Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Phương pháp tiếp cận nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn

http://casa.ussh.vnu.edu.vn/phuong-phap-tiep-can-nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/

Phương pháp tiếp cận nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn

Khoa học xã hội và nhân văn bao gồm các ngành như Khảo cổ học, Nhân học/Dân tộc học, Sử học, Văn học, Ngôn ngữ học, Kinh tế học, Chính trị học, Văn hóa học, Xã hội học, Luật học, Triết học, Tôn giáo học, Tâm lý học, Công tác xã hội, Đô thị học, Du lịch học, Giáo dục học, Hành chính học… Mỗi ngành khoa học đều có những phương pháp nghiên cứu đặc thù, rất khó để nhận thức đầy đủ. Do vậy, sẽ không có một khung phương pháp chung có hiệu quả cao cho việc nghiên cứu của tất cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Tuy nhiên, trong chừng mực nhất định, chúng ta có thể tìm thấy những điểm chung về phương pháp tiếp cận nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn, mà tuyệt đại đa số các ngành khoa học trong lĩnh vực này đều có thể căn cứ vào đó để vận dụng.

 I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CẦN CÓ KHI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

        Khoa học là gì? Là hệ thống tri thức về qui luật của vật chất và sự vận động của vật chất, về qui luật của tự nhiên, xã hội và tư duy được hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển, bổ sung, phủ định, điều chỉnh trên cở sở thực tiễn.
Thí dụ 1: Quan niệm Nhà nước Hùng Vương ra đời cách đây 4.000 năm đã được thay thế bằng niên đại thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, tức cách ngày nay 2.700 năm.
Bản chất của khoa học là khám phá những kiến thức mới, học thuyết mới về tự nhiên và xã hội mang tính chất đúng hơn, tốt hơn, để thay thế những cái cũ không còn phù hợp. Một học giả Hoa Kỳ đã khái quát một cách hài hước nhưng chuẩn xác rằng: khoa học là sự thay thế một tri thức sai lầm này bằng một tri thức sai lầm khác đỡ sai lầm hơn.
Nói ngắn gọn, khoa học là cái đúng hơn về học thuyết và mới hơn về kiến thức, hoặc thỏa mãn một trong hai yếu tố đó.
Nghiên cứu khoa học (NCKH) là gì? Là hoạt động tìm kiếm thông tin thông qua xem xét, phỏng vấn, điều tra, hoặc thử nghiệm để nghiên cứu, phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội, hoặc để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, giá trị hơn.
Tuy nhiên, muốn làm NCKH, bắt buộc phải có kiến thức vững vàng về lĩnh vực nghiên cứu và cái chính là phải rèn luyện cách làm việc tự lực, có phương pháp.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu là gì?
- Đối tượng nghiên cứu: là bản chất của sự vật hay hiện tượng cần xem xét và làm rõ trong nhiệm vụ nghiên cứu.
- Phạm vi nghiên cứu: là giới hạn khảo sát đối tượng nghiên cứu trong trong phạm vi nhất định về mặt thời gian, không gian và lĩnh vực nghiên cứu.

Mục đích và mục tiêu nghiên cứu là gì?
Cần phân biệt sự khác nhau giữa mục đích và mục tiêu.
Mục đích: là hướng đến điều gì đó hay công việc nào đó trong nghiên cứu (khó có thể đo lường hay định lượng) mà người nghiên cứu mong muốn hoàn thành.
Mục đích trả lời câu hỏi "nhằm vào việc gì?", hoặc "phục vụ cho điều gì?" và mang ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu.
Mục tiêu: là thực hiện điều gì hoặc hoạt động nào đó cụ thể, rõ ràng (có thể đo lường hay định lượng) mà người nghiên cứu sẽ hoàn thành theo kế hoạch đặt ra trong nghiên cứu.
Mục tiêu trả lời câu hỏi "làm cái gì?" và là điều mà kết quả phải đạt được.

Thí dụ 2: 
Đề tài: "Ảnh hưởng của việc bố trí lớp học, giờ học đến chất lượng giảng dạy, học tập trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở trường Đại học K".

Mục đích của đề tài: Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập cho cán bộ và sinh viên.

Mục tiêu của đề tài: Ít nhất cũng có hai mục tiêu
1. Xác định được số lượng sinh viên trong một lớp học vừa đủ để đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
2. Xác định được thời điểm và giãn cách tối ưu trong việc bố trí giờ học cho các học phần tín chỉ cụ thể.

Cấu trúc của phương pháp luận nghiên cứu khoa học là gì?
Cấu trúc của phương pháp luận NCKH bao gồm luận đề, luận chứng và luận cứ.
- Luận đề là một "phán đoán" hay một "giả thuyết" cần được chứng minh, nhằm trả lời câu hỏi "chứng minh điều gì?" trong nghiên cứu.
- Luận chứng là phương pháp để xác định mối liên hệ giữa các luận cứ và giữa luận cứ với luận đề, nhằm trả lời câu hỏi "chứng minh bằng cách nào?".
- Luận cứ là những số liệu, dữ liệu thu thập từ các thông tin, tài liệu tham khảo, quan sát, điều tra hay thực nghiệm, nhằm trả lời câu hỏi "chứng minh bằng cái gì?".

II. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN CƠ BẢN TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Trình tự nghiên cứu khoa học gồm 7 bước cơ bản sau:
1. Quan sát sự vật, hiện tượng
2. Phát hiện và đặt vấn đề nghiên cứu
3. Đặt giả thuyết nghiên cứu (hay luận đề)
4. Xây dựng luận chứng
5.Tìm luận cứ lý thuyết và luận cứ thực tiễn (Thu thập thông tin hay dữ liệu thí nghiệm)
6. Xử lý thông tin, phân tích
7. Tổng hợp kết quả, kết luận, khuyến nghị

Bước 1: Quan sát sự vật, hiện tượng
Là quan sát, theo dõi một cách khách quan sự vật, hiện tượng, qui luật của sự vận động, mối quan hệ… của thế giới xung quanh và dựa vào kiến thức, kinh nghiệm hay các nghiên cứu có trước để khám phá, tìm ra kiến thức mới, giải thích các qui luật vận động và mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng.
Quan sát sự vật, hiện tượng là quá trình giúp cho ý tưởng phát sinh, là cơ sở hình thành câu hỏi và đặt ra giả thuyết để nghiên cứu.
Bước 2: Phát hiện và đặt vấn đề nghiên cứu 
Là phát hiện vấn đề và tìm kiếm câu hỏi cần được giải đáp trong quá trình nghiên cứu.
Có nhiều phương pháp phát hiện vấn đề, như phân tích theo cấu trúc logic của các tài liệu thu thập được; nhận dạng những bất đồng trong tranh luận tại các hội nghị thảo luận; nghĩ ngược lại những quan điểm thông thường; nhận dạng những vướng mắc trong hoạt động thực tế; lắng nghe lời phàn nàn của những người không am hiểu; những câu hỏi bất chợt xuất hiện không phụ thuộc lý do nào.
Vấn đề nghiên cứu là câu hỏi được đặt ra khi người nghiên cứu đứng trước những mâu thuẫn giữa tính hạn chế của tri thức hiện có với các yêu cầu phát triển tri thức đó ở trình độ cao hơn.

Thí dụ 3: Quan sát việc học tập của sinh viên ở trường Đại học K trong suốt học kỳ, H phát hiện hiện tượng một số sinh viên nghỉ học, chuồn giờ, xao nhãng trong giờ học của các học phần lý luận chính trị nhiều hơn các học phần khác. Với hiện tượng quan sát được, câu hỏi mà H tự đặt ra có thể là: Phải chăng do các sinh viên thiếu nền tảng tri thức căn bản về khoa học xã hội-nhân văn nên khó tiếp thu môn học, đâm ra lười biếng? Hay do kết cấu nội dung và thời lượng của môn học chưa hợp lý? Hoặc do người truyền đạt thiếu thuyết phục?
Bước thực hiện này có 2 yêu cầu cần thỏa mãn:
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu: thể hiện ở mức độ ưu tiên giải quyết những vấn đề mà lý luận và thực tiễn đặt ra.
2. Điều kiện đảm bảo cho việc nghiên cứu đề tài: bao gồm cơ sở thông tin, tư liệu; phương tiện, thiết bị; quỹ thời gian, năng lực, sở trường của những người tham gia.

Bước 3: Đặt giả thuyết nghiên cứu 
Đây là những nhận định sơ bộ về bản chất sự vật, do người nghiên cứu đưa ra, là hướng nghiên cứu sẽ thực hiện các quan sát hoặc điều tra thực nghiệm để chứng minh hay bác bỏ đối tượng nghiên cứu.
- Tiêu chí xem xét một giả thuyết là giả thuyết phải được xây dựng trên cơ sở quan sát, không được trái với lý thuyết và có thể kiểm chứng.
- Bản chất logic của giả thuyết là một phán đoán, nằm ở vị trí luận đề trong cấu trúc logic của chuyên khảo khoa học và chính là điều mà người nghiên cứu phải chứng minh.
- Khi xây dựng giả thuyết, cần nắm vững các nguyên tắc nhận dạng chuẩn xác loại hình nghiên cứu, tìm mối liên hệ giữa giả thuyết với vấn đề khoa học.
- Phương pháp đưa ra một giả thuyết khoa học là người nghiên cứu cần phải quan sát, phát hiện được vấn đề, và đặt giả thuyết chính là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đã đặt ra. Quá trình liên kết, chắp nối các sự kiện, các số liệu thu thập được từ trong quan sát, thực nghiệm để đưa ra một giả thuyết chính là quá trình suy luận, là một phạm trù của logic học hình thức.
- Kiểm chứng giả thuyết là khẳng định hoặc phủ định giả thuyết và được thực hiện nhờ vào các thao tác logic chứng minh hoặc bác bỏ.
- Chứng minh/hay bác bỏ một giả thuyết là sự vận dụng các quy tắc logic và các phương pháp thu thập và xử lý thông tin (luận chứng), tìm kiếm cơ sở lý thuyết hoặc thực nghiệm khoa học (luận cứ) để khẳng định tính đúng đắn/hay tính sai luận của giả thuyết.

Thí dụ 4: Với những câu hỏi đặt ra ở thí dụ 3, các giả thuyết có thể hình thành để H nghiên cứu như:
1. Đánh giá tính hợp lý của kết cấu nội dung và thời lượng của các học phần lý luận chính trị trong tổng thể chương trình đào tạo bậc đại học hiện nay.
2. Giải pháp nâng cao niềm say mê và chất lượng dạy và học các học phần lý luận chính trị ở trường Đại học K.

Bước 4: Xây dựng luận chứng
Sau khi xây dựng giả thuyết nghiên cứu, người nghiên cứu phải thu thập các thông tin để chứng minh hay bác bỏ giả thuyết.
Nội dung cơ bản của xây dựng luận chứng là dự kiến kế hoạch thu thập và xử lý thông tin, lên phương án chọn mẫu khảo sát; dự kiến tiến độ, phương tiện và phương pháp quan sát hoặc thực nghiệm.
- Các loại thông tin bao gồm: cơ sở lý thuyết liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu; kết quả nghiên cứu của những người thực hiện trước; sự kiện hoặc số liệu; tài liệu thống kê.
- Các dạng tồn tại của thông tin:
+ Tài liệu thành văn: tác phẩm khoa học, sách giáo khoa, tạp chí chuyên ngành, báo chí, các báo cáo khoa học, tài liệu trên giấy, vải, gỗ, đá, kim loại…
+ Tài liệu hồi cố, nhân chứng.
+ Hiện vật: dạng tồn tại trong thực tế của vật chất.
- Các phương pháp chủ yếu để thu thập thông tin: nghiên cứu tài liệu hoặc đối thoại trực tiếp; quan sát trên đối tượng khảo sát; thực nghiệm trực tiếp trên đối tượng khảo sát hoặc trên những vật mô phỏng.
- Phương pháp tiếp cận thu thập thông tin: là sự lựa chọn chỗ đứng để quan sát đối tượng nghiên cứu, là sự khởi đầu của quá trình tiếp xúc với đối tượng nghiên cứu, là sự đi trước của tư duy trước khi bắt tay thực hiện những thao tác cụ thể của quá trình thu thập thông tin.
Tiếp cận thu thập thông tin bao gồm: tiếp cận hệ thống có cấu trúc; tiếp cận định tính và định lượng; tiếp cận tất nhiên và ngẫu nhiên; tiếp cận lịch sử và logic; tiếp cận cá biệt và so sánh; tiếp cận phân tích và tổng hợp.
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu: mục đích là tìm hiểu lịch sử nghiên cứu vấn đề, nắm bắt những nội dung người đi trước đã làm, không mất thời gian lặp lại những công việc người đi trước đã thực hiện. Nội dung phân tích có thể bao gồm: phân tích nguồn, phân tích tác giả, phân tích nội dung và tổng hợp tài liệu.
- Phương pháp phi thực nghiệm: là phương pháp thu thập thông tin dựa trên sự quan sát, quan trắc những sự kiện đã hoặc đang tồn tại, trên cơ sở đó phát hiện quy luật của sự vật hoặc hiện trượng. Trong phương pháp phi thực nghiệm, người nghiên cứu chỉ quan sát những gì đã và đang tồn tại, không có bất cứ sự can thiệp nào gây biến đổi trạng thái của đối tượng nghiên cứu.
Phương pháp phi thực nghiệm bao gồm: quan sát khách quan; phỏng vấn; phương pháp hội đồng; điều tra bằng bảng hỏi.
- Phương pháp thực nghiệm: chủ yếu được sử dụng trong các ngành khoa học thực nghiệm. Đây là phương pháp thu thập thông tin bằng cách quan sát trong điều kiện có gây biến đổi đối tượng khảo sát một cách chủ định. Bằng cách thay đổi tham số, người nghiên cứu có thể thu được những kết quả mong muốn, như: tách riêng từng phần thuần nhất của đối tượng nghiên cứu để quan sát; biến đổi các điều kiện tồn tại của đối tượng nghiên cứu; rút ngắn được thời gian tiếp cận trong quan sát; tiến hành những thực nghiệm lặp lại nhiều lần để kiểm tra lẫn nhau; không bị hạn chế về không gian và thời gian.

Bước 5: Tìm luận cứ lý thuyết và luận cứ thực tiễn 
Tìm luận cứ lý thuyết là xây dựng cơ sở lý luận của nghiên cứu. Khi xác định được luận cứ lý thuyết, người nghiên cứu biết được những bộ môn khoa học nào cần được vận dụng để làm chỗ dựa cho công trình nghiên cứu.
Thu thập dữ liệu để hình thành các luận cứ thực tiễn. Dữ liệu cần thu thập bao gồm những sự kiện và số liệu cần thiết cho việc hoàn thiện luận cứ để chứng minh giả thuyết. Nếu các sự kiện và số liệu không đủ thoả mãn nhu cầu chứng minh giả thuyết, phải có kế hoạch thu thập bổ sung dữ liệu.

Bước 6: Xử lý thông tin, phân tích và bàn luận kết quả xử lý thông tin
Kết quả thu thập thông tin từ công việc nghiên cứu tài liệu, số liệu thống kê, quan sát hoặc thực nghiệm tồn tại dưới hai dạng: Định tính và định lượng (các số liệu). Các sự kiện và số liệu cần được xử lý để xây dựng các luận cứ, làm bộc lộ các quy luật, phục vụ việc chứng minh hoặc bác bỏ các giả thuyết.
Đánh giá mặt mạnh, mặt yếu, chỉ ra những sai lệch đã mắc phải trong quan sát, thực nghiệm, đồng thời đánh giá ảnh hưởng của những sai lệch ấy, mức độ có thể chấp nhận trong kết quả nghiên cứu.

Bước 7: Tổng hợp kết quả, kết luận, khuyến nghị
Tổng hợp để đưa ra bức tranh khái quát về kết quả nghiên cứu.
Đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của kết quả nghiên cứu.
Khuyến nghị khả năng áp dụng kết quả và định hướng tiếp tục nghiên cứu hoặc chấm dứt sự nghiên cứu.

III. CẤU TRÚC MỘT ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG SINH VIÊN
Đề tài nghiên cứu của sinh viên trong khoa học xã hội và nhân văn thông thường gồm 4 phần chính sau:
A. Phần mở đầu
1.Tính cấp thiết của đề tài, ý nghĩa khoa học và thực tiễn
2.Tổng quan các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước về đề tài (lịch sử nghiên cứu vấn đề)
3.Mục đích, đối tượng, nội dung và phạm vi nghiên cứu đề tài
4.Phương pháp nghiên cứu đề tài (nêu các phương pháp được lựa chọn phù hợp với đề tài nghiên cứu)
5.Những đóng góp mới của báo cáo
6.Bố cục chính của báo cáo
B. Phần nội dung và kết quả nghiên cứu
1.Thực trạng về đối tượng nghiên cứu
2.Kết quả nghiên cứu phi thực nghiệm, thực nghiệm
3.Phân tích, đánh giá kết quả phi thực nghiệm, thực nghiệm
C. Phần kết luận
1.Khái quát kết quả nghiên cứu
2.Đề xuất, kiến nghị các giải pháp về đối tượng
3.Định hướng nghiên cứu tiếp tục
D. Phần thư mục tham khảo, phụ lục
1.Thư mục tham khảo (các tài liệu, thông tin đã sử dụng trong đề tài)
2.Phụ lục (tư liệu, tranh ảnh, sơ đồ, biểu đồ, bản đồ minh họa nếu có)
Trên đây là những nội dung và phương pháp cơ bản nhất mà khi nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xã hội và nhân văn, phần lớn các ngành khoa học liên quan đều có thể sử dụng.

   Huế, ngày 19 tháng 12 năm 2010
ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến

(ĐH Khoa học Huế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...