Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

“Tính kế” săn lùng “sát thủ dưới lòng đại dương” (2)

http://kienthuc.net.vn/vu-khi/201307/Tinh-ke-san-lung-sat-thu-duoi-long-dai-duong-2-913428/

"Tính kế" săn lùng "sát thủ dưới lòng đại dương" (2)

(Kienthuc.net.vn) - Bom chìm, súng cối là những vũ khí đầu tiên được dùng phổ biến trong hải quân nhiều nước đối phó với "sát thủ dưới lòng đại dương".
Ngay từ khi tàu ngầm ra đời, đã có những biện pháp để tấn công tiêu diệt chúng. Cơ sở chung của các biện pháp này là, điểm hỏa những lượng nổ ở một độ sâu nhất định để phá tung vỏ và đánh chìm tàu ngầm. Hoặc chí ít cũng gây hư hại, ép tàu ngầm địch nổi lên để tiêu diệt.

Bom chìm chống tàu ngầm

Dạng thô sơ nhất của biện pháp này là bom chìm chống ngầm. Nó đơn giản là một thùng thuốc nổ nặng hàng trăm kg, có một cơ cấu điểm hỏa cho phép phát nổ ở độ sâu xác định, tối đa lên đến 170m. Loại vũ khí chống ngầm này ra đời từ năm 1915 như một biện pháp khẩn cấp để Hải quân Anh - Mĩ chống lại tàu ngầm U-boat của Đức.

Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, bom chìm được đánh giá là không hiệu quả lắm. Tuy chúng sử dụng rất nhiều thuốc nổ, nhưng cách điểm hỏa "hú họa" khiến xác suất diệt mục tiêu rất thấp. Trong khi đó, tàu ngầm Đức có vỏ thép dày và vững chắc, nên dù bom chìm có phát nổ cách thân tàu ngầm 5m cũng chỉ như "muỗi đốt inox".
Bom chìm phát nổ phía sau chiếc tàu chiến của Hải quân Anh.

Chính vì vậy, trong suốt giai đoạn 1915-1917, bom chìm chỉ phá hủy được 9 tàu ngầm U-boat trong số hơn 300 tàu ngầm của Đức. Tuy nhiên, bom chìm lại phát huy tác dụng trong việc đánh chặn ngư lôi của tàu ngầm địch, vì vậy vẫn được duy trì trang bị cho tới tận ngày nay.

Trên các tàu hộ vệ săn ngầm Petya đang có mặt trong biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng có các máy rải bom chìm ở đuôi tàu, sử dụng bom chìm loại BB-1 với cơ số 256 quả. Dĩ nhiên, đây là bom chìm loại nhỏ, rải trên diện rộng để diệt tàu ngầm, không phải những loại bom chìm to nặng hàng trăm kg.

Vì bom chìm có hiệu quả rất thấp, nên đã xuất hiện nhiều ý tưởng, nhìn chung là rất viển vông để cải tiến sức mạnh cho loại vũ khí này. Ví dụ như tăng khối lượng lên đến hàng tấn thuốc nổ mạnh, hoặc sử dụng bom hạt nhân để tiêu diệt toàn bộ hạm đội tàu ngầm địch. Tuy nhiên, tất cả đi vào bế tắc và bom chìm "truyền thống" vẫn là vũ khí chống ngầm chủ lực cho đến năm 1942.

Súng cối diệt tàu ngầm

Cuối năm 1940, Charles Frederick Goodeve - nhà khoa học làm việc cho Bộ Hải quân Anh đã đề nghị phương án sử dụng súng cối bắn đạn chống ngầm.

Hệ thống của ông mang tên Hedgehog, dịch ra có nghĩa là con nhím, ám chỉ hình dáng bề ngoài tua tủa những nòng súng của hệ thống (gồm 24 nòng súng cối, bắn đạn cỡ 183mm chứa 14kg thuốc nổ TNT).
Hệ thống cối chống tàu ngầm Hedgehog.

So với bom chìm chống chầm, súng cối chống ngầm vượt trội toàn diện về mọi mặt:

- Thứ nhất, đạn súng cối phát hỏa theo cơ cấu chạm nổ, nên thủy thủ đoàn không còn phải tính toán độ sâu điểm hỏa như với bom chìm trước đây.

- Thứ hai, để xác định vị trí tàu ngầm, các hạm tàu của quân Đồng Minh phải sử dụng những sợi cáp thu tín hiệu thủy âm (gọi tắt là ASDIC). Nếu đánh tàu ngầm bằng bom chìm, thì dù tàu ngầm có bị diệt hay không, hệ thống ASDIC cũng bị sức công phá cực mạnh của bom chìm phá hủy.

Việc triển khai lại hệ thống mất đến 15 phút, quá đủ thời gian cho tàu ngầm có thể lẩn trốn, hoặc thậm chí phản kích lại. Còn với đạn súng cối chống ngầm, cơ cấu chạm nổ khiến cho chúng chỉ phát nổ khi gặp tàu ngầm. Nếu đánh trượt, thủy thủ đoàn chỉ cần 3 phút để nạp lại đạn, đánh liên tiếp nhiều loạt liên tục.

- Thứ ba là uy lực sát thương khủng khiếp nhờ khả năng bao phủ diện rộng. Súng cối Hedgehog có tầm bắn từ 200-250m, 24 quả đạn rải đều trên một đường tròn đường kính 70m. Nếu sử dụng nhiều tàu, nhiều hệ thống súng cối bắn đồng loạt thì tàu ngầm địch sẽ rất khó thoát. Nhờ vậy, xác suất diệt mục tiêu của súng cối chống ngầm tăng lên 25%, so với 7% của loại bom chìm tốt nhất thời bấy giờ.

Sau sự xuất hiện rất thành công của Hedgehog, những biến thể tiếp theo của nó xuất hiện sử dụng đầu đạn nặng đến 90kg. Ví dụ như đạn MK.4 Squid đươc phát triển năm 1944 hay MK NC10 Limbo, có thể điều chỉnh tầm bắn từ 300-1.000m.

Hải quân Liên Xô cũng cho ra đời những mẫu súng cối chống ngầm mới như MBU-200 (tầm bắn 200m) và MBU-600 (tầm bắn 600m). Ngoài ra, người Liên Xô còn sáng tạo ra một loại vũ khí săn ngầm còn hiệu quả hơn thế và vẫn sử dụng cho tới tận ngày nay.

"Pháo phản lực" săn ngầm

Sau sự ra đời của súng cối chống ngầm Hedgehog, gần như ngay lập tức xuất hiện các mẫu rocket chống ngầm. Trong khi trên bộ, các giàn pháo phản lực BM-13 Katyusha của Hồng quân Liên Xô đã "dập" cho quân phát xít "kinh hồn bạt vía", thì ở dưới nước cũng vậy. Thay vì sử dụng súng cối, các hệ thống rocket chống ngầm sử dụng các đạn phản lực chống ngầm, nhờ đó có tầm bắn xa hơn, tốc độ bắn cao hơn và có thể bắn phủ trên diện rộng, với uy lực sát thương mạnh hơn hẳn.

Một trong hệ thống rocket săn ngầm đầu tiên là Mouse trap ra đời năm 1941 sử dụng loại đạn rocket nặng 29kg (lắp đầu đạn 15kg) và bắn xa đến 280m.

Các biến thể  rocket chống ngầm sau Thế chiến thứ 2 được sử dụng rộng rãi trong Hải quân Mỹ và khối NATO có tên chung là ASROC (Anti Submarine ROCket).

Hệ thống này được phát triển từ những năm 1960 gồm các ống phóng rocket cỡ 422 mm có thể bắn nhiều loại rocket chống ngầm khác nhau, kể cả việc lắp ngư lôi hoặc rocket mang đầu đạn hạt nhân 10 kiloton W-44 với tầm bắn 22 km. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, đây là vũ khí cơ bản để đối phó với lực lượng tầu ngầm chiến lược hùng hậu của Hải quân Liên Xô.
Giàn phóng rocket RBU-6000 trên tàu chiến Petya của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Để đối trọng với Mĩ và NATO, phía Liên Xô cũng cho ra đời liên tiếp các hệ thống rocket chống ngầm RBU-1000, RBU-2500, RBU-6000 và RBU-12000 với tầm bắn tương ứng là tăng từ 1.000 lên 12.000m. Loại vũ khí này được xem như là vũ khí tiêu chuẩn chống ngầm trên hầu hết các tàu chiến Liên Xô và nước Nga sau này.

Tàu hộ vệ săn ngầm Petya của Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện nay cũng có trang bị các hệ thống rocket chống ngầm RBU-2500 (tầm bắn 2.500m với đạn RGB-25) và RBU-6000 (tầm bắn 5.800m với đạn RGB-60) có sức công phá rất mạnh.

Bản thân Hải quân Nga hiện đại vẫn khá ưa dùng mẫu RBU-6000 và RBU-12000 trên chiến hạm mặt nước. Đặc biệt, biến thể nâng cấp của RBU-6000 là RPK-8 được trang bị các rocket 90R có đầu dò tự dẫn, bám đuổi và tấn công tàu ngầm ở độ sâu lên đến 1.000m, với xác suất đánh trúng lên đến 80%. Điều này cũng cho phép các hệ thống rocket chống ngầm có thể tấn công cả các người nhái, hay đánh chặn ngư lôi đối phương.

Tuy vậy, nhìn chung đây chỉ là những vũ khí chống ngầm trong tầm nhìn. Vì vậy nó chỉ là những vũ khí phòng vệ thụ động.

Một tình huống điển hình là tàu ngầm địch phóng ngư lôi và tên lửa diệt hạm tấn công ở cự li gần, làm lộ vị trí. Nếu đánh chặn được những đòn tấn công của tàu ngầm địch, biên đội tàu ta xông lên truy kích, sử dụng ưu thế tốc độ để bắt kịp tàu ngầm địch và tấn công bằng rocket săn ngầm hay bom chìm. Như vậy, hạm tàu ta luôn ở thế bị động chống đỡ. Mà nguyên tắc chiến trường: Tiên hạ thủ vi cường! Người tấn công trước luôn chiếm ưu thế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

(Chơi cho vui) AIRDROP CHAINGE FINANCE - dự án xây dựng ứng dụng ngân hàng số cho mọi người

 Không hiểu lắm về cái này, tuy nhiên thấy quảng cáo khá nhiều, lại chỉ cung cấp vài thông tin cá nhân (mà mấy ông lớn như facebook với goog...