Du học sinh Úc: Vất vả, nhưng không đói !
Phản hồi từ 2 bài viết "khá là khốn khổ" của du học sinh đang học tại Úc trên Việt Báo. Hãy đọc qua hai bài viết dưới đây trước khi đọc tiếp nội dung bài viết này.
Đồng đô la rớt giá, lưu học sinh khốn khổ
Lưu học sinh phản hồi về mức sinh hoạt phí
Nếu bạn đã đọc xong hai bài viết trên, thì xin mời đọc những dòng tâm sự dưới đây:
"Là một sinh viên đang học tập tại Úc, dựa trên những thông tin do bạn bè cung cấp, tôi xin khẳng định sinh viên Việt Nam tại Australia tuy vất vả nhưng không bị đói ! Cụ thể thế nào mời bạn xem dưới đây.
1. Chi phí sinh hoạt
SV Đại học Queensland (ảnh :www.uq.edu.au ) |
Theo kết quả phỏng vấn qua điện thoại đối với các sinh viên Việt Nam tại Queensland, Melbourn và Sydney, trung bình mỗi sinh viên chi cho việc ăn uống khoảng 200 – 250 AUD/tháng. Để tiết kiệm chi tiêu, việc nấu ăn và đem cơm đến trường là chuyện phổ biến của sinh viên tất cả các nước, không chỉ riêng sinh viên Việt Nam.Giá thuê nhà nói chung rất đa dạng, nhưng sinh viên mình chủ yếu chi khoảng 80 – 100 AUD/phòng/tuần, cá biệt tại Sydney có thể lên đến 120 AUD/tuần. Mức chi này có thể giảm xuống thấp hơn nếu chịu khó ở…chung phòng. Rất hiếm sinh viên ở Queensland chấp nhận chi khoảng 120 – 150 AUD/phòng/tuần để được hưởng "tiêu chuẩn Úc":))
Như vậy tổng chi phí cho việc ăn ở của SVVN tại Queensland, Melbourn vào khoảng 600 – 650 AUD/tháng; ở Sydney vào khoảng 750 AUD/tháng. Với mức học bổng của đề án 322 (khoảng 800 AUD/tháng) thì nhìn chung dân ta vẫn được đảm bảo cuộc sống.
Chỉ có những sinh viên ở hai thành phố lớn là Sydney và Melbourn là khó khăn hơn chút ít bởi theo tính toán thì đây là hai thành phố có giá cả sinh hoat đắt đỏ nhất Australia.
Tuy nhiên, theo khẳng định của một số sinh viên ADS và MOET hiện đang theo học tại hai thành phố này thì với 800 AUD/tháng, cuộc sống của sinh viên vẫn được đảm bảo, tất nhiên không thể kể đến việc tổ chức tiệc tùng hay đi chơi (cái này thì…vô biên)
2. Chi tiêu cho học tập
Do giá sách rất đắt nên việc mua sách là rất hãn hữu, chủ yếu sinh viên chỉ mua những cuốn thực sự quan trọng và có ý định sử dụng lâu dài. Với hệ thống thư viện hoàn hảo và một cơ chế quản lý rất khoa học, mọi sinh viên (chẳng hạn tại đại học Queensland) đều có thể mượn được những cuốn sách mình cần. Sau đó, sinh viên có thể photo những phần cần thiết.
Việc in và photo tài liệu thường được thực hiện tại các phòng lab của các khoa chuyên nghành. Theo thăm dò tại đại học Queensland, Melbbourn và Sydney thì ở nhiều khoa chuyên nghành đều có chế độ miễn phí nhất định cho việc in hoặc phô tô tài liệu của sinh viên.
Chẳng hạn, sinh viên trường khoa học xã hội (Queensland) có thể mua giấy và in tài liệu miễn phí tại phòng lab của trường. Mặt khác giá dịch vụ photo tại những trường như Queensland cũng không quá đắt (6 cent/trang; in là 8 cent/trang); tại trường Sydney thì tiền in khoảng 11 cent/trang.
Với các bạn học chương trình tiến sỹ thì các tiêu chuẩn này càng thoải mái hơn. Hệ thống thư viện có thể cung cấp đầy đủ tất cả các tài liệu liên quan đến học tập cho nên việc mua sách đôi lúc là không cần thiết. Hơn nữa, nhiều bạn đã tìm mua sách cũ của sinh viên khóa trước (được quảng cáo rất nhiều trong trường) nên cũng giảm thiểu chi phí cho việc mua tài liệu học tập.
Có lẽ bởi vậy mà trong những năm qua, các sinh viên của đề án 322 dù không được hỗ trợ tiền mua sách thì vẫn đảm bảo được việc học…
3. Có cần tăng học bổng?
Theo tôi, chắc chắn cần phải tính đến việc tăng học bổng vì như trình bày trên đây, sinh hoạt phí do đề án 322 cung cấp chỉ đủ cho mức sinh hoạt tối thiểu của sinh viên.
Tuy nhiên, việc tăng học bổng là do tính đến sự biến động giá cả hàng năm chứ không thể chạy theo "quy định của chính phủ Úc". Có lẽ tất cả chúng ta đều ý thức được rằng chúng ta không thể so bì với các nước như Anh, Mỹ, Úc về tiêu chuẩn chi tiêu cho giáo dục.
Do đó, đừng đem tiêu chuẩn của họ ra để yêu cầu chính phủ Việt Nam phải cố làm được như vậy. Mặt khác, cho đến nay đề án 322 là chương trình học bổng quy mô nhất Việt Nam và hãy thử so sánh với học bổng ADS của chính phủ Úc thì sẽ thấy rõ hơn y nghĩa của đề án 322.
Mỗi năm chính phủ Úc cho ta khoảng 150 xuất học bổng với mức kinh phí rất cao (1500 AUD/tháng/SV), nhưng họ khống chế số Tiến sỹ ở mức không quá 10 người/năm. Rõ ràng, chi phí để đào tạo một tiến sỹ tốn kếm gấp hai đến ba lần so với đào tạo một thạc sỹ.
Mục đích của chính phủ ta thông qua chương trình 322 là tạo cơ hội cho nhiều cán bộ được học trình độ cao (TS) thì đương nhiên phải "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu. Cần cả những sự nỗ lực từ phía sinh viên. Học bổng thấp, cuộc sống của du học sinh vất vả nhưng chắc chắn không thể đến mức thiếu đói, vay nợ! Càng không nên khi cứ thiếu lại đòi hỏi nhà nước tăng trợ cấp.
Bên cạnh đó, bất kỳ ai khi dự tuyển học bổng chương trình 322 đều biết rõ rằng đây là chương trình nổi tiếng về…mức học bổng thấp. Đã biết vậy thì theo tôi chúng ta cần xác lập sẵn tinh thần và giải pháp vượt khó (chẳng hạn chọn các trường ở các thành phố trung bình thay vì các thành phố lớn, đắt đỏ) và phải hiểu rằng, để có được mức học bổng như vậy đã là một cố gắng lớn của chính phủ ta.
Qua tiếp xúc với sinh viên đề án 322 tại Queensland tôi không thấy ai kêu ca là thiếu đói cả. Ngược lại, dù đôi khi bực mình vì bị chậm học bổng thì tôi vẫn thấy mọi người vẫn rất thông cảm với chính phủ !
Không ai khác, chính những sinh viên MOET (đề án 322) là những người khởi đầu phong trào đi làm thêm tại Queensland. Đến đây, bạn sẽ được các anh chị tiến sỹ, thạc sỹ tương lai chỉ bảo, hướng dẫn cách tìm việc, xin việc sao cho hiệu quả nhất.
Và bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy họ lấm lem, phờ phạc sau những giờ làm thêm công việc rửa bát, chạy bàn, thu hoạch nông sản, dạy kèm, chấm bài …
Với họ, cơ hội được học tập ở nước ngoài là quan trọng nhất và họ sẵn sàng vượt qua khó khăn, thiếu thốn để tận dụng tối đa cơ hội này. Rất nhiều người ý thức được rằng nhà nước chỉ có thể đảm bảo các chi tiêu thiết yếu ở mức tối thiểu như: học phí, ăn, ở, đi lại, bảo hiểm y tế, còn bản thân họ phải tự chịu trách nhiệm các nhu cầu khác. Trên hết, tôi nghĩ rằng tự mỗi sinh viên cần tìm cách vượt qua khó khăn chứ không nên chỉ trông chờ chính phủ tăng học bổng.
Nguyễn Văn Đáng
(Sinh viên Cao học, Đại học Queensland, Australia)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét