Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Trẻ thoát nguy cơ bị bắt cóc nhờ bài học cảnh giác

http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/me-va-be/nuoi-day-tre/tre-thoat-nguy-co-bi-bat-coc-nho-bai-hoc-canh-giac-2433062.html

Trẻ thoát nguy cơ bị bắt cóc nhờ bài học cảnh giác

Bé Thụy đang chờ mẹ ở cổng trường bỗng có một ông xe ôm đến gần bảo "Mẹ cháu bận công việc nên nhờ bác đến đón cháu". Định leo lên xe, cô bé sực nhớ lời mẹ dặn nên gọi điện hỏi mẹ để xác minh.

Cuối tuần qua gia đình bé Thụy (7 tuổi, ở quận 3, TP HCM) phải một phen hú vía khi nghe cô bé thuật lại chuyện gặp bác xe ôm trước cổng trường. Thụy kể sau khi học xong, em ra trước cổng trường đứng đợi mẹ thì có một bác xe ôm mặc áo xanh đến bảo "Mẹ cháu bận công việc nên nhờ bác đến đón cháu".

Ban đầu còn bán tín bán nghi nhưng khi nghe ông này kể rất tường tận tên của bố mẹ, ông bà và những thông tin về gia đình thì bé Thụy tin. "Con tưởng mẹ nhờ bác đón con thật vì bác ấy tỏ ra rất thân thiện. Nhưng khi con định leo lên xe thì mới nhớ kỳ trước mẹ dặn hễ ai đón con thì gọi điện hỏi mẹ xem có phải vậy không. Thế là con vào trường nhờ bác bảo vệ gọi mẹ", cô bé kể.

Cha mẹ nên dạy trẻ nhớ số điện thoại để gọi xác minh trong những trường hợp cần thiết. Ảnh: Thi Trân.

Rất may khi Thụy gọi điện, mẹ của bé khẳng định đang trên đường từ công ty đến trường đón con và không hề nhờ bác xe ôm đón dùm. "Nghe con nói thế, tôi tá hỏa bảo con đứng yên trong trường không được lại gần bác xe ôm đó. Khi tôi đến trường thì không còn thấy người đàn ông áo xanh kia", chị Trang (mẹ bé Thụy) chưa hết bàng hoàng nói.

Còn bé Kiều đang học ở một trường mẫu giáo tại quận 12, TP HCM, kể, mấy bữa trước em đang chơi trong nhà thì có hai người "lạ mặt" đến giới thiệu là bạn thân của bố. Em nói bố mẹ đi vắng nhưng hai người khách kia cứ nằng nặc đòi vào nhà rồi bảo em mở cửa cho vào ngồi chờ bố

"Hai bác ấy còn cho kẹo nữa nhưng con không lấy. Con sợ quá", cô bé nhớ lại. Lúc đó Kiều đã nhanh trí hỏi tên của hai người khách rồi gọi điện hỏi bố thì biết rằng bố không hề có người bạn nào tên như thế. Chờ một lúc không thấy Kiều ra mở cửa, hai người "lạ mặt" đã bỏ đi.

Hành động của Kiều đã được bố mẹ khen và thưởng cho một chuyến đi chơi Đầm Sen vào cuối tuần. Kể lại câu chuyện gia đình vừa trải qua trong một buổi tọa đàm về giáo dục kỹ năng cho trẻ, anh Tuyên (bố của bé Kiều) nhắn gửi đến các bậc làm cha mẹ nên dạy con cảnh giác hơn với những người lạ mặt. "Việc đầu tiên phải làm là dặn con nhớ số điện thoại của bố mẹ để gọi khi cần thiết", ông bố trẻ nói.

Theo Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, Hội quán các bà mẹ TP HCM, trong những tình huống trên, các bé được giáo dục tốt từ gia đình nên biết cảnh giác khi đối diện với "người lạ mặt". Vẫn có nhiều trường hợp trẻ không được dạy những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân nên để xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc như bị bắt cóc, thậm chí xâm hại tình dục...

Bà Thúy cho rằng có những nguyên tắc cơ bản trong việc dạy con tự bảo vệ mà cha mẹ, thầy cô cần lưu ý như sau:

- Thứ nhất, cha mẹ nên khéo léo thảo luận với trẻ về những bài báo phản ánh việc trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Trên thực tế, một số phụ huynh cho rằng không nên cho trẻ biết về "mảng xám" của cuộc sống quá sớm sợ bé có cái nhìn tiêu cực. Nhưng hãy nhớ rằng bạn không thể bảo đảm tuyệt đối sẽ luôn ở bên con mỗi khi xảy ra bất trắc. Do vậy, hãy để trẻ tập dần thói quen tự vệ và tự nhận thức vấn đề.

- Thứ hai, dạy trẻ cảnh giác với các tình huống khác thường. Không chỉ với người lạ mà ngay cả với những người bạn thân thiết của gia đình, bạn cũng nên trang bị cho trẻ khả năng nhận biết đâu là những trường hợp cần cảnh giác cao. Tuyệt đối không để trẻ một mình với bất kỳ ai, dù đó là bạn rất thân của cha mẹ. Thực tế đã có nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà thủ phạm là người thân, bạn bè cha mẹ, hàng xóm…

- Cuối cùng, dạy trẻ tập thói quen ứng phó nhanh, chẳng hạn khi cha mẹ không có nhà, trẻ không được tự ý mở cửa cho khách vào dù là người quen biết, mà hãy gọi anh chị hoặc người lớn hơn, hay gọi điện cho cha mẹ để thông báo. Khi bị lạc đường, nên gọi điện về cho gia đình hoặc đến các cơ quan công an, trường học nhờ giúp đỡ. Cha mẹ cần lưu số điện thoại, địa chỉ của gia đình vào sổ tay, sách vở và cặp sách của trẻ. Nên dạy các bé từ 6 tuổi trở lên cách sử dụng điện thoại.

Tóm lại "Cách bảo vệ con tốt nhất chính là dạy con cách tự vệ", theo Thạc sĩ Phạm Thị Thúy.

* Tên các bé đã được thay đổi theo yêu cầu

Thi Ngoan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...