Israel, Mỹ lo cuống vì S-300
VietnamDefence - Israel, Mỹ rối rít kêu gọi Moskva không bán cho Damascus các hệ thống tên lửa phòng không S-300.
>> Putin nổi điên trang bị S-300 và Iskander cho AssadIsrael đã bày tỏ với Washington sự lo ngại trầm trọng về kế hoạch của Nga bán S-300 cho Syria. Israel cho rằng, S-300 sẽ củng cố vị thế của Tổng thống Bashar al-Assad.
"Chúng tôi đã phản đối thương vụ này với người Nga và người Mỹ cũng làm thế", một quan chức Israel giấu tên nói. Ông này nhấn mạnh, S-300 sẽ làm gia tăng cơ hội của quân chính phủ Syria một khi xảy ra cuộc xâm lược.
Moskva và Damascus từ chối bình luận thông tin này.
Theo các chuyên gia quân sự, việc cung cấp S-300 cho quân đội Syria có thể phá vỡ cán cân sức mạnh trong khu vực. Ý định cung cấp S-300 cho Syria có thể làm xấu đi nghiêm trọng quan hệ của Nga với Israel và Mỹ.
Tháng 6/2012, sau chuyến thăm Israel của ông Putin, Moskva đã tạm dừng việc thực hiện hợp đồng bán S-300 cho Syria. Đó là lần đầu tiên Nga thừa nhận sự tồn tại của hợp đồng bán hệ thống phòng không này cho Syria.
Trong khi đó tờ The Wall Street Journal hôm 8/5/2013 cho hay, Nga đang dự định cung cấp cho Syria các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300. Nga và Syria đã đạt được hợp đồng cung cấp 4 đại đội S-300 trị giá 900 triệu USD từ năm 2010, nhưng nay Syria mới bắt đầu thanh toán cho Nga để thực hiện hợp đồng trị giá 900 triệu USD này. Israel cho biết, Syria đã thực hiện một đợt thanh toán trong năm nay thông qua Ngân hàng Ngoại thương VEB của Nga.
Các nguồn tin Israel cho hay, mỗi đại đội S-300 được biên chế 6 bệ phóng cùng 144 quả tên lửa phòng không tầm trung. Đợt giao hàng đầu tiên có thể được thực hiện trong 3 tháng sau đó và sẽ hoàn tất trước cuối năm 2013. Dự kiến, Nga cũng sẽ cử sang Syria 2 đội chuyên gia để huấn luyện binh sĩ Syria vận hành S-300. Hiện nay, các chuyên gia Nga về các hệ thống tên lửa cũng đang làm việc ở Syria.
S-300 là họ hệ thống tên lửa phòng không tầm trung, dùng để phòng thủ các mục tiêu công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và sở chỉ huy chống các phương tiện tiến công đường không của đối phương. S-300 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu đường đạn và khí động. Đây là hệ thống tên lửa phòng không đa kênh đầu tiên, có khả năng bám đến 6 mục tiêu và dẫn 12 tên lửa vào các mục tiêu này.
Sau khi báo chí đề cập thương vụ S-300 với Syria, Mỹ lập tức kêu gọi Nga không cung cấp S-300 cho nước này.
Mỹ cho rằng, Nga không không nên bán vũ khí, trong đó vũ khí phòng không, cho Syria, phát ngôn nhân Nhà Trắng Jay Carney bình luận.
"Chúng tôi biết những tin tức này, nhưng hiện chưa có thông tin mới. Chúng tôi trước sau kêu gọi Nga ngừng cung cấp vũ khí cho chế độ Bashar al-Assad, trong đó có các hệ thống phòng không, bởi lẽ điều đó gây mất ổn định tình hình trong khu vực", ông Carney.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 9/5/2013 cũng nói rằng, việc bán S-300 cho Syria là yếu tố gây bất ổn đối với an ninh của Israel.
"Trước đây, chúng tôi đã nói rằng, các tên lửa là yếu tố tiềm tàng gây bất ổn, nhất là đối với", ông Kerry nói trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Italia Emma Bonino ở Roma.
Ông Kerry còn nhấn mạnh, Mỹ muốn Nga không viện trợ quân sự cho Syria.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga nhiều lần tuyên bố, Nga đang hoàn tất cung cấp vũ khí phòng không theo hợp đồng, nhưng không cung cấp vũ khí gì có thể dùng để chống dân thường.
Mới đây, ngày 3 và 5/5/2013, Không quân Israel đã tiến hành hai đợt không kích dữ dội xuống các mục tiêu quân sự ở ngoại ô Damascus mà không chịu tổn hại gì.
Điều này khiến người ta đặt dấu hỏi lớn về sức mạnh thực tế của phòng không Syria. Một số nghị sĩ Mỹ nhân cơ hội này đã hối thúc Tổng thống Barack Obama tấn công Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk và áp đặt vùng cấm bay đối với nước này.
Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của Mỹ, tướng không quân 4 sao về hưu Richard Bowman Myers tuyên bố, lực lượng phòng không Syria được trang bị vũ khí tiên tiến của Nga. Vì thế, hoạt động tác chiến quy mô lớn chống quân đội Syria có thể phải trả giá bằng những tổn thất lớn đối với bên tấn công.
Theo tin tình báo Mỹ, năm 2008, Nga đã bắt đầu chuyển giao các hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1 (SA-22) cho Syria. Hiện nay, nước này có 36 hệ thống này và 8 tiểu đoàn (hệ thống) tên lửa phòng không Buk-M2E (chính thức). Năm 2009, các chuyên gia Nga đã nâng cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora (SA-3) thành Pechora-2M (SA-26). Mỹ đặc biệt lo ngại với các hệ thống tầm xa S-200 (SA-5) vì chúng có thể đe dọa máy bay NATO đóng ở đảo Síp.
Có ý kiến cho rằng, Không quân Israel lọt được vào lãnh thổ Syria chỉ là vì các hệ thống phòng không Syria bị huy động lên miền bắc nước này do những hành động khiêu khích trước đó của Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu trên kênh truyền hình CBS, Tướng Myers khẳng định, tiến hành cuộc chiến không quân ở Syria cực kỳ khó vì phòng không Syria được trang bị các vũ khí hiện đại và mạnh mẽ của Nga.
Khi một nữ phóng viên Mỹ dẫn thông tin trao đổi với một số quan chức cao cấp Nhà Trắng đã hỏi Tướng Myers là ông có coi cuộc không kích Syria mới đây của Israel buộc người ta phải nghi ngờ sức mạnh thật sự của phòng không Syria.
Tướng Myers đã trả lời rằng, (khi không kích Syria) Không quân Israel vẫn ở ngoài tầm với của các hệ thống phòng không (Syria), chính vì thế mà không nên đưa ra những kết luận lầm lẫn về sự sẵn sàng chiến đấu của các hệ thống này trong những điều kiện khác.
Trước đó, có tin trong cuộc nói chuyện điện thoại với Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Nga Putin đã dọa sẽ nhanh chóng cung cấp tên lửa phòng không S-300 và tên lửa đường đạn chiến thuật Iskander cho Syria.
Dường như sau Libya, Nga không muốn đánh mất một đồng minh có vị trí chiến lược quan trọng và một khách hàng vũ khí lớn như Syria.
Và như báo chí đã đưa tin trước đó, khi tiếp đặc phái viên Nhà Trắng, ông Putin nói như đinh đóng cột là không để lật đổ ông Assad dù chiến sự có lan đến các đường phố Moskva.
Liệu ông Putin thi gan với Mỹ và phương Tây được đến bao giờ trong cuộc khủng hoảng Syria?
Nguồn: Telegrafist, Reuters, RIA Novosti, VZ, 9.5.2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét