chút nhưng chắc chắn bạn sẽ hài lòng vì những gì chúng mang lại.

Keynote

Nếu cảm thấy số tiền trên quá lớn và mình không đủ điều kiện, bạn có thể thử qua app QuickOffice Pro HD. Phần mềm này hiện đã được Google mua lại và ngày càng trở nên tốt hơn, mặc dù việc sử dụng không được nhanh và thuận tiện như iWork. Các định dạng, hiệu ứng cũng ít hơn. Đổi lại, nó chỉ có giá 7,99$ cho một gói tổng hợp các giải pháp xử lí văn bảng, bảng tính và cả tập tin thuyết trình. Điểm mạnh của QuickOffice Pro HD so với iCloud còn nằm ở chỗ nó được tích hợp với các dịch vụ đám mây như DropBox, Box, Google Drive, Evernote, Catch Note, SugarSync, do đó chúng ta sẽ có một không gian lưu trữ linh hoạt hơn iCloud rất nhiều.

QuickOffice Pro HD

2. Ứng dụng chat - mạng xã hội

Chat chit, một chuyện không thể thiếu khi sử dụng thiết bị di động nói riêng và iPad nói riêng. Ở Việt Nam chúng ta, dịch vụ chat hiện vẫn còn được nhiều người dùng là Yahoo Messenger. Thật may mắn vì Yahoo cũng có làm phần mềm cho iPad với giao diện được tối ưu hóa cho màn hình lớn của thiết bị này. Điều không may là app chạy rất thiếu ổn định và hay bị đóng lại bất ngờ. Do đó, mình đề nghị một app do bên thứ ba làm ra: IM+. Phần mềm này chạy nhanh, mượt mà hơn Yahoo Messenger rất nhiều, lại còn hỗ trợ hàng loạt dịch vụ khác như Google Talk, Facebook, MSN/Windows Live. IM+ có hai phiên bản: bản miễn phí không đổi hình nền được và có gắn quảng cáo, bản thu phí là IM+ Pro (giá 0,99$) thì mở khóa tất cả các tính năng, cho phép đồng bộ iCloud và tất nhiên là bạn sẽ không bị quảng cáo làm phiền. Ngoài Yahoo, chúng ta cũng có ứng dụng của Skype, một nền tảng gọi điện-nhắn tin-chat cực kì tốt.


Nếu bạn muốn dùng các phần mềm nhắn tin miễn phí trên di động như Viber, WhatsApp Messenger, LINE, ChatON, Facebook Messenger trên iPad thì cũng được, nhưng có điều giao diện của chúng không đầy màn hình vì vốn chỉ được thiết kế cho iPhone. Bạn vẫn cần có một chiếc smartphone để đăng kí tài khoản, sau đó dùng số điện thoại của mình đăng nhập lên iPad là có thể dùng được bình thường.

Về phần các mạng xã hội, có lẽ không cần giới thiệu nhiều, mình sẽ đưa link ngay luôn cho các bạn.
Tải về Facebook cho iPad
Tải về Twitter cho iPad
Tải về Google+ cho iPad
Tải về LinkedIn cho iPad

3. Shazam


Bạn đang đi ngoài đường, bỗng dưng nghe được một đoạn nhạc hay quá nhưng chẳng thể nào biết được tên của nó. Nếu bạn có trong tay một chiếc điện thoại hay iPad thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều với ứng dụng Shazam. Phần mềm này sẽ thu một đoạn của bài nhạc đó lại, sau đó kết nối mạng rồi trả về kết quả tương ứng với tiêu đề, tên ca sĩ, tên album… Khả năng nhận biết của Shazam khá tốt, thậm chí nó còn nhận được một số bài hát tiếng Việt nổi tiếng nữa đấy.


Mọi người lưu ý rằng khi dùng Shazam, nếu iPad không được kết nối mạng thì không sao cả. Shazam sẽ vẫn lưu nó lại trong máy của chúng ta với cái tên "Unsubmitted Track". Sau đó, khi đã về nhà hay đến công ty thì ta có thể ra lệnh cho app tìm lại sau. Ngoài ra, bạn cũng nên hướng micro của iPad (nằm ở cạnh trên, gần camera) về phía nguồn phát nhạc, như vậy chất lượng âm thanh sẽ cao hơn, app tìm kiếm dễ dàng hơn. Ngoài Shazam ra thì SoundHound cũng là một lựa chọn tương đương khá tốt, và có hai bản: miễn phí hoặc có phí (6,99$).

4. Gmail

Mặc dù thiết bị của Apple đã hỗ trợ sẵn việc đồng bộ với Gmail rất đơn giản, tuy nhiên thật sự mà nói thì không gì tốt bằng app "chính chủ". Gmail dành cho iPad hỗ trợ rất tốt những tính năng đặc biệt mà Google đưa ra, chẳng hạn như việc sắp xếp các email theo dạng hội thoại, điều mà app Mail mặc định không thể làm được. Giao diện của phần mềm này cũng rất đẹp mắt theo phong cách tối giản mà Google hiện đang áp dụng cho loạt sản phẩm, dịch vụ của mình. Ngoài ra, bạn có thể thêm và quản lí cùng lúc nhiều tài khoản khác nhau, chèn hình ảnh, đính kèm tập tin, duyệt qua tất cả thư mục một cách rất dễ dàng. Không thể không kể đến việc hỗ trợ push mail, tức là khi email vừa đến, bạn sẽ được app thông báo lên ngay tức khắc. Gmail hiện được cung cấp miễn phí trên App Store.


5. Google Maps và YouTube

Lại tiếp tục với Google. Khi lên đến iOS 6, Apple đã loại bỏ bản đồ của Google và thay vào đó bằng ứng dụng do riêng mình phát triển. Thật đáng tiếc, app của Apple hoạt động không tốt, chỉ đường sai và dữ liệu còn kém hơn Google rất nhiều lần. Đáp ứng sự mong mỏi của khách hàng, Google đã tung ra Google Maps do chính tay mình phát triển, và tất nhiên là nó có đầy đủ tất cả tính năng mà bạn mong đợi ở một phần mềm bản đồ, chẳng hạn như tính năng chỉ đường, tìm vị trí, địa điểm, tìm quán ăn, cây ATM,… Mặc dù chỉ được thiết kế giao diện cho iPhone, iPod Touch nhưng Google Maps vẫn có thể chạy trên iPad một cách bình thường.

Tương tự như Google Maps, YouTube là ứng dụng thứ hai có liên quan tới Google mà Apple bỏ ra khỏi iOS 6. Vài tháng 6, Google tung ra app YouTube nội tại cho khách hàng của mình với tất cả các tính năng như hồi iOS 5 trở về trước, thậm chí là nó tốt và đẹp hơn cả người tiền nhiệm nữa. Bạn có thể dễ dàng quản lí các video hoặc những kênh mà mình đăng kí theo dõi nhờ việc hỗ trợ Google Account, xem lời nhận xét, đặt bộ lọc tìm kiếm an toàn,…


Tuy nhiên, hiện Google Maps và YouTube chỉ cho phép người dùng có tài khoản Apple ID ở Store Mỹ tải về mà thôi, ở Store Việt Nam thì chưa. Mời các bạn tìm kiếm lại trên Tinh tế để xem hướng dẫn tạo tài khoảng Apple ID ở Mỹ mà không cần đến thẻ tín dụng trong trường hợp các bạn chưa có Apple ID tương thích.

Tải về Google Maps cho iPad
Tải về YouTube cho iPad

6. Paper

Trên App Store hiện nay có rất rất nhiều phần mềm để phục vụ việc vẽ vời, tuy nhiên một app có khả năng hỗ trợ việc sáng tạo tốt như Paper thì thật sự hiếm. Ứng dụng này có rất nhiều công cụ, bút vẽ khác nhau, tương tự như những gì bạn có thể làm ở ngoài đời thường. Một bảng màu phong phú cùng khả năng lựa chọn nhanh chóng làm cho bạn có cảm giác như mình đang đứng trước một tấm giấy vẽ thật sự vậy. Nếu muốn có thêm các công cụ khác, bạn có thể mua nó qua hình thức In-app Purchase.


7. Evernote

Hiện nay, một trong những dịch vụ ghi chú tốt nhất đó là Evernote. Lợi điểm của Evernote đó là bạn có thể đồng bộ nó với máy chủ của hãng. Nói cách khác, bất kì thiết bị nào bạn đang sử dụng đều có thể xem, chỉnh sửa, tạo mới ghi chú, miễn là bạn đăng nhập cùng một tài khoản Evernote. App này rất hữu ích và nó không chỉ có cho iPad mà còn cho iPhone, Android, Windows Phone, OS X, Windows. Thậm chí bạn còn có thể xem và biên tập ghi chú ngay trên nền web luôn. Ngoài việc hỗ trợ chữ viết như bình thường, bạn được phép đính kèm hình ảnh, tập tin âm thanh cũng như nhiều loại file khác vào ghi chú để giúp bạn nhớ việc tốt hơn. Hỗ trợ định dạng (in đậm, in nghiêng, chấm đầu dòng,…) cũng là một điểm đáng khen của Evernote.


Tất nhiên, mọi nội dung cả chữ và những thứ đa phương tiện đều được đồng bộ một cách nhanh chóng, tiện lợi. Giao diện đặc biệt ấn tượng và đẹp mắt của Evernote sẽ giúp bạn cảm thấy thích thú hơn khi dùng nó trên một màn hình to như của iPad, tuy nhiên thời gian đầu bạn cần phải mất chừng năm mười phút để làm quen với cách sắp đặt các biểu tượng.

8. Pinnacle Studio hoặc iMovie

Trong những chuyến đi chơi xa, có thể bạn sẽ quay được một đoạn phim thú vị nào đó về bạn bè và gia đình của mình. Sau đó, nếu giữ nguyên tập tin mà chia sẻ cho mọi người thì cũng được thôi, tuy nhiên nếu bạn điểm xuyết lại nó một chút cho hay hơn thì đoạn video sẽ càng có ý nghĩa hơn nữa. Hai ứng dụng trên iPad có thể giúp bạn làm việc này là Pinnacle Studio hoặc iMovie. Ứng dụng Pinnacle Studio, như cái tên của nó, được công ty Pinnacle phát triển, một hãng chuyên trị phần mềm làm phim nổi tiếng từ lâu trên nền tảng Windows.


Các công cụ mà Pinnacle Studio cung cấp cho chúng ta thật sự rất mạnh mẽ và xét về một số khía cạnh nào đó thì không hề thua kém app trên máy tính. Bạn có thể chèn hình ảnh, hiệu ứng, tiêu đề hoặc các vật thẻ nhỏ nhỏ vào video của mình, sắp xếp, cắt ghép nhiều đoạn phim lại với nhau,… Tất cả đều có thể thực hiện thông qua thao tác kéo thả. Biểu đồ sóng tượng trưng cho âm thanh góp phần tăng độ chính xác trong quá trình biên tập. Khi đã hoàn thành, Pinnacle Studio hỗ trợ xuất ra tập tin độ phân giải tối đa Full-HD 1080p, chia sẻ ngay lên YouTube, gửi email hoặc xuất ra định dạng Project để mang lên máy tính xử lí tiếp. Điểm hạn chế duy nhất của Pinnacle Studio đó là nó khá đắt, lên đến 12,99$.

Ngoài Pinnacle Studio, iMovie cũng là một ứng viên tốt phục vụ cho nhu cầu đơn giản hơn và giá chỉ là 4,99$. Do chỉnh Apple thiết kế, iMovie mang đặc trưng đơn giản và vô cùng dễ sử dụng, dễ hơn khá nhiều so với Pinnacle. Tính năng cảm ứng đa điểm được tận dụng tối đa trên iMovie để giúp bạn chỉnh sửa video một cách dễ dàng hơn. Hàng loạt chủ đề, công cụ trang trí có sẵn sẽ giúp bạn cá nhân hóa đoạn video và biến nó trở nên chuyên nghiệp trong chỉ một thời gian ngắn. iMovie hỗ trợ xuất phim ở độ phân giải Full-HD 1080p ra bộ nhớ máy hoặc đăng lên YouTube, Vimeo, Facebook.

9. iPhoto

Có rất nhiều phần mềm quản lý và chỉnh sửa ảnh cho iOS mà xuất sắc nhất trong số đó phải kể đến SnapSeedPhotogene. Tuy nhiên, tính năng quản lý hình ảnh của cả 2 phần mềm trên đều không thật tốt bằng iPhoto do nó vẫn còn bị những giới hạn của phần mềm từ hãng thứ 3 mà không thật thoải mái như Apple. Có thể nói tuy vẫn còn thiếu một vài tính năng chỉnh sửa hình ảnh nâng cao nhưng iPhoto hiện là phần mềm quản lý chỉnh sửa hình ảnh rất tốt, đặc biệt phù hợp cho những người dùng bình thường vì nó không đòi hỏi nhiều thời gian học hỏi. iPhoto được bán với giá 4,99$.


iPhoto cho iOS chia làm 4 phần chính bao gồm Album chứa tất cả các hình ảnh trong máy của bạn chia làm nhiều mục chính gồm hình ảnh đã chỉnh sửa bằng iPhoto, hình ảnh chụp từ camera của máy, hình ảnh import vào máy, hình ảnh từ iCloud..... Phần thứ hai, Photos, liệt kê toàn bộ hình trong iPad không phân chia theo bất cứ hạng mục nào, phần Event tương tự như phần cùng tên trong phần mềm Photo mặc định và cuối cùng là Journals, 1 phần mới khá vui không xuất hiện trên iPhoto cho máy tính. Trong giao diện xem hình người dùng cũng có thể chỉnh sửa hình ảnh nhanh chóng chỉ bằng 1 nút bấm.

Với những ai muốn chỉnh sửa nâng cao, iPhoto trang bị cả những công cụ brush cho phép sharpen, repair, desaturate ở phạm vi nhỏ... còn với những ai không cần phức tạp như vậy, iPhoto đã có sẵn những hiệu ứng cho chúng ta sử dụng. Một số thao tác được thực hiện bằng cách chà ngón tay lên màn hình, đúng với khu vực mà bạn mong muốn áp dụng hiệu ứng/chỉnh sửa chứ không phải nguyên cả bức ảnh.

Xem thêm video minh họa một số thao tác cơ bản với iPhoto

10. Flipboard, Pulse

Đọc tin tức là một trong những công việc mà máy tính bảng thực hiện xuất sắc nhất, tốt hơn cả máy tính vì bạn có thể vừa nằm vừa đọc, vừa đi vừa đọc, tốt hơn điện thoại là do có màn hình lớn hơn. Bình thường, chúng ta có thể truy cập vào từng web rồi đọc, tuy nhiên phương thức này không tiện bằng việc tổng hợp tất cả nguồn tin vào một nơi. FlipboardPulse là hai app có thể giúp bạn thực hiện được chuyện đó, và đặc biệt là cả hai đều miễn phí. Nếu bạn thích một phong cách xem tin giống như khi cầm một tờ báo thật sự, các bạn hãy chọn Flipboard bởi nó có hiệu ứng lật trang rất độc đáo. Giao diện đẹp, bố cục hợp lí cũng là điểm mạnh của Flipboard vì nó giúp chúng ta có cảm hứng hơn.


Còn nếu yêu thích sự đơn giản, không gì tốt như Pulse. Ứng dụng này liệt kê nhiều trang tin, mỗi trang tin là một dòng. Mỗi bài viết sẽ được xếp vào một ô vuông và chỉ khi nào bạn chạm vào ô thì mới xem được nội dung chính. Lợi điểm của Pulse đó là bạn sẽ có một cái nhìn bao quát nhiều trang tin cùng lúc, thích mục nào đọc ngay mục đó, thật tuyệt vời. Cả hai app đều có khả năng tìm kiếm, do đó bạn có thể add các nguồn RSS của hấu hết những tờ báo tại Việt Nam và cả Tinhte.vn nữa.


11. AcePlayer hoặc AVPlayerHD

iPad có hỗ trợ chúng ta xem phim, tuy nhiên nếu bạn muốn nhập video từ iTunes qua thì phải chuyển định dạng, một việc khá rắc rối mà lại tốn thời gian. Thay vào đó, bạn có thể sao chép thẳng tập tin film sang hai app AcePlayer (0,99$) hoặc AVPlayerHD (2,99$). Với giao diện đơn giản, cả hai app sẽ giúp bạn tập trung hơn vào nội dung mà mình xem. Hầu hết các định dạng phổ biến đều được hỗ trợ bởi hai phần mềm này, chẳng hạn như WMV, AVI, MKV, MP4, MPG, 3GP, XVID, RM, RMVB. Về phần âm thanh, app có thể phát tiếng ở định dạng OGG, MP3, WMA, FLAC, FLV,… Ngay cả phụ đề cũng có thể được truy xuất khiến cho việc thưởng thức phim ảnh dễ dàng hơn bao giờ hết. Cả hai ứng dụng đều cho phép chúng ta chép phim qua Wi-Fi, riêng AcePlayer hỗ trợ thêm giao thức DLNA, uPnP, FTP, Samba,…


Hi vọng những app kể trên sẽ giúp các bạn khai thác chiếc iPad của mình một cách hữu ích hơn. Nếu bạn có app nào đó cũng thuộc loại nên-cài-ngay-khi-mới-mua-máy, mời các bạn chia sẻ luôn cho mọi người tham khảo ngay tại topic này nhé. Chúc các bạn vui vẻ và thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...