Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Đi tìm lộ trình xây dựng Kiến trúc IT Quốc gia VN (2006)

http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=419&ItemID=4355
Đi tìm lộ trình xây dựng Kiến trúc IT Quốc gia VN

Với chủ đề: "Xây dựng kiến trúc Công nghệ thông tin quốc gia và thiết lập Bộ điện tử (e-Ministry), thành phố điện tử (e-city), Diễn đàn phát triển ICT Việt Nam đã diễn ra trong ngày 23/5/2006 tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.


Trọng tâm của cuộc hội thảo lần này là dự án Xây dựng một Kiến trúc Công nghệ thông tin Quốc gia của Việt Nam (gọi tắt là VNITA). Mục tiêu dự án nhằm thiết lập một nền tảng cơ bản, chung nhất để trên đó, các bộ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp có thể triển khai xây dựng những kiến trúc IT riêng, nhưng đảm bảo tương thích và liên thông với nhau.

Theo ông Nguyễn Ái Việt, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo QG về CNTT, VNITA sẽ đảm bảo cho việc lập kế hoạch và xây dựng có hệ thống tại Việt Nam, nâng cao hiệu suất và đảm bảo chất lượng công việc trong khi vẫn tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và công sức. Trên thực tế, VNITA chính là một công cụ để Bộ BCVT quản lý và điều hành ICT tại Việt Nam 

Đi tìm phương án triển khai

Vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất chính là cách thức triển khai VNITA như thế nào, trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. "Ngay trong một thành phố, người ta cũng xây dựng portal bằng nhiều công nghệ khác nhau", ông Việt cho biết.

Chính sự không đồng nhất này đã dẫn đến hiện tượng công nghệ mà các bộ, ngành, doanh nghiệp sử dụng không tương thích và liên thông với nhau, dẫn tới các kênh chia sẻ thông tin bị chặn đứng, bẽ gãy.

Theo đề xuất của ông Thân Trọng Phúc, đại diện của Intel, hãng vừa quyết định đầu tư giai đoạn I hơn 300 triệu USD xây dựng nhà máy chip tại TP.HCM, để giải quyết tình trạng "tiền hậu bất nhất" trên,  điều cốt yếu là Việt Nam phải xây dựng được một nền tảng phần cứng chuẩn.

"Kiến trúc Công nghệ thông tin quốc gia phải có khả năng nới rộng, "phình to" được", ông Phúc nói. "Ngoài ra, kiến trúc đó cần phải cơ động và linh hoạt để người dùng có quyền lựa chọn cao nhất. Họ có thể lựa chọn hệ điều hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, lựa chọn ứng dụng phần mềm, mà vẫn đảm bảo tất cả những sự lựa chọn đó sẽ chạy được trên nền tảng phần cứng".

Điểm mấu chốt thứ hai mà ông Phúc đề cập đến là việc Kiến trúc IT Quốc gia cần phải được nối mạng, "online" trong kỷ nguyên không dây băng thông rộng hiện nay. Quan điểm này của Intel đã nhận được sự chia sẻ từ đại biểu của Cisco Systems, nhà cung cấp thiết bị mạng, switch và router lớn nhất thế giới hiện nay.

Cisco cho rằng mục tiêu của dự án xây dựng kiến trúc IT Quốc gia là hướng tới một Kiến trúc mạng thông tin "thông minh", nơi xử lý và kiểm soát được các dòng dữ liệu, voice và video luân chuyển, kiểm soát nguồn lực mạng ảo hóa và cung cấp những dịch vụ mang tính ứng dụng cao.

Để giải quyết được tình trạng thiếu chuẩn chung và sự tương thích giữa hạ tầng thông tin của các bộ phận, Cisco cho rằng nên xây dựng một cầu nối trung gian, một "tầng đệm" là Dịch vụ Cơ sở hạ tầng. Nơi đây sẽ đảm trách phần việc "xương xẩu" nhất là tích hợp và thống nhất tất cả các dịch vụ, ứng dụng khác nhau truy cập vào Kiến trúc Quốc gia.

"Sau khi đi qua cổng này, các "đầu vào" coi như tương đối thuần nhất", đại diện của Cisco cho biết.

Vấn đề tái sử dụng

Một vấn đề được nhiều đại biểu xoáy sâu là việc tái sử dụng các nguồn lực và tài nguyên trong quá trình xây dựng VNITA và chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Theo đại diện của Oracle, để tiết kiệm chi phí, Việt Nam nên "tự phát triển nhiều hơn mua". "Không nên bỏ tiền ra mua những công nghệ mà các bạn có thể tự xây dựng được, hoặc là đã mua từ trước", ông Lee Wan Koo nhấn mạnh.

"Một ứng dụng, một công nghệ, một cơ sở dữ liệu của dự án này hoàn toàn có thể tái sử dụng lại và được huy động tham gia vào những dự án khác. Việc làm này không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn tăng cường sự liên thông giữa các dự án với nhau", ông Koo nói thêm.

Nói như ông Thân Trọng Phúc của Intel thì trong khi xây dựng VNITA, Việt Nam nên lựa chọn một nền tảng phần cứng cơ động nhất, có thể "cơi nới" dễ dàng bằng cách "xếp chồng" lên những ứng dụng, dịch vụ mới. Nhờ đó mà khả năng tái sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có sẽ được tăng lên đáng kể.

Thân thiện với người dùng

Một trong những lý do khiến cho nhiều dự án Chính phủ điện tử trên thế giới thất bại, là do họ chưa xây dựng được một giao diện "đầu ra" thân thiện với người dùng.

"Khi họ truy cập vào portal của chính phủ điện tử, họ phải tìm thấy ngay thông tin họ cần, một cách đơn giản và dễ dàng", ông Phúc cho biết.

Chia sẻ điểm này, đại diện của Microsoft cho rằng "người dùng coi Chính phủ điện tử là một cái cổng duy nhất. Từ đây, dẫn đến mọi cơ quan, văn phòng chính phủ khác nhau. Chính vì vậy, Chính phủ điện tử phải là một portal thực thụ, nơi cung cấp liên kết liền mạch và thông suốt tới bất cứ nơi đâu, bất cứ loại thông tin nào mà công dân quan tâm".

"Khi họ cần thông tin về giá đất, luật đất đai, chính sách thuế, họ sẽ tìm đến đây. Khi cần đóng thuế, thanh toán hóa đơn với chính phủ, họ cũng phải tìm đến đây. Cổng chính phủ điện tử phải cung cấp được tất cả những dịch vụ đó".

Một ý tưởng được đánh giá là rất thú vị từ Microsoft là "One call Vietnam". Theo đại diện của Microsoft, portal của Chính phủ điện tử cần thiết lập một tổng đài miễn phí, nơi sẵn sàng trả lời những câu hỏi phổ biến nhất, thường được thắc mắc nhất của người dân.

"Thay vì chạy vạy vòng quanh khắp các văn phòng, cơ quan, người dân sẽ chỉ cần nhấc điện thoại hoặc viết một email gửi tới địa chỉ tổng đài để được giải đáp mọi thắc mắc, nhất là những gì liên quan đến thủ tục hành chính".

"Trong tương lai, chính phủ điện tử cần được "di động hóa", để người dân có thể truy cập vào đó từ bất cứ đâu, trên ôtô, ngoài công trường hay trong văn phòng", ông Phúc nói.

Nguồn: VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...