Ngành công nghiệp TV của thế giới đang bùng nổ, những con số liên quan đến giá cả lẫn thông sỗ kỹ thuật ngày càng trở nên hấp dẫn và khiến người tiêu dùng dễ bị xiêu lòng hơn. Điều đó cũng có nghĩa là ranh giới giữa sự lừa dối và ảo tưởng của người tiêu dùng ngày càng trở nên gần hơn, gần đến nỗi mà bạn khó có thể nhận biết được chúng. TV 240 SPS của Vizio có tần số quét thực tế là 120Hz. | Hãy cẩn thận, các nhà sản xuất TV hàng đầu thế giới đang ÂM THẦM thay thế tiêu chuẩn kỹ thuật công nghiệp của tần số quét thành những con số nhân tạo, không phản ánh đúng giá trị thực của sản phẩm, và tất nhiên người mua dễ dàng bị lừa dối khi quá ảo tưởng về một tần số quét "kinh khủng" được in ấn trên bao bì. Tần số quét là gì? Thời kỳ đầu, tất cả các loại màn hình LCD (bao gồm cả LCD LED) đều bị hiện tượng mờ trong các cảnh chuyển động và được gọi là "motion blur". Để khăc phục vấn đề này, các nhà sản xuất đã phát triển một loại màn hình mới có độ làm tươi (refresh) 60 lần mỗi giây. Công nghệ này sử dụng một kỹ thuật được gọi là chèn khung hình, TV tự tạo ra các hình ảnh bổ sung để chèn vào giữa các hình ảnh của khung hình thực tế. Các tần số quét thường thấy trong giai đoạn đầu đó là 60, 120 hoặc 240 Hz, con số càng cao thì hiện tượng motion blur càng thấp. Các nhà chế tạo TV đã gọi những con số cao của tần số quét là một bước tiến lớn, một chiếc TV 120Hz sẽ có hiệu năng trong các cảnh chuyển động tốt hơn so với TV 60Hz, và TV 240Hz sẽ ít motion blur hơn TV 120Hz. Độ chênh lệch lớn giữa các tần số quét thực sự là những con số hấp dẫn đối với khách hàng, mặc dù tần số quét cao hơn khiến họ phải chi ra nhiều tiền hơn. Hiện nay, các nhà sản xuất TV sử dụng một kỹ thuật mới nhằm giảm thiểu các vệt mờ trong cảnh chuyển động thường được gọi là công nghệ quét đèn nền (scanning backlight) hay công nghệ chèn khung hình đen (black frame insertion). Điều đáng buồn nhất, đó là họ thường nói về các kỹ thuật này một cách mập mờ nhằm phù hợp với các chiêu bài tiếp thị. Thực ra, những phương pháp này không hoàn toàn thay đổi tần số quét, thay vào đó các nhà sản xuất chỉ đơn giản là chớp tắt hệ thống đèn nền để làm hiệu suất trông có vẻ giống như nhanh hơn. Các thương hiệu lớn thường sử dụng tần số quét "đểu" này (vâng, có thể tạm gọi như vậy) dưới những vỏ bọc như "120 Clear Motion Rate" hay 240 SPS "Scenes per second". Nhưng sự thật là có sự khác biệt rất lớn giữa tần số quét 240Hz do phần cứng của TV tạo ra với tần số quét được gọi là 240 SPS, mặc dù các 2 con số này trông có vẻ giống nhau. TV 240 SPS thực ra là một chiếc TV 120Hz đã được chèn khung hình đen (black frame insertion) bằng cách nháy đền nền, và tất nhiên là nhiều người sẽ lầm tưởng đó là một chiếc TV 240Hz. Điều này cũng giống như việc các hãng sản xuất xe hơi quảng cáo rằng động cơ trong chiếc xe của họ "tương đương với 6 xi lanh", nhưng lại không tiết lộ số xi lanh mà xe thực sự có. Đấy là những chiêu bài tiếp thị mà bạn đã và sẽ phải tiếp xúc thường xuyên trong cuộc sống. Sony Hiện tại, huyền thoại của Nhật Bản đang sử dụng công nghệ Motionflow XR với các con số là 240, 480 và 960 tùy thuộc vào từng model. Một biên tập viên của HDGuru đã liên lạc với Sony để yêu cầu được giải thích rõ hơn về những con số. Phát ngôn viên của Sony đã trích dẫn ba tính năng để xác định số lượng cho XR như sau: "Chèn khung hình (nội suy), nháy đèn nền LED (nháy dòng) và giảm độ nhòe của hình ảnh bằng cách xử lý tín hiệu". Ví dụ Motionflow XR 960 sẽ có được bằng cách nhân tần số quét gốc lên 4 lần (240 x 4 = 960), giống như Sony đã từng giải thích: "với khung hình nội suy, 4 hình ảnh riêng biệt sẽ xuất hiện trong thời gian 1/60 của 1 giây hay 240 x 4 = 960" 240 Hz là phép nội suy có mặt trên tất cả các TV của Sony. Nhưng Sony sẽ không cung cấp cho chúng ta cách để xác định tần số quét thực của Motionflow XR. Năm 2012, gã khổng lồ điện tử của Nhật Bản đã bắt đầu loại bỏ thông số về tần số quét thực của TV. Ví dụ như model KDL55EX640 đã được hãng ghi là Motionflow XR240. Với ví dụ này, chúng ta không thể xác định được tần số quét thực của nó là 60Hz hay 120 Hz trừ khi gọi điện trực tiếp đến dịch vụ chăm sóc khách hàng. Và nếu bạn làm điều đó, thì các nhân viên của Sony sẽ tiết lộ rằng tần số quét thực của dòng TV này chỉ là 120Hz. Samsung Samsung hiện đang sử dụng công nghệ quét "Clear Motion Rate" (CMR) với các bội số lần lượt là 120, 240, 480 và 960. Hãng cũng đã bắt đầu chạy theo xu hướng tiếp thị chung bằng cách gỡ bỏ tần số quét thực trên bao bì của các sản phẩm 2012. Mặc dù Samsung đã tiết lộ cho một số trang công nghệ cách họ tạo ra bội số cho công nghệ nội suy CMR, tuy nhiên phương pháp này thuộc dạng độc quyền, do đó những thông tin khá mập mờ và khiến cho nhiều người không thể xác thực. Một ví dụ là vỏ hộp của model UN46EH6050, trên đó ghi "Clear Motion Rate 120" nhưng nếu kiểm tra chúng ta nhận được tần số quét thực chỉ là 60Hz. Sharp Sharp sử dụng công nghệ AquoMotion, chẳng hạn như AquoMotion 240. Các con số này thường gấp đôi giá trị thực. Ví dụ như một chiếc TV LED AquoMotion 240 sẽ có tần số quét thực là 120Hz. LG Trên trang web của LG, những con số TruMotion120 Hz và 240 Hz cho HDTV 2012 là tần số quét thực. Tuy nhiên chúng ta sẽ cần một lời giải thích cho những model 480Hz sẽ được bán vào cuối năm nay. Panasonic Danh sách TV Panasonic bao gồm các tấm nền có tần số quét thực 240Hz và các tấm nền sử dụng công nghệ "quét nền 1920" (backlight scanning 1920) bằng cách: 240 X 8 = 1920. Các sản phẩm cấp thấp như model E5 được công bố sử dụng công nghệ "60 backlight scanning" là chính xác trừ việc bỏ đơn vị Hz ở sau số 60. Trong khi đó model ET5 lại được niêm yết là "360 backlight scanning" mà không nhắc đến việc sử dụng tấm nền 120Hz (120 x 3 = 360). Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những vấn đề trên? Tại Hoa Kỳ, Costco - một trong những chuỗi cửa hàng lớn - cho biết họ chỉ quy định về font chữ và kích thước chứ không yêu cầu cho các thông số kỹ thuật được các nhà sản xuất TV in ấn trên hôp carton. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải tự thân vận động mà thôi. Thế còn Plasma? Mặc dù nhiều người sẽ nói rằng người viết bài thiên vị cho plasma nhưng dù sao đi nữa: đó là sự thật. Plasma tạo ra hình ảnh theo một cách hoàn toàn khác so với đèn LED và LCD. Chúng hầu như không bị ảnh hưởng bởi motion blur. Chúng ta sẽ phải làm gì đây? Điều này thực ra cũng không khó: Thứ nhất: bạn có thể khám phá Best Buy, các cửa hàng uy tín, trên các trang web công nghệ hay cầu cứu ngay tại box hình ảnh của diễn đàn HDVietnam. Ở thời điểm hiện tại, Amazon là một kênh kiểm chứng được đánh giá khá tốt, mặc dù một số trường hợp vẫn có sai sót ( chẳng hạn như model Sony EX640). Thứ hai: nếu nhìn thấy con số đi kèm với các dòng chữ SPS, Scenes Per Second, AquoMotion, Motionflow XR, Clear Motion Rate hay CMR thì đừng có tin, chúng không phản ánh đúng tần số quét thực của TV đâu. Xuất sắc lắm thì chúng cũng chỉ gấp đôi giá trị thực, còn không thì gấp 3, gấp 4 lần - ai mà biết được. Thứ ba: các bạn chắc chắn phải đọc thông số "refresh rate", kiểm tra và xác minh kỹ lưỡng con số này trước khi mua TV. Trong thời gian tới, bộ phận Teslab của HDVietnam sẽ có nhiều bài viết đánh giá về các loại màn hình, trong đó tần số quét thực tế của TV chắc chắn sẽ được phơi bày. Đây có thể cũng sẽ là một kênh tham khảo hợp lý để các bạn có thể tự tin khi mua sắm. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét