Trung Quốc chuẩn bị nam tiến
VietnamDefence - Ngay vào đầu thập kỷ 1990, Trung Quốc, sau khi bình thường hóa quan hệ với Nga, đã quyết định "Tựa Bắc, an Đông, Tây, tiến Nam".
Thay đổi định hướng phát triển
Ngay vào đầu thập kỷ 1990, Trung Quốc, sau khi bình thường hóa quan hệ với Nga, đã quyết định "Tựa Bắc, an Đông, Tây, tiến Nam". "Đông và Tây" là châu Âu, Mỹ, Ấn Độ. "Bắc" là Nga - đối tác, nhà cung cấp vũ khí tối tân, công nghệ, tài nguyên. Sau khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc hết lo cuộc tấn công của mấy chục sư đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới Liên Xô vào sâu lãnh thổ Trung Quốc, công tác xây dựng quân sự của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ở các khu vực miền bắc hầu như dừng lại.
Quân đội Trung Quốc đã giảm quân số từ 3 triệu người trước đây xuống còn tổng cộng 2 triệu người, đã trở nên cơ động hơn, hiện đại hơn và mạnh hơn. Mới đây, Trung Quốc đã quyết định tiếp tục giảm lục quân đi thêm 700.000 người. Các đơn vị bộ binh yếu, trang bị tăng-thiết giáp lạc hậu bị cắt giảm, còn các binh đoàn cơ động, cơ giới hóa, đổ bộ đường không và lính thủy đánh bộ được tăng cường rất mạnh. Đồng thời, họ dự định tăng cường không quân và hải quân.
Không quân Trung Quốc vào đầu thập kỷ 1990 có hơn 4.000 máy bay tiêm kích cổ lỗ. Trong thập niên gần đây, nhiều máy bay trong số đó đã bị loại bỏ, lực lượng tiêm kích của không quân Trung Quốc hiện có gần 1300 chiếc.
Nhưng ngay hiện nay, các máy bay hiện đại như Su-27 hay J-10 (chế tạo theo tài liệu kỹ thuật của dự án Lavi của của Israel) cũng chỉ chiếm vẻn vẹn ¼ toàn bộ lực lượng không quân tiêm kích. Các loại máy bay chủ lực là J-7 và J-8 các đời khác nhau. J-7 chính là bản sao chép loại máy bay lừng danh MiG-21, còn J-8 là máy bay ở trình độ MiG-23 hay Su-15.
Trong không quân tiến công, bức tranh cũng tương tự.
Không quân Trung Quốc sẽ phát triển theo hướng quen thuộc "chế tạo 20 - loại bỏ 100", các máy bay hiện đại rất đắt tiền và chỉ được sản xuất loạt nhỏ.
Hải quân được Trung Quốc tăng cường rất mạnh và rất nhanh. Họ mua 4 tàu khu trục của Nga, đến 10 tàu khu trục và frigate đóng theo các thiết kế được phát triển có sự giúp đỡ của Nga. Chúng được trang bị vũ khí và máy móc của Nga hoặc sản xuất theo giấy phép. Họ đóng hàng loạt các tàu đơn giản hơn do họ tự thiết kế. Họ đã hạ thủy 2 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa mới, song tên lửa cho chúng thì đến nay vẫn chưa có.
Trung Quốc cũng đóng các tàu ngầm nguyên tử và thông thường trang bị ngư lôi mới. Về độ ồn, chúng gần với các tàu ngầm "lỗ đen đại dương" lớp Kilo Projekt 636М. Họ đưa vào trang bị 1 tàu đổ bộ thế hệ mới, các tàu đổ bộ và tàu tên lửa nhỏ.
Trung Quốc dự định đóng cả tàu sân bay. Hiện chưa rõ, người Trung Quốc sẽ tự sao chép tàu tuần dương chở máy bay của Liên Xô hay là nhờ vả ngay các công trình sư Nga. Nhưng kiểu gì thì họ cũng gặp khó khăn với các máy bay dành cho tàu sân bay. Vấn đề là ở chỗ họ sẽ không thể biến tiêm kích J 10 dù là với động cơ mạnh của Nga thành máy bay trên hạm. Trung Quốc muốn mua một số Su-33 để tìm cách sao chép, song Nga đòi Trung Quốc phải mua cả lô đầy đủ. Hai bên vẫn đang đàm phán.
SU-27 "Trung Quốc"
Nỗ lực của các kỹ sư Trung Quốc tự lực chế tạo bản sao chép Su-27 của Nga hiện chưa thành công. Máy bay họ làm được gọi là J-11B có tính năng tồi hơn Su-27 rất nhiều. Động cơ Trung Quốc nhái động cơ Nga AL-31FM có dự trữ làm việc chỉ có 25-30 so với 500-1000 theo quy định.
Mục tiêu chính - Đài Loan
Tăng cường hải quân, không quân, các đơn vị cơ động hoàn toàn phù hợp với chủ trương "sử dụng sức mạnh hướng Nam" của Trung Quốc. Tất cả những cái đó cần để đối chọi với Hải quân Mỹ, loại trừ những sự đe dọa có thể từ phía Nhật bản. Bởi lẽ mục tiêu chính của đường lối đối ngoại của Trung Quốc là tái thống nhất với Đài Loan và bảo đảm việc cung cấp liên tục tài nguyên, cụ thể trung chuyển dầu mỏ mua từ vịnh Persique.
Ban lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ là không thể mua vũ khí công nghệ cao của quốc gia mà họ có thể xung đột. Trong thời điểm khẩn yếu, vũ khí đó có thể không hoạt động giống như hệ thống chỉ huy phòng không Iraq mua của Pháp năm 1991. Bởi vậy mà Trung Quốc chủ yếu mua vũ khí trang bị của Nga cho quân đội của họ.
Trung Quốc không hề có ý định lập kế hoạch chiến tranh chống Liên bang Nga. Gần như tất cả những gì họ cần ở chúng ta họ đều có thể mua một cách đơn giản. Người Trung Quốc biết Học thuyết quân sự của Nga và hiểu rằng, một cuộc xung đột lớn nước Nga sẽ giải quyết bằng tiềm lực vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược hùng mạnh của mình. Chính vì vậy, quân số quân đội lớn nhỏ gì cũng không tránh được cho họ thất bại, đơn thuần là tổn thất sẽ vô cùng lớn.
Liệu có cần đánh nhau với cường quốc hạt nhân vì một triển vọng đáng ngờ và cái chết chắc chắn của hàng trăm triệu người Trung Quốc không? Một dân tộc có nền văn hóa và lịch sử lâu đời như thế thật khó lòng làm việc đó. Nhưng họ sẽ vẫn duy trì quan hệ bình đẳng với Nga chừng nào Nga sẽ vẫn có quân đội hiện đại và hùng mạnh.
Duyệt binh của hàng nhái hay hàng chế tạo theo giấy phép?
Tham gia cuộc duyệt binh tại quảng trường Thiên An Môn có hơn 5000 binh sĩ, hơn 500 phương tiện kỹ thuật và 151 máy bay. So với các cuộc duyệt binh ở Moskva thì phương tiện kỹ thuật Trung Quốc đi chậm hơn để mọi người có thể quan sát thật kỹ. Có người nói đây là "cuộc duyệt binh của hàng nhái". Quả là có thế, song số mẫu vũ khí sản xuất theo giấy phép, kể cả của Nga, vẫn nhiều hơn nhiều.
Tham gia duyệt binh là các xe chiến đấu bộ binh ZTD-05. Trung Quốc từng có thời quan tâm đến BMP-3, song cũng muốn có một loại xe có cấu tạo khác. Tháp xe họ đặt mua ở Tula (Nga). Sau đó, tháp xe này có tên Bakhcha-U đã xuất hiện trên xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4 và các xe khác. Dây chuyền hàn tháp xe họ đã mua của Nga, song linh kiện hiện vẫn do Nga cung cấp. Khung gầm của xe cũng do các kỹ sư ở Kurgansk (Nga) hoàn thiện cho ngon lành vì thế sự giống nhau với BMP-3 vẫn rất rõ.
Xe tăng ZTZ-96G là xe tăng trình độ Т-72B của Nga. Pháo, máy nạp đạn tự động và nhiều chi tiết, bộ phận khác của Nga được mua theo giấy phép. Vỏ giáp do người Trung Quốc tự làm nên các chuyên gia đánh giá là rất yếu. Nhưng đó là xe tăng số lượng lớn, hiện có hơn 2000 chiếc.
Loại tăng mạnh hơn ZTZ 99 nhờ kết hợp các công nghệ của Nga, động cơ của Đức và quan điểm của Trung Quốc về xe tăng tương lai thì lại nặng và cồng kềnh mà vẫn không tránh khỏi những nhược điểm của tổ tiên nó là Т-72 và thậm chí còn có thêm những nhược điểm về vỏ giáp.
Đầu thập niên 1990, Trung Quốc đã mua các hệ thống tên lửa phòng không S-300 đầu tiên của Nga và trong thời gian dài đã cố sao chép nó. Kết quả không đạt yêu cầu nên họ đã buộc phải mua giấy phép. Vậy là xuất hiện hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc - bản sao chép đơn giản hơn của S-300. Hệ thống này lắp trên khung gầm bánh lốp do Trung Quốc sản xuất vốn được thiết kế với sự tham gia của Belarus.
Các hệ thống rocket phóng loạt 300 mm PHL-05 cũng đã tham gia duyệt binh cũng với khung gầm này. PHL-05 cũng là bản sao theo giấy phép của hệ thống Smerrch của Nga vì nỗ lực làm nhái của họ đã thất bại.
Trung Quốc cũng sao chép nhiều loại vũ khí trang bị của Pháp - đó là xe bọc thép 6 bánh lốp và hệ thống tên lửa phòng không Crotale mà Trung Quốc đặt tên là HQ-7B. Còn trực thăng Z-9 là trực thăng Dauphin chế tạo theo giấy phép của Pháp.
Sức mạnh tên lửa
Lực lượng pháo binh 2 (tên lửa chiến lược) của Trung Quốc xem ra khá đáng sợ. Tham dự duyệt binh là các tên lửa từ chiến thuật (tầm ngắn) đến các xe bệ phóng tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31A và tên lửa tầm trung DF-21A chuyên dùng để đối phó với các binh đoàn tàu sân bay.
Nhiều nhà phân tích quân sự đã trông chờ Trung Quốc lần đầu tiên trưng diễn DF-41A. Đó là nỗ lực chế tạo tên lửa đường đạn xuyên lục địa cơ động bằng cách lắp lên khung gầm bánh lốp như tên lửa Topol của Nga. Người ta đã gán cho tên lửa này những khả năng thần kỳ, trong đó có loại phần chiến đấu mang 10 đầu đạn. Song Trung Quốc đã không cho ra mắt loại tên lửa này. Theo các thông tin hiện có, dự án tên lửa này đã bị đóng lại từ 2 năm trước, các vụ thử nghiệm cũng chưa được bắt đầu.
Tuy nhiên, họ đã cho xuất hiện 12 tên lửa DF-31A lắp trên bán moóc nên cũng dễ bị tổn thương hơn. Xem ra thì Trung Quốc không có nhiều tên lửa DF-31A hơn con số này.
Nguồn: Con rồng đỏ chuẩn bị nam tiến / Yaroslav Vyatkin // AN.-N41(179), 15.10.2009.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét