Thứ Hai, 07/01/2013 - 14:57
TPHCM: Bùng phát nạn "trộm đường"
(Dân trí) - Bất cứ tài sản nào có giá trị trên đường đều trở thành đối tượng của bọn trộm, từ dây cáp điện đến cáp viễn thông, từ bó vỉa cây xanh đến lưới chắn rác, thậm chí là…. nắp cống chúng cũng không tha.
>> Hàng loạt nắp cống trên đại lộ bị trộm biến thành "bẫy chết người"
Cái gì cũng mất!
Người dân sinh sống trên các tuyến đường vắng thuộc địa bàn các quận, huyện vùng ven như Củ Chi, quận 9, Bình Tân… thường xuyên phải chịu cảnh tối tăm, không đèn đường vì dây cáp điện bị cắt trộm. Dù các đơn vị chức năng như công ty chiếu sáng công cộng, khu quản lý giao thông đô thị thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát nhưng tình trạng này vẫn liên tục xảy ra.
Theo ông Lê Hữu Thọ, Phó Giám đốc Xí nghiệp tuần tra giám sát thuộc Công ty TNHH Chiếu sáng công cộng TPHCM, thủ đoạn của bọn trộm rất tinh vi. Chúng còn cắt cử người theo dõi tổ tuần tra, khi tổ tuần tra vừa rút là chúng ra tay nên rất khó bắt quả tang hành vi phạm tội. Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, chỉ riêng dây điện chiếu sáng, mỗi năm thành phố bị mất hàng trăm km, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Táo tợn hơn, bọn trộm còn tổ chức cả nhóm giả dạng là công nhân sửa chữa cầu đường, trưng biển thi công, rào một khu vực đường ngay tại trung tâm quận 1. Bên trong rào chắn, chúng đào đường để cắt trộm cáp ngầm điện trung hạ thế rồi cho xe tải đến tẩu tán.
Còn những vật dễ lấy như nắp cống hố ga, cửa chắn rác… thì thường xuyên mất cắp. Bọn trộm chỉ chờ đêm về, đường vắng là đánh xe tải đến khuân hàng loạt đem đi bán phế liệu. Tính riêng trên đoạn quốc lộ 1A từ ngã tư An Sương đến vòng xoay An Lạc, trong 6 tháng đầu năm 2012 đã mất hơn 100 nắp cống và gần 100 lưới chắn rác.
Tình trạng này cũng không chỉ xảy ra trên quốc lộ 1A mà xảy ra ở hầu khắp các tuyến đường trên địa bàn thành phố, từ ngoại thành cho đến trung tâm. Lý do đơn giản vì nắp cống và lưới chắn rác đều làm bằng gang nên bán rất dễ. Đây cũng là món đồ dễ lấy, chỉ tốn công… chở đi bán. Nguy hại hơn, do nắp cống mất trong đêm tối, đơn vị chức năng chưa phát hiện để khắc phục kịp thời rất dễ gây ra tai nạn cho người đi đường.
Thiệt hại lớn hơn là khi bọn trộm "ngắm" đến các vỉ bó vỉa cây xanh. Để trộm được những vỉ bó vỉa trị giá vài trăm ngàn, chúng thản nhiên chặt phăng cây xanh, vứt chỏng chơ bên đường, cái chúng quan tâm chỉ là cái vỉ bó vỉa bằng gang.
Tăng cường phòng chống
Tình trạng "trộm đường" này đã xảy ra từ rất lâu, các ban ngành liên quan cũng liên tục đấu tranh phòng chống bọn "trộm đường" bằng nhiều giải pháp khác nhau.
Chẳng hạn như ngành điện có cả xí nghiệp tuần tra giám sát, thường xuyên phối hợp cùng các phường xã, ngành giao thông lập tổ tuần tra. Ngành điện cũng đang thí điểm lắp hệ thống cảnh báo khi có 1 đường dây bất kỳ bị cắt để kịp thời phát hiện nhưng vẫn chưa phát huy được tác dụng bắt trộm.
Để đối phó với tình trạng mất cắp nắp cống, lưới chắn rác, từng có đơn vị quản lý đường tuyên bố thưởng ngay 20 triệu đồng cho bất cứ ai bắt được bọn trộm nắp cống. Còn ngành cây xanh đang thí điểm làm vỉ bó vỉa cây xanh bằng nhựa cứng không thể tái chế để không gợi lòng tham của bọn trộm.
Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn chỉ mang tính nhỏ lẻ, tình trạng mất cắp vẫn diễn ra ngày càng nhiều. Tình trạng này nghiêm trọng đến nỗi mới đây UBND TP phải thừa nhận là nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông và trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý, phòng chống mất cắp tài sản công thuộc các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn thành phố đến tất cả các sở ngành, quận huyện. Với chỉ thị này, UBND TP đã nâng tầm công tác này lên cấp thành phố, yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan phải tham gia tăng cường phòng chống bọn "trộm đường".
Ngoài việc chỉ đạo các ban ngành liên quan tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý, UBND TP xác định vai trò quan trọng nhất là tính phát hiện của quần chúng nhân dân và trách nhiệm giám sát địa bàn của chính quyền cơ sở. Do đó, giải pháp trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao tính cảnh giác của nhân dân, vận động người dân trình báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi phát hiện hành động khả nghi.
Trong chỉ thị này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cũng nhấn mạnh: "Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức quản lý và bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phân cấp trên địa bàn quản lý; thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định và phải chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên nếu không hoàn thành nhiệm vụ".
Tùng Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét